TIẾU NGẠO GIANG HỒ
118. Chốn hắc lao dào dạt sóng lòng
Hai bên qua lại ngoài 40 hiệp, Lệnh Hồ Xung ra chiêu càng về sau càng tinh
diệu. Nhiều chiêu thức chàng chưa được Phong Thanh Dương chỉ điểm mà
bây giờ gặp tay địch thủ kiếm pháp cao thâm, phép “Độc cô cửu kiếm” tự
nhiên phát sinh những chiêu số chống chọi rất tân kỳ.
Những mối lo âu trong chàng tiêu tan hết, bao nhiêu tâm trí để cả vào kiếm
pháp, chàng không hoảng hốt mà cũng không mừng vui.
Lão Nhậm biến đổi đến tám loại kiếm pháp thượng thặng, có môn đánh rất rát,
có môn chiêu số liên miên không dứt. Có lúc đánh mau tới tấp, có chiêu uy
mãnh trầm trọng. Bất luận lão biến chiêu cách nào, Lệnh Hồ Xung cũng đưa ra
ngay những chiêu thức tựa hồ tám loại kiếm pháp của đối phương chàng đã
thuộc lòng sẵn những chiêu thức để chiết giải từng thứ một.
Lão Nhậm cầm ngang thanh kiếm quát lên: -Tiểu bằng hữu! Kiếm pháp này
tiểu bằng hữu đã được ai truyền thụ cho? Tưởng bản lãnh Phong lão không
ghê gớm đến trình độ này được.
Lệnh Hồ Xung ngẩn người ra một chút rồi đáp: -Kiếm pháp này mà chẳng phải
Phong lão tiên sinh chỉ điểm thì trên đời còn có cao nhân nào truyền thụ cho
nữa?
Lão Nhậm nói: -Tiểu hữu nói cũng có lý. Bây giờ tiểu hữu hãy đón tiếp đường
kiếm này của lão phu.
Lão hú lên một tiếng dài, đột nhiên đánh tới.
Lệnh Hồ Xung hươi kiếm đâm chênh chếch lại, bức bách đối phương phải thu
kiếm về chống đỡ.
Lão Nhậm quát tháo luôn miệng tựa hồ kẻ phát điên. Tiếng quát tháo càng
cấp bách thì kiếm chiêu càng mau lẹ.
Lệnh Hồ Xung nhận thấy kiếm pháp của đối phương chẳng lấy chi làm kỳ dị
cho lắm, nhưng vì lão quát tháo om sòm làm chàng rối loạn tâm thần. Chàng
cố gắng trấn tĩnh để giải khai kiếm pháp thì đột nhiên lão Nhậm gầm lên một
tiếng kinh khủng, khiến chàng ù tai tựa hồ bị đứt lá nhĩ. Đầu óc chàng choáng
váng rồi mê đi không biết gì nữa, ngã lăn xuống đất.
Không hiểu Lệnh Hồ Xung hôn mê đã bao lâu, lúc chàng tỉnh lại thấy đầu nhức
như búa bổ bên tai văng vẳng tựa hồ nghe sấm sét vẫn nổ ầm ầm không ngớt.
Chàng hé mắt ra nhìn thì chỉ thấy một màu tối om không biết mình hiện ở chỗ
nào? Chàng gắng gượng chống tay xuống toan ngồi dậy nhưng toàn thân
không còn lấy một chút khí lực, miệng lẩm bẩm.
-Nhất định ta chết rồi đây và đã được người ta chôn ở trong phần mộ.
Vừa thương tâm vừa bồn chồn quá độ, chàng lại ngất đi.
Lần thứ hai Lệnh Hồ Xung tỉnh lại vẫn thấy nhức đầu kịch liệt có điều tiếng
vang bên tai đã nhẹ đi nhiều. Chàng cảm thấy nửa dưới mình vừa lạnh vừa
cứng dường như nằm trên sắt thép. Chàng liền đưa tay ra sờ soạng thì quả
nhiên là một tấm thiết bản. Tay mặt chàng vừa cử động bỗng nghe tiếng loảng
xoảng. Đồng thời chàng nhận ra trên tay mình có vật gì lạnh ngắt cột lại.
Lệnh Hồ Xung đưa tay trái lên sờ cũng phát ra tiếng loảng xoảng. Té ra tay trái
chàng cũng bị cột nốt.
