TIẾU NGẠO GIANG HỒ

113. Đại trang chúa cũng chịu thất bại



Trên tường cổng có hai chữ đại tự “Cầm tâm” bằng đá thủy tinh mầu lam. Nét
bút rất già dặn cứng cáp. Đúng là thủ bút của Ngốc Bút Ông.
Vào qua cổng là một con đường hoa thanh u tịch mịch, hai bên trúc rậm xanh
om. Đường hoa trải đá trứng ngỗng đã phủ đầy rêu xanh. Hiển nhiên ngày
thường rất ít người qua lại.
Đi hết con đường này thì đến trước ba gian thạch thất. Trước sau thạch thất
đều trồng một rặng tùng bảy tám cây cao ngất. Bóng cây tỏa ra bốn mặt âm
u.
Hắc Bạch Tử đẩy cửa nhẹ nhàng, khẽ bảo Lệnh Hồ Xung: -Mời Phong huynh
đệ vào đi!
Lệnh Hồ Xung vừa bước chân qua cửa đã ngửi mùi đàn hương ngào ngạt.
Hắc Bạch Tử lên tiếng: -Thưa đại ca! Phong huynh đệ ở phái Hoa Sơn đã tới.
Một lão già từ trong nội thất đi ra chắp tay nói: -Phong huynh đệ giá lâm tệ
trang, lão phu không ra xa đón tiếp được. Xin Phong huynh đệ tha thứ cho.
Lệnh Hồ Xung thấy lão này vào trạc sáu, bảy chục tuổi, gầy như que củi. Da
mặt đều lõm cả vào, trông chẳng khác chiếc đầu lâu. Song cặp mắt loang
loáng tỏ ra tinh thần quắc thước. Chàng khom lưng thi lễ đáp: -Vãn bối đường
đột đến đây thật là mạo muội. Mong tiền bối tha tội cho.
Lão già nói: -Phong huynh dậy quá lời!
Hắc Bạch Tử nói: -Đại ca tại hạ đạo hiệu là Hoàng Chung Công, chắc Phong
huynh cũng nghe tiếng rồi.
Lệnh Hồ Xung đáp: -Vãn bối ngưỡng mộ đại danh bốn vị trang chúa từ lâu.
Bữa nay được bái kiến tôn nhan thật là vạn hạnh.
Lòng chàng rất đỗi băn khoăn, tự nghĩ: -Hướng đại ca thật là lắm chuyện ỡm
ờ. Y không dặn ta trước và chỉ bảo nhất thiết nghe y xếp đặt. Bây giờ y không
có ở bên mình ta, nếu đại trang chúa đây đưa ra vấn đề nan giải thì biết ứng
đối cách nào cho đặng?
Hoàng Chung Công hỏi: -Lão phu nghe nói Phong huynh là truyền nhân của
Phong lão tiên sinh, một vị tiền bối phái Hoa Sơn kiếm thuật thông thần. Lão
phu rất đem lòng ngưỡng mộ Phong lão tiên sinh về nhân phẩm cũng như về
võ công, đáng tiếc chưa được hội diện lần nào. Trước đây ít lâu trên chốn
giang hồ có tiếng đồn Phong lão tiên sinh đã xa chơi tiên cảnh, lão phu rất đỗi
đau thương. Bữa nay được gặp truyền nhân chính thống của Phong lão tiên
sinh cũng được an ủi phần lớn chí nguyện bình sinh. Không hiểu Phong huynh
có phải là con cháu Phong lão tiên sinh không?
Lệnh Hồ Xung lấy làm khó nghĩ bụng bảo dạ: -Phong thái sư thúc tổ đã ân cần
dặn ta không được tiết lộ hành tung của lão nhân gia. Lão nhân gia truyền thụ
kiếm pháp cho ta, không hiểu tại sao Hướng đại ca biết được? Y vào đây để
diệu võ dương oai bảo ta họ Phong, khó lòng tránh khỏi ý định lừa bịp. Nếu
bây giờ ta nói thực ra thiệt cũng khó ổn.
Chàng đành hàm hồ đáp cho xong chuyện.
-Vãn bối là đệ tử thuộc hàng hậu bối của lão nhân gia. Vì tư chất ngu muội,
vãn bối thụ giáo được có ít ngày thành ra kiếm pháp của lão nhân gia mười
phần chưa hiểu được một hai.
