TIẾU NGẠO GIANG HỒ

034. Nghe chuyện Linh San, tiểu ni đau lòng



Nàng xuất gia từ nhỏ, hết thảy mọi việc đều do Định Dật sư thái lo liệu cho
nên chẳng có chút kinh nghiệm nào về ứng biến. Lúc này nàng chỉ bồn chồn
trong dạ mà không nghĩ ra được cách nào.
Giữa lúc nàng bối rối chợt nghe có tiếng bước chân vang lên. Ba bốn người từ
trong ngõ hẻm đi ra. Giữa lúc canh khuya tịch mịch, tiắng bước chân lại càng
rõ rệt. Mấy người này đi tới cửa viện Quần Ngọc thì dừng bước lại, rồi có tiếng
người nói: -Hai người xuống mé Đông, còn hai người chúng ta xục mé Tây.
Nếu gặp Lệnh Hồ Xung thì bắt sống gã. Gã bị thương trầm trọng không chống
cự được đâu.
Ban đầu Nghi Lâm mới nghe tiếng bước chân người đã sợ hãi rụng rời. Bây giờ
nàng thấy họ bảo nhau đến bắt Lệnh Hồ Xung thì trong đầu óc thoáng qua
một ý nghĩ: -Dù sao ta cũng phải bảo vệ cho Lệnh Hồ đại ca được chu toàn
không thể để lọt vào tay bọn người hung dữ kia.
Quyết định chủ rồi, lòng khiếp sợ tiêu tan hết. Lập tức tỉnh táo lại tiến đến bên
giường, nàng lấy chiếc khăn đơn quấn người Lệnh Hồ Xung lại ôm xốc lên, rồi
thổi tắt đèn đi, nhẹ nhàng đẫy cửa phòng chuồn ra ngoài. Lúc này nàng không
phân biệt phương hướng gì cả cứ cắm đầu chạy về phía ngược chiều với phía
đã phát ra âm thanh. Chỉ trong khoảng khắc Nghi Lâm đã xuyên qua khu vườn
rau ra tới cổng hậu. Nàng thấy cổng chỉ khép hờ vì bọn người lúc trước ở
trong viện Quần Ngọc hốt hoảng bỏ trốn đã mở cổng đi ra, chưa đóng cửa lại.
Nghi Lâm ôm ngang Lệnh Hồ Xung ra khỏi cổng hậu chạy vào trong một ngõ
hẻm. Nàng nghe tiếng chó sủa bốn mặt ầm ỹ cả lên. Nàng chạy một lúc tới
bên bức tường thành thì nghĩ thầm: -Ta phải ra khỏi thành mới yên được vì
trong thành Hành Sơn này Lệnh Hồ đại ca có rất nhiều kẻ thù.
Nàng liền men theo bức tường thành mà chạy thật nhanh. Nàng chạy chưa
được bao lâu đã thấy mười mấy người trong làng gánh rau, dưa đang đi trên
con đường lát đá xanh tới nơi. Đây là những nông dân phụ cận gánh hàng vào
thành bán. Nghi Lâm cứ cúi đầu đi lướt qua bọn lương nông. Lúc nàng ra khỏi
cửa thành trời chưa sáng rõ, bọn lính tráng giữ cổng thành không nhìn rõ. Mắt
chúng vừa hoa lên thì Nghi Lâm đã chạy xa rồi. Nghi Lâm chạy một mạch được
chừng bảy tám dặm. Nàng chỉ chạy bừa vào khu hoang sơn rồi sau không còn
đường lối nữa. Nàng đã tới một chỗ thạch động âm u đầy đá núi ngổn ngang.
Bây giờ tâm thần mới hơi yên lại. Nàng cúi đầu xuống nhìn Lệnh Hồ Xung thì
gã đã tỉnh lại. Mặt gã lộ ra một nụ cười và mắt đang chăm chú nhìn nàng.
Nghi Lâm thấy Lệnh Hồ Xung nhoẻn miệng cười nhìn mình thì trong lòng bối
rối, người run lên, sẩy tay đánh rớt người gã xuống. Nàng la lên một tiếng: –
Chao ôi!
