TIẾU NGẠO GIANG HỒ

111. Hồ Xung đả bại Đinh Kiên và Tứ Trang Chúa



Hướng Vấn Thiên nghe Hắc Bạch Tử nói vậy liền đáp: -Dạ dạ! Đúng thế! Bất
luận là nhân vật nào trong Mai Trang cứ thắng được kiếm pháp của Phong
huynh đệ là bọn tại hạ chịu thua ngay, không dám cãi nửa lời. Vậy không nhất
định phải chính bốn vị trang chúa thân hành động thủ. Đinh huynh đây đã
được bạn hữu giang hồ tặng cho ngoại hiệu “Nhất tự điện kiếm” vì chiêu kiếm
của y nhanh như điện chớp, trên đời ít kẻ bì kịp.
Rồi lão quay lại bảo Lệnh Hồ Xung: -Phong lão đệ! Lão đệ hãy lĩnh giáo Nhất tự
điện kiếm Đinh huynh đi!
Đan Thanh tiên sinh vừa quẳng trường kiếm cho Đinh Kiên vừa cười nói: –
Ngươi mà thua Phong huynh đệ thì ta phạt ngươi phải uống ba bát rượu lớn
đó nghe!
Đinh Kiên khom lưng đón lấy trường kiếm rồi quay về phía Lệnh Hồ Xung nói: –
Đinh mỗ xin lãnh giáo kiếm pháp của Phong gia.
Hắn rút kiếm ra khỏi vỏ đánh “soạt” một cái.
Lệnh Hồ Xung cũng rút kiếm ra, để vỏ kiếm xuống kỷ đá.
Hướng Vấn Thiên lại nói: -Thưa ba vị trang chúa cùng Đinh huynh! Đây chỉ là
một vụ chứng nghiệm kiếm pháp chứ không phải là cuộc tỷ thí nội lực …
Hắc Bạch Tử ngắt lời: -Dĩ nhiên hễ ai điểm tới một cái là phải dừng lại ngay.
Hướng Vấn Thiên quay lại bảo Lệnh Hồ Xung: -Phong lão đệ! Lão đệ không
được phát huy một chút nội lực nào hết. Đây là cuộc so đọ kiếm pháp. Bên
nào chiêu số tinh vi là thắng, sơ hở là bại. Môn khí công của phái Hoa Sơn đã
nổi danh trong võ lâm, nếu lão đệ phải dùng đến nội lực để thủ thắng cũng kể
là chúng ta bại trận đó.
Lệnh Hồ Xung cười thầm trong bụng tự nhủ: -Hướng đại ca đã biết mình
chẳng còn mảy may nội lực, y khéo làm phách để chơi trò ú tim đối phương.
Chàng liền đáp một cách nửa ra khiêm nhượng nửa ra ỡm ờ: -Tiểu đệ mà sử
nội lực thì ba vị trang chúa đây tất phải nổi lên một tràng cười ngất đến trẹo
quai hàm. Dĩ nhiên tiểu đệ không dám đâu.
Hướng Vấn Thiên lại rào đón: -Chúng ta lặn lội đến Mai trang với tấc dạ chí
thành mà lão đệ chỉ một niềm nhún nhường thái quá là thiếu lễ thành kính với
bốn vị tiền bối đó. Tử hà thần công của phái Hoa Sơn tinh thâm hơn nội lực
phái Tung Sơn ta rất nhiều, đó là một điểm ai ai cũng biết. Này Phong lão đệ!
Lão dệ hãy đứng vào hai vết bàn chân ta đây, đừng có di động cặp giò để tỷ
thí chiêu thức về kiếm pháp với Đinh huynh được chăng.
Dứt lời, Hướng Vấn Thiên cất bước đứng tránh sang một bên.
Trên bốn viên gạch xanh hiện ra hai vết bàn chân sâu đến hai tấc.
Nguyên lúc Hướng Vấn Thiên nói mấy câu vừa rồi, hắn đã ngấm ngầm vận nội
lực ấn mạnh bàn chân xuống cho thành vết.
