TIẾU NGẠO GIANG HỒ
184. Linh San tỷ kiếm Hồ Xung
Nguyên Thiên Trụ kiếm pháp của phái Hành Sơn chủ chốt ở chỗ biến hóa như
trong đám mây mù huyền ảo phương hướng hoạt động vô địch nên không ai
biết đâu mà mò.
Trong bảy mươi hai chiêu Thiên Trụ kiếm pháp, Mạc Đại tiên sinh mới học được
năm mươi chiêu mà Nhạc Linh San lại dùng thế “Nhất chiêu bao nhất lộ” để
phát huy tất cả bảy mươi hai chiêu trong kiếm pháp này thì dù lão không đến
nỗi mất mạng ngay đương trường, tất cũng bị lộ những chỗ thất bại của mình
ra.
Đừng tưởng Mạc Đại tiên sinh hành động một cách cổ quái. Thật ra lão là
người rất thận trọng. Trước nay lão vẫn dự mưu rồi mới hành động. Lão nghe
Nhạc Linh San nói là phụ thân nàng tinh thông cả kiếm pháp năm phái, rồi lại
thấy nàng dùng kiếm pháp Thái Sơn để đả thương Ngọc Khánh Tử và Ngọc
Âm Tử, lão nghĩ bụng: -Con nhỏ này có biết sử kiếm pháp phái Hành Sơn hay
không mình phải ra tay tỷ thí mới biết được. Chắc thị còn nhỏ tuổi thì dù có
biết sủ dụng kiếm pháp phái Hành Sơn cũng chưa được mấy thành hỏa hậu.
Nếu Nhạc Bất Quần ra tay tỷ thí thì thật nguy hiểm vô cùng.
Vừa xuống trường tỷ đấu lão chiếm được thiên cơ ngay.
Ngờ đâu lão hạ thủ hãy còn nể nang để bị thừa cơ đánh ra những kỳ chiêu cơ
hồ không chống được.
Đến lúc nửa chiêu tối hậu “Thiên Tự vận khí” của Nhạc Linh San vừa phóng ra,
Mạc Đại tiên sinh cơ trí mau lẹ, lão không đón đỡ mà bỏ đi luôn. Tuy nói là
không đón đỡ bỏ đi luôn cho có vẻ dễ nghe, nhưng kỳ thực là đánh không nổi
phải trốn chạy. Có điều kiếm pháp của lão biến hóa rất phức tạp. Lão vừa chạy
trốn vừa đâm đông chém tây làm hoa mắt những kẻ bàng quang nên không ai
hiểu lão đã thực hành câu tục ngữ “Ba mươi sáu chước, chước chạy là thượng
sách”.
Mạc Đại tiên sinh biết trong năm môn Ngũ đại thần kiếm của phái Hành Sơn
thì ngoài năm chiêu “Toàn minh phù dung”, “Hạc Tường Tử Cái”, “Thạch Lẫm
Thư Thanh”, “Thiên Trụ vân khí” còn chiêu “Nhạn hồi Chúc Dung” là lợi hại nhất.
Năm ngọn núi cao trong dãy Hành Sơn thì ngọn Chúc Dung cao hơn hết.
“Nhạn hồi Chúc Dung” cũng là một chiêu tinh thâm nhất trong Ngũ đại thần
kiếm.
Ngày trước Mạc Đại tiên sinh chỉ nghe các bậc sư trưởng nói sự tích Ngũ đại
thần kiếm của phái Hành Sơn có những chỗ thần kỳ không biết đến thế nào
mà kể, nhưng sự thực những kiếm chiêu thế nào thì chưa ai thấy qua. Các vị
sư trưởng còn nói nghĩa lý về “Nhất chiêu bao nhất lộ” lại càng ghê gớm! Tỷ
như những Thạch Lẫm kiếm pháp, Thiên Trụ kiếm pháp đem ra luyện tập từng
chiêu đã thấy phức tạp vô cùng chẳng tài nào đến được chỗ tinh thục. Thế mà
đem bao nhiêu chiêu số biến hóa kỳ diệu thành một chiêu thì e rằng đó là một
thuyến không tưởng, trên đời làm gì có chuyện lạ thế? Không ngờ Nhạc Linh
San vừa giao thủ đã đem kiếm thuật thần kỳ nhất là “Nhất chiêu bao nhất lộ”
ra sử dụng khiến lão kinh hãi vô cùng.
