TIẾU NGẠO GIANG HỒ
142. Toan đục thuyền, song phi ngư bị bắt
Gã họ Mã bị gã họ Triệu quát mắng liền không nói nữa. Vẻ mặt ra chiều bẽn
lẽn.
Định Nhàn sư thái nói: -Ba vị đi hoành hành ở Kỳ Bắc ba chục năm trước, rồi
sau ẩn náu không đi lại tiếng tăm gì nữa. Bần ni cho là ba vị đã tỉnh ngộ sửa
đổi lỗi lầm. Không ngờ ba vị đến qui đầu phái Tung Sơn để ngấm ngầm mưu
đồ chuyện gì … Hỡi ơi! Tả chưởng môn phái Tung Sơn là cao nhân một thời
sao còn đi thu nạp bao nhiêu tả đạo bàng môn, những dị sĩ trên giang hồ đã
làm khó dễ cho người đồng đạo. Thật là trong lòng y … Hỡi ơi! Khiến người ta
không sao hiểu được.
Bà là một nhà tu hành đắc đạo lòng dạ từ bi, nên tuy gặp cơn đại biến này,
vẫn chẳng muốn thốt ra những lời làm mất danh dự của người. Khi bà cảm
thấy lời nói có chút quá đáng, liền chuyển sang tiếng thở dài rồi hỏi: -Sư thư
của bọn bần ni là Định Tĩnh sư thái cũng bị hạ về tay quí phái phải không?
Gã họ Mã lúc trước trong lời nói đã lộ ra vẻ khiếp nhược, bây giờ muốn gỡ lại
mặt mũi liền lớn tiếng đáp: -Phải rồi! Đó là Chung Trấn sư đệ …
Lão họ Triệu hừ một tiếng rồi giương cặp mắt tức giận lên nhìn gã họ Mã.
Gã họ Mã thấy thế biết mình lỡ lời, liền tự hỏi: -Việc đã đến thế này thì còn
giấu diếm cái gì? Tả chưởng môn phái bọn ta chia quân hai đường đều đến
Triết Mân để hành động.
Định Nhàn sư thái cất tiếng: -A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! Tả chưởng môn đã
làm minh chủ Ngũ nhạc kiếm phái, địa vị được tôn sùng đến thế, sao còn
muốn thôn tính cả năm phái kia để một mình làm chưởng môn. Việc dấy động
can qua tàn hại đồng đạo này há chẳng để anh hùng thiên hạ cười cho ư?
Định Dật sư thái lớn tiếng: -Sư thư! Bọn tặc tử đã có dã tâm thì lòng tham
không đáy. Sư thư … sư thư …
Bà chưa dứt lời thì máu trong miệng lại phun ra như tên bắn.
Định Nhàn sư thái vẫy tay nhìn ba người kia nói: -Lưới trời lồng lộng, thưa mà
không lọt. Kẻ làm điều bất nghĩa tất bị ác báo. Các vị đi đi! Phiền ba vị về bẩm
với chưởng môn là phái Hằng Sơn từ nay không tuân hành hiệu lệnh của Tả
chưởng môn nữa. Tệ phái tuy toàn những nữ đệ tử yếu ớt, nhưng quyết
không chịu khuất phục dưới bàn tay cường bạo. Đề nghị của Tả chưởng môn
về việc hợp phái, xin tha thứ cho phái Hằng Sơn không thể tuân mệnh được.
Nghi Hòa la lên: -Thưa sư bá! Bọn họ … bọn họ …
Định Nhàn sư thái gạt đi: -Giải tán kiếm trận đi!
Nghi Hòa vâng lời.
Cô giơ trường kiếm lên một cái, bảy người liền thu kiếm về lùi ra.
Ba tay cao thủ phái Tung Sơn không ngờ bọn Hằng Sơn lại buông tha chúng
một cách dễ dàng như vậy nên đối với Định Nhàn sư thái không khỏi sinh lòng
cảm kích, liền quay lại nhìn bà khom lưng thi lễ, rồi trở gót chạy như bay.
Lúc này ngọn lửa đang cháy rất dữ.
