Những Việc Cần Làm Trong Đời Người

1 HÃY MỘT LẦN VỀ THĂM LẠI MÁI ẤM TUỔI THƠ XƯA



Cố hương! Hai tiếng thân thương chỉ có được khi chúng ta đã đi xa, có biết bao câu chuyện về những đứa con phiêu bạt tha thiết mong mỏi ngày trở về cố hương, nhưng cũng chẳng vì thế mà lại có ai cảm thấy mệt mỏi. Hãy trở về cố hương một lần, hãy hoàn thành tâm nguyện vương vấn suốt bao năm qua, cho dù chỉ là để được ngắm nhìn lại mái ấm tuổi thơ xưa một lần, bạn cũng sẽ cảm thấy ngạc nhiên thú vị. Cố hương, nơi năm xưa từng nâng niu vỗ về tuổi thơ của mình đã trở thành cảnh đẹp say đắm lòng người.

***

Anh ta viết vào tấm séc số tiền “20 đô”, nhẹ nhàng ký cái tên tiếng Anh của anh ta xuống bên dưới, sau đó lấy giấy bút ra viết thư cho một người bạn:

Bạn hãy mua 1 chiếc mũ cỏ đan bằng tay, rồi mua 1 tấm vé xe về quê tôi, sau đó bạn hãy đến góc đường ở bến xe, nơi có 1 bác thường mặc chiếc áo nâu, kiểu đời nhà Đường đã bạc mầu để mua 1 chùm vải. Tôi nhớ rất rõ, bây giờ đang là mùa vải mà. Rồi sau đó bạn sẽ không cần phải bắt xe nữa mà hãy đội mũ cỏ vào rồi đi bộ xuyên qua 1 cái chợ nho nhỏ ngoài trời đầy rác rưởi, nước thải, rẽ qua quán phở của bác Vương là đến nhà tôi rồi đó. Xin đừng gõ cửa mà hãy gọi to lên “A Lan”, đó là bố tôi đấy. Xin hãy để chùm vải lại, hãy ngồi uống với bố tôi 1 tách trà, rồi hãy sang bên nhà hàng xóm, nơi có cô em gái quê mùa, áo quần lam lũ, đó chính là người đầu tiên tôi yêu. Hãy xem cô ấy có còn nụ cười ngọt lịm như ngày xưa nữa hay không, có phải lại mới sinh thêm quý tử rồi phải không? Xin bạn hãy làm giúp tôi những việc này, xin gửi kèm 20USD. Cảm ơn nhiều!

Anh ta cho lá thư và tấm séc vào trong phong bì, dùng nước mắt và đôi môi dán kín lại, rồi dán lên trên 1 con tem hàng không, sau đó lại lấy bút ra viết thêm 1 dòng lên trên tấm séc.

Ngày 18 tháng 6, tiền mua vé xe và các chi phí khác, 20 USD chẵn.

Thành phố không phải là nơi sản sinh ra nỗi nhớ quê hương, mà là nấm mồ chôn vùi nỗi nhớ quê hương. Chúng ta đi chu du quanh những thành phố thời hậu hiện đại, khó có thể tìm thấy được nỗi nhớ quê hương bất tận nào. Nếu như nói trên đời này vẫn còn có những nỗi nhớ quê hương làm rung động lòng người, thì nó chắc chắn là đã rời xa đô thị, sống âm thầm ở những ngôi nhà ở mãi tận trên đỉnh núi cao hoặc trong những thôn trang nằm sâu trong đất liền đã bị những người thời hiện đại lãng quên. Bởi vì nỗi nhớ quê hương nảy mầm từ những mảnh đất rất đỗi đơn sơ và gần gũi, nỗi nhớ quê hương sinh ra từ những cánh đồng bao la bát ngát.

Chúng ta đã quen với những cuộc hội ngộ tưng bừng, những cách biểu lộ tình cảm nồng nhiệt. Chúng ta thích thú với những niềm vui sướng hư vinh, say sưa với những bữa tiệc thịnh soạn.