Bọn Hắc Bạch Tử, Ngốc Bút Ông, Đan Thanh tiên sinh ba người lớn tiếng hoan
hô: -Hảo công phu! Hảo công phu!
Nên biết Hướng Vấn Thiên mồm miệng nói năng hoạt bát, vẻ mặt bình thản,
chỉ vận nội lực vào hai bàn chân dận xuống gạch thành vết phẳng lỳ, đã không
làm sứt mẻ viên gạch, vết chân khắc xuống lại rất đều đặn, chẳng có chỗ nào
nông sâu hơn kém, tựa như người dụng tâm điêu khắc tỷ mỷ.
Bọn Đan Thanh tiên sinh chỉ cho là Hướng Vấn Thiên muốn phô din nội công.
Cách khoa trương tuy có vẻ nông cạn, không xứng đáng là hành vi của bậc
cao nhân, nhưng thần công ghê gớm này cũng khiến cho người ta phải bội
phục. Họ không hiểu hắn còn có thâm ý khác nữa.
Nguyên Hướng Vấn Thiên đã tuyên dương nội công của Lệnh Hồ Xung còn cao
thâm hơn hắn.
Nội lực hắn đã đến trình độ này, mà thần công của chàng còn ghê gớm hơn,
hắn gián tiếp cảnh giác đối phương lúc ra chiêu đừng có sử dụng nội lực để
rước lấy cái bại nhục vào thân.
Mặt khác Lệnh Hồ Xung ngoài kiếm pháp, không còn môn sở trường nào khác.
Cả về khinh công chạy nhảy, chàng cũng tầm thường. Vậy hắn bảo chàng
đứng yên vào vết chân hắn để tỷ kiếm pháp cũng là cách che giấu chỗ sở
đoản cho chàng.
Đinh Kiên nghe Hướng Vấn Thiên bảo Lệnh Hồ Xung đứng vào vết chân hắn
để tỷ kiếm liền cho là hắn có ý khinh thị mình, nên trong lòng không khỏi phẫn
nộ, nhưng y thấy công lực dậm gạch thành vết cũng ngấm ngầm khiếp sợ vì y
tự biết công lực kém cỏi không bì với hắn được. Rồi y tự nhủ: -Bọn này dám
đến khiêu chiến với bốn vị trang chúa thì dĩ nhiên không phải hạng tầm
thường. Ta chỉ mong giữ được thế quân bình để khỏi tổn thương oai danh Cô
Sơn Mai trang là đủ.
Nguyên trước Đinh Kiên cũng là tay ngông cuồng kiêu ngạo, sau y gặp phải
cường địch đẩy vào tình trạng sống không sống được, chết chẳng chết cho.
Giữa lúc y bị đau khổ không bút nào tả xiết thì may gặp Giang Nam tứ hữu ra
tay giải cứu thoát khỏi lao lung. Y liền quy đầu Mai trang, cam phận tôi đòi.
Bao nhiêu tính kiêu ngạo hống hách ngày trước đều bỏ đi hết.
Lệnh Hồ Xung đứng vào hai vết chân rồi tủm tỉm cười nói: -Xin mời Đinh
huynh!
Đinh Kiên đáp: -Tại hạ xin thất l.
Y vung trường kiếm ra đánh véo một tiếng.
Mọi người bỗng thấy một tia sáng như điện chớp thấp thoáng lướt qua trước
mặt.
Đinh Kiên tuy quy ẩn ở Mai trang hơn mười năm, nhưng vẫn không chểnh
mảng việc rèn luyện công phu ngày trước.
Còn kiếp pháp mà Lệnh Hồ Xung đã học được là “Độc cô cửu kiếm”, một thứ
kiếm pháp tối cao vô thượng từ cổ chí kim. Độc cô cầu bại nhờ kiếm pháp này
vùng vẫy giang hồ, xưng hùng thiên hạ.
Suốt đời lão chưa từng thua ai một trận bao giờ. Chẳng những lão không thua
ai mà đến khi tuổi già, lão
chỉ mong có người chống nổi lão mười chiêu cũng không được.
Độc cô cầu bại lâm vào tình trạng anh hùng tịch mịch, phát phiền mà chết.