Mạc Đại tiên sinh tuy trong lòng kinh hãi nhưng lão là người lịch duyệt giang
hồ vẫn trấn tĩnh như thường. Lão biết Nhạc Linh San đã gặp kỳ tích nên học
được mấy đường kiếm pháp thần diệu. Có điều chắc chắn là nàng chưa đến
chỗ tinh thâm nếu không thì những kỳ chiêu đã phát ra dù lão có trốn cũng
không thoát được. Lão phóng chân né tránh, trong lòng xoay chuyển ý nghĩ tự
nhủ: -Tuy thị học được kỳ chiêu mà sử ra hãy còn ngờ nghệch, không hiểu tùy
cơ ứng biến. Ta đành mạo hiểm chiết giải một phen, nếu không thế thì cái tên
Mạc Đại tiên sinh từ nay trở đi sẽ không còn tồn tại trên chốn giang hồ.
Lão thấy Nhạc Linh San chân bước đẫn đờ một chút thì hiểu ngay là nàng
chưa quyết định được chủ ý có nên rượt theo hay không.
Bất giác lão la thầm: -Thật là đáng thẹn! Dù sao người trẻ tuổi vẫn không đủ
kiến thức.
Nhạc Linh San thấy chiêu “Thiên Trụ vân khí”, bức bách được Mạc Đại tiên sinh
phải xoay mình chạy trốn, tuy lão tài giấu giếm tựa hồ chưa rõ tình trạng thất
bại nhưng những kẻ sĩ cao minh cũng nhận thấy là lão không địch nổi phải
lúng túng bỏ chạy. Giả tỷ nàng nổi lên tràng cười ha hả nói: “Mạc sư bá! Đa tạ
sư bá có lòng nhân nhượng” thì cuộc thắng bại tưởng đã phân rõ rồi.
Mạc Đại tiên sinh là một nhân vật có địa vị tôn cao trong võ lâm khi nào thất
bại một chiêu lại còn quay lại chiến đấu giằng dai với một đứa con gái vào
hạng hậu bối nữa. Nhưng nỗi do dự của Nhạc Linh San đã là một cơ hội rất tốt
cho Mạc Đại tiên sinh nắm lấy.
Lão thấy Nhạc Linh San vừa bật tiếng cười, máy môi mấy lần toan lên tiếng thì
thanh đoản kiếm trong tay tiên sinh đã rít lên veo véo nhằm đâm thẳng vào
người nàng. Trước tình trạng cấp chiến này, Mạc Đại tiên sinh đã đề tụ công
lực đến độ cao chót cho kiếm phong rít lên, kiếm quang vi vút.
Chỉ trong chớp mắt toàn thân Nhạc Linh San đã bị luồng kiếm quang chụp
xuống.
Nàng bật tiếng la hoảng rồi lùi lại mấy bước. Nhưng Mạc Đại tiên sinh đã bị cái
thất bại vừa rồi, có lý nào còn trùng trình để nàng thi triển “Nhạn hồi Chúc
Dung”?
Thanh đoản kiếm trong tay lão phóng ra mau lẹ hơn. Ngay đến những tay cao
thủ bậc nhất cũng không thể nhìn rõ được kiếm thế của lão đánh về phía nào.
Quần hùng lo thay cho Nhạc Linh San và thán phục kiếm pháp cao minh của
Mạc Đại tiên sinh.
Kiếm pháp của chưởng môn phái Hành Sơn thật là thần diệu khôn lường! Cao
thâm mạc trắc.
Thực ra Vân vụ ảo kiếm” của Mạc Đại tiên sinh uy lực hãy còn thua xa những
chiêu “Toàn minh Phù Dung”, “Hạc Tường tử cái” của Nhạc Linh San, nhưng lão
sử dụng rất thành thục lại đem hết tiềm lực để phát huy kiếm pháp nên lợi hại
phi thường! Còn Nhạc Linh San tuy học được môn kiếm pháp thượng thặng
nhưng mới ở ngoài da, chưa vào sâu đến tinh túy. Hơn nữa “Vân vụ ảo kiếm”
lúc sử dụng như mây mù dầy đặc, những chỗ tinh yếu lộ cả ra ngoài khiến
người bàng quang hoa cả mắt rồi không nghĩ đến chỗ Mạc Đại tiên sinh lấy lớn
hiếp nhỏ, nam hiếp nữ, đều nổi tiếng hoan hô vang dội.
Giữa lúc Nhạc Linh San sử những chiêu “Toàn minh phù dung”, Lệnh Hồ Xung
không còn nghi ngờ những đường kiếm pháp của nàng nữa và biết đích nàng
đã học được ở trên vách đá hậu động trên ngọn núi sám hối.
