TIẾU NGẠO GIANG HỒ

135. Phải chăng kiếm phổ chép vào cà sa?



Bỗng nghe Nhạc Linh San vừa cười vừa mắng: -Gã Lâm tử thối tha đáng chết
kia? Có phải ngươi định chiếm lấy phần tiện nghi của ta không?
Rồi lại nghe tiếng “bốp bốp” vang lên. Hiển nhiên Nhạc Linh San đã dùng bàn
tay đập Lâm Bình Chi.
Hai người ở trong nhà đùa cợt khiến cho Lệnh Hồ Xung lòng như cắt, muốn bỏ
đi ngay. Nhưng vì vụ “Tịch Tà kiếm phổ ” lúc song thân Lâm Bình Chi hấp hối
chỉ có mình chàng ở bên cạnh. Ông bà ta có mấy lời di ngôn nhắn lại Lâm Bình
Chi. Do đó mà chàng phải chịu bao nỗi oan uổng.
Sau chàng lại được Phong thái sư thúc tổ truyền thụ cho chàng phép “Độc cô
cửu kiếm” cực kỳ thần diệu. Người phái Hoa Sơn đều cho là chàng đã nuốt trôi
pho “Tịch Tà kiếm phổ”. Cả đến cô tiểu sư muội, con người hiểu chàng hơn ai
hết, lại càng sinh lòng ngờ vực.
Bình tĩnh mà xét thì việc này Lệnh Hồ Xung không thể trách ai được. Những
ngày chàng lên núi sám hối lại có hôm cùng sư nương đối kiếm, vì chàng
không chống nổi phép “Vô song vô đối Ninh thị nhất kiếm” vô tình chàng đã
đưa “Độc cô cửu kiếm” ra để chống đỡ, chàng ở trên núi sám hối mới có mấy
tháng mà đột nhiên kiếm thuật chàng đã tiến một bước dài. Hơn nữa kiếm
pháp đó lại khác hẳn kiếm pháp của phái Hoa Sơn. Trên đỉnh núi sám hối đã
không có người ngoài vào tới nơi, nếu chàng không học được một thứ kiếm
pháp bí mật của môn phái khác thì sao lại tiến bộ mau lẹ đến thế? Môn kiếm
pháp bí mật của phái ngoài kia không phải là “Tịch Tà kiếm phổ” của nhà họ
Lâm thì còn của ai nữa.
Lệnh Hồ Xung đã lâm vào tình trạng bị nghi ngờ mà chàng lại hứa lời với
Phong thái sư thúc nhất định không tiết lộ hành tích của lão. Thật là có miệng
mà không biết giải thích cách nào.
Ban đêm Lệnh Hồ Xung thường nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, chàng tự nhủ: –
Sở dĩ sư phụ quyết tuyệt với ta trục xuất ra khỏi môn trường, tuy danh vì lý do
giao thiệp với bọn yêu nhân Ma giáo, nhưng thực ra còn có nguyên nhân khác
trọng yếu hơn, mà chắc là lão nhân gia cho mình đã nuốt mất pho “Tịch Tà
kiếm phổ”. Đó là một hành động ty bỉ tham ô, không thể liệt vào hàng môn hạ
phái Hoa Sơn được nữa.
Lúc này chàng nghe Nhạc Linh San cùng Lâm Bình Chi hai người bàn đến kiếm
phổ, tuy họ nô đùa giỡn cợt với nhau khiến cho lòng chàng cực kỳ chua xót
mà chàng phải dằn lòng đứng nấp một chỗ để nghe cho rõ đầu đuôi câu
chuyện.
Bỗng nghe Nhạc Linh San nói: -Ngươi đã tìm kiếm mấy tháng trời nay mà
không thấy. Vậy kiếm phổ dĩ nhiên không còn ở đây nữa, thì có đào tường gỡ
từng viên gạch cũng chẳng ích gì. Đại sư ca … Đại sư ca nói câu vô bằng cứ
mà ngươi cũng tin là thật ư?
Lệnh Hồ Xung lại chua xót trong lòng, tự nhủ: -Tiểu sư muội vẫn gọi ta bằng
đại sư ca ư?