Hoàng Chung Công thở dài nói: -Nếu Phong huynh đệ thực tình mới học được
hai phần mười kiếm pháp của lão nhân gia mà đã đánh bại được cả ba vị
huynh đệ của lão phu thì kiếm thuật của Phong lão tiên sinh thật cao thâm
không biết đến đâu mà lường!
Lệnh Hồ Xung nói: -Ba vị trang chúa cùng vãn bối mới chỉ qua lại hời hợt mấy
chiêu chưa phân thắng bại đã dừng tay rồi.
Hoàng Chung Công gật đầu. Bộ mặt túm da bọc xương lộ ra một tia cười, cất
tiếng khen ngợi: -Con người tuổi trẻ đã không kiêu ngạo lại không nóng nảy
thật là khó kiếm.
Lão thấy Lệnh Hồ Xung cứ đứng hoài liền mời: -Phong huynh hãy ngồi xuống
ghế nói chuyện.
Lệnh Hồ Xung cùng Hắc Bạch Tử vừa an vị thì một tên đồng tử để tóc trái đào
bưng lên ba chén trà xanh.
Hoàng Chung Công nói: -Lão phu nghe nói Phong huynh có bộ cầm phổ kêu
bằng “Tiếu ngạo giang hồ khúc” tinh vi ảo diệu hiếm có trên đời. Chuyện đó có
thật chăng? Lão phu tính thích âm nhạc. Trong những cổ phổ chưa thấy có
khúc đàn này bao giờ.
Lệnh Hồ Xung đáp: -Bộ cầm phổ này do người mới đây đặt ra.
Chàng nghĩ thầm: -Hướng đại ca bịa chuyện huyên thuyên lừa bịp được bọn
họ. Ta xem bốn vị trang chúa ở Cô Sơn Mai Trang này đều không phải người
tầm thường. Nếu y đưa mình đến cầu họ trị bệnh thì việc gì phải bày ra lắm
chuyện rắc rối như vậy? Ngày trước hai vị tiền bối Lưu Chính Phong và Khúc
Dương giao cầm phổ này vào tay ta là vì hai vị đó sợ công trình hao phí bao
nhiêu tâm huyết sẽ bị mai một ở nhân gian. Nay đại trang chúa đây đã ham
mê âm nhạc, vậy mình cứ lấy cho lão coi.
Chàng liền thò tay vào bọc móc lấy cầm phổ, rời khỏi chỗ ngồi hai tay đưa lên
nói: -Mời đại trang chúa coi đi!
Hoàng Chung Công nghiêng mình đón lấy rồi hỏi: -Đây là tác phẩm của một
nhân vật cận đại ư? Lão phu ẩn cư đã lâu hủ lậu hẹp hòi, nên không biết trên
đời vừa trổ ra một vị âm nhạc đại sư.
Lão nói câu này tỏ ra có ý không tin.
Hoàng Chung Công lật trang thứ nhất ra vừa coi vừa nói: -Ô! Đây là khúc nhạc
cầm tiêu hợp tấu. Chà! Khúc này tài quá nhỉ!
Lão coi một lúc rồi sắc mặt biến đổi.
Hoàng Chung Công vừa lật cầm phổ coi, vừa bật năm ngón tay trái xuống bàn
như kiểu gãy đàn.
Lão coi được hai trang rồi ngẩng đầu lên ngơ ngẩn xuất thần, miệng lẩm bẩm
tự nói một mình: -Khúc đàn này biến sang điệu “giốc”, điệu “chủy”, một cách
gấp rút thế này mà tấu được ư?
Lệnh Hồ Xung nghe lão nói vậy liền đáp: -Quả thiệt có người tấu được đó.
Hoàng Chung Công cặp mắt trợn ngược lên hỏi lại: -Sao Phong huynh biết có
người tấu được? Phong huynh cũng biết dạo đàn chăng?
Lệnh Hồ Xung lắc đầu đáp: -Dĩ nhiên vãn bối không biết gãy đàn, mà đã được
nghe hai người tấu rồi. Người thứ nhất hợp tấu với một vị thổi tiêu. Hai vị đó
đã soạn ra khúc “Tiếu ngạo giang hồ” này.
Hoàng Chung Công hỏi: -Còn một vị nữa gãy được là ai?
