TIẾU NGẠO GIANG HỒ

016. Phái Thanh Thành luyện kiếm đêm ngày



Lục Đại Hữu nói: -Lão họ Dư thật là giảo quyệt. Lão viết thư xin lỗi mà thực ra
đưa cáo trạng đến sư phụ, khiến cho đại sư ca phải bị phạt quỳ cổng lớn bảy
ngày, bảy đêm. Các sư huynh đệ phải năn nỉ hoài sư phụ mới tha y.
Thiếu nữ nói xen vào: -Tha gì mà tha? Đại sư ca chẳng bị phạt trượng ba mươi
côn là gì?
Lục Đại Hữu nói: -Ta cũng phải bị phạt theo gót đại sư ca mười côn. Chà chà!
Nhưng mà được thấy hai thằng lỏi Hầu Nhân Anh và Hồng Nhân Hùng bị đá
lăn xuống lầu, bộ dạng hoảng hốt thì có bị mười côn cũng đáng. Ha ha! …
Gã người cao nói: -Coi chừng ngươi chưa có lòng biến cải tính nết chút nào.
Mười côn đó kể như là uổng.
Lục Đại Hữu nói: -Tiểu đệ hối cải thế nào? Đại sư ca đã muốn đá người xuống
lầu thì tiểu đệ làm gì có đủ bản lãnh để ngăn trở y?
Gã người cao lại nói: -Nhưng giả tỷ ngươi đứng bên khuyên đại sư ca mấy câu
có phải hay hơn không? Sư phụ nói thiệt chẳng sai: “Lục hầu nhi chẳng khi nào
khuyên giải ai, gã chỉ chờ lửa cháy đổ dầu thêm thì có. Đập cho gã mười
côn!”.
Mọi người nghe nói đều cười ồ.
Lục Đại Hữu nói: -Lần này sư phụ phạt tiểu đệ thật oan uổng. Tam sư ca thử
nghĩ coi: “Đại sư ca phóng cước mau lẹ biết là chừng nào? Hai vị “đại anh
hùng” đó từ hai bên sấn sổ đi tới, đại sư ca vẫn cầm bát rượu lên nốc ừng ực.
Tiểu đệ đã nhắc y phải cẩn thận. Bỗng nghe hai tiếng “bốp bốp”, tiếp theo hai
tiếng “uỳnh”, thì ra hai vị “đại anh hùng” đã bị đá từ trên lầu lăn ùng ục xuống.
Tiểu đệ định nhìn theo cho kỹ để học tuyệt chiêu “Báo vĩ cước” của đại sư ca.
Nhưng tiểu đệ nhìn còn không kịp thì còn nói chi đến chuyện học đòi? Lửa
cháy đổ dầu thêm thì không có đâu.
Gã người cao lại hỏi: -Lục hầu nhi! Lúc đại ca hô “Cẩu, hùng, dã, trư, Thanh
Thành tứ thú”, ngươi có hô theo không? Hãy nói thực cho ta nghe!
Lục Đại Hữu cười hì hì đáp: -Đại sư ca đã hô như vậy thì có lý đâu bọn sư đệ
không phụ họa để trợ oai phong? Chẳng lẽ tiểu đệ lại đi về hùa với bọn Thanh
Thành thóa mạ đại sư ca ư?
Gã người cao cười nói: -Thế thì sư phụ chẳng phạt oan ngươi chút nào.
Lão già nói: -Lời nói của sư phụ giáo huấn đại sư ca thực đáng để cho mọi
người ghi nhớ trong lòng. Sư phụ đã nói: “Những người học võ trên chốn giang
hồ thật lắm ngoại hiệu mà ngoại hiệu nào cũng quá đáng. Nào là “Oai chấn
Thiên Nam”, nào là “Truy phong hiệp”, nào là “Thủy thượng phi” … thì làm sao
ngươi can thiệp được lắm thế? Người ta muốn xưng “anh hùng hào kiệt” thì
mặc người ta, ngươi cũng cứ thế mà gọi. Nếu hành vi của họ quả theo đường
lối của anh hùng hào kiệt thì chúng ta bội phục và giao kết với họ còn chưa
được, sao lại đem lòng thù ghét? Nếu họ không đáng là anh hùng hào kiệt thì
võ lâm sẽ có công luận. Vậy chúng ta để tâm làm chi?”
