TIẾU NGẠO GIANG HỒ

222. Người trong kiệu sao không xuất hiện?



Nguyên phái Hằng Sơn nuôi rất nhiều bồ câu để đưa thơ. Ngày trước Định
Tĩnh sư thái gặp địch nhân ở Phúc Kiến, Định Nhàn, Định Dật sư thái bị hãm ở
Long Tuyền chú kiếm cốc đều dùng chim bồ câu đưa thư để cầu cứu. Hiện giờ
hai con bồ câu bay vào sảnh đường là do bọn đệ tử bản phái ở dưới chân núi
tung ra. Trên lưng chim đã nhuốm màu đỏ khiến người trông thấy biết ngay là
đại địch ở Triêu Dương giáo tấn công tới nơi.
Từ hôm Phương Chứng đại sư, Xung Hư đạo trưởng lên núi Hằng Sơn, quần
đệ tử thấy lực lượng viện trợ rất lớn và cách bố trí đâu vào đấy rồi đã hơi yên
dạ nào ngờ đến lúc khẩn cấp tối hậu Lệnh Hồ Xung lại bị bệnh cũ phát tác làm
cho té xỉu là một vụ ra ngoài ý nghĩ của mọi người khiến ai cũng hoang mang
vô cùng.
Nghi Thanh la lên: -Chi Chất, Nghi Văn! Hai vị sư muội mau đi thông báo cho
Phương Chứng đại sư và Xung Hư đạo trưởng hay!
Hai cô vâng mệnh đi liền.
Nghi Thanh lại gọi: -Nghi Hòa sư tỷ! Xin sư tỷ hồi chuông báo động!
Nghi Hòa vọt mình ra ngoài sảnh đường chạy lên gác chuông. Những tiếng
“boong boong” nổi lên. Ba tiếng dài hai tiếng ngắn ngân nga vang dội từ gác
chuông truyền ra khắp trái núi. Cả Thông Nguyên cốc, chùa Huyền Không, cửa
Hắc Sáo cùng các am thiền cũng nghe tiếng chuông vọng tới.
Phương Chứng đại sư đã dặn dò từ trước, người nào phụ trách việc đánh
chuông báo động khi địch tới nơi thì hồi lên ba tiếng dài, hai tiếng ngắn cho
mọi người biết tin. Nhưng tiếng chuông nên đánh hòa hoãn để mọi người biết
chừng chứ đừng đánh chuông một cách cấp bách lộ vẻ hoang mang.
Nhưng Nghi Hòa bản tính nóng nảy, pháp danh của y tuy có chữ Hòa mà lúc
hành động lại chẳng hòa hoãn chút nào. Tiếng chuông cô đánh lộ vẻ rất cấp
bách.
Nhân vật ba phái Hằng Sơn, Thiếu Lâm, Võ Đương lập tức theo cách xếp đặt
từ trước chia nhau đến các nơi chuẩn bị đối địch. Vì lẽ muốn tránh giảm bớt số
người bị thương vong nên nẻo đường từ chân núi lên đến ngọn Kiến Tính
không đặt người canh gác. Thậm chí cửa ngõ đều mở rộng để địch nhân tự do
lên núi rồi mới tiếp chiến.
Khi tiếng chuông dừng lại rồi từ đỉnh núi đến chân núi trở lại yên lặng như tờ.
Những tay cao thủ các phái Côn Luân, Nga Mi, Không Động đều mai phục ở
những nơi rất kín đáo dưới chân núi. Họ phải chờ cho bọn giáo chúng Triêu
Dương giáo lên núi hết rồi và có hiệu lệnh mới kéo ra chặn đường tháo lui của
bên địch.
Xung Hư đạo nhân vì muốn giữ cho khỏi tiết lộ cơ mật vụ chôn địa lôi ở các
nẻo đường lên núi cũng không nói cho các nhân sĩ các phái khác hay.