Chàng tự hỏi: -Tại sao tiểu sư muội lên ngọn sám hối? Sư phụ cùng sư nương
thương yêu nàng, dĩ nhiên không phạt nàng lên đó tĩnh tọa để ăn năn. Dù
nàng có phạm lỗi lầm đến đâu thì sư phụ cùng sư nương cũng không nghiêm
trị, trách phạt nặng đến thế. Ngọn sám hối lại cách ngọn chủ phong núi Hoa
Sơn khá xa mà địa thế cực kỳ hiểm trở. Đừng nói nàng là ái nữ của sư phụ mà
chỉ là một cô gái thông thường cũng không nên đầy đọa đến thế. Hay là Lâm
sư đệ bị trách phạt cầm tù trên núi sám hối rồi tiểu sư muội hàng ngày đưa
cơm nước lên cũng như nàng đối với ta ngày trước?
Chàng nghĩ tới đây bất giác trong lòng rạo rực.
Rồi chàng tự nhủ: -Lâm sư đệ là kẻ ít lời, tính tình trầm mặc, hành động quy
củ có vẻ một vị “Tiểu quân tử kiếm”. Vì thế mà gã được sư phụ, sư nương
cùng tiểu sư muội đem lòng thương mến thì có lý đâu gã lại phạm tội nặng để
bị cầm chân trên núi sám hối! Không phải! Nhất định không phải!
Rồi như sực nhớ ra điều gì chàng lẩm bẩm: -Hay là tiểu sư muội … tiểu sư
muội …
Lòng chàng đột nhiên nổi lên một ý nghĩ, nhưng có vẻ quá hoang đường vừa
hiển hiện trong đầu óc chàng đã tiêu tan ngay. Trong lúc nhất thời tâm thần
hoảng hốt chàng nẩy ra một ý nghĩ hồ đồ, chính chàng cũng không hiểu rõ.
Bỗng một hán tử râu quặp chậm chạp tiến đến bên chàng.
Cặp mắt trong suốt nhìn thẳng vào mặt chàng khẽ hỏi: -Xung ca! Xung ca nghĩ
gì mà thừ người ra thế?
Lệnh Hồ Xung giật mình tỉnh táo lại, bất giác mặt thẹn đỏ bừng, chàng ấp úng
đáp: -Tiểu huynh … tiểu huynh …
Giữa lúc ấy bỗng nghe Nhạc Linh San bật tiếng la hoảng: -Úi chao!
Thanh trường kiếm trong tay nàng bay vọt lên không, chân trái nàng xoạc một
cái, té ngửa xuống đất.
Mạc Đại tiên sinh tay cầm đoản kiếm nói: -Điệt nữ dậy đi! Bất tất phải hoang
mang.
Đột nhiên nghe một tiếng rắc vang lên.
Thanh đoản kiếm trong tay Mạc Đại tiên sinh bị gãy đôi.
Nhạc Linh San đã lượm hai viên đá tròn ở dưới đất lên. Tay trái nàng cầm viên
đá đập vào thanh kiếm của tiên sinh. Thanh đoản kiếm này rất nhỏ chỉ đụng
vào một cái là gẫy làm hai đoạn ngay.
Tiếp theo viên đá trong tay phải nàng vội liệng ra ngoài.
Mạc Đại tiên sinh thấy kiếm gãy giật mình kinh hãi, lại thấy nàng liệng một
viên đá ra thì rất lấy làm kỳ! Chẳng hiểu ra sao.
Bỗng nghe đánh bịch một cái. Tiếp theo là mấy tiếng “rắc rắc” viên đá kia đã
bay trở lại đập vào trước ngực Mạc Đại tiên sinh khiến cho lão bị gãy mấy rẻ
xương sườn.
Lão há miệng phun máu tươi ra ồng ộc.
Những diễn biến kỳ ảo này thật không ai có thể lường được.
Động tác của Nhạc Linh San lại cực kỳ thần tốc khiến mọi người ngẩn mặt ra.
Chỉ thấy kiếm quang lấp loáng! Thanh trường kiếm của Nhạc Linh San từ trên
không rớt xuống cắm phập vào chỗ đất chỉ cách Mạc Đại tiên sinh chừng một
thước.
Mạc Đại tiên sinh đã bị trọng thương nên không biết đường né tránh.
Thanh kiếm cắm ngập sâu xuống đất vẫn còn rung động hoài. Giả tỷ nó xê
xích đi thêm chừng hơn thước thì đã xuyên qua người Mạc Đại tiên sinh rồi.
Đó là một điều ai cũng thấy rõ.