Lệnh Hồ Xung vừa kinh hãi vừa mừng thầm. Mừng vì cảm thấy mình vẫn còn
sống chứ không phải chết rồi. Kinh hãi vì thấy mình bị cột bằng xích sắt, hiển
nhiên đã bị hãm vào tình cảnh bất hạnh như lão Nhậm.
Lệnh Hồ Xung cố sức giơ tay trái lên sờ soạng thì quả nhiên thấy trên tay bị
cột bằng một sợi xích sắt nhỏ bé. Chàng khẽ cử động hai chân liền cảm thấy
cổ chân cũng bị cột rồi.
Lệnh Hồ Xung ráng mở to mắt ra nhìn nhưng chỉ thấy một màu tối đen như
mực chẳng rõ một thứ gì, liền bụng bảo dạ: -Lúc ta đang cùng Nhậm lão tiên
sinh tỷ kiếm đột nhiên ngất xỉu, chẳng hiểu Giang Nam tứ hữu ám toán bằng
cách nào? Coi chừng ta cũng bị cầm tù trong địa lao dưới đáy Tây Hồ rồi. Có
điều ta chẳng hiểu mình có bị cầm tù với Nhậm lão tiền bối một chỗ không?
Chàng liền cất tiếng gọi: -Nhậm lão tiền bối! Nhậm lão tiền bối!
Chàng gọi hai tiếng không thấy động tĩnh gì lại càng sợ hãi, lớn tiếng kêu: –
Nhậm lão tiền bối! Nhậm lão tiền bối!
Trong bóng tối chỉ nghe thấy tiếng kêu hốt hoảng của mình vọng lại. Tiếng
vọng trong nhà lao cũng làm cho màng tai rung động đau đớn.
Lệnh Hồ Xung hoang mang ngơ ngác lớn tiếng la: -Đại trang chúa! Tứ trang
chúa! Tại sao các vị lại giam tại hạ vào đây? Mau tha tại hạ ra!
Mau mau thả tại hạ ra!
Nhưng dù chàng có kêu gào bể họng thì ngoài tiếng vọng la lối của mình cũng
chẳng có chút thanh âm nào khác đáp lại.
Lệnh Hồ Xung giận quá ngoác miệng ra mà thóa mạ: -Các ngươi là bọn đê
hèn, là quân tiểu nhân vô liêm sỉ! Các ngươi giam cầm ta thiệt ư? …
Rồi chàng nghĩ tới số phận mình cũng như Nhậm lão tiên sinh mà trong lòng
chứa chan tuyệt vọng. Nguyên chàng chẳng biết sợ trời sợ đất gì cả gặp lúc
nguy nan sống chết cũng không kể nữa, nhưng chàng nghĩ tới suốt đời bị cầm
tù trong hắc lao dưới đáy hồ thì không khỏi hãi hùng, lông tóc dựng
đứng cả lên.
Lệnh Hồ Xung càng nghĩ càng lo âu, xót dạ. Chàng kêu la rầm trời. Tiếng kêu
la biến thành tiếng gào khóc. Nước mắt tuôn ra đầy mặt lúc nào chàng cũng
không hay. Chàng nghẹn ngào gầm réo: -Bốn tên trong Mai trang các ngươi …
là bốn quân cẩu tặc hèn hạ. Lệnh Hồ Xung này ngày kia thoát ra khỏi chốn lao
lung sẽ đâm lòi tròng mắt các ngươi, chặt cụt tay bọn ngươi … sau khi ta ra
khỏi hắc lao …
Đột nhiên chàng dừng lại tưởng chừng trong lòng có tiếng kêu: -Liệu có ra
khỏi hắc lao được không? Nhậm lão tiền bối thần thông quảng đại còn không
ra được thì ta ra thế nào nổi?
Lệnh Hồ Xung uất ức quá độ, ọe lên một tiếng, phun ra mấy búng máu tươi,
rồi lại ngất đi.
Mỗi lần chàng ngất đi là mỗi lần người chàng thêm hư nhược. Giữa lúc li bì
nửa tỉnh nửa mê, dường như nghe có tiếng lách cách vang lên rồi sáng lóe
mắt. Chàng giật mình tỉnh lại nhảy lên một cái. Nhưng chàng quên mất rằng
tay chân mình đã bị cột bằng xích sắt, hơn nữa toàn thân bất lực nên chỉ nhảy
lên được chừng một thước lại rớt xuống đánh huỵch một cái. Chàng té khá
nặng, chân tay mình mẩy tựa hồ bị gãy rời.