Đồ đệ phái Tung Sơn bị tử thương rất nhiều nằm lăn ra khắp mọi chỗ. Mười
mấy tên thương thế tương đối nhẹ hơn lồm cồm bò dậy bỏ đi. Còn những tên
bị thương nặng vẫn nằm trong vũng máu. Chúng thấy ngọn lửa sắp cháy đến
nơi, nhưng không còn đủ sức để trốn tránh, đành lớn tiếng la người cứu cấp.
Định Nhàn sư thái nói: -Vụ này không liên quan gì đến bọn chúng, chỉ vì Tả
chưởng môn có ý nghĩ sai lầm mà gây ra. Vu Tẩu! Nghi Thanh! Các ngươi hãy
lại cứu bọn chúng đi!
Mọi người biết chưởng môn nhân vốn lòng từ thiện nên không dám trái lệnh,
liền chia nhau ra đi chiếu cố cho bọn đệ tử phái Tung Sơn bị tử thương. Hễ tên
nào chưa tắt thở liền được dìu dắt qua một bên rồi lấy thuốc điều trị.
Định Nhàn sư thái ngửng đầu trông về phương Nam, hai hàng châu lệ tuôn
rơi, la gọi: -Sư thư ơi! …
Người bà lảo đảo mấy cái rồi té xuống.
Mọi người thấy thế cả kinh vội đến đỡ dậy thì thấy miệng bà hộc máu tươi.
Nguyên phái Hằng Sơn bị quân địch vây đánh, hai vị sư thái Định Nhàn, Định
Dật thống lĩnh bọn đệ tử vừa đánh vừa chạy trốn vào trong hang đá tên gọi
Chú Kiếm Cốc này.
Đã lâu ngày hết sức chống cự, không được ăn uống lại chẳng được nghỉ ngơi
nên tâm lực đều mệt mỏi khác nào cảnh đèn khô dầu.
Lúc này cường địch đã rút lui, Định Nhàn lại xót thương Định Tĩnh sư thái bị bỏ
mạng, nên không chống đỡ được nữa.
Quân đệ tử kẻ hô “sư bá” người gọi “sư phụ” ai nấy cực kỳ hoảng hốt. Cả Định
Dật sư thái cũng bị trọng thương, không ai biết làm thế nào cho được.
Lệnh Hồ Xung nói: -Chỗ này lửa nóng quá. Chúng ta qua bên kia nghỉ ngơi.
Chàng lại gọi: -Trịnh sư muội! Tần sư muội! Hai cô mau kiếm chút nước về cho
hai vị sư phụ uống. Nghi Thanh sư muội! Bọn cô bảy người đi kiếm trái cây
hoặc thứ gì ăn được đem về cho lẹ. Tại hạ nhận ra rằng ai nấy đều đói quá rồi.
Bọn Nghi Thanh, Trịnh Ngạc vâng lệnh chia nhau đi mỗi bọn một ngả.
Chẳng mấy chốc Trịnh Ngạc và Tần Quyên đã mang hồ nước về để phục thị
Định Nhàn, Định Dật sư thái cùng các vị đồng môn bị thương.
Cuộc chiến đấu ở Long Toàn này, phái Hằng Sơn bị chết 37 người. Quần đệ tử
nghĩ tới Định Tĩnh sư thái cùng các vị sư thư, sư muội bị chết trận ai nấy đều
thương cảm.
Đột nhiên có người khóc rống lên. Thế là bao nhiêu người đều khóc theo. Chỉ
trong khoảnh khắc, tiếng khóc bi ai vang dội cả một vùng sơn cốc.
Định Dật sư thái đột nhiên lớn tiếng quát: -Người chết thì đã chết rồi. Sao các
người lại không giải thoát được nỗi bi ai?
Quần đệ tử vốn biết vị sư thái này tính nóng như lửa, chẳng ai dám trái ý bà,
đều ngừng tiếng khóc, nhưng còn số đông vẫn nghẹn ngào nức nở hoài.
Định Dật sư thái lại hỏi: -Sư thư đã bị nạn trong trường hợp nào? Ngạc nhi!
Mồm miệng ngươi mau lẹ, ngươi hãy bẩm bạch rõ ràng với chưởng môn đi!