Rồi vội sử chiêu “Kính phụng tam bảo” cúi mình xuống lại ôm Lệnh Hồ Xung
lên. Chiêu này nàng sử được mau lẹ không để gã rớt xuống tới đất. Nhưng hạ
bàn không vững người nàng loạng choạng phải lướt về phía trước mấy bước
mới đứng lại được. Nàng nói: -Xin lỗi đại ca! Vết thương của đại ca có đau lắm
không?
Lệnh Hồ Xung dịu dàng đáp: -Không đau đâu! Tiểu sư muội! Sư muội hãy nghỉ
một lúc đã!
Vừa rồi Nghi Lâm chạy trốn bọn đệ tử phái Thanh Thành, tâm trí nàng chỉ nghĩ
sao cho Lệnh Hồ Xung thoát nạn khỏi mắc tay động thủ đối phương, nàng
quên không nghĩ gì đến trong mình mỏi mệt. Bây giờ nàng định thần lại liền
cảm thấy tứ chi bải hoải, thân thể rã rời. Nàng cố gắng đặt nhẹ Lệnh Hồ Xung
xuống đống cỏ, rồi nàng đứng không vững phải ngồi phệt xuống mà thở hồng
hộc.
Lệnh Hồ Xung cười nói: -Sư muội chỉ mải lo chạy mà quên mất cả điều hòa hơi
thở. Đó là một điều tối kỵ … của những người học … Thế này … dễ bị thương
lắm.
Nghi Lâm hai má ửng hồng đáp: -Đa tạ đại ca đã chỉ điểm cho. Sư phụ cũng
dạy qua rồi mà trong lúc hoang mang tiểu muội quên hết.
Nàng ngừng lại một chút rồi hỏi: -Vết thương của đại ca bây giờ thế nào?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Tiểu huynh không thấy đau đớn gì nữa, chỉ thấy hơi ngứa
mà thôi.
Nghi Lâm cả mừng nói: -Hay lắm! Hay lắm! Vết thương phát ngứa tức là triệu
chứng sắp khỏi hẳn. Không ngờ đại ca mau lành như vậy.
Lệnh Hồ Xung thấy nàng ra chiều vui vẻ thì trong lòng cảm động. Gã cười nói:
-Đó là công hiệu về linh dược của quý phái.
Bỗng gã buông tiếng thở dài hằn học nói: -Có điều đáng tiếc là tiểu huynh bị
trọng thương để bọn chuột nhắt khinh nhờn. Giả tỷ vừa rồi lọt vào tay bọn tiểu
tử phái Thanh Thành kia thì tiểu huynh có chết cũng không cần mà chỉ sợ bị
một phen sỉ nhục.
Nghi Lâm hỏi: -Té ra Lệnh Hồ đại ca cũng nghe thấy chúng bàn nhau ư?
Nàng nghĩ tới mình đã ôm gã chạy một lúc lâu mà không biết gã đã giương
mắt lên nhìn mình từ lúc nào, bất giác mặt nàng đỏ lên như ráng chiều.
Lệnh Hồ Xung không biết nàng hổ thẹn mà cho là vì nàng chạy lâu tốn nhiều
hơi sức, liền nói: -Sư muội! Sư muội ngồi một lúc, dùng tâm pháp của bản
môn để điều hòa nội tức cho khỏi bị nội thương.
Nghi Lâm đáp lại bằng một tiếng dạ rồi ngồi xếp bằng vận dụng tâm pháp của
sư môn truyền thụ cho để điều hòa nội tức. Nhưng tâm nàng nóng nảy băn
khoăn, không sao yên tĩnh lại được.
Sau một lúc, nàng mở mắt ra nhìn Lệnh Hồ Xung một lần để xem thương thế
gã biến hóa ra sao. Nàng lại ngó xem gã có nhìn mình không. Nàng ngó đến
lần thứ ba thì đúng lúc Lệnh Hồ Xung đang nhìn mình. Bốn luồng mục quang
vừa tiếp xúc, nàng giật nẩy mình lên vội nhắm mắt lại.
Lệnh Hồ Xung bật lên tràng cười ha hả.
Nghi Lâm hai má ửng hồng, bẽn lẽn nói: -Tại … sao vậy?
