TIẾU NGẠO GIANG HỒ

013. Nguyên nhân rút lui của Lưu Chính Phong



Lâm Bình Chi thấy bóng người lấp loáng trên cửa sổ thì trong lòng hồi hộp vô
cùng. Chàng lún thấp người xuống lại thấy cánh cửa sổ chuyển động.
Nguyên gã họ Cát đổ chậu nước rửa chân ra ngoài rồi, chưa khép cửa cài
then. Lâm Bình Chi bụng bảo dạ: -Mình báo thù rửa hận chính là ở cơ hội này.
Tay phải chàng rút nửa thanh kiếm gãy ở sau lưng ra. Tay trái khẽ bám vào
chấn song, thi triển thế “linh miêu hí điệp” tầm thường chuồn vào trong phòng
không một tiếng động, rồi chàng buông tay ra. ánh trăng lọt qua khe cửa sổ
chiếu vào trong phòng. Lâm Bình Chi nhìn rõ hai người ngủ ở hai cạnh giường.
Hiện đang vào tiết cuối xuân, thành Trường Sa chưa có muỗi, nên người ngủ
không cần buông màn. Người nằm quay mặt vào phía trong đầu hơi hói. Còn
người nằm ngửa thì mày rậm, dưới cằm râu đâm tua tủa như đám cỏ gianh.
Trên bàn trước đặt năm gói đồ, một thanh cương đao và một thanh trường
kiếm. Lâm Bình Chi cầm thanh cương đao lên nghĩ bụng: -Bây giờ mình chém
mỗi tên một nhát dễ như trở bàn tay.
Chàng giơ đao lên toan chém xuống cổ hán tử nằm ngửa, thì trong lòng chợt
nghĩ ra: -Lúc này mình lén lút giết hai gã thì đâu phải là hành động anh hùng
hảo hán? Để ngày sau mình luyện tinh thâm những môn võ gia truyền sẽ đến
giệt trừ quân tặc phái Thanh Thành mới là bản lãnh của bậc đại trượng phu.
Chàng liền lấy đao kiếm và năm gói đặt lên trên bàn cạnh cửa sổ. Chợt thấy
trên bàn có nghiên bút, chàng liền cầm bút đặt lên miệng dấp nước bọt viết
vào mặt bàn ở trước giường một hàng chữ: “Lâm Bình Chi ở Phước Oai tiêu
cục đi chơi qua đây”. Chàng viết xong chữ cuối cùng, bỗng nghe hán tử râu
xồm, tiếng ngáy như sấm thì tính trẻ thơ lại nổi lên. Chàng muốn viết vào mặt
gã mấy chữ. Nhưng chàng vừa cầm bút lên lại cố nén lòng, bụng bảo dạ: -Nếu
gã mà tỉnh dậy thì mình tất phải uổng mạng.
Chàng liền nhẹ nhàng mở cửa sổ nhảy ra ngoài, dắt đao kiếm vào cạnh sườn,
buộc ba gói lên lưng còn hai tay xách hai gói. Chàng đi từng bước một ra viện
sau, trong bụng nơm nớp sợ hai gã tỉnh dậy thì bao nhiêu công trình đều hỏng
hết. Lâm Bình Chi ra đến tàu ngựa, dắt một con cao lớn, mở cổng sau ra ngoài
tiêu cục.
Một người, một ngựa lướt qua rãnh bùn bên đường lại xuyên qua một vườn
rau lớn cho đến khi rời khỏi tiêu cục khá xa chàng mới lên ngựa. Lâm Bình Chi
nhìn nhận kỹ phương hướng chạy ra cửa thành phía Nam.
Lúc này cổng thành chưa mở, Lâm Bình Chi dắt ngựa đến sau một gò đất bên
tường thành, chàng cởi những bọc trên lưng ra treo vào yên ngựa rồi ngồi tựa
gò đất dưỡng thần. Chàng vẫn xao xuyến trong lòng, chỉ sợ hai gã phái Thanh
Thành thức giấc đuổi theo, trống ngực đánh hơn trống làng.