Mạc Đại tiên sinh lúc chiếm được tiên cơ lão không nỡ hạ sát mà chỉ bảo Nhạc
Linh San: “Điệt nữ dậy đi! Bất tất phải hoang mang”. Đó nguyên là thái độ của
bậc tôn trưởng đối với hàng vãn bối sau khi chiếm được phần thắng.
Nhưng Nhạc Linh San lại lượm lấy hai viên đá tròn và sử hai chiêu. Thật là
những chiêu biến hóa khôn lường.
Chỉ có mình Lệnh Hồ Xung là hiểu rõ Nhạc Linh San đã học được hai chiêu này
trên vách đá hậu động. Có điều ngày trước viên trưởng lão Ma giáo khắc tuyệt
chiêu để phá giải kiếm pháp phái Hằng Sơn thì hình người sử cặp đồng chùy.
Nhạc Linh San dùng viên đá tròn để thay đồng chùy trong lúc bất ngờ thì
được, nếu dùng nó để chiến đấu hay chiết chiêu trong một thời gian khá lâu
thì không xong. Nàng đã luyện được phép vận nội lực thì sử dụng viên đá tròn
cũng mãnh liệt chẳng kém gì cây chùy đồng.
Nhạc Bất Quần vọt vào trường đấu tát đánh bốp một cái vào mặt Nhạc Linh
San, đồng thời lớn tiếng quát mắng: -Hiển nhiên Mạc sư bá đã nhường nhịn
cho mi mà sao mi lại dám hỗn xược với lão nhân gia?
Đoạn lão cúi xuống nâng đỡ Mạc Đại tiên sinh dậy xin lỗi: -Mạc huynh! Tiểu nữ
ngu dại, tiểu đệ thật vô cùng áy náy.
Mạc Đại tiên sinh nhăn nhó cười đáp: -Hổ nữ nhà tướng quả nhiên không phải
tầm thường.
Lão vừa nói dứt hai câu lại ọe một cái, hộc máu tươi ra.
Hai tên đệ tử phái Hành Sơn chạy tới nâng đỡ Mạc Đại tiên sinh lui về.
Nhạc Bất Quần trợn mắt lên nhìn con gái ra chiều tức giận.
Lão cũng lùi lại đứng một bên.
Lệnh Hồ Xung thấy má bên trái Nhạc Linh San sưng vù lên và còn in vết năm
ngón tay. Hiển nhiên phụ thân nàng đã đánh một cái tát khá mạnh.
Nhạc Linh San nước mắt đầm đìa mà khóc, môi cong cớn lộ ra thái độ quật
cường. Lệnh Hồ Xung đột nhiên bụng bảo dạ: -Ngày trước ta cùng nàng ở
trên núi Hoa Sơn, có lúc nàng bướng bỉnh, bị sư phụ, sư nương quở trách,
trong lòng nàng thường tủi cực thì lại có thái độ đáng thương và đáng yêu
như thế này. Khi đó ta tìm trăm phương ngàn kế dối nàng, khiến nàng phải vui
cười. Nàng không có điều gì sung sướng cho bằng tỷ kiếm với ta mà nàng đắc
thắng, nhưng ta phải giả vờ cho khéo hệt như sơ hở thật để nàng chiếm được
tiên cơ, chứ không phải nhường nàng.
Nghĩ tới đây, đầu óc chàng lại nẩy ra một ý niệm bâng khuâng mơ hồ rồi chàng
tự hỏi: -Tại sao nàng lại thường lên núi sám hối? Chắc nàng lên vào những dịp
trước và sau hôn lễ để nghĩ lại mối thâm tình giữa ta với nàng ngày trước. Vì
thế mà nàng lên núi một mình để ôn lại chuyện xưa. Cửa vào hậu động ta đã
dùng những phiến đá chồng lên để bít lại, nếu không ở trên núi hồi lâu thì
không tài nào phát giác ra được. Như vậy tức là nàng lưu lại trên núi không
phải một thời gian ngắn ngủi và cũng không phải chỉ có một lần.
Chàng quay lại ngó Lâm Bình Chi một cái rồi tự hỏi: -Lâm sư đệ cùng Nhạc sư
muội hiện đang ở vào thời kỳ tân hôn, đáng lý cả hai người cùng vui vẻ tươi
cười, nét hân hoan ra lộ ngoài mặt mới phải mà sao thủy chung gã vẫn lộ vẻ
buồn rầu? Tiểu sư muội bị phụ thân đánh cho một tát, gã làm trượng phu đã
chẳng đến an ủi lại cũng chẳng tỏ vẻ quan tâm thì thật là con người bất cận
nhân tình.