Lệnh Hồ Xung thấy lão hỏi đến Doanh Doanh ngực chàng lại nóng bừng,
chàng đáp: -Vị thứ hai này là một người đàn bà.
Hoàng Chung Công ngơ ngác hỏi: -Đàn bà ư? Người đó … đã bao nhiêu tuổi?
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng: -Doanh Doanh rất căm phẫn kẻ nào nói vắng mặt là
nàng có quen biết với mình. Vậy mình không thể để cho Hoàng Chung Công
biết rõ.
Nghĩ vậy chàng liền đáp: -Vị đó thực tình đã bao nhiêu tuổi, vãn bối không
được hiểu rõ. Ban đầu vãn bối gặp y kêu bằng “bà bà”.
Hoàng Chung Công “ủa” lên một tiếng rồi hỏi: -Phong huynh đệ kêu y bằng bà
bà ư? Vậy y là một bà già hay sao?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Khi ấy vãn bối nghe y gãy đàn phía sau bức rèm, không
được nhìn rõ mặt. Chắc y là một bà lão già.
Lệnh Hồ Xung nhớ tới Doanh Doanh đã giả làm một bà già và dọc đường
chàng cứ kêu y bằng bà bà hoài, bây giờ không biết y ở đâu.
Chàng vừa cười thầm trong bụng và tâm thần nảy ra mối bâng khuâng khôn
tả.
Hoàng Chung Công nhìn ra ngoài cửa sổ ngơ ngẩn xuất thần hồi lâu rồi vẻ mặt
đăm chiêu hỏi: -Vị bà bà gãy đàn có hay lắm không?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Y tấu rất hay. Sau y còn dạy vãn bối gãy đàn, đáng tiếc là
vãn bối chẳng học được khúc nào hết.
Hoàng Chung Công vội hỏi: -Bà dạy Phong huynh đệ đờn khúc gì?
Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ: -Nếu mình nói là khúc “Thanh tâm phổ thiện trú”
thì không khéo lão đoán được là Doanh Doanh mất.
Chàng liền đáp: -Vãn bối bản tính lơ đnh về âm nhạc, chẳng những quên khúc
điệu mà cũng chẳng nhớ tên là khúc gì nữa.
Hoàng Chung Công lẩm bẩm một mình: -Chắc không phải y rồi. Có lý đâu còn
sống ở nhân gian được.
Lão lại hỏi: -Hiện vị bà bà ấy ở đâu?
Lệnh Hồ Xung thở dài đáp: -Nến vãn bối mà biết thì còn nói gì nữa? Một hôm
trời tối rồi, vãn bối mê man bất tỉnh rồi y bỏ đi.
Từ đó không hiểu y đi về phương nào?
Hoàng Chung Công đứng phắt dậy hỏi: -Phong huynh đệ bảo một buổi tối y
đột nhiên ly khai Phong huynh đệ rồi sau đi đâu không biết nữa ư?
Lệnh Hồ Xung vẻ mặt buồn thảm gật đầu.
Hắc Bạch Tử từ nãy đến giờ không lên tiếng. Lão thấy Hoàng Chung Công ra
vẻ bâng khuâng, sợ lão mắc phải bệnh cũ liền nói ngay: -Phong huynh đệ đây
cùng một vị Đồng huynh phái Tung Sơn tới đây nói là trong Mai trang có người
thắng được kiếm pháp của Phong huynh đệ …
Hoàng Chung Công ngắt lời: -Hừ! Chắc phải có người thắng được kiếm pháp
của y, y mới chịu đưa bộ cầm phổ “Tiếu ngạo giang hồ” khúc cho ta sao lục, có
đúng thế không?
Hắc Bạch Tử đáp: -Đúng thế. Nếu đại ca không xuất mã thì Cô Sơn Mai trang
chúng ta …
Hoàng Chung Công nở một nụ cười thê lương nói tiếp: -Ba vị lão đệ đã không
thắng được thì ta cũng chẳng ăn thua.
Hắc Bạch Tử nói: -Bọn tiểu đệ so với đại ca thế nào được?
Hoàng Chung Công nói: -Ta đã già rồi thì còn làm gì được nữa?