Mọi người nghe nhị sư huynh nói đều gật đầu khen phải.
Lão già tủm tỉm cười nói: -Việc đại sư ca đá Hầu Nhân Anh và Hồng Nhân
Hùng xuống lầu là một điều nhục nhã vô cùng cho phái Thanh Thành. Dĩ nhiên
nên bít kín, cả đệ tử bản phái cũng ít người biết. Sư phụ đã ân cần dặn bảo
chúng ta không được tiết lộ để gây nên mối bất hòa giữa hai phái. Vậy từ này
trở đi chúng ta đừng bàn tán lại vụ đó nữa để đề phòng có người nghe biết
mà đồn đại ra ngoài.
Lục Đại Hữu nói: -Tiểu đệ coi võ công của phái Thanh Thành chẳng qua chỉ có
hư danh, dù đắc tội với bọn họ cũng chẳng làm quái gì …
Gã chưa dứt lời thì lão già đã quát lên: -Lục sư đệ! Ngươi đừng ăn nói càn rỡ
nữa. Phải liệu hồn không thì ta về bẩm sư phụ phạt ngươi mười côn đó. Ngươi
đã hiểu chưa? Đại sư ca sử chiêu “Báo vĩ cước” đá được người xuống lầu, một
là vì y nhân lúc họ không kịp phòng bị, hai nữa y là một nhân vật siêu quần
xuất chúng, người khác không thể bì kịp. Liệu ngươi có đủ bản lãnh đá người
xuống lầu được không?
Lục Đại Hữu lè lưỡi xua tay đáp: -Nhị sư ca đừng đem tiểu đệ ra so với đại sư
ca.
Lão già vẻ mặt nghiêm trọng nói: -Dư quán chủ chưởng môn phái Thanh
Thành đúng là một bậc kỳ tài, quái kiệt trong võ lâm hiện nay. Ai dám coi
thường lão thì người đó đến vận xui rồi.
Lão quay lại hỏi thiếu nữ: -Tiểu sư muội! Ngươi đã gặp Dư quán chủ rồi ư?
Ngươi thấy lão thế nào?
Thiắu nữ ấp úng đáp: -Dư quán chủ ư? … tiểu muội thấy lão thật đáng sợ. Từ
đây tiểu muội … không muốn gặp lão nữa.
Giọng nói cô run run như người chưa hết sợ.
Lục Đại Hữu nói: -Lão Dư quán chủ đó có điều chi đáng sợ? Tướng mạo lão
hung dữ khiến cho tiạu sư muội của chúng ta phải bở vía chăng?
Thiếu nữ tựa hồ cảm thấy sợ run. Người cô co lại nhưng không nói gì.
Lão già nói: -Đại sư ca chưa tới đây, hiện không có việc gì. Để ta nói đầu đuôi
cho các vị hiểu nhân quả vụ này, để rồi đây có gặp người phái Thanh Thành sẽ
biết đường đối phó. Một hôm sư phụ nhận được thơ của Dư quán chủ liền nổi
giận đùng đùng. Người trách phạt đại sư ca cùng lục sư đệ một cách gắt gao.
Hôm sau người viết một phong thơ, sai ta đến núi Thanh Thành …
-Té ra hôm ấy nhị sư ca lật đật xuống núi là để đi Thanh Thành phải không?
Lão già đáp: -Đúng thế! Hôm ấy sư phụ còn dặt ta không được nói với các vị
huynh đệ để khỏi sinh chuyện rắc rối.
Lục Đại Hữu hỏi: -Làm sao có rắc rối được? Chẳng qua là sư phụ muốn làm
việc cho thật mật mà thôi.
Gã tam sư huynh nói: -Ngươi còn biết cóc gì nữa. Giả tỷ nhị sư ca mà cho
ngươi hay thì nhất định ngươi đi hớt lẻo với đại sư ca. Tuy đại sư ca không
dám trái lệnh sư phụ, nhưng y sẽ nghĩ cách làm những chuyện cổ quái để
quấy phái Thanh Thành thì nhất định là có thể xảy ra.