Nên biết Triều Dương giáo thần thông quảng đại chúng cho bọn gian tế ngấm
ngầm nằm vùng trong bọn đệ tử phái Côn Luân để do thám là chuyện rất
thường.
Lệnh Hồ Xung nghe tiếng chuông rền biết là Triều Dương giáo kéo đến tấn
công mà bụng dưới chàng cơ hồ muôn ngàn lưỡi dao nhỏ đang đâm loạn xạ
khiến chàng đau đớn không chịu nổi phải ôm bụng mà lăn lộn dưới đất.
Nghi Lâm, Tần Quyên khiếp sợ mặt cắt không còn hột máu.
Hai cô chân tay luống cuống chẳng biết làm thế nào.
Nghi Thanh nói: -Chúng ta hãy nâng đỡ Lệnh Hồ chưởng môn đưa vào Vô Sắc
am để chờ xem chủ ý của Phương Chứng đại sư và Xung Hư đạo trưởng quyết
định ra sao.
Ngay lúc ấy Vu Tẩu và một vị lão ni cô liền xốc nách Lệnh Hồ Xung đưa chàng
vào Vô Sắc am.
Vừa tới cửa am đã nghe dưới chân núi tiếng pháo nổ đì đùng không ngớt. Tiếp
theo là tiếng tù và u ú, tiếng trống thùng thùng.
Quả nhiên Triều Dương giáo đã đường hoàng đến đánh.
Phương Chứng đại sư và Xung Hư đạo trưởng được tin Lệnh Hồ Xung bị bệnh
cũ lên cơn một cách đột ngột. Hai vị từ trong am lật đật bước ra.
Xung Hư nói: -Lệnh Hồ huynh đệ! Huynh đệ cứ yên lòng. Bần đạo đã phái
Thanh Hư thay mặt cho bần đạo yểm hộ phái Võ Đương rút lui. Còn việc yểm
hộ quý phái sẽ do bần đạo phụ trách.
Lệnh Hồ gật đầu để tạ ơn.
Phương Chứng nói: -Lệnh Hồ chưởng môn nên lui vào hang sâu trước đi để
khỏi phải đụng độ với bên địch e rằng xẩy chuyện bất trắc.
Lệnh Hồ Xung vội đáp: -Không được! Nhất định không được …! Lấy kiếm cho
tại hạ! …
Xung Hư cũng khuyên can mấy lời nhưng Lệnh Hồ Xung nhất định không nghe
vì chàng là chủ tể núi Hằng Sơn nên người ngoài không tiện miễn cưỡng.
Đột nhiên tiếng trống và tiếng tù và dừng lại chỉ nghe tiếng reo hò rầm trời.
Bọn giáo chúng hô lớn: -Thánh giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống
giang hồ!
Nghe tiếng hô cũng biết ít nhất là ở miệng bốn, năm ngàn người phát ra.
Phương Chứng, Xung Hư và Lệnh Hồ Xung ba người nhìn nhau mỉm cười.
Nghi Mẫn ôm thanh trường kiếm dâng lên Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung vươn tay ra toan đón lấy nhưng tay chàng không ngớt run bần
bật cầm kiếm không vững.
Nghi Mẫn liền đeo kiếm vào lưng chàng.
Bỗng nghe tiếng âm nhạc nổi lên giữa tiếng reo hò mà là thứ âm nhạc rất lọt
tai không ra chiều sát phạt.
Mấy người đồng thanh lớn tiếng hô: -Thánh giáo chủ Triều Dương thần giáo
muốn lên ngọn Kiến Tính để tương hội với Lệnh Hồ chưởng môn.
Chính là thanh âm của những vị trưởng lão Triêu Dương giáo đồng thanh phát
ra.
Phương Chứng hỏi: -Triều Dương giáo đã dùng lối tiên lễ hậu binh chúng ta
không nên hẹp lượng. Lệnh Hồ chưởng môn! Bây giờ để họ lên núi đã hay
sao?
