Những Việc Cần Làm Trong Đời Người

15 ĐỨNG TRÊN VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH NHÌN LẠI LỊCH SỬ



Chỉ cần người Trung Quốc còn, thì cho dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi, Vạn Lý Trường Thành vẫn hiên ngang đứng vững. Vạn Lý Trường Thành là niềm tự hào và cũng là vết thương đau của Trung Quốc. Bất luận sự phát triển trong tương lai ra sao, biểu tượng cho nhiều phương diện của Trung Quốc – Vạn Lý Trường Thành vẫn hiên ngang sừng sững giữa trời xanh, nó giống như tấm gương phản ánh những cách nghĩ khác nhau của thế giới bên ngoài về xã hội và văn hoá Trung Quốc.

***

Công trình nổi tiếng nhất trên lục địa Trung Quốc chính là Vạn Lý Trường Thành. Tần Thuỷ Hoàng đã hạ chỉ cho Mông Điềm xây dựng trường thành ở phía bắc để nhằm ngăn chặn sự xâm lược của giặc Hung Nô. Với tổng chiều dài hơn 5000 dặm, sự vĩ đại của nó xưa nay không công trình nào có thể so sánh được, xứng đáng là kỳ quan độc nhất vô nhị của thế giới.

(Tôn Văn)

… Tôi vẫn chưa đến Trường Thành một lần! Tôi đang hận mình không thể giống như loài chim Đại Bàng dang rộng đôi cánh bay đi, hận mình không thể thoát khỏi những bước đi chậm như sên và những sợi dây vô hình trói buộc đầy mình.

Mặc dù tôi chưa được tận mắt chiêm ngưỡng Trường Thành, nhưng trong lòng tôi vẫn hướng về nó và mong mỏi có ngày được đến đó. Sẽ có một ngày nào đó, anh em chúng tôi thức dậy sau một đêm say giấc nồng, làm vài động tác thể dục khởi động cái tấm thân rệu rã, lắc lắc cái đầu mơ màng để lấy khí thế, chuẩn bị xong xuôi, quần áo chỉnh tề xuất phát, từ hẻm núi Mã Lan (Tỉnh Hà Bắc) đi theo hướng Đông Bắc đến Thừa Đức (Hà Bắc) và Xích Phong (Khu tự trị Nội Mông); vượt qua Sát Hồ Khẩu đến Quy Tuy, Bách Linh Miếu; từ Tửu Tuyền qua Gia Dụ Quan, đến Tây An, Ha Mật, Thổ Lổ Phiên. Chúng tôi cũng muốn lúc quay về lại đi qua Thiên Hạ Đệ Nhất Quan để đến thăm thủ đô.

(Ngô Bá Tiên)

Sau khi leo lên Trường Thành, “Hảo Hán” tôi cảm thấy thật là xấu hổ vì tôi phải cố gắng hết mình và nhỏ không biết bao nhiêu giọt mồ hôi. Vậy mà năm xưa hàng nghìn, hàng vạn người lao động cần cù và dũng cảm đã làm nên một bức tường thành dài 6350km giữa nơi núi cao vực thẳm vách đá cheo leo này.

Một tảng đá to phải nặng đến hàng tấn. Nhân dân lao động vẫn sẽ mãi là anh hùng hảo hán thực sự, dù cho có hô lên trăm ngàn lần “vạn tuế” cũng không thể diễn đạt được hết tình cảm và lòng sùng kính đối với biết bao anh hùng vô danh này. Họ chính là trụ cột của Trung Quốc, là niềm tự hào của dân tộc. Trường Thành vĩnh hằng mà họ để lại cho đời sau sẽ mãi mãi được toàn thế giới thán phục và ngưỡng mộ.