Lão già nói: -Tam sư đệ nói rất đúng. Đại sư ca rất nhiều bạn hữu giang hồ. Y
định làm chuyện gì, chưa chắc tự mình đã chịu ra tay. Sư phụ bảo ta rằng:
Trong thơ đều là những điều xin lỗi Dư quán chủ. Hai tên liệt đồ quấy phá
người rất lấy làm tức giận, muốn đuổi ra khỏi môn trường. Nhưng e rằng làm
như vậy thì trên chốn giang hồ người ta đều cho là giữa hai phái nhân việc này
phát sinh chuyện xích mích. Như thế không đẹp. Hiện đã đem hai tên đồ đệ
ngoan cố …
Lão nói tới đây đưa mắt nhìn Lục Đại Hữu.
Lục Đại Hữu vẻ mặt giận dữ hỏi: -Tiểu đệ cũng là tên đồ đệ ngoan cố ư?
Thiếu nữ nói xen vào: -Sư phụ đưa lục sư ca lên ngang hàng với đại sư ca mà
sư ca lấy làm nhục lắm ư?
Lục Đại Hữu nghe cô nói vậy thích quá reo lên: -Đúng đúng! Lấy rượu mau!
lấy rượu mau!
Nhưng quán trà chỉ bán trà chứ không bán rượu. Chủ tiệm vội chạy ra nói: –
Thưa lão gia! Tửu điếm chỉ có những trà Thủy Tiên, Thọ mi, Long tinh, Kỳ
môn, Thiết quan âm chứ không bán rượu.
Lục Đại Hữu liền nói: -Thưa lão gia! Quý điếm mà không bán rượu thì tại hạ
uống trà chứ không uống rượu cũng được. Thưa lão gia!
Chủ quán nói: -Dạ dạ! Thưa lão gia …
Rồi rót nước sôi vào những bình trà.
Lão già lại kể tiếp: -Trong thơ sư phụ còn nói: Hiện nay đã đem hai tên ngoan
đồ đánh đòn rất nặng. Đáng lý bắt chúng phải thân hành lên núi Thanh Thành
xin chịu tội, nhưng vì hai tên ngoan đồ sau khi bị đòn, thương thế cực kỳ trầm
trọng. Không lê bước được nên phái nhị đệ tử là Lao Đức Nặc sang lãnh trách
nhiệm. Vụ này xảy ra hoàn toàn là lỗi ở hai tên ngoan đồ tệ phái. Mong rằng
Dư quán chủ nghĩ đến sự giao hảo của hai nhà từ trước tới đây bỏ việc này đi
đừng để tâm nữa. Ngày sau tại hạ sẽ thân hành sang tạ ơšn.
Lâm Bình Chi nghe lão già Lao Đức Nặc thuật nội dung lời thơ liền nghĩ bụng: –
Phái Hoa Sơn các người cùng phái Thanh Thành quả nhiên có mối giao hảo
sâu xa. Chẳng trách cô gái xấu xa kia không chịu vì cha con mình mà đắc tội
với bọn họ.
Bỗng nghe Lao Đức Nặc nói tiếp: -Ta đến phái Thanh Thành rồi, gã Hầu Nhân
Anh không nói gì nhưng Hồng Nhân Hùng thì trong lòng vẫn còn căm tức. Mấy
lần gã buông lời mạt sát, còn muốn động thủ với ta nữa …
Lục Đại Hữu ngắt lời: -Mẹ kiếp! nhị sư ca! Động thủ thì động thủ chớ sợ cóc
gì? Bọn thằng lỏi Hồng địch nổi nhị sư ca được chăng?
Lao Đức Nặc đáp: -Sư phụ phái ta lên núi Thanh Thành tạ lỗi là để khỏi gây
chuyện thị phi. Hồi đó ta phải nhẫn nại ở lại núi Thanh Thành sáu ngày. Đến
ngày thứ bảy mới được Dư quán chủ tiếp kiến.
Lục Đại Hữu nói: -Hừ! Thằng cha làm phách dữ! Nhị sư ca! Trong sáu ngày sáu
đêm đó chắc nhị sư ca bực mình lắm.