Lão chết nhưng kiếm pháp của lão được Phong Thanh Dương truyền lại cho
Lệnh Hồ Xung.
“Nhất tự điện kiếm” vừa phóng tới là kiếm quang vọt ra như chớp xẹt ngang
trời, khiến người coi thấy phải kinh tâm động phách, trong lòng hồi hộp.
Ngày trước Đinh Kiên bị thất bại vì một tay một tên độc hành đại đạo đui mù.
Đối thủ mắt chẳng nhìn thấy gì, chỉ nghe tiếng động để phân biệt phương
hướng mà đánh tới. Thanh thế “Nhất tự điện kiếm” khiến cho đối phương bở
vía không trổ tài được.
Bây giờ Đinh Kiên thi triển kiếm pháp này, chỉ trong giây lát làn điện quang lóe
ra khắp cả sảnh đường làm chói mắt mọi người.
Đinh Kiên mới phóng một chiêu, Lệnh Hồ Xung đã nhìn thấy ba chỗ sơ hở rất
lớn.
Hắn không tấn công một cách hấp tấp, chỉ vạch trường kiếm trên không luôn
mấy nhát tựa hồ để tỏ lòng kính khách. Thực ra hắn cố ý khiến cho Lệnh Hồ
Xung phải lóa mắt đẫn đờ, khó lòng chống chọi được những chiêu sau của hắn
sắp phóng ra.
Ngờ đâu Đinh Kiên sử đến chiêu thứ năm Lệnh Hồ Xung đã nhận thấy 18 chỗ
sơ hở, liền lên tiếng: -Tại hạ đành đắc tội.
Rồi chàng đưa thanh trường kiếm phóng xéo ra.
Lúc này tay kiếm của Đinh Kiên đang lướt nhanh từ mé tả qua mé hữu. Mũi
kiếm của Lệnh Hồ Xung phóng ra còn cách cổ tay hắn chừng hai thước sáu
tấc.
Thế kiếm của Đinh Kiên lướt như vậy là tự đưa cổ tay hắn về phía mũi kiếm đối
phương. Đà kiếm đi gấp quá không tài nào đổi hướng được.
Năm người bàng quan đều là những tay cao thủ, nhìn thấy cơ nguy bất giác
đồng thanh bật tiếng la: -Coi chừng!
Hắc Bạch Tử đang cầm hai con cờ trong tay toan liệng ra đỡ thanh trường
kiếm của Lệnh Hồ Xung để Đinh Kiên khỏi bị đứt tay. Nhưng lão lại tự nghĩ: –
Nếu mình ra tay viện trợ thì thành thế hai người đánh một tức là Mai trang đã
bại trận, không tiện tỷ đấu lần nữa.
Lão đang còn ngần ngừ thì cổ tay Đinh Kiên đã lướt hết quãng cách hai thước
sáu tấc để tự đưa vào lưỡi kiếm của Lệnh Hồ Xung.
Thi Lệnh Oai đứng ngoài thất thanh la: -Trời ơi!
Dè đâu trong khoảng thời gian chớp nhoáng này Lệnh Hồ Xung đã nhẹ nhàng
xoay cổ tay cho lưỡi kiếm nghiêng đi. Bình diện thanh kiếm đập vào cổ tay
Đinh Kiên đánh bộp một tiếng, hắn không bị tổn thương chi hết.
Đinh Kiên đứng ngẩn người ra một chút rồi mới biết là đối phương đã lưu tình
trong khi hạ thủ.
Trong khoảnh khắc này, hắn nghĩ tới nếu bị chặt đứt một tay thì thành phế
nhân rồi, bầt giác mồ hôi toát ra như tắm.
Hắn liền khom lưng nói: -Đa tạ Phong đại hiệp đã nương tay.
Lệnh Hồ Xung cũng khom lưng hoàn lễ đáp: -Không dám! không dám! Đây
chẳng qua là Đinh huynh có ý nhân nhượng.