Lệnh Hồ Xung ở trong tối đã lâu đột nhiên có ánh sáng lòa nên mắt chói khó
mở ra được. Chàng lại sợ ánh sáng này chỉ hiện lên một lát rồi vụt tắt là bỏ
mất cơ hội tốt, nên dù mắt chàng nhức nhối vẫn cố giương lên để nhìn xem
ánh sáng từ đâu rọi tới.
A¨nh sáng này do cái lỗ vuông vắn chừng một thước chiếu vào. Lệnh Hồ Xung
liền nhớ lại trên cửa sắt nhà lao giam Nhậm lão tiền bối có một lỗ vuông rất
giống chỗ lỗ vuông này, chàng nhìn kỹ lại quả nhiên mình cũng ở trong hắc lao
như vậy.
Chàng vội lớn tiếng gọi: -Thả ta ra mau! Hoàng Chung Công! Hắc Bạch Tử!
Bọn cẩu tặc đê hèn các ngươi có giỏi thì tha ta ra!
Lúc trước một mình chàng ở trong chỗ tối tăm vì quá thương thân không nhịn
được mà sa đôi hàng lệ, nhưng bây giờ vừa mới thấy địch nhân tới, khí khái
anh hùng lại chỗi dậy. Bất luận địch nhân hành hạ ngược đãi đến thế nào,
chàng quyết chẳng chịu tỏ ra khiếp nhược.
Bỗng thấy một cái khay khá lớn ở ngoài lỗ hổng từ từ đưa vào. Trên khay đặt
một bát cơm lớn.
Trên mặt bát cơm có rau có thịt. Ngoài ra còn một bình sành đựng nước nóng.
Lệnh Hồ Xung vừa ngó thấy lại càng điên tiết, chàng lẩm bẩm: -Bọn ngươi đưa
cơm rau cho ta là muốn giam cầm ta trường kỳ ở đây chăng?
Đoạn chàng lớn tiếng thóa mạ: -Bốn tên cẩu tặc kia! Bọn ngươi muốn giết thì
giết, muốn mổ thì mổ đi! Chứ đừng đem lão gia ra làm trò tiêu khiển.
Chiếc khay gỗ thò qua lỗ hổng rồi dừng lại không nhúc nhích. Hiển nhiên
người đưa cố ý để Lệnh Hồ Xung thò tay ra đón lấy.
Căn nhà lao này rất chật hẹp, chàng chỉ nghiêng mình đi một chút vươn tay ra
là lấy được. Nhưng chàng phẫn nộ đến cực điểm, vươn tay ra đập mạnh một
cái.
Mấy tiếng choang choảng vang lên! bát cơm cùng bình nước rớt xuống đất vỡ
tan tành. Cơm rau và nước nóng tung tóe đầy mặt đất, nhưng cái khay gỗ
không rớt xuống từ từ rút ra ngoài.
Lệnh Hồ Xung tức giận như người điên xổ đến bên lỗ vuông ngó thấy một lão
già tóc bạc, tay trái cầm đèn tay phải cầm khay gỗ đang từ từ trở gót.
Lão già này mặt đầy vết dăn deo coi bộ suy nhược lắm rồi. Lão lại là một người
chàng chưa gặp qua. Chàng la gọi: -Lão về bảo Hoàng Chung Công, Hắc Bạch
Tử tới đây! Bốn tên cẩu tặc … có phải giống người thì vào đây cùng đại gia
quyết một trận tử chiến.
Lệnh Hồ Xung lại kêu lớn: -Này này! Lão kia! … Lão đã nghe rõ chưa?
Bất luận chàng kêu gọi thế nào lão cũng cứ lầm lũi bước đi không ngoảnh cổ
lại.
Lệnh Hồ Xung nhìn bóng sau lưng lão quanh vào lối rẽ đường hầm. ánh đèn
ảm đạm dần dần tối lại. Sau một lúc ngoài cửa lại văng vẳng có tiếng chuyển
động. Lỗ hổng đóng chặt lại. Trong nhà lao lại tối đen như mực không còn một
chút tia sáng hay một tiếng động nào khác.
Lệnh Hồ Xung cảm thấy đầu óc choáng váng. Chàng ngưng thần một lát rồi từ
từ nằm duỗi dài xuống giường tự nhủ: -Lão già đưa cơm kia chắc đã nhận
nghiêm lệnh không được nói chuyện với ta. Dù ta có la gọi lão cũng bằng vô
dụng.