Lệnh Hồ Xung cười đáp: -Sư muội còn nhỏ tuổi, công phu hàm dưỡng nông
cạn không thể trấn tĩnh ngay trong một lúc được, vậy sư muội bất tất phải
miễn cưỡng. Nhất định Định Dật sư bá đã dạy qua sư muội: lúc luyện công mà
tinh tiến mau lẹ quá chừng cũng là một điều đáng ngại. Việc điều hòa nội tức
này phải bình tâm tĩnh trí mới được.
Gã ngừng lại nghĩ một chút rồi nói tiắp: -Sư muội hãy yên tâm! Tiểu huynh đã
dần dần khôi phục nguyên khí. Bọn tiểu tử phái Thanh Thành kia có đuổi tới
nơi, chúng ta cũng không sợ họ. Ta sẽ cho từng tên một đòn “Thí cổ hướng
hậu” … để chúng té nhào …
Nghi Lâm tủm tỉm cười hỏi: -Tức là chiêu “Bình sa lạc nhạn” của phái Thanh
Thành phải không?
Lệnh Hồ Xung cười đáp: -Phải đấy! Thế mới tuyệt diệu! Nếu nói là “Thí cổ
hướng hậu” chổng đít về đường sau thì có điều khiếm nhã. Vì thế chàng ta mới
kêu chiêu thức đó là “Bình sa lạc nhạn” của phái Thanh Thành …
Gã nói mấy tiếng sau cùng lại nổi cơn ho tựa hồ nghẹt thở.
Nghi Lâm nói: -Lệnh Hồ đại ca đừng nói nhiều cho mệt. Hãy ngủ thêm lúc nữa
đi.
Lệnh Hồ Xung nói: -Tiểu huynh hận mình không dậy đi ngay được để đến nhà
sư thúc coi những cuộc vui nhộn. Trời ơi! Sư phụ đã đã tới tất là có chuyện
trọng đại xảy ra. Nếu không thì chẳng khi nào lão nhân gia chịu thân hành
xuất mã.
Nghi Lâm thấy đôi môi gã phát nhiệt, cặp mắt khô queo thì biết là gã mất máu
nhiều, cần uống nước lắm. Nàng liền hỏi: -Tiểu muội đi kiếm chút nước về cho
Lệnh Hồ đại ca uống. Có phải đại ca khát nước lắm không?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Tiểu huynh thấy dưới khu ruộng về mé tả con đường lên
đây có rất nhiều dưa hấu. Tiểu sư muội đi hái mấy trái về mà ăn.
Nghi Lâm đáp: -Được rồi!
Nàng đứng dậy sờ soạng bên mình thì chẳng có một đồng tiền nào, liền hỏi: –
Lệnh Hồ đại ca có giắt tiền bên mình không?
Lệnh Hồ Xung hỏi lại: -Sư muội cần tiền để làm gì?
Nghi Lâm đáp: -Để đi mua dưa.
Lệnh Hồ Xung cười nói: -Việc gì phải mua? Cứ ra hái mà lấy! Gần đó không có
nhà cửa chi hết. Người trồng dưa nhất định ở xa, sư muội hỏi ai mà mua?
Nghi Lâm ngượng ngùng đáp: -Không bảo người ta mà vào lấy là ăn cắp … Sư
phụ đã dạy không được làm trộm cắp. Nắu mình không có tiền cứ hỏi họ mà
xin một trái, chắc họ cũng cho.
Lệnh Hồ Xung ra chiều khó chịu nói: -Tiểu …
Gã định mắng: Tiểu ni cô này lẩn thẩn lắm! Nhưng gã nghĩ tới nàng vừa tận
lực cứu mình nên vừa buột miệng ra một chữ “tiểu” liền dừng lại.
Nghi Lâm thấy Lệnh Hồ Xung có vẻ bực mình thì biết là gã khó chịu nên không
nói gì. Nàng theo lời gã đi về mé tả tìm kiếm. Nàng đi chừng hơn hai dặm, quả
nhiên thấy mấy mẫu ruộng dưa, trái chín lúc líu. Trên ngọn cây ve sầu kêu rên
rỉ. Bốn bề không một bóng người. Nàng tự nghĩ: -Lệnh Hồ đại ca muốn ăn dưa
hấu. Nhưng dưa này là vật có chủ, sao mình lại tự tiện lấy của người ta?