Trịnh Ngạc dạ một tiếng rồi đứng lên đem việc bị địch nhân phục kích trên
Thiên Hà Lĩnh và được Lệnh Hồ Xung ra tay viện trợ thế nào, tại ấp 28 bị địch
nhân đánh thuốc mê rồi bị bắt ra sao, Định Tĩnh sư thái bị Chung Trấn phái
Tung Sơn uy hiếp và bị bọn người che mặt vây đánh, may được Lệnh Hồ Xung
rượt tới nơi đánh đuổi bọn chúng, cùng việc Định Tĩnh sư thái vì bị trọng
thương mà viên tịch tình hình thế nào nhất nhất thuật lại.
Định Dật sư thái nói: -Nếu vậy thì đúng rồi! Bọn tặc tử phái Tung Sơn mạo
xưng là Ma giáo để bắt buộc sư thư phải tán đồng đề nghị hợp phái của chúng
nêu ra. Hừ! Cuộc mưu đồ của bọn chúng thật là tàn độc! Thật là tàn độc! Nếu
bọn người đều bị địch nhân bắt hết thì sư thư ta có không muốn ưng thuận
cũng chẳng được nào.
Bà nói tới đây dường như hết hơi, thanh âm nhỏ dần đi.
Định Dật sư thái nổi cơn ho một hồi, rồi thở hổn hển nói tiếp: -Sư thư lúc ở
Tiên Hà Lĩnh bị vây đánh đã biết địch nhân không phải là hạng tầm thường,
gửi thư cho chim đưa về yêu cầu chúng ta thống lĩnh quần đệ tử đến cứu
viện. Không ngờ … Không ngờ chính bọn ta cũng lọt vào cạm bẫy địch nhân.
Nhị đệ tử dưới trướng Định Nhàn sư thái là Nghi Văn lên tiếng: -Thưa sư thúc.
Xin sư thúc hãy nghĩ ngơi một chút cho đệ tử tường thuật bọn đệ tử gặp địch
nhân trong trường hợp nào.
Định Dật sư thái nói: -Còn chuyện gì đã qua nữa? Đến am Thủy Nguyệt rồi
đương đêm bị tập kích liên miên cho cho đến ngày nay.
Nghi Văn dạ một tiếng, rồi cô cũng lược thuật tình trạng gặp địch trong mấy
ngày qua.
Nguyên tối hôm ấy phái Tung Sơn kéo rất đông người đến bao vây tập kích.
Bọn chúng đều che mặt mạo xưng là giáo chúng phe Ma giáo. Phái Hằng Sơn
bị giáp công một cách đột ngột. Ngay lúc ấy ai cũng lo là toàn phái bị tan
tành. May nhờ am Thủy Nguyệt cũng là một phái võ lâm, truyền đã lâu đời.
Trong am có cất dấu năm thanh Long Toàn bảo kiếm. Vị trụ trì ở am này là
Thanh Hiểu sư thái thấy thế nguy liền chia kiếm cho Định Nhàn, Định Dật để
chống địch.
Những thanh Long Toàn bảo kiếm này sắc bén vô cùng, chặt sắt như chặt đất
bùn, đã chém gãy được vô số binh khí bên địch, lại đả thương nhân mạng của
chúng không phải ít. Nhờ đó mà phái Hằng Sơn vừa đánh vừa chạy trốn được
đến hang núi này.
Ngày xưa tại đây sản xuất thép nguyên chất. mấy trăm năm trước hang này
còn dùng làm nơi đúc kiếm, nên gọi là Chú Kiếm Cốc.
Về sau thép nguyên chất được khai thác hết rồi, thợ đúc kiếm kéo đi nơi khác,
chỉ còn lại mấy tòa lò đá khói bám đen sì là dấu vết đúc kiếm ngày trước để lại.
May được mấy lò đá này mà phái Hằng Sơn cố thủ được để chống chọi được ít
nhiều ngày, chưa đến nỗi gặp đại nạn.
Phái Tung Sơn đánh lâu không hạ được liền lấy cỏ khô cành bỏ chất đống làm
kế hỏa công. Giả tỷ bọn Lệnh Hồ Xung chỉ đến chậm nửa ngày là phái Hằng
Sơn khó lòng tránh khỏi nạn diệt vong.
Trên đây lời thuật chuyện của Nghi Văn.
Định Dật sư thái không nhẫn nại để nghe chuyện Nghi Văn được nữa. Đột
nhiên bà trừng mắt ngó Lệnh Hồ Xung hỏi: -Ngươi … ngươi giỏi thiệt! Vì lẽ gì
sư phụ ngươi lại trục xuất ngươi ra khỏi môn trường? Y còn bảo ngươi cấu kết
với Ma giáo phải không?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Đệ tử giao du không cẩn thận. Thực tình trước đây có
quen biết mấy nhân vật trong Ma giáo.