Lâm Bình Chi chờ đến lúc trời sáng, cổng thành mở rồi chàng mới cưỡi ngựa đi
ra. Vừa qua cổng thành, chàng lập tức phi ngựa chạy liền một hơi mười mấy
dặm chàng mới yên tâm.
Từ khi rời khỏi thành Phúc Châu đến nay, bây giờ chàng mới được một lần
khoan khoái trong lòng. Lâm Bình Chi thấy bên đường phía trước mặt có một
cái quán nhỏ.
Chàng vọt ngựa tới nơi, mua bát mì điểm tâm nhưng chàng ăn vội vàng không
dám chần chờ. Ăn xong chàng lập tức móc bao lấy tiền trả. Chàng sờ thấy một
đỉnh bạc nhỏ lấy ra cầm tay bất giác giật mình kinh hãi. Mặt trời chiếu vào ánh
vàng rực rỡ, thì ra là một đỉnh vàng. Chàng sợ nhà quán ngó thấy, vội dúi vào
bọc. Chàng lại sờ đến một đỉnh thật lớn lấy ra coi thì đây mới là đỉnh bạc.
Chàng rút kiếm chặt một góc đưa trả nhà hàng. Nhà hàng nhặt nhạnh tiền
đồng thối lại nhưng kiếm mãi vẫn không đủ số. Lâm Bình Chi dọc đường đã
từng nín nhịn để người ức hiếp. Chàng liền xua tay nói: -Thôi lấy cả cũng
được, khỏi thối mất công.
Đây là lần thứ nhất chàng trở lại ăn xài như một vị đại thiếu gia và xử sự theo
kiểu một vị thiếu tiêu đầu rộng rãi.
Lâm Bình Chi lại đi hơn ba chục dặm nữa thì đến một tòa thị trấn lớn. Chàng
tìm vào khách sạn thuê một căn phòng trên lầu, đóng chặt cửa lại, rồi mở bọc
ra coi thì quả nhiên bốn bọc đều là vàng bạc châu báu cùng đồ trang sức. Bọc
thứ năm có một đôi Dương Chi Ngọc Mã cao năm tấc và một đôi Khổng Tước
bằng ngọc biếc cao bảy tám tấc. Từ thuở nhỏ, Lâm Bình Chi thấy châu báu đã
nhiều, nhưng đội ngọc mã và khổng tước này rất khác thường.
Chàng bụng bảo dạ: -Một phân cục Trường Sa của tiêu cục nhà mình mà đã
nhiều tiền bạc châu báu thế này, chẳng trách phái Thanh Thành để ý dòm
ngó.
Chàng lấy ra một ít bạc vụn để bên mình rồi bốn bọc gói chung làm một bao
lớn đeo vào sau lưng. Chàng nghĩ bụng: -Người không mỏi mệt thì ngựa cũng
mỏi mệt. Ta cần mua một đôi ngựa để sớm đuổi kịp gia gia cùng má má.
Thế rồi chàng ra chợ chọn lấy đôi ngựa tốt. Thế là chàng có tất cả ba con để
thay đổi luôn luôn. Mỗi ngày chàng chỉ ngủ hai ba giờ, còn thì chạy suốt ngày
đêm.
Chẳng mấy bữa chàng đã tới Hành Sơn. Chàng vào thành thấy trên các đường
phố rất nhiều hán tử giang hồ đi đi, lại lại. Chàng chỉ sợ chạm trán bọn
Phương Nhân Trí, nên cúi đầu đi tìm phòng ngủ.
Ngờ đâu chàng tới mấy lữ quán đều đông nghẹt khách trọ.
Đến quán nào thì điếm tiểu nhị cũng bảo chàng: -Còn ba bữa nữa là Lưu đại
gia mở tiệc mừng rửa tay giải nghệ, nên khách mừng đến mướn phòng đông
quá.
Tướng công đi kiếm nơi khác vậy.
Lâm Bình Chi đành tìm đến những đường phố vắng hỏi luôn mấy chỗ mới kiếm
được một gian phòng nhỏ.