Lao Đức Nặc nói: -Bọn đệ tử phái Thanh Thành ra điều lạnh nhạt chê bai, dĩ
nhiên là mình khó chịu. Nhưng ta nghĩ bụng: Sở dĩ sư phụ phái ta đi việc này
chẳng phải vì võ công ta có chỗ hơn người mà vì ta lớn tuổi, ẩn nhẫn, chịu
đựng được hơn các vị sư đệ. Ta càng nhẫn nại bao nhiêu thì sứ mạng có thể
hoàn thành tốt đẹp bấy nhiêu. Dư quán chủ gặp ta rồi không nói gì cả, chỉ an
ủi mấy câu.
Tối hôm ấy trong chùa đặt tiệc mời ta uống rượu. Hôm sau Dư quán chủ thân
hành tiễn chân ta ra cửa chùa, chẳng có vẻ chi là hách dịch cả. Bọn đệ tử bên
đó không ngờ lưu ta lại chùa Tùng Phong trên núi Thanh Thành sáu ngày
cũng chẳng ích gì cho bọn chúng.
Lao Đức Nặc lại nói: -Ta ở trong chùa Tùng Phong chưa được tiếp kiến Dư
quán chủ, trong lòng rất là buồn bực. Đến ngày thứ ba, sáng dậy ta đi tản bộ
đồng thời ngấm ngầm luyện công điều tức. Bất giác ta thử bước đến bên
luyện võ đường ở phía sau chùa thì thấy phái Thanh Thành có mấy chục tên
đệ tử đang tập luyện chiêu thức. Theo lề luật võ lâm, mình là người ngoài
đứng coi môn phái khác luyện công là một điều rất kỵ. Ta không dám đứng
lâu, liền lủi thủi về phòng. Nhưng trong giây lát vừa rồi ta sinh lòng nghi hoặc.
Vì mấy chục tên đệ tử phái Thanh Thành hết thảy đều sử kiếm. Chỉ thoáng
qua đã biết họ đang luyện một thứ kiếm giống nhau, và những người luyện
toàn là hạng mới học, họ ra chiêu thức rất cứng cỏi, còn đó là chiêu kiếm gì thì
trong lúc hoảng hốt ta nhìn chưa được rõ.
Lão ngừng lại một chút rồi nói tiắp: -Ta về phòng mà trong lòng rất đỗi nghi
ngờ, không sao ngủ được. Nguyên Thanh Thành là một phái nổi tiếng từ lâu.
Số đông đệ tử đã theo học một vài chục năm. Mặt khác các đệ tử nhập môn
có kẻ trước người sau, mà sao cùng một lúc lại có mấy chục người đồng thời
vỡ lòng học kiếm pháp? Hơn nữa trong mấy chục người đó lại có cả Thanh
Thành tứ tú là Hầu Nhân Anh, Hồng Nhân Hùng, Vu Nhân Hào và La Nhân
Kiệt. Các vị sư đệ thử nghĩ xem tình trạng này là thế nào đây?
Gã cầm bàn tính nói: -Theo ý kiến của tiểu đệ thì hoặc giả đó là họ mới kiếm
được một bí lục về kiếm pháp, hoặc Dư quán chủ mới sáng chế ra một loại
kiếm pháp nào đó, rồi đem ra truyền dạy cho bọn đệ tử.
Lao Đức Nặc nói: -Lúc đó ta cũng tưởng thế, nhưng nghĩ kỹ lại thì không phải.
Nguyên Dư quán chủ là một tay lão luyện về kiếm pháp. Nếu y sáng chế ra
được kiếm chiêu nào mới mẻ thì chiêu thức đó há phải tầm thường? Trường
hợp mà họ lấy được bí lục về kiếm pháp thì nhất định phải là kiếm pháp rất
cao, nếu không thế thì họ để mắt làm chi. Chẳng lẽ họ lại cho đệ tử tập luyện
một thứ kiếm pháp kém cỏi để làm hại đến kiếm pháp của bản phái. Nếu là
chiêu số cao minh thì hạng đệ tử thông thường lĩnh hội thế nào được. Trong
trường hợp này nhiều lắm là họ lựa ba bốn tên đệ tử võ công cao nhất để
truyền thụ hoặc chỉ điểm. Có lý đâu lại kêu đến hơn bốn chục người để truyền
thụ cùng một lúc? Đây khác nào một vị võ sư mở trường dạy quyền để kiếm
tiền, há phải là hành vi của vị đại tôn sư một danh môn chính phái?