Định Dật sư thái hừ một tiếng rồi hỏi: -Những quân dã tâm tàn độc ở phái
Tung Sơn đã ghê gớm mà so với Ma giáo cũng còn hay hơn. Chà người chính
giáo thế nào cũng còn khá hơn Ma giáo phải không?
Nghi Hòa xen vào: -Lệnh Hồ sư huynh! Tiểu muội không dám nói đến chỗ phải
trái của lệnh sư. Nhưng y … không chừng y cũng tán thành đề nghị của phái
Tung Sơn.
Lệnh Hồ Xung động tâm, chàng cho là lời Nghi Hòa chưa chắc đã vô lý, nhưng
từ thuở nhỏ chàng được ân sư nuôi dưỡng nên chẳng dám tơ hào có ý nghĩ
bất kính. Chàng liền đáp: -Gia sư không phải là tự thủ bàng quan đâu mà vì
lão nhân gia còn có việc gấp … vụ này …
Định Nhàn sư thái đang ngồi nhắm mắt dưỡng thần, bỗng từ từ mở mắt ra
nói: -Tệ phái mấy lần gặp đại nạn đều được nhờ Lệnh Hồ thiếu hiệp ra tay cứu
viện. Ơn đức này …
Lệnh Hồ Xung vội ngắt lời: -Đệ tử gọi là góp chút sức mọn. Sư bá nói vậy,
khiến cho đệ tử càng thêm hổ thẹn, khi nào dám thọ lãnh.
Định Nhàn sư thái lắc đầu nói: -Thiếu hiệp hà tất phải quá khiêm. Nhạc sư
huynh ta chẳng thể chia mình làm hai nên y phái đệ tử đến đây ra sức thì
cũng vậy chứ có khác gì? Nghi Hòa! Ngươi không được vô lễ nói nhăng nói càn
đến bậc tôn trưởng.
Nghi Hòa khom lưng đáp: -Dạ đệ tử không dám đến nữa. Có điều … Lệnh Hồ
sư huynh đã bị Nhạc sư bá đuổi ra khỏi phái Hoa Sơn thì việc y tới đây không
phải do Nhạc sư bá phái đến.
Định Nhàn sư thái tủm tỉm cười nói: -Ta coi chừng ngươi hãy còn vẻ bực tức,
nên cố nói cho minh bạch.
Bà vốn là người từ hòa, không bao giờ gay gắt đệ tử.
Nghi Hòa bỗng buông tiếng thở dài nói: -Giả tỷ Lệnh Hồ sư huynh là con gái
thì hay biết mấy?
Định Nhàn sư thái hỏi: -Tại sao vậy?
Nghi Hòa đáp: -Y đã bị đuổi ra khỏi phái Hoa Sơn không biết qui đầu phái nào.
Nếu y là con gái thì vào phái mình. Y cùng bọn đệ tử trải bao hoạn nạn cũng
chẳng khác gì người nhà.
Định Dật sư thái lớn tiếng quát: -Ngươi càng lớn tuổi lại càng ăn nói hồ đồ,
chẳng khác gì con nít.
Định Nhàn sư thái tủm tỉm cười nói: -Nhạc sư huynh chỉ hiểu lầm trong nhất
thời. Sau này y biết rõ chân tướng tự nhiên sẽ lại thu Lệnh Hồ thiếu hiệp về
làm môn hạ. Bước đường tương lai của phái Hoa Sơn có thể ỷ vào lực lượng
của Hồ thiếu hiệp mà bành trướng rộng lớn. Dù cho y chẳng về phái Hoa Sơn
thì với bụng dạ ấy, võ công ấy y cũng tự lập ra môn phái được chẳng khó khăn
gì.
Trịnh Ngạc nói: -Sư bá nói phải lắm. Lệnh Hồ sư huynh! phái Hoa Sơn đã đối
đãi bất nhân với sư huynh như vậy thì cứ tự mình biệt lập … Lệnh Hồ phái để
họ mở mắt ra. Hừ! Chẳng lẽ không về phái Hoa Sơn là không được hay sao?