Nàng đi thêm hơn một dậm nữa đứng trên gò cao nhìn bốn mặt vẫn không
thấy ai mà cũng chẳng có một mái nhà nào của nông dân. Nàng đành trở lại
ruộng dưa, ngần ngừ một lúc. Nàng đưa tay ra toan ngắt dưa rồi lại rụt về, vì
nghĩ tới luật thanh quy mà sư phụ đã truyền dạy không được lấy trộm của ai.
Nàng muốn bỏ đi thì trong đầu óc lại hiện lên vẻ mặt tiêu điều, miệng đắng
môi khô của Lệnh Hồ Xung. Nàng nghiến răng chắp hai tay lại, lầm rầm khấn
khứa: -Xin đức bồ tát chứng dám cho. Đệ tử không dám có trộm đạo. Chỉ vì
Lệnh Hồ đại ca … thèm dưa
Nhưng nàng lại nghĩ Lệnh Hồ đại ca không phải là lý do chính đáng, thì trong
lòng nóng nẩy, nước mắt dàn dụa. Hai tay nàng ôm một trái dưa nâng lên.
Cuống dưa đứt liền.
Nàng tự nhủ: -Người ta cứu mạng cho mình thì mình có phải là người phải sa
xuống địa ngục vĩnh viễn chịu kiếp luân hồi cũng ráng mà chịu đựng. Ai làm
việc thì người đó phải gánh lấy hậu quả. Nghi Lâm này phạm giới luật chẳng
liên quan gì đến Lệnh Hồ đại ca.
Rồi nàng ôm trái dưa chạy về bên Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung trước nay khác nào hạc nội mây ngàn. Đối với lễ phép cùng cấm
giới thế tục, gã chẳng bao giờ để ý đến. Gã cho là vị tiểu ni cô này nhỏ tuổi
không hiểu việc đời. Gã có biết đâu Nghi Lâm lúc hái trái dưa này đã nổi lên
những trận bão lòng. Gã thấy nàng ôm dưa về đến. Gã
-Tiểu sư muội! Sư muội là một tiểu cô nương ngoan ngoãn.
Nghi Lâm nghe gã hoan hô mình như vậy thì chấn động tâm thần suýt nữa
đánh rớt trái dưa xuống đất. Nàng vội bỏ dưa vào vạt áo
Lệnh Hồ Xung cười hỏi: -Sao sư muội lại hoang mang như vậy? Phải chăng đi
hái trộm dưa có người muốn đuổi bắt?
Nghi Lâm lại đỏ mặt lên đáp: -Không! Không có ai bắt tiểu muội cả.
Nàng từ từ ngồi xuống.
Lúc này bầu trời quang đãng. Vừng thái dương ở phương đông mọc lên mà
chỗ Lệnh Hồ Xung cùng Nghi Lâm ngồi lại ở phía Tây trái núi, ánh mặt trời
không soi tới được. Những cây cối trong rừng sau khi trải qua một trận mưa
như rửa sạch làu làu. Làn không khí thanh tân quạt vào mặt.
Nghi Lâm trấn tĩnh tâm thần, nàng rút thanh kiếm gãy ở sau lưng ra nhìn thấy
chỗ kiếm gãy rất bằng bặn tựa hồ do lưỡi bảo đao chặt đi. Nàng lẩm bẩm: –
Tên ác ôn Điền Bá Quang võ công ghê gớm như vậy, nếu hôm ấy mình không
được Lệnh Hồ đại ca xả thân cứu viện thì bây giờ đâu có được ngồi yên được ở
chỗ này?
Nàng lại liếc nhìn Lệnh Hồ Xung thấy gã cặp mắt sâu hoắm, mặt không còn
chút huyết sắc, liền tự nhủ: -Vì y ta có phải phạm nhiều tội nghiệt cũng chẳng
đáng hối hận. Vậy ăn cắp một trái dưa hấu, phỏng có chi đáng kể?