Lệnh Hồ Xung lại nghĩ tới Nhạc Linh San vì nhớ chàng mà lên núi sám hối để
truy lại những điều trước xưa. Rồi trong đầu óc chàng tưởng tượng ra hình
bóng Nhạc Linh San trèo lên núi nước mắt tầm tã như mưa, mà nàng lấy làm
bực bỏ lầm gặp phải Lâm Bình Chi. Nào nàng vô cùng hối hận đã phụ mối
thâm tình của chàng! Chàng ngoảnh đầu nhìn lại thấy Nhạc Linh San đang cúi
xuống lượm kiếm giọt nước mắt nhỏ xuống lá cỏ xanh khiến cho nó phải cong
lại thì trong lòng chàng rất xúc động, miệng lẩm bẩm: -Ta phải gạt nàng để
nàng hết khóc thành cười mới được.
Trong con mắt chàng lúc này thì bên cạnh Thiền đài trên ngọn tuyệt đỉnh núi
Tung Sơn đã biến thành Ngọc Nữ phong trên núi Hoa Sơn. Mấy ngàn hảo hán
giang hồ chàng cũng chỉ coi như là những cây trong rừng chẳng có tâm linh
chi hết. Chàng chỉ nghĩ đến người ý trung nhân mà chàng vẫn ghi tâm khắc
cốt. Nàng vừa bị phụ thân trách mắng đánh đòn. Trong đời chàng đã lừa dối
nàng không biết bao nhiêu lần để đem lại niềm vui, thì có lý đâu bữa nay
chàng lại làm ngơ?
Lệnh Hồ Xung quyết định rồi rảo bước tiến lại ngập ngừng: -Tiểu sư … tiểu sư
…
Rồi chàng cho rằng muốn lừa dối làm nàng thích thú thì phải đánh trúng vào
yếu điểm của nàng.
Trống ngực đánh thình thình, chàng hỏi: -Tiểu sư muội đã thắng được chưởng
môn hai phái Thái Sơn và Hành Sơn thì kiếm pháp ghê gớm lắm rồi, nhưng
phái Hằng Sơn ta không phục. Vậy tiểu sư muội lại dùng kiếm pháp phái Hành
Sơn tỷ đấu với ta được chăng?
Nhạc Linh San rút kiếm cầm tay, từ từ xoay mình lại nhưng chưa ngưng đầu
dường như có điều chi ngẫm nghĩ. Sau một lúc nàng mới ngửng mặt lên lộ hai
má ửng hồng.
Lệnh Hồ Xung lại hỏi: -Dù bản lãnh Nhạc tiên sinh có cao thâm đến đâu thì ta
cũng khó mà tin được lão nhân gia lại tinh thông kiếm pháp của cả năm phái.
Nhạc Linh San ngửng đầu lên hỏi lại: -Thế thì đại sư ca không ở phái Hằng
Sơn mà sao cũng tinh thông kiếm pháp phái này?
Lệnh Hồ Xung từ ngày bị đuổi ra khỏi môn trường phái Hoa Sơn chàng đã gặp
Nhạc Linh San nhiều lần mà chỉ có bữa nay là lần đầu nàng mới tỏ thái độ hòa
hoãn.
Đột nhiên trong bụng mừng thầm, chàng bụng bảo dạ: -Ta nhất định giả vờ
cho thật giống, không để nàng nhìn ra chỗ dụng tâm nhường nhịn.
Chàng nghĩ vậy liền đáp: -Hai chữ tinh thông thì không giám, nhưng tiểu
huynh ở trên núi Hằng Sơn lâu ngày, thường thường luyện tập Hằng Sơn kiếm
pháp nên cũng biết được sơ qua và bây giờ có thể dùng kiếm pháp phái này
để lĩnh giáo những cao chiêu của tiểu sư muội. Tiểu sư muội cũng nên lấy kiếm
pháp phái Hằng Sơn để chiết giải. Nếu kiếm pháp sử dụng không phải của
phái Hằng Sơn thì bất cứ là ai thắng cũng thành bại. Vậy tiểu sư muội nghĩ
sao?
Miệng chàng nói mấy câu này bụng đã định sẵn: -Kiếm pháp của ta so với
nàng còn cao thâm hơn nhiều, đó là một điều ai cũng biết. Nếu giả vờ thất bại
thì cố nhiên người ngoài nhìn thấy ngay mà chính Nhạc sư muội cũng chẳng
đem lòng tin tưởng. Vậy ta chiến đấu một lúc rồi đột nhiên trong khi vô ý dùng
một chiêu Độc Cô cửu kiếm hoặc một chiêu kiếm pháp phái Hoa Sơn để đả bại
nàng. Như vậy ta tuy thắng mà thành bại, không còn ai nghi ngờ gì nữa.
