Những Việc Cần Làm Trong Đời Người
78 HÃY GÁC LẠI SỰ HOÀI NGHI CỦA BẠN – DŨNG CẢM TIN TƯỞNG NGƯỜI KHÁC
Trên đời này, lòng tin là một thứ vô cùng quý giá. Không ai có thể dùng tiền mua được nó, cũng không ai có thể dùng sự cám dỗ của danh lợi hoặc vũ lực để đoạt được nó. Nó bắt nguồn từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, là dòng suối mát trong của tâm hồn, nó có thể cứu vãn tâm hồn, nuôi dưỡng tâm hồn, khiến cho tâm hồn thuần khiết và đầy tự tin.
***
Có một phạm nhân trong lúc làm đường ở bên ngoài tình cờ nhặt được 1000 đồng. Anh ta không hề nghĩ ngợi gì mà đem ngay số tiền đó nộp cho 1 vị giám thị trại giam. Nhưng vị giám thị này lại nói với anh ta bằng một giọng khinh miệt: “Ngươi hãy bỏ cái trò này đi, muốn dùng trò bịp bợm để hối lộ ta hả, muốn dùng tiền để giảm nhẹ hình phạt phải không? Loại người như các ngươi thật là gian trá”.
Người tù nhân này cảm thấy thất vọng tràn trề, trước mặt toàn một màu đen. Anh ta nghĩ trên đời này không còn ai tin tưởng mình nữa rồi. Đêm hôm đó, anh ta đã bỏ trốn.
Trên đường chạy trốn, anh ta đã cướp tiền trắng trợn để chuẩn bị bỏ trốn ra nước ngoài. Sau đi đã cướp được đủ số tiền cần thiết, anh ta lên đoàn tàu hoả đang chạy đến biên giới. Trên tàu người rất đông, anh ta đành phải đứng ở bên cạnh nhà vệ sinh. Đúng lúc này có một cô gái rất xinh bước vào nhà vệ sinh, nhưng khi đóng cửa mới phát hiện ra cái then cài bị hỏng rồi, vì thế cô ta bèn bước ra nhẹ nhàng nói với anh ta: “Anh làm ơn giữ hộ tôi cái cửa có được không?”. Anh ta sững người một lát, nhìn thấy ánh nắng hiền lành lương thiện của cô gái, anh ta đã gật đầu đồng ý. Cô gái e thẹn bước vào nhà vệ sinh, trong khi đó anh ta giống như một vệ sĩ trung thành cứ đứng nghiêm trang coi giữ cửa.
Trong những phút giây này, anh ta đột nhiên thay đổi ý định, khi đoàn tàu vào ga và dừng lại, anh ta đã xuống tàu và tự ra đầu thú.
***
Người ta sống ở trên đời này, cần phải tin tưởng vào người khác, giống như cần nước và không khí, nếu như chúng ta không tin tưởng người khác, thì sẽ không bao giờ có thể thành khẩn được với người khác. Nếu như vì đeo mặt nạ nên không thể thành thật với người khác, thì đây là một sự trói buộc cực lớn, suốt ngày chỉ nơm nớp đề phòng người khác, sẽ làm cho đầu óc của mình bị tê liệt đi. Muốn được người khác yêu quý và ủng hộ thì trước tiên phải tin tưởng họ, chuyên gia phân tích tâm lý học Erich Fromm đã nói: “Có niềm tin rồi thì mới có tình yêu, không tin tưởng người khác thì cũng không yêu quý người khác”.
Mặt khác, nếu như sống cùng với người tin tưởng chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy yên tâm tự tại. Có người từng nói: “Chúng ta không những có thể bảo vệ người khác, mà trên nhiều phương diện khác cũng ảnh hưởng đến người khác”. Tin tưởng hay phòng ngừa đều có thể tạo nên tính cách của con người.