Lệnh Hồ Xung gật đầu.
Giữa lúc ấy chàng lại nổi cơn đau kịch liệt, không biết làm thế nào, chàng đành
thử vận nội công tâm pháp của Phong Thanh Dương thử xem sao. Nhưng
pháp môn này mới luyện sơ bộ, cách dẫn chân nguyên vào huyệt đan điền hãy
còn bạc nhược mà mười mấy luồng chân khí dị chủng trong người chàng lại
đang xung đột nhau thì luồng chân khí mới dẫn vào càng tăng thêm phần kịch
liệt phỏng có khác gì vung đao tự chém mình càng thêm đau đớn.
Nhưng gặp lúc đau đến cùng cực chàng không kịp suy nghĩ gì tới hậu quả cứ
theo đúng phép mà chuyển vận chân khí. Quả nhiên chân khí vào xung kích
dữ dội. Bụng dưới chàng bị trúng một chưởng lực về khí công của tay cao thủ
nội gia đau đớn cơ hồ không chịu nổi. Nhưng sau một lúc vận chuyển, mười
mấy luồng chân khí tựa hồ như những dòng suối nhỏ chảy vào chi lưu, chi lưu
đổ vào sông lớn đã theo đường lối mà đi. Tuy chàng vẫn đau đớn kịch liệt
nhưng những luồng chân khí không xung đột loạn xà ngầu. Nơi nào bị xung
kích chàng đã cảm giác được.
Bỗng nghe Phương Chứng từ từ lên tiếng: -Chưởng môn phái Hằng Sơn là
Lệnh Hồ Xung, chưởng môn phái Võ Đương là Xung Hư đạo nhân, chưởng
môn phái Thiếu Lâm là Phương Chứng kính cẩn chờ đại giá của Nhậm giáo chủ
ở Triêu Dương thần giáo.
Thanh âm lão tuy không vang dội nhưng từ từ vọng đi xa xuống tận chân núi.
Mười mấy vị trưởng lão Triều Dương giáo đã đồng thanh hô lớn thanh âm mới
đưa được lên đến ngọn núi còn Phương Chứng chỉ một mình lên tiếng nghe
nhẹ nhàng mà thực ra nội lực nhà sư thâm hậu đến trình độ đương thời không
ai sánh kịp.
Lệnh Hồ Xung ngấm ngầm vận nội công tâm pháp đã có hiệu quả. Chàng
gắng gượng ngồi xếp bằng mắt nhìn xuống mũi. Mũi nhòm trước ngực, tay trái
chàng đặt lên ngực, tay mặt dưới bụng theo đúng cách mà Phương Chứng đã
truyền thụ cho chàng gia tâm rèn luyện.
Chàng luyện tâm pháp này mới được mấy ngày tuy có Phương Chứng đại sư
tận tâm giải thích song công trình tu luyện hãy còn nông cạn. Có điều mười
mấy luồng chân khí dị chủng được hướng dẫn theo đường lối và dần dần qui
tụ lại. Chàng chẳng chút trễ nải ngưng thần chú ý để dẫn đạo cho những
luồng chân khí chu lưu. Ban đầu chàng còn nghe tiếng âm nhạc réo rắt nhưng
về sau không nghe thấy gì nữa.
Phương Chứng thấy Lệnh Hồ Xung chuyên tâm luyện công nét mặt nhà sư lộ
ra nụ cười khoan khoái, tai nghe tiếng âm nhạc nổi lên rất du dương.
Bọn giáo chúng Triều Dương giáo reo hò: -Triều Dương thần giáo, thánh giáo
chủ văn thành võ đức, ơn khắp lê dân. Đại giá thánh giáo chủ tiến lên núi
Hằng Sơn.
Sau một lúc tiếng âm nhạc dần dần đi tới gần.