Nghĩ tới đây, bao nhiêu niệm phạm tội đều tiêu tan hắt. Nàng lấy vạt áo lau
sạch lưỡi kiếm rồi bổ dưa ra. Trái dưa hấu vừa bổ, một mùi thơm mang mác
bốc lên. Lệnh Hồ Xung cười nói: -Trái dưa này tốt lắm! Sư muội! Tiểu huynh
chợt nhớ tới một câu chuyện buồn cười. Ngày tết nguyên tiêu năm nay, bọn sư
huynh, sư muội chúng ta tụ hội uống rượu. Nhạc Linh San sư muội nói giỡn
một câu: bên tả là con chó nhỏ, bên hữu là trái dưa lớn. Thế là y nói chữ. Lúc
đó bên tả y có lục sư đệ Lục Đại Hữu, tức là gã sư đệ đã trở lại kiếm tiểu
huynh tối hôm qua. Còn tiểu huynh ngồi bên phải y.
Nghi Lâm mỉm cười hỏi: -Y nói vậy là để giỡn Lệnh Hồ đại ca cùng Lục sư
huynh kia chứ gì?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Đúng thế! Chữ đó chẳng có gì khó đoán. Nó là chữ Hồ ở
trong cái tên Lệnh Hồ Xung của tiểu huynh. Hay ở chỗ có Lục sư đệ ngồi ở mé
tả y mà tiểu huynh ở mé hữu. Hiện giờ đây ở bên ta là một con chó nhỏ (chữ
khuyển) và một bên là trái dưa lớn (chữ Qua), chữ khuyển và chữ qua ghép lại
thành chữ Hồ. Gã vừa nói vừa trỏ vào trái dưa rồi lại trỏ vào Nghi Lâm.
Nghi Lâm cười nói: -Hay quá! Đại ca nói quanh co để diễu tiểu muội là con chó
nhỏ.
Nàng cắt dưa ra từng thỏi khoét hột đi rồi đưa cho Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung đón lấy dưa cắn ăn ra vẻ thơm ngon. Ăn vài miếng đã hết một
thỏi.
Nghi Lâm thấy gã ăn uống ngon lành thì lòng nàng cũng sung sướng. Nàng
thấy gã nằm ngửa ăn dưa để rớt nước xuống ướt cả vạt áo đằng trước. Nàng
liền cắt dưa thành những miếng nhỏ đưa cho gã từng miếng một. Gã đút
thỏm vào mồm mà ăn, nước dưa không rớt xuống áo nữa.
Nghi Lâm lại thấy mỗi lần gã đưa tay ra đón lấy miếng dưa làm đụng đến vết
thương, nàng không cầm lòng được liền đút từng miếng nhỏ vào miệng gã.
Lệnh Hồ Xung ăn hết nửa trái dưa mới nghĩ tới mình chỉ ăn cho thích khẩu còn
Nghi Lâm chưa được miếng nào liền giục: -Sư muội cũng ăn đi chứ!
Nghi Lâm đáp: -Chờ đại ca ăn đủ đã rồi sẽ đến lượt tiểu muội.
Lệnh Hồ Xung nói: -Tiểu huynh đủ rồi! Sư muội ăn đi!
Nghi Lâm cũng khát nước lắm. Nàng đút cho Lệnh Hồ Xung mấy miếng nữa rồi
tự mình ăn một miếng.
Nghi Lâm đưa mắt ngó Lệnh Hồ Xung thấy gã nhìn mình trừng trừng không
chớp mắt thì xấu hổ quá ngồi xoay mình lại, quay lưng vể phía Lệnh Hồ Xung.
Bỗng Lệnh Hồ Xung reo lên: -Úi chà! Coi hay quá!
Giọng nói của gã đầy vẻ tán thưởng …
Nghi Lâm lại càng bẽn lẽn. Nàng muốn đứng dậy trốn đi mà không quyết định
được. Nàng cảm thấy toàn thân nóng ran, mắc cỡ đến đỏ mặt mày.
Lệnh Hồ Xung lại nói: -Sư muội coi kìa! Đẹp quá! Sư muội đã thấy chưa?