Bỗng nghe Nhạc Linh San đáp: -Hay lắm! Chúng ta cứ tỷ đấu như vậy!
Dứt lời nàng vạch thanh trường kiếm lên không trung lướt đi nửa vòng rồi
chênh chếch đâm sang Lệnh Hồ Xung.
Bỗng nghe quần nữ đệ tử phái Hằng Sơn bật tiếng reo hò: -Úi chà!
Trong đám quần hùng có người không hiểu kiếm pháp phái Hằng Sơn nhưng
nghe tiếng reo hò của quần nữ đệ tử phái này chứa đầy vẻ khâm phục thì
cũng biết chiêu thức của Nhạc Linh San đúng là kiếm pháp phái Hằng Sơn mà
là chiêu thức không phải tầm thường.
Nguyên nàng sử chiêu đó chính là một chiêu thức ở hậu động núi sám hối.
Chiêu thức này Lệnh Hồ Xung đã truyền lại cho quần nữ đệ tử phái Hằng Sơn.
Kiếm pháp phái Hằng Sơn lấy tròn trĩnh làm hình thức, sở trường về chỗ kín
đáo đầy khít. Chiêu nào cũng hàm chứa nội lực âm nhu. Khi cùng người đối
địch, thường thường trong mười chiêu có đến chín thuộc về thế thủ. Chỉ một
chiêu là thừa chỗ sơ hở đột kích.
Nên biết mấy trăm năm nay đệ tử phái Hằng Sơn toàn là nữ nên kiếm pháp
của họ so với phái ngoài thật khác xa nhau. Bất cứ là ai cũng chỉ coi mấy chiêu
là nhận ra được ngay. Lệnh Hồ Xung ở với đệ tử phái Hằng Sơn đã lâu, chàng
mắt thấy cả những tay cao thủ phái này là ba vị sư thái Định Nhàn, Định Tĩnh,
Định Dật đã sử những chiêu kiếm pháp rất tròn trĩnh và nhận thức đến cả về
chỗ tinh thần và kiếm pháp phái Hằng Sơn.
Bọn Phương Chứng đại sư, Xung Hư đạo trưởng, Bang chúa Cái Bang, Tả
Lãnh Thiền đều quen thuộc với kiếm pháp phái Hằng Sơn đã lâu, thấy Lệnh Hồ
Xung không phải xuất thân ở phái Hằng Sơn mà sử dụng kiếm pháp phái này
rất quy củ. Trong chiêu thức bình thường cũng ngấm ngầm chứa thế mãnh liệt
rất hợp với võ công của phái Hằng Sơn lấy “Miên lý tàng trâm” làm yếu quyết
nên ai cũng thán phục.
Yếu quyết “Miên lý tàng trâm” là thế nào?
Nên biết môn hạ phái Hằng Sơn đã trải bao đời đều đứng đầu bằng một vị nữ
ni mà người xuất gia dĩ nhiên lấy từ bi làm gốc. Hơn nữa bọn nữ lưu không
nên thường thường vọng động gươm đao. Họ học võ chẳng qua là để phòng
thân. Yếu quyết “miên lý tàng trâm” là nói trong đám bông mềm nhũn có dấu
ngầm một mũi cương trâm. Người ngoài đứng có xúc phạm vào. Nắm bông
mềm nhũn không làm cho ai đau đớn, nhưng kẻ nào dùng sức mà bóp bẹp là
bị mũi kim đâm vào tay. Mũi cương trâm đâm vào sâu hay nông không phải tự
nó mà là tùy ở kẻ nắn bóp mạnh hay yếu. Kẻ dùng sức ít thì bị thương nhẹ mà
người dùng sức nhiều thì bị trọng thương.
Yếu quyết võ công này lấy ở thuyết nhân quả báo ứng, nghiệt duyên tự làm
mà nên của nhà phật làm căn bản. Thiện ác do tự lòng mình mà ra.
Lệnh Hồ Xung sau khi học Độc Cô cửu kiếm rồi thì bao nhiêu ý niệm về chiêu
thức võ công chàng đều hiểu rõ. Kiếm pháp mà chàng sử dụng chú trọng về ý
chí chứ không chú trọng về chiêu thức. Lúc này chàng sử kiếm pháp phái
Hằng Sơn, về phương vị biến hóa có chỗ khác biệt với chiêu thức nguồn gốc,
nhưng ý kiếm phái Hằng Sơn lại nổi lên rất rõ ràng.