Rồi chàng lại nghĩ: -Nhà lao này giống hệt nơi cầm tù Nhậm lão tiền bối. Xem
chừng dưới lòng đất khu vực Mai trang đã kiến trúc rất nhiều hắc lao để giam
hãm không biết bao nhiêu anh hùng hảo hán. Giả tỷ mà ta thông tin được với
Nhậm lão tiền bối hoặc có thể liên lạc với một bạn nào cũng bị cầm tù để cùng
nhau đồng tâm hiệp lực hoặc giả có cơ hội thoát khỏi chốn lao lung.
Nghĩ tới đây chàng liền giơ tay ra gõ vào tường vách.
Chàng nghe tiếng kêu kình kịch đúng là thanh âm của gang thép phát ra.
Tiếng vọng rất trầm trọng hiển nhiên tường vách này không trống rỗng bên
trong mà nó dày vô cùng.
Lệnh Hồ Xung dò lại bên bức tường khác đưa tay lên đập cũng thấy phát ra
những tiếng chắc nịch.
Chàng vẫn chưa thoái chí, ngồi xuống giường gõ vào bức tường phía sau.
Thanh âm vẫn chẳng có gì khác lạ.
Lệnh Hồ Xung sờ mò và đập gõ kỹ càng cả ba mặt tường. Ngoài bức tường có
đặt cửa sắt, tựa hồ gian hắc lao nầy biệt lập lẻ loi và sâu xuống lòng đất đến
mấy chục trượng. Đã đành dưới lòng đất còn có nhà tù khác, ít ra căn hắc lao
cầm tù lão Nhậm, nhưng chàng không biết gian hắc lao kia ở phương hướng
nào chàng cũng chẳng hiểu chỗ giam mình đây cách phòng giam khác bao xa.
Lệnh Hồ Xung ngồi tựa lưng vào vách để nghĩ lại tình trạng trước khi mình bị
ngất đi. Chàng chỉ nhớ được chiêu kiếm của lão Nhậm phóng ra mỗi lúc một
mau lẹ tiếng quát mỗi lúc vang dội rồi đột nhiên chàng ngất đi. Còn vụ Giang
Nam tứ hữu bắt chàng ra sao, đưa chàng vào phòng giam thế nào, chàng
không hay biết gì hết. Chàng nghĩ thầm: -Bốn vị trang chúa kia ngoài mặt đạo
đức thanh cao phi thường, hàng ngày tiêu khiển bằng cầm, kỳ, thi, họa hiển
nhiên là những cao nhân nhã sĩ không phải tầm thường, nhưng bề trong lại
lục súc đê hèn chẳng từ điều ác nào không làm. Trong võ lâm thiếu chi hạng
tiểu nhân như rứa, vậy chẳng có chi
là lạ, chỉ lạ ở chỗ bốn lão này ham mê cầm, kỳ, thi, họa một cách chân thành.
Nếu họ giả vờ đến thế được. Ngốc Bút Ông viết lên vách bài thơ “Bùi tướng
quân thi”. Nét bút lâm ly, kẻ vô sĩ tầm thường quyết không làm nổi.
Chàng lại nghĩ: -Sư phụ thường nói: “Những quân đại ác nhất định là những
kẻ sĩ thông minh tài trí”. Câu đó quả đã không lầm. Bọn Giang Nam tứ hữu bố
trí gian kế thiệt cho người ta khó mà phát giác ra được. Tình thực lúc ta tiến
vào địa đạo dưới gầm giường Hoàng Chung Công là tự đưa mình vào bẫy,
nhưng dù lúc ấy ta có phát giác muốn lùi lại cũng không kịp nữa.
Thình lình chàng la hoảng: -Trời ơi!
Bất giác chàng ngồi bật dậy như cái lò xo. Trống ngực đánh thình thình chàng
tự hỏi: -Hướng đại ca bây giờ ra sao? Chẳng hiểu y có mắc vào độc thủ của
bọn chúng không?