Lâm Bình Chi bụng bảo dạ: -Tuy mình đã bôi mặt lem luốc, nhưng Phương
Nhân Trí là một người rất ranh mãnh, chỉ sợ gã nhận ra mình.
Chàng liền vào tiệm bán thuốc mua ba lá cao dán lên mặt cho cặp lông mày rũ
xuống, khóe mắt bên tả hếch lên, chìa nửa hàm răng ra. Chàng lại soi gương
thấy mình thành mặt dơi tai chuột, rất khó coi. Chàng lại buộc cái bọc lớn
đựng vàng bạc châu báu sát vào sau lưng rồi mặc áo ngoài phủ đi. Chàng đi
hơi khom lưng và đã biến thành một người lưng gù, miệng lẩm bẩm: -Bây giờ
dù cho có gặp gia gia và má má, chính các người cũng không nhận ra được
mình, ta chẳng còn lo gì nữa.
Lâm Bình Chi ăn xong một bát mì lớn, rồi đủng đỉnh ra đường phố để cầu may
có gặp song thân chăng, mà không thì dò la tin tức phái Thanh Thành cũng là
có lợi. Lâm Bình Chi đi hàng nửa ngày, đột nhiên trời đổ mưa rào sầm sập.
Nguyên ở đất Tương Nam mưa nhiều, lúc này lại tiết cuối xuân, có khi mưa
hàng mấy ngày không ngớt.
Lâm Bình Chi vào lẳ phố mua một cái nón lớn đội lên đầu. Chàng ngẫng trông
trời chiều thấy còn đen nghịt, chưa có vẻ gì là tạnh mưa. Chàng chuyển qua
đường gặp một quán trà đầy khách. Chàng cũng vào tìm một chỗ ngồi. Trên
bàn có đặt một bình trà hảo hạng, một đĩa hạt dưa và một đĩa đậu.
Lâm Bình Chi uống một chén trà ngồi cắn hạt dưa cho đỡ buồn.
Bỗng nghe có tiếng người nói: -Chú gù kia! Cho anh em ngồi chung với được
không?
Người đó không chờ Lâm Bình Chi trả lời đã ngồi xuống rồi.
Tiếp theo có hai người nữa cũng ngồi vắt ngang một bên.
Ban đầu Lâm Bình Chi không biết là người đó nói với mình. Chàng ngẩn người
ra một chút rồi nghĩ ra chú gù tức là mình. Chàng vội cười đáp: -Được thôi!
Mời các vị cứ ngồi.
Chàng thấy ba người này mình mặc áo đen lưng đeo binh khí. Ba hán tử chỉ
ngồi uống trà nói chuyện với nhau, chứ không hỏi gì đến Lâm Bình Chi. Gã hán
tử nhỏ tuổi nói: -Bành đại ca! Chuyến này Lưu tam gia ăn mừng “rửa tay gác
kiếm” xem chừng có vẻ to tát lắm. Còn ba bữa nữa mới tới ngày đại tiệc mà
trong thành Hành Sơn đã đầy tân khách đến mừng.
Một gã hán tử chột mắt nói: -Cái đó đã hẳn! Nguyên một phái Hành Sơn đã có
oai danh khá lớn lại liên hiệp với Ngũ nhạc nên thanh thế trong võ lâm lại càng
mạnh hơn thì còn phái nào mà chẳng muốn kết giao với họ? Hơn nữa Lưu
Chính Phong tam gia lại là một vị anh hùng lừng lẫy tiếng tăm trên chốn giang
hồ với 36 đường “Hồi phong lạc nhạn kiếm”. Y được kêu là đệ nhị cao thủ
trong phái Hành Sơn, chỉ còn kém chưởng môn phái này là Mạc Đại tiên sinh
một chút mà thôi. Ngày thường đã nhiều người muốn cầu thân với y. Nhưng y
có ba điều khác người: Một là không làm tiệc thọ, hai là không lấy vợ cho con
trai, ba là không gả chồng cho con gái, nên chẳng có dịp nào kết thân được.