Con người ta có thể sống hoà thuận êm ái với nhau được hay không hoàn toàn dựa vào sự tin tưởng. Nếu như giáo viên có thể khiến cho những học sinh hư hỏng tin tưởng rằng thầy cô giáo chỉ có ý tốt với chúng, vậy thì sự giáo dục đó gần như đã thành công rồi đấy. Các chuyên gia về bệnh thần kinh thường phải mất đại bộ phận thời gian để thuyết phục những bệnh nhân rối loạn thần kinh tin tưởng vào họ sau đó thì mới bắt đầu điều trị. Giữa con người với con người cần phải có tình cảm, hai bên phải tin tưởng lẫn nhau, có như vậy thì cuộc sống mới không đến nỗi rối loạn.
Tại sao chúng ta lại khó có thể tin tưởng nhau như vậy? Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta sợ hãi. Trên máy bay hoặc trên tàu thường xuất hiện những cảnh như thế này: 2 người tuy ngồi bên cạnh nhau, nhưng đều không muốn nói chuyện, nhìn cái vẻ dè dặt của họ thật là khó chịu.
Những người tin tưởng người khác thì cách đối nhân xử thế của họ trong cuộc sống hàng ngày sẽ rất nổi bật. Có một người đã hình dung về một người con gái mà anh ta mới quen biết: “Cô ấy nhìn thấy ai cũng giơ 2 tay ra đón, dường như muốn nói: “tôi rất tin tưởng bạn, chỉ cần tôi ở cùng với bạn, tôi đã vui lắm rồi!” khi bạn rời xa cô ấy, bạn cũng sẽ cảm thấy tràn đầy tự tin.
Muốn tăng thêm sự tin tưởng lẫn nhau, đầu tiên cần phải có sự tự tin. Nhà thơ Mỹ Robert Frost đã nói: “Tôi sợ nhất là người hay doạ người khác mất hồn”. Trên thực tế, những người tự cảm thấy mình không bằng những người khác và cảm thấy năng lực của mình chưa đủ thì là người đó không thể tin tưởng người khác. Tuy nhiên tự tin không có nghĩa là cho rằng mình không có một khuyết điểm nào. Muốn tin người thì trước tiên phải tin tưởng chính mình. Nói cách khác tin tưởng mình là thiết thực làm việc hết năng lực và bổn phận của mình bất kể có được thành tích hay không.
Tiếp theo là tin tưởng cũng cần phải xem xét tình hình thực tế.
Có người đau đớn nói: “Tin tưởng người khác rất nguy hiểm, có thể sẽ bị lừa bịp”. Nếu như ý của bạn là thiên hạ tất sẽ có kẻ lừa bịp, thì đương nhiên là có lý. Sự tin tưởng không thể được xây dựng trên sự tưởng tượng, người không hiểu đời không thể thoáng một cái đã có thể trở thành người hiểu đời, nếu như bạn biết rõ người nào đấy hay lẻo mép thì đừng nói cho người ấy biết bí mật của mình nữa. Trên đời này không phải là không có những cuộc thi đấu nguy hiểm, những người thi đấu trên sàn không phải ai cũng lương thiện. Chúng ta cần phải đối mặt với sự thật này.
Sự tin tưởng thực sự không phải là sự nhẹ dạ cả tin một cách ngây ngô. Chúng ta có thể nói: người khác là người như thế nào thì hãy xem anh ta là người như thế ấy, không được lưỡng lự, cần phải chú trọng phát huy sở trường của anh ta.
Sau cùng tin tưởng người khác cần phải có tinh thần mạo hiểm – chúng ta đem tình cảm, thời gian, tiền của thậm chí cả tính mạmg ra để đánh bạc với lòng tin. Canh bạc này không phải là thường xuyên chiến thắng, nhưng đúng như một chính trị gia người Ý đã nói: “Người dám tin tưởng người khác ít phạm sai lầm hơn người khác không dám tin tưởng người khác”.
Không tin tưởng người khác thì không thể thành đại nghiệp, và cũng không thể trở thành vĩ nhân được.
Xin hãy ghi nhớ câu nói sau đây của Emerson: “Bạn tin tưởng người khác, người khác mới trung thực với bạn. Lấy phong độ của bậc vĩ nhân để đối xử với người khác, người khác mới có thể biểu hiện ra phong độ của bậc vĩ nhân”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.