Nghi Lâm từ từ xoay mình lại thấy gã trỏ tay về phía Tây. Nàng nhìn theo phía
ngón tay trỏ thì thấy một cái cầu vồng ở phía xa xa từ sau chòm cây xuất hiện,
bảy màu sắc cực kỳ rực rỡ, biến ảo không bút nào tả xiết. Bây giờ nàng mới
biết gã khen cầu vồng đẹp mà nàng lại tưởng lầm là gã khen mình. Bất giác
nàng lại hổ thẹn. Có điều lần này trong cái hổ thẹn hơi lộ ra một chút thất
vọng. So với cái hổ thẹn lúc trước có dầu niềm vui thành ra có chỗ bất đồng.
Lệnh Hồ Xung hỏi: -Sư muội hãy lắng tai! Có nghe thấy gì không?
Nghi Lâm lắng tai nghe thì thấy chỗ cầu vồng mọc lên văng vẳng có tiếng
nước chảy, liền đáp: -Dường như có thác nước.
Lệnh Hồ Xung nói: -Đúng thế! Mấy bữa nay mưa liền, trong khe núi dĩ nhiên
có nhiều thác nước. Chúng ta tới đó coi.
Nghi Lâm ngập ngừng: -Lệnh Hồ đại ca! … Đại ca hãy nằm yên tĩnh một lúc
nữa đã.
Lệnh Hồ Xung nói: -Chỗ này toàn đá núi ngổn ngang chẳng có phong cảnh gì
xinh đẹp. Chúng ta đi coi thác nước hay hơn.
Nghi Lâm không nỡ trái gã liền đỡ gã đứng dậy. Đột nhiên mặt nàng lại đỏ lên
nghĩ thầm: -Mình đã ôm y hai lần. Lần đầu tưởng chết rồi, lần thứ hai ôm chạy
thục mạng trong lúc nguy cấp. Bây giờ tuy y bị thương nhưng thần trí y tỉnh
táo rồi, thì mình còn đụng vào y thế nào được? Y lại quyết chí đến bên thác
nước, hay là cố bắt mình dìu dắt y đi cố
Nghi Lâm còn đang do dự thì thấy Lệnh Hồ Xung lượm một cành cây gãy để
chống xuống đất từ từ đi về phía trước. Nàng lẩm bẩm: -Té ra mình đã hiểu
lầm y.
Rồi nàng vội đưa tay ra dìu dắt đồng thời tự trách mình: -Sao mình lại thế
được? Lệnh Hồ đại ca dĩ nhiên là bậc chính nhân quân tử. Bữa nay không hiểu
vì đâu mình có những ý nghĩ lệch lạc. Dù sao một mình ở bên một chàng trai
ta cũng phải đề phòng. Thực ra y cũng là chàng trai như Điền Bá Quang
nhưng khác nhau một trời một vực, có lý đâu mình lại coi kiểu cá mè một lứa?
Lệnh Hồ Xung quả là con người cứng cỏi. Gã vừa bị thương chưa được hai
ngày mà đã có thể cất bước lần đi. Dù gã bước chân không vững vàng, song
vẫn chống chọi được.
Đi một lúc tới bên phiến đá lớn, Nghi Lâm đỡ gã ngồi xuống nghỉ một lúc rồi
nói: -Chỗ này cũng đẹp đây! Đại ca nhất định đi coi thác nước ư?
Lệnh Hồ Xung cười đáp: -Tiểu huynh phải cái tính ương gàn, đã nghĩ tới
chuyện gì tất làm cho bằng được.
Nghi Lâm nói: -Được rồi! Đại ca tới đó coi phong cảnh đẹp, trong lòng khoan
khoái thì vết thương cũng chóng lành.
Lệnh Hồ Xung tủm tỉm cười lại cất bước. Hai người từ từ đi hết một khu thung
lũng thì nghe có tiếng nước chảy róc rách. Đi thêm một đoạn dài nữa nước
chảy càng vang lên.
Hai người xuyên qua một khu rừng tùng thì thấy làn thác nước như một con
bạch long từ vách núi xông ra.