Lệnh Hồ Xung đứng dậy hai tay nâng bộ cầm phổ kính cẩn đưa lên nói: -Bảo
kiếm để tặng người hiệp sĩ. Người soạn ra cầm phổ này lúc trao cho vãn bối có
ân cần dặn lại là tìm đến một bậc cao sĩ chuyên về âm nhạc để kính tặng,
khiến giai phẩm của hai vị đó đã lao tâm soạn ra khỏi bị thất truyền. Đại trang
chúa đạo hiệu là Hoàng Chung Công dĩ nhiên là một bậc cao thủ về môn âm
nhạc. Vậy từ nay trở đi, thiên cầm phổ này thuộc quyền sở hữu của đại trang
chúa.
Hoàng Chung Công và Hắc Bạch Tử đều rất đỗi ngạc nhiên.
Hắc Bạch Tử lúc trước ở trong kỳ thất Hướng Vấn Thiên ra chiều khó khăn
khiến người ta phải nóng lòng. Bây giờ lão không ngờ anh chàng Phong Nhị
Trung này lại khẳng khái tặng ngay. Nhưng lão là tay chuyên đấu kỳ liền nghĩ
ngay tới Lệnh Hồ Xung có cử động này hẳn là bố trí thế hiểm gì đây để dẫn dụ
Hoàng Chung Công mắc bẫy. Nhưng trong lúc nhất thời lão chưa khám phá ra
được chàng có chỗ nào trá ngụy.
Hoàng Chung Công không tiện đón lấy, lão nói: -Không có công trạng đâu lại
hưởng lộc? Giữa Phong huynh đệ và ta vốn không quen biết khi nào dám nhận
hậu lễ của Phong huynh đệ? Hai vị tới tệ trang có điều chi tư giáo, xin thành
thực nói cho nghe.
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng: -Hướng đại ca tới Mai trang có dụng ý gì mà trước
khi đến đây y chẳng hở môi nửa lời. Theo chỗ ta phỏng đoán thì có lẽ mục
đích đến Mai trang là để cầu bốn vị trang chúa trị thương cho ta. Nhưng cách
sắp đặt của y chỗ nào cũng cực kỳ thần mật. Phải chăng bốn vị trang chúa
này đều là những nhân vật hành động khác lạ, đứng riêng một đường lối, nên
y không thể nói rõ được? Mặt khác Hướng đại ca có mưu cầu sự gì ở đây ta
cũng không hay. Vậy ta nói thẳng cũng không phải là có ý khinh mạn người.
Nghĩ vậy chàng liền đáp: -Vãn bối theo Đồng đại ca đến bảo trang, thực tình
mà nói thì trước khi vào đây vãn bối chưa được nghe đại danh bốn vị trang
chúa và cũng không biết ở đời lại có các vị ở Cô Sơn Mai trang …
Chàng ngừng lại môt chút rồi tiếp: -Đó chẳng qua vì vãn bối là kẻ hủ lậu hẹp
hòi nên không được biết tới các vị cao nhân tiền bối trong võ lâm. Xin hai vị
min trách cho.
Chàng nói gỡ câu này tỏ ra danh hiệu Mai trang chẳng phải không lừng lẫy
khắp nơi mà chỉ vì chàng thực tình hiểu biết nông cạn.
Hoàng Chung Công liếc mắt ngó Hắc Bạch Tử, trên môi lộ ra một nụ cười, lão
nói: -Lời Phong huynh đệ đây rất chân thành, lão phu xin đa tạ. Chính lão phu
cũng lấy làm kỳ là bốn anh em mình ẩn cư tại Lâm An, trên chốn giang hồ ít
người biết tới. Giữa Ngũ nhạc kiếm phái và anh em lão phu lại chẳng có liên
quan gì mà sao các vị lại tìm tới đây? Như vậy là Phong huynh đệ quả tình
không biết gì đến lai lịch của bốn anh em lão phu!
Lệnh Hồ Xung đáp: -Vãn bối vô cùng hổ thẹn, mong rằng hai vị trang chúa
thông cảm và chỉ giáo cho. Vừa rồi vãn bối thốt lời ngưỡng mộ đại danh bốn vị
trang chúa từ lâu … Thực ra … Thực ra …
Chàng ngập ngừng không biết nói gì nữa, thì Hoàng Chung Công đã gật đầu
hỏi ngay: -Bộ cầm phổ này Phong huynh đệ thành tâm cho lão phu ư?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Đúng thế!