Nhưng chàng tự nhủ: -Hướng đại ca là người thông minh cơ biến, xem chừng
y đã biết trước bọn Giang Nam tứ hữu là người thế nào rồi. Y vùng vẫy giang
hồ đến Quang Minh hữu sứ trong Ma giáo thì dĩ nhiên không thể mắc bẫy bọn
này một cách khinh xuất. Chỉ cần y đừng bị bọn Giang Nam tứ hữu cầm tù là
nhất định có thể tìm cách cứu ta. Dù ta có bị cầm tù dưới lòng đất sâu muôn
trượng thì bản lãnh của Hướng đại ca cũng tìm được biện pháp khiến cho ta
thoát khỏi chốn lao lung.
Nghĩ tới đây chàng rất yên tâm, cười hì hì, tự nói một mình: -Lệnh Hồ Xung hỡi
Lệnh Hồ Xung! Ngươi thật là đồ nhát gan vô dụng! vừa rồi sợ quá đến phải
kêu khóc. Nếu có người biết ra thì cái mặt ngươi biết dấu vào đâu? Sau này dù
Hướng đại ca cứu được ngươi ra, ngươi cũng không còn đất để đứng trên
chốn giang hồ nữa.
Một khi Lệnh Hồ Xung yên dạ. Chàng từ từ đứng dậy liền cảm thấy bụng đói
miệng khát, lại than thầm: -Đáng tiếc là vừa rồi ta nổi hung đập vỡ cả bát
cơm, bình nước. Ta mà không ăn no thì Hướng đại ca có vào đây cứu thoát rồi,
sẽ lấy đâu ra khí lực để đối địch với bọn Giang Nam tứ cẩu? Ha ha!
Đúng lắm! Bọn tiểu nhân gian ác này chỉ đáng gọi là Giang Nam tứ cẩu, sao lại
kêu bằng Giang Nam tứ hữu được? Trong bọn Giang Nam tứ cẩu, Hắc Bạch Tử
lúc nào nét mặt cũng thản nhiên lầm lỳ là một tên nham hiểm hơn hết. Bao
nhiêu ngụy kế phần lớn do hắn bầy ra. Sau khi ta thoát khỏi chốn lao tù, hắn
là đứa đầu tiên đáng giết. Trong bọn Giang Nam tứ cẩu thì Đan Thanh tiên
sinh tương đối thực thà hơn, ta sẽ tha mạng cho hắn cũng chẳng hề chi,
nhưng hầm rượu ngon của hắn mà không để ta uống hết không xong.
Vừa nghĩ tới rượu ngon của Đan Thanh tiên sinh, chàng cảm thấy khát như
cháy họng, tự hỏi: -Không hiểu ta mê đi đã bao lâu mà sao chưa thấy Hướng
đại ca đến cứu?
Đột nhiên chàng la thầm: -Trời ơi! Không được rồi! Võ công của Hướng đại ca
mà lấy một chọi một thì thắng bọn Giang Nam tứ cẩu có thừa. Nhưng nếu bốn
tên liên thủ hợp lực thì Hướng đại ca khó bề thủ thắng. Dù đại ca hiển lộng
thần oai giết sạch được cả bốn tên thì việc tìm đường vào trong hắc lao này
cũng khó khăn vô
cùng! Ai mà nghĩ ra được cửa ngầm đi vào hắc lao lại ở dưới gầm giường
Hoàng Chung Công bao giờ?
Lệnh Hồ Xung bồn chồn trong dạ hồi lâu rồi tự hỏi: -Hướng đại ca là hạng
người nào? Y thần thông quảng đại ngày ở trong quán lương đình dùng sức
một người mà đối địch với mấy trăm anh hùng hảo hán cả hai phe chính tà.
Lúc đó hai tay y bị cột bằng xích sắt mà vẫn oai phong lẫm liệt chẳng sợ hãi gì,
thì việc đối phó với Giang Nam tứ cẩu, y có
coi vào đâu?
Chàng cảm thấy tinh thần mỏi mệt, liền nằm duỗi dài xoay chuyển ý nghĩ: –
Nhậm lão tiền bối ở đây võ công cao cường còn có phần hơn cả Hướng đại ca,
về phần cơ trí so với Hướng đại ca lão cũng tương đương chứ không chịu kém.
Một nhân vật như lão còn chịu giam cầm thì chắc gì Hướng đại ca thắng được
bọn chó má kia? Trước nay những người quang minh lỗi lạc
thường bị kẻ tiểu nhân ám toán, cho nên người ta đã có câu: “Minh thương dễ
tranh, ám tiến không phòng”. Đã bấy nhiêu lâu mà Hướng đại ca vẫn chưa
thấy đến cứu mình, e rằng y cũng gặp chuyện bất trắc rồi.