Bọn Hắc Bạch Tử, Ngốc Bút Ông, Đan Thanh tiên sinh thấy Lệnh Hồ Xung
nghiêng thanh trường kiếm để Đinh Kiên khỏi bị máu chảy đương trường thì
trong lòng xiết bao cảm phục.
Đan Thanh tiên sinh tự tay rót đầy chung rượu nói: -Phong huynh đệ! Tại hạ
xin kính mừng lão đệ một chung về kiếm pháp tinh kỳ.
Lệnh Hồ Xung đáp: -Tại hạ không dám.
Chàng đón lấy chung rượu uống.
Đan Thanh tiên sinh lại rót chung rượu thứ hai nói: -Phong huynh đệ tâm địa
nhân từ đã bảo toàn bàn tay cho Đinh Kiên, vậy tại hạ xin kính tặng lão đệ
chung rượu này.
Lệnh Hồ Xung đáp: -Đây chẳng qua là một sự may mắn, có chi đáng kể?
Hai tay chàng bưng chung rượu lên uống.
Đan Thanh tiên sinh lại rót chung nữa rồi nói: -Còn chung thứ ba này cả hai ta
không ai được uống trước. Lão đệ cùng ta đấu chơi một cuộc, hễ ai thua là
người ấy uống.
Lệnh Hồ Xung cười nói: -Nếu vậy, chung rượu này dĩ nhiên về phần tại hạ.
Thôi để tại hạ uống trước đi cho rồi!
Đan Thanh tiên sinh xua tay nói: -Không được! Lão đệ hãy khoan!
Lão đặt chung rượu xuống kỷ đá, đón lấy thanh trường kiếm của Đinh Kiên
nói: -Phong huynh đệ ra chiêu trước đi!
Lúc Lệnh Hồ Xung vừa uống rượu, chàng đã trù tính trong bụng: -Lão này đã
tự xưng: thị hiếu thứ nhất của lão là rượu, thứ nhì là tranh vẽ, thứ ba là kiếm
thì nhất định kiếm pháp lão không phải tầm thường. Ta coi bức họa “Tiên nhân
đồ” của lão treo trong nhà đại sảnh thấy bút pháp cũng tương tự như một
đường kiếm pháp khắc trên vách đá trong hậu động ở trên núi sám hối. Kể ra
kiếm pháp này rất tinh diệu, nhưng ta đã nhận biết đường lối thì cách đối phó
tưởng cũng không khó lắm.
Chàng liền khom lưng thi lễ nói: -Tứ trang chúa. Xin trang chúa nhẹ đòn cho,
tại hạ mới dám …
Đan Thanh tiên sinh ngắt lời: -Lão đệ bất tất phải khách sáo. Tiến chiêu đi!
Lệnh Hồ Xung khoan thai đáp: -Tại hạ xin tuân mệnh!
Chàng vung kiếm lên nhằm đâm vào vai Đan Thanh tiên sinh.
Chiêu kiếm này phóng ra, thế đi xiêu vẹo, dường như không có lấy một chút
nội lực, nó lại chẳng có chương pháp nào hết vì trong kiếm pháp khắp thiên
hạ, chưa ai sử dụng chiêu kiểu này bao giờ.
Đan Thanh tiên sinh ngạc nhiên hỏi: -Thế này nghĩa là làm sao?
Nên biết Đan Thanh tiên sinh là nhân vật biết nhiều hiểu rộng. Những chỗ tinh
diệu về kiếm chiêu của các nhà, các phái, mười phần lão đã thông tỏ đến bảy
tám. Hơn nữa Lệnh Hồ Xung là đệ tử phái Hoa Sơn, thì trong đầu óc lão đã
hiện lên những đường kiếm của phái này. Ngờ đâu chàng vừa mới phóng một
chiêu đã ra ngoài sự tưởng tượng của lão, trách nào lão chẳng ngạc nhiên.