Lao Đức Nặc kể đến đây ngừng lại, lão thấy không ai có ý kiến gì š liền kể tiếp
-Đến sáng sớm hôm sau, ta lại từ phía trước chùa đi ra ngả sau và lướt qua
bên trường luyện võ. Ta lại thấy bọn họ đang luyện kiếm như hôm trước ta lật
đật vừa đi vừa ngó nhớ được hai chiêu định đưa về thỉnh giáo sư phụ. Nên
nhớ rằng lúc đó ta vẫn chưa được tiếp kiến Dư quán chủ, ta không khỏi có
thành kiến nghi ngờ phái Thanh Thành coi phái Hoa Sơn là cừu địch. Bọn họ
luyện kiếm pháp mới có khi để đối phó với phái ta cũng chưa biết chừng. Thế
rồi ta chẳng thể không đề phòng …
Hán tử người cao lớn bỗng lên tiếng: -Nhị sư ca! Hay là bọn họ luyện một thứ
kiếm trận nào đó?
Lao Đức Nặc đáp: -Rất có thể như vậy. Nhưng lúc đó ta thấy bọn họ từng đôi
một chiết giải chiêu thức nào công nào thủ. Rõ ràng họ sử chiêu thức chứ
không giống người luyện kiếm trận. Đến ngày thứ ba, sáng sớm dậy ta lại đi
tản bộ qua trường diễn võ. Nhưng hôm nay trong trường lại không có một
người nào. Ta ngờ rằng họ cố tránh mình nên mối nghi kỵ trong lòng càng
trầm trọng hơn. Ta vẫn thả bước tới gần để dòm ngó xem có thấy điều bí ẩn gì
chăng? Ta đồ chừng bọn họ quả nhiên rèn luyện một thứ kiếm pháp rất lợi hại
để đối phó với ta. Nếu không thì việc gì họ phải e dè mình?.
Lao Đức Nặc trầm ngâm một lúc rồi kể tiếp: -Tối hôm ấy ta nằm trên giường
nghĩ lui nghĩ tới không sao nhắm mắt được. Bỗng nghe văng vẳng có tiếng
binh khí chạm nhau từ đường xa vọng lại. Ta giật mình kinh hãi tự hỏi: “Chẳng
lẽ trong chùa có cường địch đến tập kích?”. Ta nghĩ ngay đến có lẽ là đại sư ca
vì bị sư phụ trách phạt rồi đem lòng căm phẫn, xông đến đánh chùa Tùng
Phong. Nếu vậy thì thật là nguy vì y chỉ có một người làm sao địch lại số đông.
Ta không biết làm thế nào để ra viện trợ. Lần này ta lên núi Thanh Thành
không mang theo khí giới. Trong lúc thảng thốt chẳng lấy đâu ra được trường
kiếm, ta đành ra tay không …
Lục Đại Hữu đột nhiên cất tiếng khen: -Nhị sư ca! Nhị sư ca thật là đởm lược
hơn người. Tiểu đệ thiệt không dám ra tay không để đánh nhau với Dư
Thượng Hải, quán chủ chùa Tùng Phong, chưởng môn phái Thanh Thành.
Lao Đức Nặc tức mình nói: -Lục hầu nhi! Ngươi muốn nói tầm bậy gì đó? Ta có
nói đem tay không ra đánh nhau với Dư quán chủ đâu? Có điều ta lo cho đại
sư ca sẽ gặp bước hiểm nghèo. Mình biết rõ là nguy nan nhưng cũng phải
đem thân ra chứ? Chẳng lẽ lại nằm chúi trong chăn để làm con rùa đen hay
sao?
Bọn sư đệ nghe Lao Đức Nặc nói vậy đều cười ồ.
Lục Đại Hữu nhăn mặt làm trò ngáo ộp nói: -Tiểu đệ tán dương nhị sư ca mà
nhị sư ca cũng nổi đóa ư?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.