Lệnh Hồ Xung nghĩ quanh nghĩ quẩn bất giác ngủ đi lúc nào không biết. Khi
chàng tỉnh dậy giương mắt lên nhìn chỉ thấy tối om, cũng không biết ngày giờ
nào nữa, chàng tự hỏi: -Nếu chỉ trông vào sức mình thì bất luận thế nào cũng
không thể thoát ra được. Trường hợp mà Hướng đại ca quả nhiên đã bị bọn
chúng ám toán thật thì còn ai cứu mình được nữa không? Sư phụ đã gửi văn
thư đi khắp thiên hạ tuyên bố việc trục mình ra khỏi phái Hoa Sơn thì dĩ nhiên
người chính
phái không ai đến giải cứu …
Chàng chợt nhớ tới Doanh Doanh, bật tiếng la: -Doanh Doanh! Doanh Doanh
…
Chàng phấn khỏi tinh thần ngồi nhỏm dậy tự nhủ: -Doanh Doanh đã bảo bọn
Lão Đầu Tử phao ngôn trên chốn giang hồ phải cố gắng tìm ta mà hạ sát. Như
vậy bọn võ sĩ bàng tả đạo cũng nhất định không đến cứu ta rồi. Nhưng còn
Doanh Doanh thì sao? Nếu nàng biết ta bị cầm tù ở đây quyết nhiên tìm đến
cứu viện. Kể về bản lãnh tuy nàng không
bằng Hướng đại ca song người đồng đạo chịu nghe mệnh lệnh của nàng có
một số rất đông. Nàng chỉ cần hở môi ra một câu là … Ha ha …
Đột nhiên chàng ngừng tiếng cười nghĩ bụng: -Chà! Cô này coi quí thể diện
hơn tính mạng. Nàng rất sợ người ta đồn đại nàng thương yêu mình. Như vậy
thì dù nàng có quyết tâm đến cứu nhất định chỉ đến một mình chứ không chịu
kêu người giúp sức. Hơn nữa có ai biết nàng đến cứu mình thì tính mạng
người đó cũng khó an toàn. Trời ơi!
Lòng dạ của các cô thật khiến cho người ta khó nỗi đo lường. Còn tiểu sư muội
…
Lúc này chàng đã gặp điều bất hạnh đến cực điểm mà sực nhớ tới Nhạc Linh
San, lòng chàng không khỏi quặn đau. Mối thương tâm tuyệt vọng càng sâu
rộng thêm một tầng. Chỉ trong chớp mắt bao nhiêu ý niệm đều đi vào chỗ
chán chường, hy vọng đều tan ra mây khói.
Chàng lẩm bẩm: -Sao ta còn … hy vọng người đến cứu? Lúc này không chừng
tiểu muội cùng Lâm sư đệ bái đường làm lễ thành hôn rồi. Dù ta có thoát khỏi
chốn lao lung trở về đời trần tục thì cũng chẳng còn chi là thú vị?
Chẳng thà vĩnh viễn bị nhốt trong hắc lao này, không hiểu gì đến thế sự còn
hơn.
Rồi chàng cho là mình bị cầm tù cũng có nhiều chỗ rất hay. Lập tức bao nhiêu
mối bồn chồn tiêu tan hết. Trái lại chàng còn nhơn nhơn đắc ý là đã được ngồi
tù.
Nhưng chàng yên dạ chẳng được bao lâu lại cảm thấy đói như cào ruột, khát
như cháy họng.
Chàng thèm thuồng cảnh ngộ ngồi trên tửu lâu nốc từng bát rượu lớn, nhai
những miếng thịt to. Bất giác chàng cảm thấy ra thoát tù ngục là sung sướng
hơn nhiều. Chàng xoay chuyển ý nghĩ theo chiều hướng khác, tự nhủ: -Tiểu sư
muội cùng Lâm sư đệ thành thân thì đã sao? Huống chi mình đã bị người ta
khinh mạn từ lâu. Toàn thân nội lực mất hết thành một phế nhân. Bình đại phu
cũng bảo là ta chẳng còn sống được bao lâu. Như vậy dù tiểu muội có định lấy
ta, ta cũng không thể lấy nàng được. Chẳng lẽ ta lại để nàng suốt đời góa bụa
thủ tiết với ta?