Lâm Bình Chi đáp: -Đại sư ca nhắc lại lời của gia gia tiểu đệ nói là trong một
tòa nhà cũ ngõ Hướng Dương, có di vật của tổ tiên để lại nhưng không được
mở ra coi. Tiểu đệ tưởng pho kiếm phổ đó dù đại sư ca có mượn tạm ít lâu thì
rồi sau này cũng có ngày hoàn lại …
Lệnh Hồ Xung cười lạt nghĩ bụng: -Kể ra gã này ăn nói vẫn còn lịch sự. Sao gã
không nói thẳng ngay là mình đã nuốt mất kiếm phổ rồi mà còn bảo tạm thời
mượn ít lâu ngày sau sẽ trả lại? Hà hà! Ta tưởng cái đó gã bất tất phải nói
quanh co như vậy?
Bỗng nghe Lâm Bình Chi nói tiếp: -Tiểu đệ lại nghĩ rằng ngôi nhà cổ trong ngõ
Hướng Dương thì chắc đại sư ca không thể biết được. Lời di ngôn của gia gia
cùng má má tưởng đại sư ca cũng không thể bịa đặt ra được, vì hai bên vốn
không quen biết nhau. Đại sư ca lại chưa đến Phúc Châu bao giờ thì làm sao
mà biết thành Phúc Châu có ngõ Hướng Dương? Đồng thời y cũng không thể
biết ngôi nhà cũ của tiên tổ nhà họ Lâm ở trong ngõ này. Ngay người ở Phúc
Châu cũng rất ít kẻ biết đến ngõ Hướng Dương.
Nhạc Linh San hỏi: -Nếu đúng gia gia và má má ngươi di ngôn như vậy thì làm
sao?
Lâm Bình Chi đáp: -Lúc đại sư ca thuật lại lời di ngôn của gia gia cùng má má
có thêm một câu là “đừng mở ra coi”. Thế thì không hiểu mở ra coi tứ thư ngũ
kinh hay là sách vở gì? Suy đi nghĩ lại câu đó tất có liên quan đến “Tịch Tà
kiếm phổ”. Tiểu sư tỷ ơi! Tiểu đệ nghĩ rằng gia gia đã có di ngôn nhắc đến
trong tòa nhà cũ ngõ Hướng Dương thì dù trong đó không có kiếm phổ, ít ra
mình cũng phát hiện được chút manh mối gì trong nhà này chăng?
Nhạc Linh San đáp: -Ngươi nói vậy cũng phải. Mấy bữa nay ta cảm thấy tinh
thần ngươi sút kém rất nhiều. Tối đến ngươi không chịu ngủ lại ở tiêu cục mà
nhất định quay về chỗ này, ta không yên lòng mới thân hành tới nơi xem sao.
Té ra ngươi luyện kiếm suốt ngày phải gắng gượng đem hết tinh thần bồi tiếp
với ta rồi tối đến lại chui về cái tổ này để tìm kiếm phổ.
Lâm Bình Chi tủm tỉm cười, bỗng gã buông một tiếng thở dài đáp: -Tiểu đệ
nghĩ đến gia gia cùng má má bị chết một cách cực kỳ thảm khốc. Giả tỷ tiểu
đệ mà tìm thấy kiếm phổ để có thể dùng kiếm pháp tổ truyền của nhà họ Lâm
mà đâm chết kẻ thù thì chắc gia má dưới suối vàng cũng được an ủi rất nhiều.
Nhạc Linh San nói: -Không hiểu đại sư ca lúc này ở đâu? Giả tỷ ta được gặp y
thì hay biết chừng nào! Nhất định ta sẽ thay ngươi để đòi lại pho kiếm phổ đó.
Bây giờ y đã luyện kiếm phổ tới một trình độ cao minh tuyệt đỉnh thì kiếm phổ
đó nên trả về cho chủ cũ. Này này tiểu Lâm tử! Ta bảo cho ngươi nên bỏ điều
đó đừng nghĩ ngợi tới nữa. Ngươi bất tất lục lọi tìm tòi trong tòa nhà cũ này
làm chi cho mệt. Bây giờ ngươi có kiếm phổ nào khác, thì hãy luyện môn “Tử
Hà thần công” cho được thành tựu, rồi mối thù kia muốn trả tưởng cũng không
phải là việc khó. Vậy ngươi hãy nghe lời ta.