Đường từ chân núi lên tới ngọn Kiến Tính rất dài. Bọn giáo chúng Triều Dương
giáo tuy cước trình mau lẹ nhưng cũng phải hồi lâu tiếng âm nhạc mới đến
sườn núi.
Bọn đệ tử chính giáo mai phục khắp nẻo đường trên núi Hằng Sơn đều mắng
thầm trong bụng: -Lão giáo chủ thối tha này phách lối thiệt! Hắn không phải là
người chết mà đã thổi kèn đánh trống làm như đưa ma.
Bọn người chuẩn bị nghênh chiến trống ngực đánh thình thình. Ai cũng tưởng
bọn Ma giáo đánh từ chân núi đánh lên và xẩy trường ác đấu. Họ lăm lăm
đánh giết một mẻ. Khi bên địch đến đông khí thế mãnh liệt họ sẽ níu dây sắt
chuồn xuống hang sâu.
Không ngờ Nhậm Ngã Hành lại sắp đặt hành trang tực hồ đức Hoàng Đế ngự
giá tuần du. Bọn giáo chúng trống dong cờ mở, âm nhạc vang lừng đưa hắn
lên núi. Mọi người chẳng những không thấy khoan khoái mà trái lại trong lòng
cực kỳ hồi hộp.
Lệnh Hồ Xung sau khi luyện tâm pháp nội công hồi lâu cảm thấy những luồng
chân khí dị chủng được hướng dẫn dần dần vào huyệt đan điền rồi bị đè ép.
Cơn đau đớn đã giảm đi được phần nửa.
Trong lòng cởi mở chàng nghĩ ngay tới chuyện Nhậm Ngã Hành lên núi liền tự
hỏi: -Nhậm giáo chủ sắp lên tới nơi rồi không hiểu cuộc này sẽ ra sao?
Bỗng chàng “ồ” một tiếng rồi đứng phắt dậy.
Phương Chứng mỉm cười hỏi: -Lệnh Hồ chưởng môn đã đỡ chưa?
Lệnh Hồ Xung hỏi lại: -Có phải hai bên đang xẩy cuộc động thủ?
Phương Chứng đáp: -Họ chưa lên tới nơi.
Lệnh Hồ Xung nói: -Thế thì hay lắm!
Chàng rút trường kiếm đánh “soạt” một tiếng. Khi nhìn tới Phương Chứng,
Xung Hư thấy hai vị này hãy còn tay không. Nghi Hòa, Nghi Thanh cùng bọn
nữ đệ tử đã bày thành mấy hàng và chuẩn bị lập thành Hằng Sơn kiếm trận.
Trường kiếm của bọn họ vẫn còn cài ở sau lưng. Chàng nghĩ tới bọn Nhậm Ngã
Hành chưa lên núi mà mình đã vội hoang mang liền nổi lên tràng cười ha hả
rồi lại tra kiếm vào vỏ.
Bấy giờ tiếng chuông trống đã ngừng hẳn chỉ còn tiếng đờn, tiếng sáo và
những nhạc khí bé nhỏ.
Lệnh Hồ Xung lẩm bẩm: -Nhậm giáo chủ thật là lắm chuyện! Đại giá lão nhân
gia lên núi chỉ có giàn nhạc bé nhỏ được cử mà thôi.
Chàng càng thấy lão lắm chuyện cổ quái, càng ngứa ngáy khó chịu.
Quả nhiên giữa đám tiếng nhạc du dương, bọn giáo chúng Triều Dương giáo
sắp hàng đôi đi lên.
Trước mặt mọi người bỗng sáng lòa. Bọn giáo chúng mặc toàn quần áo mới, áo
cẩm bào màu lục coi rất diêm dúa, lưng thắt đai bạc càng nổi bật lên.
Đoạn đầu gồm bốn chục người, người nào tay cũng bưng mâm phủ đoạn màu
hồng không hiểu trên mâm đựng gì?
Bốn chục người này đều không đeo đao kiếm chẳng hiểu họ giấu binh khí vào
đâu?