Lệnh Hồ Xung được Phong Thanh Dương truyền thụ kiếm pháp ngoài môn
“Độc cô cửu kiếm” độc đáo, chàng còn lĩnh hội thêm tinh nghĩa về cách dùng
“vô chiêu thắng hữu chiêu”. Yếu quyết này đi đôi với “Độc cô cửu kiếm” bổ
xung cho nhau. Về môn “Độc cô cửu kiếm” dù đạt đến chỗ vi diệu cực điểm
nhưng vẫn còn có chiêu thức để tìm ra dấu vết. Khi Lệnh Hồ Xung học đến
kiếm lý dùng “Vô chiêu thắng hữu chiêu” đem ra vận dụng liền khiến cho đối
phương không biết đường nào mà mò.
Nên biết bất luận kiếm pháp nhà nào hay môn phái nào trong thiên hạ đều có
chiêu số. Đã có chiêu số là có chỗ sơ hở. Còn căn bản đã không chiêu thức thì
đối phương phá vào đâu được? Vì thế mà Lệnh Hồ Xung vừa phóng chiêu kiếm
ra, Đan Thanh tiên sinh không khỏi ngơ ngác. Lão biết rằng nếu mình cũng
phóng kiếm đỡ gạt thì đỡ gạt không trúng, nên đành lùi lại hai bước.
Lệnh Hồ Xung ra một chiêu đã bắt buộc Đinh Kiên buông kiếm chịu thua. Hắc
Bạch Tử và Ngốc Bút Ông tuy miệng tán tụng kiếm pháp của chàng tinh diệu,
nhưng trong lòng hai lão đều nghĩ rằng chàng đã dám đến Mai trang khiêu
chiến mà không địch nổi một tên bộc dịch, tất khiến người ta cười cho thúi óc.
Bây giờ hai lão thấy Đan Thanh tiên sinh bị chàng đâm một kiếm đã phải lùi lại
hai bước thì trong lòng không khỏi thực tình kinh hãi.
Đan Thanh tiên sinh lùi lại hai bước rồi lại lập tức tiến lên hai bước. Lệnh Hồ
Xung lại phóng kiếm ra. Lần này chàng nhằm đâm vào cạnh sườn bên tả đối
phương và vẫn tiện tay phóng kiếm chẳng vào chương pháp nào hết.
Đan Thanh tiên sinh quét ngang trường kiếm để toan đỡ gạt. Nhưng lúc hai
thanh trường kiếm chưa đụng nhau lão liền cảm thấy môn hộ phía dưới nách
bên phải mình có chỗ sơ hở rất lớn. Nếu đối phương thừa cơ tấn công vào thì
không thể cứu vãn được, nên không dám đỡ gạt.
Trong lúc nguy cấp lão lập tức biến chiêu, đẩy mạnh hai chân cho người tung
lên lùi lại hơn một trượng. Miệng lớn tiếng reo: -Hảo kiếm pháp!
Rồi lão không dừng lại chút nào, nhảy bổ tới. Cả người lẫn kiếm nhằm xô vào
Lệnh Hồ Xung.
Thanh thế cực kỳ uy mãnh.
Lệnh Hồ Xung thấy khuỷu tay phải của lão lộ ra một chỗ sơ hở rất lớn liền hươi
trường kiếm hớt vào khuỷu tay đối phương.
Đan Thanh tiên sinh nếu không biến chiêu cứ phóng kiếm thẳng ra tất bị lưỡi
kiếm của Lệnh Hồ Xung chặt đứt khuỷu tay mặt. Khuỷu tay mặt mà bị chặt đứt
thì dĩ nhiên trường kiếm của mình phải rớt xuống đất.
May ở chỗ võ công lão cực kỳ tinh thục. Gặp lúc hoang mang, lão hạ thấp cổ
tay. Thanh trường kiếm đâm xuống đất. Lão liền mượn đà lăn mình đi ra xa
ngoài hai trượng một cách yên ổn. Lưng lão chỉ còn cách tường vách chừng
vài tấc. Nếu lão vận nội lực mạnh hơn một chút thì đà lăn này sẽ khiến cho
lưng lão đập mạnh vào tường và như vậy không khỏi tổn hại đến oai phong
một bậc cao nhân. Dù sao lão cũng không khỏi hoang mang và nét mặt
thoáng hiện lên một màu hồng tía.