Lệnh Hồ Xung hoan hỉ nói: -Bên ngọn Ngọc Nữ ở Hoa Sơn cũng có một làn
thác nước lớn hơn chỗ này và hình trạng lại tương tự. Linh San sư muội
thường hay dẫn tiểu huynh đến bên thác nước đó luyện kiếm. Có lúc y tinh
nghịch nhảy cả xuống thác.
Nghi Lâm nghe Lệnh Hồ Xung đề cập đến Nhạc Linh San sư muội lần thứ hai,
nàng chợt tỉnh ngộ bụng bảo dạ: -Đang lúc y bị trọng thương mà nhất định
đòi đến bên thác nước, chẳng biết có phải để thưởng ngoạn phong cảnh hay
không nhưng chắc y đang tưởng niệm đến Nhạc Linh San sư muội.
Nghĩ tới đây nàng không hiểu tại sao trái tim se lại, tựa hồ bị đánh một đòn
nặng.
Lệnh Hồ Xung lại nói tiếp: -Mấy lần y đòi ta xuống thác nước luyện kiếm và
bảo là sức nước khiến cho luyện thành kiếm pháp có uy lực hơn. Rồi hai người
đều ướt sạch. Có lần y trượt chân suýt nữa té xuống vũng sâu. May mà tiểu
huynh nắm kịp y lại. Thật là một phen hú vía.
Nghi Lâm lạnh lùng nói: -Đại ca có nhiều sư muội không?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Phái Hoa Sơn có cả thảy bảy nữ đệ tử. Nhạc Linh San sư
muội là con gái sư phụ. Còn sáu cô kia đều là những nữ đệ tử của sư mẫu thu
nạp.
Nghi Lâm hỏi: -Ồ! Té ra y là tiểu thư của Nhạc sư bá. Y … y … hợp với ý với
đại ca lắm nhỉ!
Lệnh Hồ Xung từ từ ngồi xuống đáp: -Tiểu huynh là một đứa con côi cút không
cha không mẹ. Mười ba năm trước đây nhờ ân sư thu nạp làm môn hạ. Khi ấy
Nhạc Linh San sư muội mới lên năm. Tiểu huynh lớn hơn y nhiều. Thường
thường bồng y đi hái trái cây, bắt thỏ. Tiểu huynh cùng y ở với nhau từ nhỏ
đến lớn. Sư phụ, sư mẫu lại không có con trai nên coi tiểu huynh như con ruột,
mà Nhạc Linh San sư muội khác nào cô em gái của tiểu huynh.
Nghi Lâm nói: -Té ra là thế!
Lát sau nàng lại nói tiếp: -Tiểu muội cũng là một đứa con côi không cha không
mẹ được ân sư nuôi dưỡng và xuất gia từ nhỏ.
Lệnh Hồ Xung nói: -Đáng tiếc! Thật là đáng tiếc!
Nghi Lâm quay lại ngó gã. Mắt nàng lộ vẻ hoài nghi.
Lệnh Hồ Xung nói tiếp: -Nếu sư muội không phải là môn hạ Định Dật sư bá thì
tiểu huynh sẽ xin sư mẫu thu nạp sư muội làm đệ tử. Bọn sư huynh, sư tỷ, sư
muội chúng ta có một số đông đến ba mươi mấy người, náo nhiệt tưng bừng
lắm. Sau giờ luyện công, mọi người lại kết bọn du ngoạn. Sư phụ, sư mẫu
không quản cố chi hết. Sư muội mà gặp Linh San tất thích y lắm. Hai người sẽ
là đôi bạn tốt.
Nghi Lâm nói: -Đáng tiếc tiểu muội không có phước như vậy. Nhưng ở trong
am Bạch Vân, sư phụ cùng các vị sư tỷ đối với tiểu muội rất tử tế. Tiểu muội …
cũng vui vẻ lắm.
Lệnh Hồ Xung nói: -Phải rồi! Tiểu huynh ăn nói lầm lỡ. Kiếm pháp của Định
Dật sư bá rất thần diệu. Khi sư phụ cùng sư mẫu tiểu huynh đề cập đến lão
nhân gia đều tỏ ra bội phục lắm. Phái Hằng Sơn chả kém gì phái Hoa Sơn hết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.