Bọn giáo chúng bốn chục tên mặc áo gấm lên núi rồi đứng ở phía xa xa. Tiếp
theo là một đội hai trăm người đem theo giàn nhạc nhỏ bé. Người nào cũng
mặc áo gấm. Đội này không ngớt thổi tiêu đánh đàn. Sau nữa là toán người
thổi tù và, đánh trống, đánh đồng la, nạo bạt. Nhưng lúc này những nhạc khí
lớn đều dừng lại.
Lệnh Hồ Xung thấy vậy chán nản nghĩ thầm: -Lúc nữa đánh nhau cũng có
tiếng chiêng trống âm nhạc phụ họa thì thật chẳng khác gì trò hề trên sân
khấu.
Bọn giáo chúng Triều Dương giáo đi từng đội một tiến lên. Bọn này theo các
“Đường” mà xếp thành hàng. Mỗi đường mặc một mầu áo riêng. Hết đoàn áo
vàng đến đội áo mầu lục. Sau đội áo lam là đội áo đen. Cuối cùng là đội áo
trắng.
Các đoàn, các đội đều mặc áo gấm thêu hoa coi rất rực rỡ huy hoàng hơn cả
bọn kép hát. Có điều lưng người nào cũng thắt đai trắng. Bọn giáo chúng kéo
lên núi có đến ba, bốn ngàn người.
Xung Hư nghĩ thầm trong bụng: -Nếu ta nhân lúc bọn chúng chưa đứng vững
mà xông vào đánh giết thì chiếm được phần tiện nghi. Nhưng đối phương tại
hí lộng quỷ thần cùng giở trò tiên lễ hậu binh mà mình động thủ đột ngột thì
không khỏi mang tiếng là người nhỏ nhen.
Lão đưa mắt nhìn Lệnh Hồ Xung thấy nét mặt chàng cười cợt dường như
chẳng để ý gì. Còn Phương Chứng thì vẻ mặt thản nhiên như không, chẳng có
chi xúc động, lão tự nhủ: -Nếu mình lộ vẻ hoang mang tất họ cho mình là
khiếp nhược.
Giáo chúng các đường chia từng đoàn đâu đứng đó rồi, mười vị trưởng lão
cũng lên theo, chia hai bên tả hữu, mỗi bên đứng năm vị.
Đột nhiên tiếng âm nhạc ngừng lại, mười vị trưởng lão đồng thanh hô: -Triều
Dương thần giáo văn thành võ đức, ơn khắp lê dân. Đại giá thánh giáo chủ đã
tới nơi.
Liền thấy một cỗ kiệu lớn mầu lam lên núi. Cỗ kiệu này do mười sáu người
khiêng. Chúng khiêng đi rất lẹ và bằng bặn không lúc lắc. Coi cỗ kiệu tiến lên
núi chẳng khác gì một tay cao thủ khinh công tuyệt vời nhẹ nhàng lướt tới.
Như vậy đủ biết mười sáu tên kiệu phu đều là nhân vật võ công cao không
phải tầm thường.
Lệnh Hồ Xung định thần nhìn kỳ thì thấy trong đám kiệu phu có cả Tổ Thiên
Thu, Huỳnh Bá Lưu, Kế Vô Thi. Giả tỷ Lão Đầu Tử mà người không thấp lùn thì
cũng thành tên kiệu phu như bọn Tổ Thiên Thu rồi.
Chàng rất lấy làm tức giận, miệng lẩm bẩm: -Bọn Tổ Thiên Thu đều là người
hào kiệt đương thời vậy mà Nhậm giáo chủ bức bách họ làm tên phu khiêng
kiệu. Lão gia coi anh hùng thiên hạ như kẻ tôi mọi thật khiến cho người ta tức
giận đến nẻ ruột.
Hai bên khiêng kiệu mỗi bên có một người đi trước. Bên tả là Hướng Vân
Thiên bên hữu là một lão già mà Lệnh Hồ Xung đã từng quen mặt.