Lâm Bình Chi nói: -Cái đó đã hẳn, nhưng gia gia cùng má má tiểu đệ bị chết
một cách thảm khốc mà hồi sinh tiền lại bị chúng hạ nhục. Nếu dùng được
kiếm pháp của nhà họ Lâm để báo thù thì gia gia cùng má má tiểu đệ mới hả
lòng. Hơn nữa theo thể lệ bản môn thì “Tử Hà thần công” chỉ truyền cho một
tên đệ tử. Tiểu đệ lại gia nhập sau cùng, dù có được sư phụ cùng sư nương
đem lòng quyến cố, nhưng như vậy nhất định các vị sư tỷ, sư huynh không
phục chắc họ sẽ bảo …
Nhạc Linh San hỏi: -Họ bảo sao?
Lâm Bình Chi đáp: -Họ bảo tiểu đệ cùng sư tỷ chưa chắc đã có lòng tốt thật
tình với nhau mà chỉ muốn được truyền thụ môn “Tử Hà thần công” nên ngoài
mặt vành cạnh lấy lòng sư phụ cùng sư nương mà thôi.
Nhạc Linh San nói: -Hừ! Ai muốn nói thế nào thì mặc họ. Ta chỉ cần biết ngươi
chân tâm là được.
Lâm Bình Chi cười hỏi: -Sao sư tỷ lại biết tiểu đệ chân tâm?
Nhạc Linh San lại đập đánh “chát” một tiếng, không hiểu đập vào lưng hay vào
vai Lâm Bình Chi. Nàng bĩu môi nói: -Ta biết ngươi giả tình, giả ý, lòng lang dạ
thú.
Lâm Bình Chi cười nói: -Được rồi! Chúng ta đi đã khá lâu bây giờ nên về thôi.
Tiểu đệ đưa sư tỷ về tiêu cục, nhưng nếu sư tỷ nói cho sư phụ cùng sư nương
hay là hỏng bét đấy.
Nhạc Linh San hỏi: -Có phải ngươi đuổi ta về không? Ngươi đã đuổi là ta đi
ngay, không cần ngươi đưa chân đâu.
Giọng nói của nàng ra chiều bực tức.
Lệnh Hồ Xung đã ở với Nhạc Linh San từ thuở nhỏ nên chàng biết tính nết cô
hay nổi nóng. Hễ động giận một tí là làm cho người ta phải khó chịu.
Chàng nghĩ bụng: -Gã Lâm sư đệ này thật là kỳ quái. Giả tỷ nàng đến với ta thì
dù bị trời sập ta cũng không để nàng đi. Xem chừng nàng hết dạ với gã mà gã
lại có vẻ thờ ơ với nàng.
Bỗng nghe Lâm Bình Chi nói: -Sư phụ đã bảo tiền nhiệm giáo chủ phe Ma giáo
là Nhậm Ngã Hành lại xuất hiện trên chốn giang hồ và hiện đã đến vùng Phúc
Châu rồi. Võ công lão cao thâm không biết đến đâu mà lường! Hành vi của lão
lại cực kỳ tàn độc. Vậy mà sư tỷ đi đêm một mình, nếu vô phúc gặp lão thì biết
làm thế nào?
Nhạc Linh San nói: -Chà ngươi mà đi với ta nếu cũng vô phước gặp lão thì dễ
thường ngươi biết được hay bắt được lão chăng?
Lâm Bình Chi hỏi: -Sư tỷ đã biết rõ võ công tiểu đệ kém cỏi sao còn nói giỡn?
Dĩ nhiên tiểu đệ không thể đối phó lại lão. Nhưng tiểu đệ mà đi với sư tỷ nếu bị
hắn giết thì chúng ta cùng chết với nhau một chỗ.
Nhạc Linh San nghe gã nói vậy lại mềm lòng, dịu dàng nói: -Tiểu Lâm tử!
Không phải ta bảo võ công ngươi kém cỏi đâu. Ngươi đã dụng công khổ luyện
thì sau này nhất định bản lãnh sẽ cao cường hơn ta. Thực ra ngoài môn kiếm
pháp ngươi chưa tập luyện được tinh thục, nếu đánh nhau thực sự thì ta
không thể nào đối thủ với ngươi được.
Lâm Bình Chi cười mát nói: -Trừ phi sư tỷ không thèm dùng tay mặt, mà sử
kiếm bằng tay trái thì hoặc giả tiểu đệ còn chống đỡ được.