Hoàng Chung Công lại hỏi: -Lão phu muốn hỏi Phong huynh đệ một câu nữa là
lão đệ thực tình chịu lời ủy thác của ai đem tặng cầm phổ này cho lão phu?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Cầm phổ này chính người soạn ra nó đã trao cho vãn bối
và chỉ căn dặn tìm người xứng đáng mà kính tặng, chứ không chỉ định rõ nhân
vật nào. Đại trang chúa đã là người tri âm, vãn bối mừng bộ cầm phổ này đã
tìm được chủ nhân xứng đáng.
Hoàng Chung Công ồ lên một tiếng, nét mặt khô đét thoáng lộ vẻ mừng vui.
Hắc Bạch Tử nói: -Phong lão đệ trao tặng cầm phổ này cho đại ca liệu Đồng
huynh có chịu không?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Hai bức thư họa kia là của Đồng đại ca, vãn bối không
biết đến. Còn bộ cầm phổ này là của riêng vãn bối, chắc y chẳng phản đối làm
chi.
Hắc Bạch Tử nói: -Té ra là thế.
Hoàng Chung Công nói: -Phong huynh đệ đã có lòng tốt, lão phu rất đỗi cảm
ơn nhưng Phong lão đệ đã có lời nói trước là muốn cho trong bản trang có
người thắng được kiếm pháp của lão đệ. Vậy lão phu không thể chiếm lấy
phần tiện nghi này mà chẳng thỏa mãn tâm nguyện của lão đệ. Bây giờ chúng
ta hãy tỷ đấu mấy chiêu nên chăng?
Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ: -Mình vừa nghe nhị trang chúa đã nói “Bọn tiểu
đệ so bì với đại ca thế nào được?”. Thế thì võ công đại trang chúa tất nhiên
còn cao thâm hơn ba vị kia nhiều. Võ công ba vị trang chúa kia đã vào hạng
trác tuyệt, ta hoàn toàn trông vào kiếm pháp của Phong thái sư thúc tổ truyền
cho mới chiếm được chút thượng phong. Nếu mình lại giao thủ với đại trang
chúa chưa chắc nắm được phần thắng thì tội gì mà tự rước lấy cái nhục vào
mình? Dù có thắng được lão nữa cũng chẳng lợi gì.
Chàng nghĩ vậy liền đáp: -Đó chẳng qua là Đồng đại ca trong lúc nhất thời
hiếu sự mà thôi. Y nói vậy thật khiến cho vãn bối hổ thẹn vô cùng! Bốn vị
trang chúa không phiền trách về tội ngông cuồng của vãn bối đã cảm kích
muôn phần! Khi nào còn dám giao thủ với đại trang chúa nữa?
Hoàng Chung Công nói: -Lão đệ quả là người rất tốt. Nhưng chúng ta cứ tỷ thí
mấy chiêu, hễ điểm tới là thôi, cũng chẳng can hệ gì?
Lão quay lại lấy ống ngọc tiêu trên vách đá đồng thời cầm lấy cây dao cầm đặt
ở trên ghế. Lão đưa ngọc tiêu cho Lệnh Hồ Xung nói: -Lão đệ dùng ngọc tiêu
làm kiếm, còn lão phu lấy cây dao cầm để làm binh khí.
Lão tủm tỉm cười nói tiếp: -Hai thứ nhạc khí này của lão phu chẳng dám nói là
có giá trị liên thành, song thực ra nó là những vật khó kiếm trên đời, không
nên để nó bị phá vỡ. Chúng ta chỉ dùng nó để ra chiêu thức tương tự mà thôi.
Lệnh Hồ Xung đành đón lấy ngọc tiêu. ống tiêu này toàn thân màu xanh biếc
mà là một thứ ngọc thượng hảo. Gần chỗ đặt miệng thổi có mấy chấm vân đỏ
tươi như máu, khiến màu biếc ngọc tiêu càng rực rỡ.
Hoàng Chung Công cầm cây dao cầm rất cũ kỹ. Nó là một cổ vật đến mấy trăm
năm hoặc ngàn năm không chừng. Hai thứ nhạc khí này chỉ khẽ đụng nhau
cũng đủ vỡ tan, dĩ nhiên không thể dùng để chiến đấu thực sự.
Lệnh Hồ Xung thấy không còn cách nào từ khước được, đành đưa hai tay cầm
ngang cây ngọc tiêu nói: -Xin đại trang chúa chỉ điểm cho.