Lệnh Hồ Xung thấy lão không khỏi sửng sốt. Chàng nhận ra lão là Lục Trúc
Ông ở trong thành Lạc Dương vì lão đã dạy chàng gãy đàn. Lão kêu Doanh
Doanh bằng cô cô khiến chàng tưởng lầm nàng là một bà già. Từ ngày chàng
rời khỏi thành Lạc Dương chưa từng gặp lão. Bữa nay không hiểu sao lão lại
theo Nhậm Ngã Hành lên ngọn Kiến Tính?
Lệnh Hồ Xung trống ngực đánh thình thình, chàng tự hỏi: -Sao lại không thấy
Doanh Doanh?
Chàng thấy bọn giáo chúng hết thảy đều lưng thắt đai trắng đột nhiên nghĩ ra
chuyện gì chàng không khỏi sửng sốt nghĩ thầm: -Chẳng lẽ Doanh Doanh thấy
phụ thân dẫn giáo chúng lên đánh Hằng Sơn nàng cố can ngăn không được
mà tự sát rồi chăng?
Chàng không nhịn được xông ra hỏi Hướng Vân Thiên: -Hướng đại ca! Nhậm
cô nương đâu?
Hướng Vấn Thiên gật đầu đáp: -Lệnh Hồ hiền đệ! Hiền đệ mạnh giỏi chứ?
Lệnh Hồ Xung không thấy Hướng Vân Thiên trả lời vào câu hỏi của mình liền
hỏi tiếp: -Nhậm cô nương sao không đến đây?
Hướng Vấn Thiên đáp: -Chờ lát nữa sẽ hay!
Lệnh Hồ Xung đành trở về chỗ cũ.
Trên ngọn Kiến Tính có đến mấy ngàn người tụ tập mà vẫn yên lặng như tờ.
Cỗ kiệu lớn dừng lại.
Bao nhiêu con mắt đều đổ dồn nhìn vào tấm rèm kiệu chờ Nhậm Ngã Hành
bước ra.
Bỗng trong Vô Sắc am có tiếng cười đùa giỡn cợt vọng ra: -Ngươi đứng dậy
nhường chỗ cho ta.
Một người khác đáp: -Anh em đừng có tranh nhau. Từ lớn chí nhỏ cứ theo lần
lượt mà ngồi. Đây là cỗ ghế Cửu Long bảo ủy.
Đây là thanh âm Đào Hoa Tiên và Đào Chi Tiên.
Phương Chứng, Xung Hư, Lệnh Hồ Xung thấy vậy đều kinh hãi biến sắc.
Không ai hiểu bọn Đào Cốc lục tiên đã lần vào Vô Sắc am từ lúc nào mà đang
tranh nhau ngồi lên cỗ Cửu Long bảo. Ai ngồi lâu trên cỗ ghế này là cơ quan
phát động thuốc dẫn ra đến đống chất nổ thì làm thế nào?
Xung Hư hốt hoảng chạy vào trong am.
Lão lớn tiếng quát: -Đứng dậy ngay! Cỗ ghế này dành riêng cho Nhậm giáo
chủ Triêu Dương thần giáo. Các vị không ai được ngồi.
Thanh âm Đào Cốc lục tiên ở trong am lại vọng ra. Bọn họ thi nhau mỗi người
một câu: -Sao lại không ngồi được? Ta cứ ngồi xem sao?
-Ngươi đứng dậy đi nhường chỗ cho ta!
-Cỗ ghế này ngồi sướng lắm vừa êm vừa nẩy lên tựa hồ như ngồi lên đít một
người béo ị.
-Ngươi ngồi lên đít người béo ị đấy ư?