Đan Thanh tiên sinh vốn là nhân vật khoáng đạt hào sảng chứ không đến nỗi
thẹn quá hóa giận như người thường. Trái lại lão bật tràng cười khanh khách,
giơ ngón tay cái lên hoan hô: -Hảo kiếm pháp!
Đoạn lão múa tít trường kiếm ra chiêu “Bạch hồng quán nhật”, tiếp theo là
chiêu “Xuân phong dương liu”, rồi biến sang “Đằng giao khởi phụng”. Ba chiêu
này dính liền vào như một, tưởng chừng lão chưa di động bàn chân.
Lão vừa sử xong ba chiêu thì mũi kiếm đã tới trước mặt Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung liền nghiêng kiếm đè lên sống kiếm của lão. Chàng ra chiêu này
vừa đúng như in không trệch chút nào.
Lúc Đan Thanh tiên sinh phóng kiếm tới, bao nhiêu tinh thần cùng khí lực tập
trung vào cả mũi kiếm, còn trên sống kiếm hững hờ chẳng có lấy một chút nội
lực.
Bỗng nghe một tiếng keng nhè nhẹ. Thanh trường kiếm trong tay Đan Thanh
tiên sinh phải hạ thấp xuống.
Lệnh Hồ Xung liền hất kiếm lên đâm vào trước ngực đối phương.
Đan Thanh tiên sinh bật tiếng la: -U¨i chà!
Rồi nhảy tung sang mé tả né tránh.
Tay trái lão nắm kiếm quyết, tay phải phóng trường kiếm tấn công.
Lần này lão trực tiếp chống đối. Thanh trường kiếm vừa chém tới, miệng lão
vừa la: -Hãy coi chừng!
Lão không muốn đả thương Lệnh Hồ Xung, nhưng chiêu “Ngọc long đáo
huyền” kiếm thế rất lợi hại. Nếu đối phương không tránh được thì tay kiếm lão
thu về không kịp sẽ chém chàng đến bị thương thật sự.
Lệnh Hồ Xung dạ một tiếng.
Thanh trường kiếm của chàng từ dưới hất lên trên đánh chát một cái. Lưỡi
kiếm của chàng đã chênh chếch dính vào lưỡi kiếm của đối phương.
Giả tỷ Đan Thanh tiên sinh vẫn thừa thế chém xuống thì lưỡi kiếm của lão
chưa tới đỉnh đầu Lệnh Hồ Xung, mà thanh trường kiếm của chàng đã hớt đứt
năm ngón tay cầm kiếm của lão.
Võ công của Đan Thanh tiên sinh so với Đinh Kiên còn cao thâm hơn nhiều.
Lão thấy trường kiếm của đối phương trượt vào lưỡi kiếm của mình rồi hất
ngược lên thì biết là chiêu này không phá giải được, lão liền phóng tay trái
đánh xuống một cái thất mạnh. Luồng chưởng lực đập vào mặt đất đến ầm
một tiếng. Người lão bật lùi ngược về phía sau và xa ra ngoài một trượng.
Đan Thanh tiên sinh chân chưa đứng vững đã khoanh thanh trường kiếm về
phía trước vạch thành ba vòng tròn tựa hồ như ba vòng ánh sáng trắng xóa.
Ba vòng trắng này tựa hồ vật hữu hình ngưng lại trên không gian một giây rồi
từ từ chuyển về phía trước Lệnh Hồ Xung.
Mấy luồng kiếm khí xoay thành vòng tròn coi tựa hồ không mãnh liệt bằng
“Nhất tự điện kiếm” song kiếm khí dàn dụa đầy nhà, hàn phong ào ạt. Ai cũng
cảm thấy đường kiếm pháp này thật không phải tầm thường.
Lệnh Hồ Xung hươi trường kiếm ra cho xuyên vào trong hai luồng bạch quang.
Đây là lúc lực đạo chiêu thứ nhất của Đan Thanh tiên sinh đã ra rồi mà kình
lực chiêu thứ hai chưa phát ra nên mới có chỗ hở này.