Thực ra trong thâm tâm chàng không dám lấy Nhạc Linh San dù nàng có bụng
yêu chàng. Nhưng nàng đem lòng yêu Lâm Bình Chi thì cũng lại là một mối
đau khổ đến cùng cực cho chàng. Vậy hay hơn hết … là thế nào?
Chàng lẩm bẩm: -Hay hơn hết là tiểu sư muội vẫn giữ nguyên tình trạng trước
kia. Hay hơn hết là đừng xảy ra chuyện gì. Ta vẫn cùng nàng luyện kiếm dưới
thác nước trên núi Hoa Sơn. Lâm sư đệ đừng đến phái Hoa Sơn. Ta cùng tiểu
sư muội vĩnh vin sống một đời khoái hoạt. Hỡi ôi! Điền Bá Quang! Đào cốc
lục tiên, Nghi Lâm sư muội …
Lệnh Hồ Xung thoáng nghĩ tới Nghi Lâm tiểu ni phái Hằng Sơn, trên môi chàng
thoáng một nụ cười ôn nhu. Chàng tự hỏi: -Không hiểu Nghi Lâm sư muội bây
giờ ra sao? Nếu nàng biết ta bị giam cầm ở đây tất nàng nóng nảy vô cùng!
Sau khi sư phụ nàng nhận được văn thư của sư phụ ta dĩ nhiên bà không cho
nàng đi kiếm ta. Nhưng nàng sẽ năn nỉ phụ thân là Bất Giới hòa thượng lo
mưu thiết kế. Không chừng lão sẽ hội đồng cùng bọn Đào cốc lục tiên tới đây.
Hỡi ơi! Bảy lão này chỉ làm trò rối là hay, chứ chẳng nên được việc gì. Dù sao
có người đến cứu vẫn hơn chắng có ai dòm ngó gì tới mình.
Nghĩ tới Đào cốc lục tiên mồm năm miệng mười lý sự với nhau, Lệnh Hồ Xung
không nhịn được bất giác bật tiếng cười khà khà.
Khi cùng ở với sáu anh em bọn họ, chàng không khỏi ý khinh nhờn, nhưng bây
giờ chàng lại tiếc rẻ không có bọn họ bầu bạn ở chốn lao tù này. Ngày trước
chàng cho những lời nói của họ là kỳ quái chẳng ăn nhằm gì thì lúc này chàng
hồi tưởng lại dường như đó là những khúc tiên nhạc du dương.
Lệnh Hồ Xung xoay chuyển ý nghĩ hồi lâu rồi ngủ thiếp đi.
Chàng ở trong hắc lao không biết ngày giờ, bỗng thấy lờ mờ có ánh sáng từ
chỗ lỗ vuông rọi vào.
Chàng mừng rỡ vô cùng ngồi bật dậy, trống ngực đánh thình thình, tự hỏi: –
Không biết ai vào cứu mình đây?
Nhưng nỗi vui mừng chẳng đươc mấy chốc. Chàng nghe tiếng bước chân
chậm chạp, trầm trọng.
Hiển nhiên là lão già đưa cơm.
Lệnh Hồ Xung ngồi thừ ra lớn tiếng la: -Kêu bốn tên chó chết đó vào đây, thử
xem bọn chúng còn dám ngó mặt ta nữa không?
Tiếng bước chân mỗi lúc một gần. ánh sáng đèn tỏ hơn. Tiếp theo là cái khay
gỗ từ ngoài lỗ vuông đưa vào. Trên khay vẫn đặt một bát cơm và một cái bình
sành.
Lão già kia chẳng nói năng gì cứ chìa khay vào để chờ Lệnh Hồ Xung đón lấy.
Lệnh Hồ Xung đói đã lả người, khát đã khô cổ, cơ hồ không nhẫn nại được
nữa. Chàng ngần ngừ một chút rồi đón lấy khay gỗ đem vào.
Lão già buông tay xong trở gót đi ngay.
Lệnh Hồ Xung gọi giật giọng: -Này này! Lão hãy dừng bước để ta hỏi đã!
Lão già vẫn không để ý gì đến chàng, vẫn lặng lẽ lủi thủi cất bước. Tiếng bước
chân ỳ ạch mỗi lúc một xa. Ánh đèn cũng mất hút.
Lệnh Hồ Xung càu nhàu mấy câu rồi giơ bình sành lên ghé miệng vào vòi bình
mà uống một hơi.