Lệnh Hồ Xung biết rằng nếu Đào Cốc lục tiên tranh nhau vào ghế Cửu Long
mỗi người một lúc là khiến cho cơ quan phát động dẫn đống thuốc nổ hàng
mấy vạn cân chôn dấu ở trong Vô Sắc am. Đống thuốc đó mà nổ tung thì Triều
Dương giáo cùng quần hào ba phái Thiếu Lâm, Võ Đương, Hằng Sơn bị cháy
thành tro hết. Ban đầu chàng muốn xông vào trong am để ngăn trở bọn họ
nhưng không hiểu chàng nghĩ sao mà trong thâm tâm tựa hồ lại mong cho
đống thuốc nổ tung.
Chàng nghĩ thầm trong bụng: -Doanh Doanh đã chết rồi thì ta cũng chẳng
sống làm chi nữa. Chỉ trong chớp mắt hết thảy mọi người đều chết sạch. Thế
là hết chuyện.
Chàng liếc mắt nhìn ra bỗng chạm phải ánh mắt của Nghi Lâm. Cô đang chú ý
nhìn chàng. Nhưng nhỡn quang cô vừa đụng vào tia mắt Lệnh Hồ Xung lập
tức cô nhìn ra chỗ khác.
Lệnh Hồ Xung lẩm bẩm: -Nghi Lâm tiểu sư muội cũng bị nổ tan không còn
mảnh xương há chẳng đáng tiếc? Nhưng con người ta ai là không chết? Dù
bữa nay mọi người đều bình yên nhưng sau đây một trăm năm thì ở trên ngọn
Kiến Tính này bao nhiêu người bây giờ hiện ở đây khi đó cũng biến thành đống
xương trắng rồi.
Lại nghe bọn Đào Cốc lục tiên tiếp tục tranh nhau mỗi người nói một câu: –
Ngươi đã ngồi hai lần rồi mà ta chưa được ngồi lần nào.
-Lần đầu ta vừa ngồi vào đã bị kéo xuống, cái đó không kể. Trời ơi! Làm gì thế
này?
-Ồ! Ta có một ý kiến là sáu anh em cùng ngồi vào một lúc thử xem có được
không?
-Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Nào ngồi cả vào đi! Ha ha! …
-Ngươi ngồi trước đi!
-Ngươi ngồi trước để ta ngồi lên trên!
-Người lớn phải ngồi trên, người nhỏ tuổi ngồi xuống dưới.
-Không được! Người lớn tuổi dĩ nhiên phải ngồi trước. Ai càng ít tuổi càng ngồi
trên cao.
Phương Chứng đại sư thấy nguy cơ sắp xẩy ra trong khoảnh khắc mà không
thể lấy lời khuyên giải bọn Đào Cốc lục tiên được vì sợ làm tiết lộ cơ quan. Nhà
sư liền đi lẹ vào điện lớn tiếng hô: -Các vị quý khách ở ngoài không được làm
huyên náo hoặc la lối om sòm.
Nhà sư nói câu sau cùng đã vận nội công tối cao vô thượng của phái Thiếu
Lâm kêu bằng: “Kim cương thiền sư tử hống” đó là một luồng kình lực nội gia
lại nhằm đúng vào Đào Cốc lục tiên phun tới.
Xung Hư đạo trưởng cũng bị choáng óc cơ hồ té xỉu.
Đào Cốc lục tiên đồng thời mê man bất tỉnh.
Xung Hư cả mừng, lão động thủ nhanh như gió kéo xác người trên ghế xuống
rồi điểm huyệt vào bọn chúng lại lôi từng người xuống đặt vào gầm bàn thờ
Đức Quan Âm.
Lão lại lắng tai nghe bên chiếc ghế Cửu Long thì chưa thấy tiếng gì khác lạ,
trong bụng mới mừng thầm nhưng cũng phải một phen hú vía trán toát mồ
hôi. Nếu Phương Chứng chỉ chậm trong khoảnh khắc không hạ được bọn Đào
Cốc lục tiên để họ ngồi yên trên ghế thì trong giây lát bỗng thuốc nổ tung lên
là mọi người đều chết hết.