Lệnh Hồ Xung nhăn nhó cười đáp: -Lời sư bá khen ngợi đệ tử khi nào dám
đương. Đệ tử chỉ mong ân sư ngày sau sẽ tha tội lỡ lầm cho đệ tử để trở lại
môn trường. Đệ tử không dám cần gì hơn nữa.
Nghi Hòa lòng ngay miệng lẹ hỏi: -Lệnh Hồ sư huynh! Không còn mong gì khác
ư? Thế thì lệnh tiểu sư muội sẽ ra sao?
Lệnh Hồ Xung lắc đầu, lãng sang chuyện khác nói: -Bao nhiêu sư thư, sư muội
đã uổng mạng còn để lại di thể, vậy chúng ta phải an táng cho họ đã hay là
hỏa táng rồi đem tán cốt về núi Hằng Sơn.
Định Nhàn sư thái nói: -Đúng thế! Hỏa táng quách là xong.
Tuy bà rất thông hiểu việc thế sự, nhưng đối với bao nhiêu thi thể ngổn ngang
dưới đất đều là những đệ tử trung thành theo mình đã lâu năm. Lúc bà nói
câu này, thanh âm không khỏi nghẹo ngào. Quần đệ tử có mấy người bật lên
tiếng khóc.
Lại có một số đệ tử chết đã mấy ngày, xác chết còn ở ngoài xa mấy chục
trượng. Chúng đệ tử lúc khiêng về một chỗ không khỏi buông lời thóa mạ
chưởng môn phái Tung Sơn nham hiểm độc ác, thủ đoạn tàn nhẫn.
Việc hỏa tán xong xuôi thì trời đã tối mịt.
Đêm hôm ấy mọi người nằm ở trong lộ thiên.
Sáng sớm hôm sau, quần đệ tử cõng Định Nhàn, Định Dật sư thái cùng bạn
đồng môn bị thương đi vào thành Long Toàn rồi đổi xuống đường thủy.
Mọi người đi mướn bốn con thuyền có mui nhằm vế phía Bắc thẳng tiến.
Lệnh Hồ Xung lại sợ phái Tung Sơn tập kích trên mặt nước, nên theo hướng
Bắc mà đi.
Nghi Lâm vì cố ý tị hiềm không ngồi cùng thuyền với chàng.
Lệnh Hồ Xung hàng ngày cùng bọn Nghi Hòa, Trịnh Ngạc, Tần Quyên, Vu Tẩu
nói chuyện với nhau, nên cảnh đi thuyền không đến nỗi tịch mịch.
Bọn Định Nhàn, Định Dật sư thái bị thương khá nặng. May mà phái Hằng Sơn
có đủ thuốc hoàn, thuốc tán cực kỳ thần diệu. Khi qua sông Tiền Đường rồi đã
thoát khỏi cảnh nguy hiểm.
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng: -Chuyến này nguyên khí phái Hằng Sơn phải thương
tổn khá nhiều. Dọc đường sao khỏi chuyện Bất trắc mới yên vậy phải tìm hết
cách để né tránh những nhân vật giang hồ mới là thượng sách.
Lúc thuyền đến bến sông Trường Giang, mọi người lại mướn thuyền khác
ngược dòng về phía Tây và từ đây thuyền đi rất thong thả. Ai cũng dự đoán
thuyền đến được Hán Khẩu rồi thì thương thế của mọi người mười phần sẽ bớt
được sáu bảy. Khi đó sẽ bỏ thuyền lên bộ mà đi, rẽ sang mặt Bắc để trở về núi
Hằng Sơn.
Một hôm đi đến hồ Ban Dương, thuyền đậu lại ở cửa sông Cửu Giang. Nơi đây
có những thuyền rất lớn, mấy chục người đi cũng đủ chỗ.
Lệnh Hồ Xung đêm hôm ấy nằm ở đằng lái phía sau, cùng sào công và thủy
thủ ngủ với nhau.
Chàng ngủ đến nửa đêm, bỗng nghe trên bờ có tiếng người vỗ tay khe khẽ ba
tiếng. Họ dừng lại rồi vỗ ba tiếng nữa.
Tiếp theo ở mé Tây, trên thuyền cũng có người vỗ tay ba tiếng. Gã ngừng lại
một chút lại vỗ ba tiếng nữa.