Nước bình vừa trong vừa mát chàng khỏi khát rồi mới ăn cơm. Trên mặt bát
cơm có mấy thức ăn.
Tuy trong bóng tối chàng cũng phân biệt được đó là rau dưa cùng đậu hũ.
Lệnh Hồ Xung ở trong hắc lao đã bảy tám ngày. Mỗi ngày lão già kia đưa cơm
vào một lần, đồng thời để đón lấy đũa bát cùng bình sành bữa trước. Bất luận
Lệnh Hồ Xung nói gì lão vẫn trơ trơ, tuyệt không lộ vẻ gì mới lạ …
Không hiểu đến ngày thứ mấy, Lệnh Hồ Xung vừa thấy ánh đèn lấp lóe liền
nhảy xổ lại lỗ vuông.
Chàng nắm lấy khay gỗ la hỏi: -Tại sao lão không nói với ta một câu nào? Lão
có nghe thấy ta hỏi gì không?
Lúc này hai người đứng gần nhau. Lão già thấy vậy không khỏi giật mình kinh
hãi. Lệnh Hồ Xung ngó thấy cặp mắt lão trắng dã, nhãn quang trì trệ, hiển
nhiên là một người đui mù.
Lão già vừa trỏ tay vào lỗ tai vừa lắc đầu tỏ ra điếc. Lão lại há hốc miệng cho
chàng coi.
Lệnh Hồ Xung nhòm vào, kinh ngạc đến thộn mặt ra vì ngọn lưỡi trong miệng
lão chỉ còn một nửa coi rất khủng khiếp.
Chàng “ối” lên một tiếng rồi hỏi: -Đầu lưỡi lão bị người cắt đi ư? Phải chăng
bọn Mai trang tứ cẩu đã hạ độc thủ.
Lão già kia vẫn không trả lời, từ từ đưa khay gỗ vào. Hiển nhiên lão không
nghe rõ Lệnh Hồ Xung nói gì. Dù lão có nghe thấy chăng nữa cũng không thể
trả lời được.
Lệnh Hồ Xung trong lòng khiếp sợ. Chàng chờ cho lão đi ra rồi mới tĩnh tâm
ngồi xuống ăn cơm.
Lão già bị cắt nửa lưỡi lại hiển hiện re trong đầu óc chàng. Chàng nằm duỗi dài
trên giường ngấm ngầm phát trọng thệ: -Bọn Giang nam tứ cẩu thật là khả ố!
Lệnh Hồ Xung này chung thân bị cầm tù chẳng nói làm chi, nếu còn có ngày
thoát khỏi chốn lao lung thì việc đầu tiên là phải cắt đứt đầu lưỡi, dùi thủng lỗ
tai, đâm mù hai mắt những tên chó chết đó …
Đột nhiên trong đầu óc lóe ra một tia sáng, chàng la thầm: -A phải rồi! Tại sao
bọn chúng lại ám toán mình thế này? Phải chăng bọn họ … bọn họ …
Chàng sực nhớ tới đêm khuya hôm đó chàng đã dùng trường kiếm đâm đui
mắt 15 tên hán tử tại miếu Dược Vương. Lai lịch bọn này thế nào chàng vẫn
chưa hay. Chàng tự hỏi: -Chẳng lẽ bọn chúng cầm tù ta ở đây để trả mối thù
bữa trước.
Lệnh Hồ Xung nghĩ tới đây không nhịn được nữa, buông tiếng thở dài sườn
sượt. Những oán khí chứa chất trong lòng chàng bấy nhiêu ngày lập tức vơi
quá nửa.
Chàng tự nhủ: -Ta đã đâm mù mắt 15 người thì họ bày kế trả thù cũng là
xứng đáng.
Khí phẫn uất lắng xuống. Lệnh Hồ Xung trải qua những ngày tù ngục một
cách dễ dàng hơn.
-trong ngục tối bất phân nhật dạ. Lệnh Hồ Xung không hiểu mình bị cầm tù đã
bao lâu. Chàng cảm thấy mỗi ngày nhiệt độ một nóng hơn thì chắc là mùa hạ
đã tới.
Gian nhà tù nhỏ bé không có một luồng gió thổi qua, tình trạng ẩm ướt nóng
nảy rất là khó chịu.
Một hôm trời nóng quá chịu không nổi, Lệnh Hồ Xung cởi bỏ hết quần áo để
mình trần truồng nằm ngủ trên giường.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.