Đan Thanh tiên sinh bật lên tiếng “úi chà!” lùi ra xa ba bước. Luồng kiếm khí
cũng theo lão mà lùi lại. Nhưng vòng bạch quang đột nhiên co vào rồi lại rộng
ra. Lúc luồng bạch quang lại rộng liền xô về phía Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung rung tay một cái phóng kiếm đâm tới.
Đan Thanh tiên sinh lại “ái” lên một tiếng rồi lùi lại.
Đan Thanh tiên sinh chợt tiến chợt lùi như vậy mỗi lúc một mau. Chỉ trong
khoảnh khắc lão đã tấn công 11 chiêu và lùi lại 11 lần.
Bỗng thấy râu tóc lão dựng đứng cả lên. Luồng kiếm quang rất mạnh chiếu
vào mặt lão thấy rõ bao phủ một làn thanh khí.
Lão quát lên một tiếng. Mấy chục làn bạch quang vừa lớn vừa nhỏ đồng thời
xô lại đánh Lệnh Hồ Xung.
Đây là tuyệt tác về kiếm pháp của Đan Thanh tiên sinh. Mấy chục chiêu kiếm
pháp lợi hại làm một. Trong mấy chục chiêu này chiêu nào cũng có chỗ tuyệt
diệu và biến hóa của nó. Thế mà bao nhiêu chiêu hợp nhất thì dĩ nhiên trở nên
phức tạp vô cùng! Trong đời lão khi đối địch mới dùng tới ba lần và đã thắng
cả ba.
Lệnh Hồ Xung dùng cách đơn giản để chống lại chiêu số phiền phức. Thanh
kiếm để trước ngực chàng phóng ra nhằm đâm thẳng vào Đan Thanh tiên
sinh.
Đan Thanh tiên sinh lại một phen reo hò rồi hết sức nhảy lùi về phía sau.
“Binh” một cái! Lão đã ngồi phệt xuống kỷ đá.
Tiếp theo mấy tiếng loảng choảng vang lên. Những chung rượu đặt trên kỷ bị
hất xuống đất vỡ tan tành.
Đan Thanh tiên sinh nổi lên tràng cười khanh khách nói: -Tuyệt diệu! Tuyệt
diệu! Phong huynh đệ! Kiếm pháp của lão đệ còn cao minh hơn ta nhiều lắm!
Lại đây! Ta kính mừng cho lão đệ ba chung rượu.
Hắc Bạch Tử và Ngốc Bút Ông đã biết kiếm pháp của tứ đệ tuyệt cao thâm mà
thấy y công kích 16 chiêu vẫn không thắng được đối phương. Mặt khác, Lệnh
Hồ Xung vẫn đứng yên không dời khỏi vết chân Hướng Vấn Thiên và đã bức
bách một vị trong Giang nam tứ hữu, kiếm thuật danh gia, phải lùi lại đến 17
lần. Vậy kiếm pháp chàng thật khiến cho người ta phải khiếp sợ.
Đan Thanh tiên sinh rót rượu cùng Lệnh Hồ Xung đối ẩm ba chung rồi nói: –
Trong Giang nam tứ hữu thì ta là người võ công kém nhất. Ta chịu thua lão đệ.
Nhưng nhị ca, tam ca thì không chịu khuất phục. Chắc các vị đó đều muốn tỉ
thí với lão đệ.
Lệnh Hồ Xung đáp: -Hai ta chiết chiêu mười mấy lần mà tứ trang chúa chưa
thua một chiêu nào thì sao đã gọi là thắng bại được?
Đan Thanh tiên sinh lắc đầu nói: -Ta thua lão đệ ngay chiêu đầu. Còn 16 chiêu
sau đều kể là thừa. Đại ca bảo ta chưa đủ phong độ thật không sai chút nào.
Lệnh Hồ Xung cười đáp: -Mặc cho đại trang chúa nói những gì phong độ với
không phong độ. Tại hạ nghĩ rằng cứ tửu lượng ai cao là hay.
Đan Thanh tiên sinh phá lên cười nói: -Phải lắm! Phải lắm! Chúng ta lại uống
nữa đi!