Những tay cao thủ các phái tuy biết Hằng Sơn kiếm pháp nhưng cũng chỉ biết
được đại khái mà thôi, còn những chỗ khúc chiết nhỏ bé thì hiểu làm sao
được? Vì thế họ vừa nhìn thấy kiếm của Lệnh Hồ Xung liền nhủ thầm: -Chàng
thiếu niên này làm chưởng môn phái Hằng Sơn quả nhiêu không phải là sự
ngẫu nhiên mà được. Chính ra chàng đã được chân truyền của Định Nhàn,
Định Tĩnh, Định Dật sư thái.
Trong hàng môn hạ phái Hằng Sơn chỉ có bọn Nghi Hòa, Nghi Thanh là nhận
ra được Lệnh Hồ Xung đã sử những chiêu thức không giống hệt như sư phụ.
Tuy chiêu thức có khác song ý kiếm của bản môn lại thể hiện một cách rất sâu
xa.
Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San cả hai người cùng thi triển những kiếm chiêu
của phái Hằng Sơn và toàn là chiêu số học được ở hậu động núi sám hối. Có
điều chính Lệnh Hồ Xung mang một căn bản kiếm pháp tinh diệu hơn Nhạc
Linh San nhiều. Hơn nữa chàng đã ở với thầy trò phái Hằng Sơn lâu ngày thì dĩ
nhiên về kiếm pháp của phái này Nhạc Linh San không thể bì kịp. Nếu hai
người tranh thủ hơn thua một cuộc thành thực, Lệnh Hồ Xung không có ý
nhường cho sư muội thì chỉ trong mấy chiêu đầu là chàng đã hạ đối phương
rồi.
Sau khi hai bên qua lại ngoài ba chục chiêu, những thế kiếm mà Nhạc Linh
San học được trên vách đá hậu động đã sử gần hết rồi không biết làm thế nào
nàng đành bắt đầu trở lại.
May ở chỗ những chiêu kiếm pháp này đã cực kỳ tinh diệu lại biến ảo khôn
lường, lúc sử dụng chiêu số đầy khít, chuyển biến liên miên bất tuyệt, từ chiêu
nọ đến chiêu kia dính liền vào nhau tuyệt không sơ hở chút nào, nên dù có sử
đi sử lại cũng không vấp váp và không ai nhìn rõ ngoại trừ một mình Lệnh Hồ
Xung.
Nhạc Linh San đưa ra những chiêu rất thân mật thì Lệnh Hồ Xung cũng theo
phép hóa giải bằng những chiêu thức tương tự. Hai người cùng học kiếm pháp
ở một nơi lại toàn là võ công tinh tuyệt về kiếm pháp phái Hằng Sơn. Hai bên
đối thủ cực kỳ ăn khớp người ngoài trông vào rất là ngoạn mục.
Quần hùng được coi trận đấu vô cùng hào hứng, không nhịn được vỗ tay như
pháo nổ, trầm trồ khen ngợi.
Có người nói: -Lệnh Hồ chưởng môn mà sử dụng kiếm pháp phái Hằng Sơn
một cách thuần thục cũng chẳng lấy chi làm lạ, song cô nương họ Nhạc kia
hiển nhiên là người phái Hoa Sơn mà thi triển kiếm pháp phái Hằng Sơn một
cách tinh diệu đến thế mới thật là kỳ.
Lại có người nói: -Lệnh Hồ Xung là cao đồ của phái Hoa Sơn. Nếu y không
được chính tay Nhạc tiên sinh tuyền dạy thì hai người giao đấu làm sao lại
ngoạn mục đến thế?
Một người khác lại nói: -Nhạc tiên sinh đã tinh thâm kiếm pháp của bốn phái
Hoa Sơn, Thái Sơn, Hằng Sơn và Hằng Sơn thì chắc kiếm pháp của phái Tung
Sơn tiên sinh cũng thuộc làu. Vậy chức chưởng môn Ngũ nhạc phái tất sẽ do
tiên sinh đảm nhiệm không còn ai tranh giành được nữa.
Bỗng có người phản đối: -Cái đó chưa chắc đâu! Kiếm pháp của Tả chưởng
môn phái Tung Sơn còn tinh thâm hơn Nhạc tiên sinh nhiều. Kiếm pháp quý ở
chỗ tinh thần chứ không phải ở chỗ biết nhiều. Vậy ai dù hiểu biết hết các
môn võ học trong thiên hạ mà biết một cách phiến diện thì có làm gì? Chỉ bằng
một chiêu kiếm pháp phái Tung Sơn mà Tả chưởng môn muốn sử đến chỗ tinh
diệu vô song cũng đủ đè bẹp Nhạc tiên sinh, mặc dù lão kiêm tri cả kiếm pháp
bốn phái kia.