Xung Hư cùng Phương Chứng sóng vai đi ra, đồng thanh nói: -Mời Nhậm giáo
chủ vào am dùng trà.
Tấm rèm kiệu vẫn không lay động, thủy chung trong kiệu vẫn không thấy động
tĩnh gì.
Xung Hư đạo nhân tức giận nghĩ thầm: -Lão ma đầu này làm phách dữ a?
Phương Chứng cùng ta và Lệnh Hồ chưởng môn là ba người hiện nay có địa vị
tôn cao trong võ lâm đứng đây chờ hắn bấy lâu mà hắn cũng không thèm ngó
tới.
Giả tỷ trong chiếc ghế Cửu Long không bố trí cơ quan mai phục thì lão đã cầm
trường kiếm xông lại khều rèm kiệu lên để cùng Nhậm Ngã Hành động thủ rồi.
Xung Hư nhắc lại một lượt nữa, trong kiệu vẫn không có tiếng người đáp.
Hướng Vân Thiên khom lưng ghé tai vào bên kiệu để nghe chỉ thị của người
ngồi trong kiệu. Hắn gật đầu luôn mấy cái rồi đứng thẳng lên nói: -Nhậm giáo
chủ ở Triều Dương thần giáo nói là thấy Phương Chứng đại sư phái Thiếu Lâm
và Xung Hư đạo trưởng phái Võ Đương là hai bậc tiền bối trong võ lâm đứng
chờ ở đây thật lấy làm áy náy không dám nhận cuộc tham kiến của hai vị. Để
sau này Nhậm giáo chủ sẽ thân hành đến chùa Thiếu Lâm và núi Võ Đương xin
chịu tội.
Phương Chứng và Xung Hư đều hắng dặng một tiếng. Hai vị cùng biết rằng lời
nói của Nhậm Ngã Hành tuy ra chiều rất khiêm cung mà trên thực tế thì hắn
có ý nói là ngày sau sẽ lên quét sạch phái Thiếu Lâm và phái Võ Đương.
Hướng Vấn Thiên lại nói: -Nhậm giáo chủ nói là bữa nay ngài lên núi Hằng Sơn
chỉ vì muốn có cuộc tương hội với Lệnh Hồ chưởng môn. Hơn nữa giáo chủ xin
mời một mình Lệnh Hồ chưởng môn vào trong am để ra mắt.
Hướng Vân Thiên nói rồi giơ tay ra hiệu.
Lập tức mười sáu tên kiệu phu khiêng thẳng vào am và đạt kiệu xuống trước
Quan Âm đường.
Hướng Vân Thiên và Lục Trúc Ông cũng theo kiệu tiến vào. Nhưng hắn lại
cùng bọn kiệu phu lùi ra ngay. Thế là trong am chỉ còn lại một kiệu mà thôi.
Xung Hư bụng bảo dạ: -Vụ này tất có điều chi ngoắt nghéo. Không hiểu trong
kiệu họ bố trí cơ quan gì?
Lão đưa mắt nhìn Phương Chứng và Lệnh Hồ Xung.
Phương Chứng là người tâm địa chất phác không tài ứng biến, lão không biết
làm thế nào cho phải, nét mặt lộ vẻ bâng khuâng.
Lệnh Hồ Xung nói: -Nhậm giáo chủ đã muốn ra mắt một mình vãn bối vậy xin
hai vị chờ ở đây một chút!
Xung Hư khẽ nói: -Lệnh Hồ huynh đệ hãy coi chừng!
Lệnh Hồ Xung gật đầu rảo bước tiến vào trong am.
Vô Sắc am là một căn nhà ngói nhỏ, trong quan âm đường nếy có người nói rõ
là người đứng ngoài cũng nghe tiếng.
Bỗng thấy Lệnh Hồ Xung nói: -Vãn bối là Lệnh Hồ Xung xin bái kiến Nhậm giáo
chủ!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.