Bây giờ Nhạc Linh San lại không muốn bỏ đi ngay, nàng định làm vui lòng Lâm
Bình Chi liền nói: -Tiểu Lâm tử! Ta giúp ngươi tiếp tục, tìm kiếm nữa đi! Trong
nhà này vật gì cũng quen mắt rồi thấy lạ mà không biết lạ, hoặc giả ta có thể
tìm thấy cái đó giấu ở chỗ nào chăng?
Lâm Bình Chi mừng rỡ đáp: -Hay lắm! Sư tỷ thử coi trong này xem có gì khác
lạ không?
Tiếp theo Lệnh Hồ Xung lại nghe tiếng “lịch kịch” kéo bàn đẩy ghế.
Hồi lâu Nhạc Linh San cất tiếng hỏi: -Ở đây cái gì cũng bình thường cả. Trong
nhà ngươi còn có chỗ nào khác thường không?
Lâm Bình Chi ngẫm nghĩ một chút rồi đáp: -Những chỗ khác với sự thông
thường ư? Không có đâu.
Nhạc Linh San hỏi: -Luyện võ trường trong nhà họ Lâm ở chỗ nào?
Lâm Bình Chi đáp: -Trong này không có luyện võ trường chi hết. Vì tằng tổ của
tiểu đệ sáng lập ra tiêu cục rồi đem qua bên đó. Tổ phụ, thúc tổ phụ, phụ
thân của tiểu đệ đều luyện công ở tiêu cục. Gia gia tiểu đệ trong lời di ngôn có
hai tiếng “mở coi” thì trong luyện võ trường chẳng có cái gì để mà mở coi hết.
Nhạc Linh San nói: -Đúng rồi! Chúng ta vào thư phòng của ngươi xem sao.
Lâm Bình Chi đáp: -Gia gia tiểu đệ chuyên nghề bảo tiêu, chỉ có phòng kế toán
chứ không có văn phòng. Mà phòng kế toán cũng ở bên tiêu cục, chứ đặt ở
trong ngôi nhà cũ này làm chi?
Nhạc Linh San nói: -Vậy thì khó tìm quá! Trong tòa nhà cổ này có cái gì mở
xem được không?
Lâm Bình Chi đáp: -Tiểu đệ đã nghiên cứu lời nói của đại sư ca. Y bảo gia gia
tiểu đệ dặn tiểu đệ không được mở coi di vật của tổ tôn thì chắc là người bảo
tiểu đệ đừng mở coi những di vật trong tòa nhà cũ này. Nhưng ở đây có cái gì
hay để mở mà coi đâu? Tiểu đệ suy đi nghĩ lại thì chỉ có mớ kinh Phật của tổ
tôn.
Nhạc Linh San nhảy lên vỗ tay nói: -Kinh Phật! Cái đó xem hay lắm! Đạt Ma
Lão tổ là một vị tổ sư về võ học. Trong kinh phật có ẩn giấu cả kiếm phổ cũng
là sự thường.
Lệnh Hồ Xung nghe Nhạc Linh San nói vậy cũng phấn khởi tinh thần, chàng
nghĩ bụng: -Nếu Lâm sư đệ mà mở thấy “Tịch Tà kiếm phổ” trong cuốn kinh
Phật thì hay biết mấy! Mọi người sẽ hết ngờ ta có manh tâm nuốt mất kiếm
phổ.
Bỗng nghe Lâm Bình Chi đáp: -Tiểu đệ đã mở xem rồi, chẳng phải là một hai
lượt đâu, có khi đến cả trăm lần rồi. Tiểu đệ còn đi vào các tiệm sách tìm mua
nào Kim cương kinh, nào Pháp Hoa kinh, nào Tâm kinh đem về đối chiếu với
cuốn kinh phật của tằng tổ thì chẳng sai chút nào. Vậy cuốn kinh Phật đó chỉ
là loại kinh Phật thông thường.
Nhạc Linh San nói: -Nếu thế thì chẳng có gì mở ra coi nữa.
Nàng ngẫm nghĩ một lúc rồi đột nhiên cất tiếng: -Ngươi có coi những chỗ giáp
trang không?
Lâm Bình Chi hỏi lại: -Những chỗ giáp trang ư? Tiểu đệ không để ý. Chúng ta
mở coi lại xem.
Hai người đều cầm một cây đèn nến dắt tay nhau ra khỏi sương phòng đi
thẳng tới hậu viện.
Lệnh Hồ Xung ở trên nóc nhà cũng đi theo thì thấy hai ngọn nến vào một
phòng có ánh sáng lọt ra ngoài cửa sổ.