Người nói trước không chịu cãi lại: -Sao ngươi biết rõ thế? Hay ngươi chỉ nói
khoác không biết ngượng?
Người kia cũng tức mình thách thức: -Thế nào là nói khoác không biết
ngượng? Ngươi có giỏi hãy cùng ta đánh cuộc năm chục lạng bạc.
Người này đáp: -Có gì mà giỏi với không giỏi. Ta dám đánh cuộc cả trăm lạng.
Kẻ nào ăn gian nói dối sẽ làm môn hạ phái Hằng Sơn.
Người kia hỏi: -Đánh cuộc trăm lạng càng hay nhưng sao lại nói dối thì phải
làm môn hạ phái Hằng Sơn?
Người này giải thích: -Ta muốn bảo: Ai ăn gian nói dối thì phải làm ni cô.
Người kia phì một cái rồi nhổ một bãi nước miếng xuống đất.
Lúc này Nhạc Linh San ra chiêu lại càng mau lẹ.
Lệnh Hồ Xung thấy bóng nàng tha thướt liền nhớ lại ngày trước cùng nàng
luyện kiếm tỷ võ ở trên núi Hoa Sơn. Hình ảnh đó đang chập chờn trước mắt
khiến lòng chàng không khỏi bâng khuâng, mê mẩn tâm hồn, bất giác đứng
ngây người ra. Hễ thấy Nhạc Linh San phóng tới một chiêu, chàng lại thuận
tay trả lại một chiêu, chẳng buồn nghĩ đến chiêu thức của mình hay đối
phương có phải là Hằng Sơn kiếm pháp.
Nhạc Linh San không khỏi hoang mang, khẽ bật tiếng hô: -Thanh mai như
đậu.
Rồi nàng trả lại một chiêu, quệt vào trán Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung ngẩn người ra một chút, chàng khẽ hô: -Liễu diệp tự mi!
Hai người vẫn dùng kiếm pháp của phái Hằng Sơn giao đấu với nhau song chỉ
biết ra chiêu chứ không biết rõ tên. Thực ra hai chiêu vừa rồi đâu có phải kiếm
pháp phái Hằng Sơn mà là của hai người đã sáng chế ra lúc cùng nhau luyện
kiếm ở núi Hoa Sơn. Hai người đã đặt tên cho nó “Xung Linh kiếm pháp”. Xung
là Lệnh Hồ Xung còn Linh lấy ở tên Nhạc Linh San. Ngày trước hai người thấy
thế kiếm hay rồi cùng nhau sáng tạo ra.
Thế kiếm này tuy danh của hai người cùng sáng tạo chung mà thực ra trong
đó có tám phần mười là của Lệnh Hồ Xung đã nghĩ ra.
Khi đó võ công hai người còn thấp kém, thế kiếm này chẳng có chi lợi hại cho
lắm. Nhưng sau khi hai người chuyên môn luyện kiếm ở chỗ vắng người rồi
thuần thục phi thường.
Bữa nay Lệnh Hồ Xung trong lúc tâm thần lơ đãng bất giác phóng ra chiêu
“Thanh mai như đậu” thì Nhạc Linh San liền trả lại bằng chiêu “Liễu diệp tự
mi”. Thật ra hai người cũng chẳng có ý riêng thầm kín gì mà bỗng nhiên cả hai
cùng đỏ mặt lên.
Lệnh Hồ Xung lại thuận tay đưa ra chiêu “Vu trung sơ kiến”, Nhạc Linh San liền
thuận tay trả lại chiêu “Vũ hậu sư sạ phùng”.
Thế kiếm này hai người đã luyện ở trên núi Hoa Sơn không biết tới bao nhiêu
lần, nhưng vẫn sợ để Nhạc tiên sinh và Nhạc phu nhân biết ra tất bị quở
mắng, nên chẳng bao giờ chàng và nàng tiết lộ ra những thế kiếm đó với bất
cứ một ai. Vi lúc này không nhịn nổi mối tình dĩ vãng nên đã hớ hênh đem ra
sử dụng trước mặt biết bao nhiêu anh hùng thiên hạ.
Về điểm này ta không nên trách Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San đang giao
thủ với nhau bằng Hằng Sơn kiếm pháp mà lại cho ra một thứ kiếm pháp khác
vì lúc này hai người đang mơ hồ chuyện dĩ vãng họ không còn biết đến hiện tại
là gì nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.