Những tiếng vỗ tay này rất khẽ nhưng Lệnh Hồ Xung nội lực thâm hậu, thính
giác cực kỳ linh mẫn. Chàng nghe có tiếng khác lạ, dường như người trong
mộng choàng tỉnh giấc, biết ngay là có nhân vật giang hồ ra hiệu báo tin cho
nhau.
Mấy bữa nay, chàng vẫn chú ý nhìn xuống mặt nước xem có động tĩnh gì
không vì chàng sợ có người tập kích.
Rồi chàng lại nghĩ: -Ta thử tiến về phía trước xem sao. Nếu vụ này không liên
quan gì đến phái Hằng Sơn là hay hơn hết. Bằng không thì ta phải ngấm
ngầm lo liệu để khỏi kinh động đến hai vị Định Nhàn, Định Dật sư thái.
Lệnh Hồ Xung liền đi về mé Tây trên thuyền nhìn ra. Quả thấy một bóng đen ở
ngoài mấy trượng nhảy lên bờ.
Chàng cũng nhẹ nhàng nhảy lên theo không một tiếng động rồi quay sang mé
Đông nấp vào sau một thùng dầu để ẩn mình.
Bỗng nghe một người nói: -Bọn ni cô trên con thuyền kia quả nhiên là người
phái Hằng Sơn.
Lệnh Hồ Xung nằm phục hẳn xuống không nhúc nhích.
Bỗng nghe người khác hỏi: -Ngươi bảo nên làm thế nào? Đêm nay có động thủ
không hay là để chờ sáng rồi hãy bày trận đánh nhau ra mặt? Ngươi có biết
phái Hằng Sơn có bao nhiêu cao thủ không?
Một người nữa nói: -Ta lẳng lặng nghe bọn ni cô này có người kêu bằng sư
phụ, có người kêu bằng sư bá. Ba vị sư thái phái Hằng Sơn pháp hiệu có chữ
Định thì Định Tĩnh lão ni đã chết ở Phúc Kiến thế thì hai vị lão ni Định Nhàn,
Định Dật đều ở chỗ này.
Người kia lại nói: -Hai vị Định Nhàn, Định Dật đã ở nơi đây thì không thể hành
động càn rỡ được. Mười năm trước ta ở Sơn Đông đã cùng Định Dật lão ni
động thủ. Bà ta múa tít song chưởng đãnh gãy xương sống ba vị hảo hán lục
lâm. Chưởng lực của bà ta không phải tầm thường. Ta còn nghe nói Định Nhàn
lão ni, chưởng môn phái Hằng Sơn bản lãnh còm hơn cả Định Dật.
Thanh âm này hạ trầm xuống nói tiếp: -Phải rồi! Chúng ta phải thương nghị
với mọi người đã rồi sẽ tính.
Người này lại nói: -Theo ý bản nhân thì chúng ta chỉ cầm tìm các chặng đường
mấy vị ni cô này đừng để họ đi về phía Tây là xong. Nếu đem thương nghị với
mọi người thì tỏ ra anh em mình chẳng có kiến thức chi hết.
Lệnh Hồ Xung từ từ tiến gần lại còn cách chỗ hai người đang nói chuyện
chừng hơn trượng.
Dưới ánh sao lờ mờ bỗng thấy một người thân hình to lớn, mặt mũi râu đâm
tua tủa, cứng như lông nhím. Còn một người nữa chàng chỉ trông thấy một
bên mặt. Người này mặt dài và nhọn chẳng những nó không phải là mặt trái
dưa mà là cái mặt giống hoa quỳ.
Bỗng nghe hán tử mặt thớt lên tiếng: -Bạch Giao bang chúng ta nhân số tuy
nhiều song võ công lại không bằng người nếu ra mặt động thủ tất chẳng
thành công.
Hán tử râu lởm chởm nói: -Ai bảo ra mặt động thủ? Bọn ni cô này võ công tuy
cao thâm nhưng đánh trên mặt nước chưa chắc đã giỏi. Sáng mai chúng ta
chờ thuyền buông xuôi ra đến sông Đại Giang rồi nhảy xuống nước đâm cho
thủng thuyền bọn họ như thế có phải là diệu kế, hễ tên nào rớt xuống mình
bắt được ngay.
Hán tử mặt thớt nói: -Kế ấy rất diệu anh em mà lấy được công lớn này thì
bang Bạch Giao sẽ vang danh trên chốn giang hồ. Có điều ta vẫn còn lo một
chuyện.