Sau cùng đến một phòng góc tây bắc, Lệnh Hồ Xung liền đi theo tới đó nhẹ
nhàng nhảy xuống sân. Chàng ghé mắt nhìn qua khe cửa vào trong, thấy căn
phòng nhỏ này là một tòa Phật đường. Chính giữa treo một bứa ảnh Đạt Ma
lão tổ vẽ bằng mực đen.
Bức vẽ lại hướng lưng ra ngoài. Đây chắc là bức vẽ đức Đạt Ma quay mặt vào
tường trong chín năm.
Trong Phật đường có một cái bồ đoàn rất cũ dựa vào tường mé Tây. Trên bàn
có đặt một chiếc mõ, một chiếc khánh cùng một tập kinh Phật.
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng: -Vị Lâm tiền bối này sáng tạo ra Phước Oai tiêu cục.
Ngày trước lão đã khét tiếng, không biết bao nhiêu tay đại đạo đã bị giết về
tay lão. Chắc là đến lúc tuổi già lão quay mặt vào tường sám hối về những vụ
giết người ngày trước.
Chàng tưởng đến bậc anh hùng hào kiệt khét tiếng giang hồ mà ngồi ở gian
phòng tịch mịch gõ mõ tụng kinh trước Phật đường thì lòng chàng cũng không
khỏi thê lươngt tịch mịch.
Nhạc Linh San cầm lấy một bộ kinh Phật nói: -Chúng ta thử mở cuốn kinh điều
tra xem bên trong có giấu những vật gì vào giữa những trang giáp nhau
không. Nếu điều tra không thấy gì thì đóng lại như trước, ngươi tính có được
không?
Lâm Bình Chi đáp: -Hay lắm!
Gã cầm cuốn kinh Phật tháo chỉ ra, mở từng tờ một để điều tra những chỗ
giáp giấy xem có tự tích gì không.
Nhạc Linh San cũng mở một cuốn khác tháo giở từng tờ giơ lên ánh đèn mà
coi.
Lệnh Hồ Xung đứng ở phía sau lưng nàng ngó thấy bàn tay nàng trắng như
ngọc. Tay trái nàng vẫn đeo chiếc vòng ngọc “phí thúy”. Có lúc nàng nghiêng
mặt đi thì mặt nàng và mặt Lâm Bình Chi lại chạm vào nhau. Hai người trông
nhau mà cười rồi lại tiếp tục mở từng trang sách. Có lúc mặt nàng đỏ lên, chỉ
trông thấy có một nửa cũng đã tươi đẹp như hoa đào vào buổi đang xuân.
Lệnh Hồ Xung đứng ngoài cửa sổ ngó thấy không khỏi mê mẩn tâm thần.
Hai người bên trong dở từng tý một cho đến hết tám cuốn kinh Phật thì đột
nhiên Lệnh Hồ Xung nghe sau lưng có tiếng động nhẹ, chàng vội thụp đầu
xuống và quay lại nhìn thì thấy bóng hai người từ mé nam tòa nhà tiến lại. Họ
đưa tay ra hiệu cho nhau rồi nhảy vào trong sân, hạ mình xuống đất không
một tiếng động.
Khinh công hai người này thật cao thâm đến chỗ tuyệt đỉnh.
Lúc này Lệnh Hồ Xung đã chuyển đến một góc tường khác. Chàng thấy hai
người kia cũng dán mắt vào khe cửa sổ để nhìn vào trong.
Sau một lúc bỗng nghe Nhạc Linh San lên tiếng: -Tháo hết rồi mà chẳng thấy
gì.
Giọng nói ra chiều thất vọng. Đột nhiên nàng nói tiếp: -Tiểu Lâm tử! Ta chợt
nghe ra điều này chúng ta thử lấy chậu nước lên coi.
Thanh âm nàng bây giờ lại ra chiều phấn khởi.
Lâm Bình Chi hỏi: -Để làm gì?
Nhạc Linh San đáp: -Hồi còn nhỏ ta từng nghe gia gia nói chuyện cổ tích. Lão
gia bảo có người dùng một thứ cỏ vắt lấy nước để viết chữ. Lúc khô rồi bao
nhiêu chữ đều biến mất. Nhưng nhúng xuống nước thì tự tích lại hiện lên.