Hoàng Chung Công nói: -Phong lão tiên sinh là bậc kiếm hào nổi tiếng một đời.
Kiếm pháp của lão tiên sinh truyền thụ không phải tầm thường. Mời Phong lão
đệ ra chiêu đi.
Lệnh Hồ Xung vung ống tiêu lên một cách nhẹ nhàng. Gió thổi qua lỗ tiêu phát
ra thành một điệu âm nhạc nhu hòa.
Hoàng Chung Công tay phải bật vào dây đàn mấy cái. Tiếng đàn vang lên. Lão
vung cán cây đàn lên nhằm đẩy về phía vai bên hữu Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung vừa nghe tiếng đàn đã thấy tâm thần hơi bị chấn động. Chàng
cầm ngọc tiêu từ từ điểm tới nhằm vào huyệt tiểu hải ở sau khuỷu tay Hoàng
Chung Công.
Nếu cây dao cầm không đánh tới nữa thì chẳng nói làm chi, bằng lão tiếp tục
đập tới vai Lệnh Hồ Xung thì huyệt đạo ở cổ tay tất nhiên cũng bị điểm trúng.
Hoàng Chung Công vội xoay cây dao cầm rồi lại nhằm Lệnh Hồ Xung đánh tới.
Lúc cây đàn phóng ra, dây đàn cũng phát thanh âm.
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng: -Nếu mình dùng ngọc tiêu để gạt thì cả hai cây nhạc
khí đều hư hại. Lão vì tiếc nhạc khí nhất định phải rụt cây đàn về. Nhưng cách
đánh như vậy tỏ ra mình là kẻ vô lại.
Chàng liền chuyển cây ngọc tiêu theo đường cánh cung điểm vào huyệt Thiên
toàn dưới nách đối phương.
Hoàng Chung Công giơ đàn lên gạt, Lệnh Hồ Xung liền rút ngay tiêu về.
Hoàng Chung Công lại nẩy mấy tiếng đàn nhịp điệu cấp bách.
Hắc Bạch Tử đã hơi thay đổi sắc mặt, lão phải xoay mình lùi khỏi nhà, xoay tay
khép cửa lại.
Nguyên cây dao cầm phát thanh không phải là khúc nhạc nhàn hạ, trong tiếng
đàn đã vận nội lực thượng thừa vào để làm rối loạn tâm thần đối phương. Nội
lực đối phương vì tiếng đàn phát động mà bị kiềm chế một cách bất ngờ.
Tiếng đàn khoan thai thì đối phương ra chiêu thong thả. Tiếng đàn dồn dập thì
đối phương lại ra chiêu cấp bách. Còn chính Hoàng Chung Công lại ra chiêu số
trái ngược hẳn với tiếng đàn. Tay lão ra tay mau lẹ bao nhiêu thì tiếng đàn
khoan thai bấy nhiêu. Như vậy đối phương lâm vào tình thế không thể chống
đỡ được.
Phương pháp dùng cầm âm hòa lẫn được với võ công là đã đi đến một trình độ
võ học tối cao.
Nếu nó cao đến độ chót thì không cần phải ra chiêu, chỉ một tiếng đàn cũng
đủ làm cho địch nhân tán loạn tâm thần, lộn ngược kinh mạch biến thành kẻ
điên khùng rồi hôn mê đi mà chết.
Tuyệt kỷ của Hoàng Chung Công tuy chưa đến được tới trình độ này, nhưng
lão vừa dùng tiếng đàn vừa phóng cầm chiêu thì võ thuật đối phương có thắng
lão gấp mười cũng chỉ trong vòng mấy chiêu là chẳng khỏi bị lão kiềm chế.
Đến lúc tối hậu cũng bị thất bại mà thôi.
Hắc Bạch Tử hiểu rõ môn công phu ghê gớm này của Hoàng Chung Công. Lão
sợ nội lực mình bị tổn thương nên phải lùi ra ngoài cửa.
Hắc Bạch Tử đứng bên ngoài cách lần ván cửa vẫn còn nghe văng vẳng tiếng
đàn. Tiếng đàn lúc thong thả lúc dồn dập, lúc im bặt.