Chuyến này mới có tiệc mừng lớn để rửa tay gác kiếm, nên quần hào võ lâm
nghe tin liền tìm đến ngay. Chắc ngày kia trong thành Hành Sơn này còn nào
nhiệt hơn nữa.
Một người nữa chòm râu đốm bạc lên tiếng: -Nếu bảo ai cũng đến để cầu thân
vơi Lưu Chính Phong thì vị tất đã đúng. Như ba chúng ta đây không phải vì
thế, có đúng không? Lưu Chính Phong rửa tay gác kiếm tức là từ nay trở đi
không đụng đến quyền kiếm nữa, dĩ nhiên y không hỏi đến những chuyện ân
oán võ lâm. Thế thì 36 đường “Hồi phong lạc nhạn kiếm” dù cao thâm đến đâu
cũng chẳng có ích gì cho ai. Một người đã rửa tay gác kiếm thì chẳng khác chi
người thường hay hơn nữa là một cao thủ biến thành phế nhân. Vậy người
ngoài giao hảo với y có được việc gì không?
Gã tuổi trẻ nói: -Bành đại ca! Câu chuyện không phải thế đâu. Từ nay Lưu tam
gia tuy không phóng quyền sử kiếm, nhưng cũng là nhân vật thứ hai phái
Hành Sơn. Vậy giao lưu với Lưu tam gia tức là kết giao với phái Hành Sơn, nói
rộng ra là kết giao cả với phái Ngũ nhạc.
Lão họ Bành râu đốm bạc cười lạt hỏi: -Nói đến chuyện kết giao với phái Ngũ
nhạc, liệu ngươi có đáng không?
Gã chột mắt nói: -Bành đại ca! Giả thuyết đó cũng khó lòng đứng vững. Người
ta bôn tẩu giang hồ thì thêm một người bạn không phải là nhiều mà kém một
kẻ thù cũng không phải là ít. Ngũ nhạc kiếm phái tuy võ nghệ cao, thanh thế
lớn, cũng không thể coi rẻ bạn hữu giang hồ. Nếu bọn họ thực tình ra vẻ kiêu
ngạo, không coi người khác vào đâu thì sao trong thành Hành Sơn lại đông
khách đến mừng như vậy?
Lão râu bạc hắng giọng một tiếng ngồi lẳng lặng hồi lâu mới lên tiếng: -Phần
nhiều là những kẻ xu thời phò thịnh, coi họ mà không khỏi tức mình.
Lâm Bình Chi lẳng lặng lắng tai nghe, chỉ muốn ba người nói chuyện với nhau,
để hiểu thêm về tình hình Ngũ nhạc kiếm phái. Ngờ đâu họ không lấy làm
hứng thú chỉ ngồi uống trà chứ không nói gì nữa. Chàng nhớ tới tình trạng cô
gái xấu xa ép mình uống rượu độc rồi bụng bảo dạ: -Lão râu đốm bạc này nói
rất có lý, phái Hoa Sơn cùng phái Thanh Thành cấu kết với nhau thì Ngũ nhạc
kiếm phái gì gì đó chưa chắc đã phải là hạng chính nhân quân tử, đại khái
cũng bọn hổ quần cẩu đảng chẳng có gì hay ho đáng kể.
Bỗng nghe sau lưng có tiếng người khẽ lên tiếng: -Vương nhị thúc! Tiểu điệt
nghe nói Lưu tam gia ở phái Hành Sơn mới tuổi ngoại ngũ tuần, chính là thời
kỳ võ công phát triển mạnh. Không hiểu sao y lại rửa tay gác kiếm?
Tiếp theo có tiếng ồm ồm của một lão già đáp: -Có nhiều nguyên nhân khiến
cho người võ lâm rửa tay gác kiếm. Tỷ như một tên đại đạo trong phe hắc đạo
một đời gây nên tội nghiệt đã nhiều thì họ rửa tay gác kiếm, từ đây đình chỉ
việc giết người cướp của, phóng hỏa đốt nhà, để gỡ gạc thanh danh cho con
cháu họ, họ không bị hiềm nghi nữa. Lưu tam gia giàu có thừa tiền của, nhà
họ Lưu ở Hành Sơn đã phát đạt mấy đời thì dĩ nhiên họ không liên quan vào
điểm này.