Lệnh Hồ Xung nghe nói lòng chàng se lại. Chàng nhớ đã nghe thiên cố sự này
vào hồi Nhạc Linh San mới tám chín tuổi và chàng độ mười bảy mười tám.
Câu chuyện ngày trước lại hiện lên trong đầu óc Lệnh Hồ Xung. Chàng nhớ cả
đến hôm đó chàng đang bắt dế với Nhạc Linh San cho chọi nhau. Chàng đã
cho nàng một con dế lớn nhất, thế mà lúc chọi nàng vẫn cứ thua, nên nàng
tức quá rồi lấy bàn chân dẫm lên con dế của chàng cho chết đi. Sau chàng
phải bày trò khôi hài mãi nàng mới bật cười không giận nữa. Rồi hai người đưa
nhau về xin sư phụ kể chuyện cổ tích.
Lệnh Hồ Xung nghĩ tới những câu chuyện cũ này, hai hàng nước mắt tuôn rơi
tầm tã.
Bỗng nghe Lâm Bình Chi đáp: -Phải đó! Chúng ta hãy thử làm coi. Rồi chàng
trở gót đi ra.
Nhạc Linh San nói: -Để ta cùng đi với ngươi.
Lâm Bình Chi cùng Nhạc Linh San dắt tay nhau đi xa.
Hai người nấp ở phía sau cửa sổ vẫn nín hơi, đứng yên không nhúc nhích.
Sau một lúc cả Nhạc Linh San lẫn Lâm Bình Chi mỗi người đều bưng một thau
nước tiến vào Phật đường. Hai người lấy bảy tám trang kinh Phật mở ra dúng
vào thau nước.
Lâm Bình Chi càng nóng nảy hơn, gã giơ những trang giấy vừa dúng xuống
nước soi vào ánh đèn thì chẳng thấy tự tích chi hết.
Hai người coi thử hơn hai mươi trang đều chẳng thấy chi khác lạ.
Lâm Bình Chi thở dài nói: -Thôi đừng thử làm chi nữa, trong kinh Phật chẳng
thấy một chữ nào khác.
Chàng vừa nói dứt lời thì hai người nấp ở ngoài cửa sổ quanh ra phía trước
không một tiếng động, đẩy cửa bước vào.
Lâm Bình Chi giật mình kinh hãi quát hỏi: -Ai?
Hai người nhảy xổ vào nhanh như gió.
Lâm Bình Chi giơ tay lên toan chống đỡ thì dưới nách chàng đã bị đối phương
phóng chỉ điểm trúng.
Nhạc Linh San mới rút trường kiếm ra được một nửa thì hai ngón tay địch
nhân đã đâm tới trước mắt nàng.
Nhạc Linh San đành rời tay khỏi đốc kiếm, vung chưởng lên gạt.
Tay mặt người kia giơ lên chụp luôn ba cái nhằm vào cổ họng nàng.
Nhạc Linh San kinh hãi vô cùng lùi lại hai bước thì lưng đã tựa vào góc bàn thờ
không còn đất để lui thêm nữa.
Người kia liền giơ tay trái lên nhằm đập xuống đầu nàng.
Nhạc Linh San vội giơ hai tay lên để hất ra. Không ngờ phát chưởng của người
kia định đập xuống đầu nàng chỉ là một hư chiêu. Hắn giơ một ngón tay phải
điểm ra. Mé lưng bên trái Nhạc Linh San bị trúng phát chỉ, nàng phải nằm ghẹ
xuống bên bàn thờ, không nhúc nhích được nữa.
Những cử động trong nhà đều lọt vào mắt Lệnh Hồ Xung. Chàng cảm thấy
tính mạng Nhạc Linh San và Lâm Bình Chi chưa đến nỗi nguy ngập trong lúc
nhất thời, nên không vội ra tay cứu viện và muốn chờ xem lai lịch hai người bí
mật này.
Một người lạ mặt nhìn ngang nhìn ngửa trong Phật đường. Còn một người lôi
chiếc bồ đoàn lên xé làm hai mảnh. Người kia phóng chưởng đánh vỡ tan cái
mõ thành bảy tám mảnh.
Lâm Bình Chi và Nhạc Linh San bị kiềm chế không nói được mà cũng không cử
động được thấy chưởng lực hai người này sắc như đao xé đứt bồ đoàn lại đập
tan mõ gỗ. Hiển nhiên chúng cũng đến tìm “Tịch Tà kiếm phổ”.