Trước nay lão vẫn tự phụ về kiếm thuật. Thế mà bữa nay bị thua về một tay
hậu bối chưa nổi tiếng cũng không tức giận chút nào. Con người khí độ khoát
đạt như vậy khiến cho Hướng Vấn Thiên và Lệnh Hồ Xung lại càng tâm phục.
Ngốc Bút Ông quay lại bảo Thi Lệnh Oai: -Thi quản gia! Phiền quản gia lấy cây
bút cùn ra đây cho ta.
Thi Lệnh Oai vâng lời đi lấy một món binh khí đem đến, hai tay dâng lên.
Lệnh Hồ Xung nhìn lại thì đây là một cây phán quan bút dài một thước sáu tấc
đúc bằng thép nguyên chất. Lạ ở chỗ đầu cây phán quan bút này lại buộc một
túm lông cừu dính mực tựa hồ một cây bút dùng để viết chữ đại tự.
Những cây phán quan bút thông thường thì đầu nó dùng để điểm huyệt.
Nhưng đầu cây phán quan bút của Ngốc Bút Ông lại buộc túm lông cừu mềm
mại mà điểm vào huyệt đạo đối phương thì làm sao khắc địch chế thắng được?
Lệnh Hồ Xung nghĩ ngay đến võ công của lão là một gia số có chỗ đặc biệt. Nội
lực lão tất nhiên cực kỳ hùng hậu dù phát huy vào túm lông cừu cũng có thể
đả thương người được.
Ngốc Bút Ông cầm phán quan bút trong tay rồi mỉm cười hỏi: -Phong huynh
đệ! Lão đệ vẫn để hai chân vào trong vết chân kia tỷ đấu với ta chứ?
Lệnh Hồ Xung vội lùi lại hai bước khom lưng đáp: -Vãn bối không dám. Bây giờ
cùng tiền bối thỉnh giáo có đâu dám khoe khoang hợm hĩnh?
Đan Thanh tiên sinh gật đầu nói: -Phải lắm! Lão đệ tỷ kiếm với ta thì còn đứng
nguyên một chỗ được. Bây giờ tỷ thí với tam ca thì không được đâu.
Ngốc Bút Ông giơ phán quan bút lên mỉm cười nói: -Mấy đường bút pháp của
ta là theo trong tấm bi thiếp của danh gia biến hóa luyện thành. Phong huynh
đệ văn võ toàn tài chắc là trông thấy ngay đường bút pháp của ta. Phong
huynh đệ đã là bạn tốt vậy ta không tẩm mực vào đầu bút nữa.
Lệnh Hồ Xung ngơ ngẩn một chút. Chàng nghĩ thầm trong bụng: -Nếu ta
không phải là bạn hữu thì lão thấm mực vào bút để làm gì?
Chàng không hiểu Ngốc Bút Ông lúc lâm địch tẩm vào đầu bút thứ mực chế
bằng mười mấy chất dược liệu đặc biệt, đã quệt vào người là vĩnh vin rửa
không sạch mài không đi vì vết mực ăn sâu vào da.
Ngày trước những tay cao thủ võ lâm đối địch với Giang Nam tứ hữu đã ngán
nhất là đấu với Ngốc Bút Ông. Nếu không cẩn thận liền bị lão lấy mực khoanh
vạch tròn hoặc vạch chéo vào mặt có khi còn viết một bài thơ vào nữa. Thế là
suốt đời không dám ngó ai nữa. Chẳng thà bị chém một đao hay chặt đứt một
cánh tay còn đỡ khổ hơn là bị Ngốc Bút Ông bôi mực vào mặt.
Ngốc Bút Ông thấy lúc Lệnh Hồ Xung động thủ cùng Đinh Kiên và Đan Thanh
tiên sinh, chàng đã ra kiếm chiêu rất trung hậu nên không nỡ tẩm mực vào
bút.
Lệnh Hồ Xung tuy không hiểu rõ ý kiến của lão nhưng cũng biết lão đối với
mình như thế là lịch sự, liền khom lưng nói: -Đa tạ tấm thịnh tình của tam
trang chúa. vãn bối chuũ nghĩa kém cỏi, nên bút pháp của tam trang chúa vãn
bối nhất định không thể hiểu được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.