Một người khác nói: -Đúng thế! Những việc đó hoàn toàn không liên can đến
họ.
Người được kêu bằng Vương nhị thúc nói: -Phàm người đã học võ đều động
đến đao thương, không khỏi xảy chuyện giết người gây nên nhiều mối oan
cừu. Khi họ tuổi già, nhớ tới nhiều kẻ thù hằn trên chốn giang hồ vì sợ mình
mà ăn không ngon ngủ không yên. Lưu tam gia mời nhiều tân khách để dương
danh cho thiên hạ biết từ đây về sau không đụng đến đao kiếm cũng là có bắn
tin cho kẻ thù hay để họ khỏi lo. Y không đụng đến đao kiếm nữa tức là không
tìm họ để gây chuyện phiền nhiễu.
Gã tuổi trẻ nói: -Vương nhị thúc! Tiểu điệt coi họ làm vậy là thất bại.
Vương nhị thúc hỏi: -Vì lẽ gì mà thất bại?
Gã tuổi trẻ đáp: -Lưu tam gia không đến kiếm họ, nhưng họ bất cứ lúc nào
cũng có thể đến kiếm y. Nếu có người muốn hại mạng y mà y không động đao
kiếm thì ra để mặc cho người ta băm vằm mổ xẻ cũng không có lý nào trả đòn.
Vương nhị thúc cười nói: -Ngươi là một kẻ hậu sinh nên chẳng có chút kiến
thức nào cả. Tỷ như bây giờ có kẻ muốn giết ngươi, vậy ngươi có trả đòn
không? Hơn nữa thanh thế phái Hành Sơn như vậy, võ công Lưu tam gia cao
thâm như vậy, y không đi kiếm người gây chuyện thì người khác đã kính trọng
y như một vị thần minh và lấy làm mãn nguyện lắm rồi. Họ muốn vuốt râu
hùm, ăn gan thiên lôi hay sao mà đến kiếm y gây chuyện? Dù cho Lưu tam gia
tự mình không đụng thủ nhưng Lưu công tử hoặc đồ đệ thiếu gì người, còn ai
dám dây vào nữa? Cái lo của ngươi thật là hão huyền, chẳng khác gì người
nước Kỷ chỉ lo trời sập.
Lão râu đốm bạc ngồi đối diện với Lâm Bình Chi lẩm bẩm tựa hồ nói để mình
nghe: -Vỏ quít dày có móng tay nhọn, mình giỏi còn có kẻ khác giỏi hơn. Làm
gì có người dám tự xưng là thiên hạ vô địch?
Lão nói rất khẽ, nên hai người ngồi phía sau không nghe tiếng.
Bỗng Vương nhị thúc lại nói: -Lại như hạng người mở tiêu cục. Nếu họ sớm
biết tự mãn rút lui cho lẹ, rửa tay gác kiếm thôi làm cái nghề bán sinh mạng
lấy tiền, thì cũng đáng kể là người thông minh có kiến thức. Nhưng Lưu tam
gia chẳng làm nghề bảo tiêu mà cũng không phải quân giặc cướp thì dĩ nhiên
có khía cạnh khác.
Mấy câu này lọt vào tai Lâm Bình Chi khiến chàng kinh tâm động phách, bụng
bảo dạ: -Phải chăng hắn muốn ám chỉ gia gia mình? Nếu gia gia rút lui trước
mấy năm, rửa tay gác kiếm thì sẽ ra sao?
Bỗng nghe lão râu đốm bạc lại tự nói một mình: -Võ thành tan trên bờ giếng,
làm tướng sa trường chịu mạng vong. Người đương cuộc thường mê muội
muốn sớm rút lui đâu phải chuyện dễ?
Người chột nói: -Đúng thế. Mấy bữa nay tiểu điệt nghe người ta nói rất nhiều.
Lưu tam gia đang nổi danh như vừng thái dương lên đến giữa trời mà đột
nhiên rút lui là một điều hiếm có, khiến ai cũng phải khâm phục.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.