Lâm Bình Chi nghĩ thầm trong bụng: -Chúng ta đã tìm kiếm biết bao nhiêu
ngày không ngờ đến kiếm phổ dấu trong bồ đoàn hoặc trong chiếc mõ.
Bỗng thấy bồ đoàn bị xé rách, mõ bị đập tan mà bên trong chẳng có vật, gì gã
mới yên lòng.
Hai người kia đều vào trạc ngoài năm mươi tuổi.
Một lão đầu trọc tếu, còn một lão tóc bạc phơ, cả hai lão cử động cực kỳ thần
tốc.
Chỉ trong khoảnh khắc bao nhiêu đồ vật và bàn thờ đều bị chúng đập vỡ tan
tành.
Sau hai người thấy không còn vật gì để đập nữa liền ngó lên bức ảnh Đạt Ma
lão tổ treo trên xà nhà.
Lão trọc đầu vung tay trái lên toan kéo bức ảnh xuống thì lão tóc bạc giơ tay
ra cản lại quát lên: -Khoan đã! Ông bạn hãy nhìn ngón tay lão.
Lệnh Hồ Xung, Lâm Bình Chi và Nhạc Linh San cũng đưa mắt nhìn theo lên
bức ảnh thì thấy tay trái hình Đạt Ma đặt ở sau lưng tựa hồ đang nắm kiếm
quyết, còn ngón tay phải trỏ lên nóc nhà.
Lão trọc đầu hỏi: -Ngón tay trỏ đó có chi là lạ?
Lão tóc bạc đáp: -Ta cũng không biết. Nhưng cứ thử coi xem.
Rồi lão tung mình nhảy vọt lên đúng vào chỗ ngón tay trỏ bức ảnh Đạt Ma chỉ
lên nóc nhà.
Cát bụi cùng ngói vỡ trút xuống ầm ầm.
Lão đầu trọc hỏi: -Có gì đâu nào?
Lão vừa nói được bốn tiếng thì một vật tròn tròn từ trên nóc nhà chuồn qua lỗ
hổng rớt xuống.
Mọi người nhìn kỹ lại thì ra một tấm áo cà sa của nhà sư.
Lão tóc bạc liền giơ tay ra đón lấy đem soi gần vào ánh đèn, bỗng lão mừng
quá rú lên: -Đây … đây rồi!
Lão mừng như người phát điên nên thanh âm run lên.
Lão trọc đầu hấp tấp hỏi ngay: -Cái … cái gì thế?
Lão tóc bạc đáp: -Xuống đây mà coi!
Lệnh Hồ Xung đứng ngoài cửa sổ chú ý nhìn vào thì thấy trong áo cà sa có lốm
đốm những chữ nhỏ.
Lão trọc đầu hỏi: -Chẳng lẽ đây là “Tịch Tà kiếm phổ” ư?
Lão tóc bạc đáp: -Mười phần có đến chín đúng là kiếm phổ. Hay quá! Hà hà!
bữa nay hai anh em mình lập được kỳ công này thật là hiếm có. Lão đệ! Lão đệ
thu lấy cất đi!
Lão trọc đầu mừng quá miệng há hốc ra không ngậm lại được nữa. Lão gấp áo
cà sa lại rất cẩn thận rồi đút vào bọc. Đoạn hắn trỏ tay vào Nhạc Linh San và
Lâm Bình Chi hỏi: -Đập chết hai đứa nhỏ kia chứ?
Lệnh Hồ Xung tay cầm đốc kiếm chờ xem hãy thấy lão tóc bạc lộ ra cử động
sát nhân thì lập tức nhảy vào chém chết hai lão già để cứu Lâm Bình Chi và
Nhạc Linh San.
Ngờ đâu lão tóc bạc đáp: -Kiếm phổ đã lọt vào tay mình rồi thì còn giết chúng
làm chi để gây thù hận với phái Hoa Sơn. Thôi bỏ mặc chúng nó đi.
Hai lão sóng vai ra khỏi Phật đường nhảy vọt qua bức tường vây mà chạy.
Lệnh Hồ Xung cũng lập tức rượt theo.
Hai lão già cước bộ cực kỳ mau lẹ.
Lệnh Hồ Xung sợ hai lão đi vào chỗ tối mất tích thì hết đường theo dõi. Chàng
liền tăng gia cước lực gắng sức rượt theo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.