(Ngô Tổ Quang)

Sẽ có một ngày, tôi nhất định phải đến Trường Thành, tận tay sờ vào những tảng đá của nó. Tôi nhất định sẽ đến hai đầu của Trường Thành cho dù hai đầu này có cách xa nhau bao nhiêu đi chăng nữa, tôi nhất định phải đi dọc Trường Thành, Scatter một người Mỹ đã có mơ ước đi bộ dọc Trường Thành. Trường Thành không chỉ là một bức tường thành, cũng không chỉ là biểu tượng của tinh thần lao động cần cù chịu khó của nhân dân lao động Trung Quốc, mà trong quá trình phát triển của lịch sử Trung Quốc, nó đã có tác dụng vô cùng to lớn đối với sự hình thành của dân tộc Trung Hoa và văn hoá dân tộc Trung Hoa.

Còn không biết bao nhiêu điều lí thú về Trường Thành nữa, điều này càng làm cho Trường Thành hấp dẫn hơn đối với tôi.

Phóng viên Thành Đại Lam đã chụp hơn 10.000 bức ảnh về Trường Thành. Khi đặt chân đến Bát Đạt Lĩnh, ấn tượng đầu tiên của tôi về Trường Thành là những dãy núi nhấp nhô hiểm trở chạy dài ngút tầm mắt, con đường dài chạy quanh co theo dãy núi, một dãy tường thành mầu ghi hùng vĩ đứng sừng sững trước mắt. Trường Thành giống như con rồng lớn uốn mình giữa những dãy núi, những dãy núi xanh càng làm cho nó nổi bật lên. Trong khung cảnh tráng lệ nó vẫn mang dấu ấn của sự đau thương trong lịch sử. Tôi bỗng có cảm giác xúc động muốn khóc, tôi dường như cảm thấy cảm xúc trào dâng muốn hét lên vì sự hùng tráng vì sự đau thương đó. Tôi dường như cảm thấy có một sức mạnh thần kỳ bỗng nhiên lan toả khắp người tôi, trong lòng tôi bỗng tràn đầy dũng khí và sự tự tin dường như nếu chinh phục được Trường Thành thì sẽ có thể chinh phục được toàn thế giới.

***

Đối với dân tộc Trung Hoa, Trường Thành mang hàm ý vô cùng phong phú. Một mặt nó có thể được ví với sự vĩ đại, kiên cố, cương nghị, bất khuất và là chỗ dựa vững chắc, chính vì vậy mà vị danh tướng thời Nam Triều cách đây hơn 1000 năm là Đàn Đạo Tế đã tự ví mình là “Vạn Lý Trường Thành” của quốc gia, trong bài quốc ca của chúng ta cũng có câu “Dùng máu thịt của chúng ta xây nên Trường Thành mới của chúng ta”; mặt khác Trường Thành vẫn luôn mang hàm ý đóng cửa, bảo thủ, vì vậy nó không thể tượng trưng cho sự mở cửa, và chí tiến thủ được.

Thời cổ, danh từ này dường như tô điểm cho cuộc sống của chúng ta và trở thành cơ sở cho toàn bộ niềm tự hào và kiêu hãnh của chúng ta. Dân tộc cổ xưa, văn hoá cổ xưa, Trường Thành cổ xưa, đối với những điều này chúng ta không thể lựa chọn lại được, vì vậy chúng ta phải tiếp nhận nó. Nó chính là niềm kiêu hãnh của dân tộc chúng ta, nhưng cũng là nỗi đau của dân tộc chúng ta.

Có một người đã từng nói Trường Thành là bức tường ngăn cách hai căn phòng của hai cô vợ chạnh choẹ nhau trong một đại gia đình. Câu nói này thật là hóm hỉnh và giàu tính hình tượng, nhưng lại mang hàm ý sâu xa là “can qua” rồi cuối cùng sẽ hoá thành “ngọc bội”. Nó bao hàm trí tuệ và tinh thần vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Chúng ta cần phải đối xử với Trường Thành với một thái độ vô tư và rộng mở – chúng ta cần có một sự quan tâm và sự phát hiện nhanh nhạy hoàn toàn mới đối với ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai của Trung Quốc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.