Bỗng nghe đánh “keng” một tiếng vang lên, lão nghĩ bụng: -Phong lão đệ là
người nhân hậu. Y ra chiêu với ba anh em ta, thủy chung chưa làm cho ai phải
khó chịu chút nào. Bây giờ đại ca dùng phép “Thất huyền vô hình kiếm” để tỷ
đấu với y thì nhất định làm cho y bị trọng thương. Đó là một điều đáng tiếc
nhưng nếu không đưa môn công phu này ra thì trong Mai trang chắc chẳng
còn ai thắng được y nữa. Khi đó Giang Nam tứ hữu bị hạ về một tên thiếu niên
hậu bối thủ hạ phái Hoa Sơn, cũng chẳng thể chịu được. Ta chỉ hy vọng đại ca
đừng đánh chết y là xong.
Bỗng nghe tiếng đàn mỗi lúc một cấp bách. Tiếng đàn lọt qua ván cửa ra
ngoài. Hắc Bạch Tử cảm thấy khí huyết nhộn nhạo khó chịu khôn tả. Lão đứng
ngoài mà không chống chọi được nữa phải lùi ra tới cửa lớn rồi đóng sập lại.
Đã cách hai tầng cửa, tiếng đàn hầu như không nghe thấy nữa, nhưng thỉnh
thoảng mấy tiếng lên bổng lọt ra ngoài vẫn làm cho trái tim lão đập thình
thình.
Hắc Bạch Tử đứng ở ngoài cửa hồi lâu thủy chung vẫn vẳng nghe tiếng đàn
chưa dứt thì trong lòng không khỏi kinh dị, nghĩ thầm: -Phong huynh đệ kiếm
pháp cực cao, nội lực mới ghê gớm đến thế! “Thất huyền vô hình kiếm” của đại
ca tấn công đã bấy lâu mà y vẫn còn chống chọi được ư? Ta e rằng y càng
gắng gượng thì thân thể bị tổn thương càng tệ hại. Nếu nhân đó mà y phải
chết thì chúng ta không khỏi ân hận suốt đời.
Giữa lúc Hắc Bạch Tử đang lo lắng bỗng nghe sau lưng có tiếng chân người
bước đi tới. Lão ngoảnh đầu lại coi thì chính là Ngốc Bút Ông và Đan Thanh
tiên sinh hai người sóng vai đi tới.
Đan Thanh tiên sinh khẽ cất tiếng hỏi: -Hiện tình thế nào?
Hắc Bạch Tử đáp: -Hai bên tỷ đấu đã khá lâu mà chàng thiếu niên vẫn còn
gượng chống đỡ. Tiểu huynh đang lo đại ca làm tổn thương đến mạng y.
Đan Thanh tiên sinh nói: -Tiểu đệ vào thỉnh cầu đại ca không nên sát hại
người tốt đó.
Hắc Bạch Tử lắc đầu nói: -Không vào được đâu …
Giữa lúc ấy tiếng đàn bật lên hai tiếng choang choang.
Những tiếng đàn mãnh liệt khiến cho ba người phải lùi ra một bước.
Tiếng đàn vang lên năm lần. Ba người không tự chủ được lùi thêm năm bước.
Ngốc Bút Ông sắc mặt lợt lạt một lúc rồi định thần lại nói: -Đại ca đã luyện
thành kiếm pháp vô hình “Lục đỉnh khai sơn” rồi. Sáu tiếng đàn mãnh liệt liên
tục nổi lên thì tấm thân huyết nhục của gã họ Phong chống lại làm sao được?
Lão chưa dứt lời lại nghe một tiếng choang rất lớn vang lên.
Sau tiếng choang là một tiếng “bực” tỏ ra dây đàn đứt rồi. Tiếng “bực” lại rất
mạnh dường như mấy dây đều đứt hết.
Bọn Hắc Bạch Tử giật mình kinh hãi đẩy cửa lớn chạy tới rồi lại đẩy cửa nội
thất ngó vào thì thấy Hoàng Chung Công đứng thộn mặt ra chẳng nói năng gì.
Cây dao cầm trong tay lão, cả bảy đều bị đứt hết rủ xuống bên bàn.
Lệnh Hồ Xung tay cầm ngọc tiêu đứng bên khom lưng nói: -Vãn bối cam bề
đắc tội.
Hiển nhiên phần thất bại cuộc tỷ đấu này đã về phần Hoàng Chung Công.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.