Gã râu lởm chởm hỏi: -Còn lo điều gì nữa?
Gã mặt thớt đáp: -Bọn chúng ở trong Ngũ nhạc kiếm phái đã liên minh với
nhau như cây liền cành. Có thể Mạc Đại tiên sinh biết ra sẽ tới tìm chúng ta để
trả hận. Như vậy Bạch Giao bang chúng ta sẽ nguy ngập đấy.
Gã râu lởm chởm đáp: -Chà! Mấy năm nay chúng ta bị phái Hành Sơn làm cho
khó dễ thật không chịu nổi. Chuyến này nếu chúng ta không vì tình bằng hữu
mà hết sức thì lần sau mình có việc họ cũng bỏ mặc. Phen này mà thành đại
sự thì phái Hành Sơn có lẽ toàn quân tan vỡ cũng chưa biết chừng, còn sợ gì
Mạc Đại tiên sinh đến nữa.
Tên mặt thớt nói: -Hay lắm! Vậy ta cứ theo chủ ý đó triệu tập cao thủ có thể
lội nước là hành động được.
Lệnh Hồ Xung chui ra, xoay tay kiếm lại đâm vào sau gáy tên mặt thớt.
Hắn lập tức ngất đi.
Tên râu lởm chởm vung quyền đánh lại.
Lệnh Hồ Xung lại phóng kiếm đánh “kịch” một tiếng đúng vào huyệt Thái
Dương mé hữu đối phương.
Tên râu lởm chởm xoay tròn người đi mấy vòng rồi ngồi phệt xuống.
Lệnh Hồ Xung liền đưa ngang trường kiếm cắt đứt nắp đậy hai thùng rồi xách
hai tên kia liệng vào trong thùng dầu. Những thùng này đầy dầu. Mỗi thùng có
đến hai ba trăm cân. Để hôm sau cho xuống thuyền đưa xuống vùng hạ lưu.
Hai người kia bị dúi vào trong thùng dầu lập tức dầu xông vào mũi. Vì dầu lạnh
làm cho chúng tỉnh lại, nuốt ừng ực luôn mấy ngụm lớn.
Đột nhiên phía sau có tiếng người nói: -Lệnh Hồ thiếu hiệp! Đừng hại mạng
chúng!
Chính là thanh âm Định Nhàn sư thái.
Lệnh Hồ Xung ngấm ngầm kinh hãi nghĩ thầm: -Định Nhàn sư thái đến sau
lưng mình lúc nào mà không hay.
Chàng liền buông hai tay không giữ đầu hai tay tên kia nữa rồi đáp: -Dạ!
Hai người kia được buông tay rồi liền muốn nhảy ra.
Lệnh Hồ Xung cười nói: -Đừng có nhúc nhích!
Chàng cầm kiếm đập vào đầu chúng bắt buộc hai người phải ngồi trong thùng
dầu.
Hai người đều co gối đứng lom khom, dầu ngập đến mũi, mắt không mở ra
được. Chúng không hiểu tại sao chỗ này lại rắc rối như vậy.
Bỗng thấy một bóng người mầu xám ở dưới thuyền nhảy lên. Chính là Định
Dật sư thái.
Bà nói: -Sư thư! Có bắt những tên giặc này không?
Định Nhàn sư thái đáp: -Đây là hai vị đường chúa ở Bạch Giao bang tại sông
Cửu Giang. Lệnh Hồ thiếu hiệp muốn giỡn chơi họ một chút mà thôi.
Bà quay lại nhìn lão râu lởm chởm hỏi: -Các hạ họ Dịch hay họ Tề? Sử bang
chúa vẫn mạnh giỏi đấy chứ?
Tên râu lởm chởm chính là họ Dịch lấy làm kỳ hỏi đáp: -Tại hạ … họ Dịch. Sao
các hạ lại biết Sử bang chúa của bọn tại hạ vẫn mạnh giỏi?
Định Nhàn sư thái cười nói: -Dịch đường chúa cùng Tề đường chúa ở bang
Bạch Giao đã được người trên giang hồ tặng cho ngoại hiệu là “Song Phi Ngư”
tiếng tăm lừng lẫy như sấm vang, làm gì mà lão ni chả biết?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.