Chúng ta cảm thấy thoả mãn khi ngồi sau cửa kính tầng trệt của những toà nhà cao chọc trời ngắm nhìn dòng người đi lại như mắc cửi trên đường phố, chúng ta vui sướng khi tận mắt chứng kiến những tiếng hát cuồng nhiệt của những nam thanh nữ tú đang tìm vui trong hơi men dưới ánh đèn nê-ông trong màn đêm dường như đang chiếu sáng cả ngày mai. Đã bao lâu rồi chúng ta không từng một lần ngắm nhìn cảnh đẹp hùng vĩ lúc mặt trời mọc, hạnh phúc dự đoán sự kỳ diệu của trận tuyết rơi lần sau.

Thời đại kỹ thuật số, liệu lý tưởng của chúng ta còn có thể thấm đẫm sự lãng mạn và tình cảm nóng hổi thời trẻ vang lên từ chiếc đàn ghita gỗ thời thanh xuân nữa hay không? Những trang sách hồng thời sinh viên liệu có còn giữ lại được hơi ấm thuần khiết và chiếc bút mà cái ngòi đã mòn theo thời gian liệu còn có thể viết ra được sự bằng lòng và những lời tỏ tình dễ thương, cũng như sự thổ lộ của tình yêu nữa hay không?

Cơn gió sớm mai và vầng trăng khuyết mà chúng ta vẫn tự hào, dường như đã bị những cuộc vui thâu đêm suốt sáng dưới ánh đèn mờ vùi dập. Con đường xưa tràn đầy ánh nắng, nơi bao anh hùng đã ra đi liệu biết có ai còn ngoảnh lại? Tài tử đã bỏ mạng, giai nhân cũng chẳng biết lưu lạc nơi nao, chỉ còn lại những câu chuyện thương tâm vẫn đang còn lưu truyền đó đây.

Hãy trở về cố hương, để tìm lại những tín vật mà bao năm bạn không nhìn thấy! Mấy bông hoa đào, 1 cành liễu rủ, mấy lá sen tươi, một vườn đầy cúc. Tâm hồn chúng ta cũng sẽ giống như lá thư tình đầu tiên chan chứa những niềm vui, cảm giác lúc đó chắc sẽ vô cùng đẹp đẽ. Đáng tiếc là về quê sao mà khó thế. Chẳng phải là đường xa cách trở, mà là thành thị ngày càng làm cho bạn quên đi đường về quê cũ.

Thật là khó hiểu thay khi nỗi nhớ quê hương được biến thành sản phẩm đem bày bán. Hành trình những chuyến du lịch liệu có thể thể hiện được nỗi nhớ hướng về đâu không? Hạt gạo, mớ rau tràn đầy các siêu thị liệu có được vị thơm ngọt như bữa cơm buổi tối lên đường rời xa quê thời niên thiếu! Tiểu Phương đứng ở đầu cầu ngày lại qua ngày chờ người yêu trong tiếng vang vọng của những bản tình ca, nhưng người đi sẽ không bao giờ trở lại, hương vị đậm đà của những quán ăn miền quê ở thành phố đã làm ngây ngất bao người dân thành thị, nhưng cũng chẳng làm nguôi đi nỗi nhớ của chúng ta về cuộc sống quê nhà, bởi vì tất cả điều này đều được đổi lại bằng đồng tiền.

Nỗi nhớ quê hương là “cánh diều tuổi thơ bay cao trong gió, là tấm áo mẹ may năm xưa theo mỗi bước con đi, là những con sông dài, ánh trăng mùa thu cao vời vợi, những tia nắng dịu dàng buổi chiều hôm, là kẻ đi người nhớ Trường An.”

Là sự ghi chép tăng dần trong sự tự mình cảm nhận khi đối mặt với cuộc sống, nó không nên cuối cùng trở thành hiện vật lịch sử trong cái bảo tàng của thành phố để mọi người ngắm nghía thưởng thức. Nó là sự giao hưởng đan xen của quá khứ, hiện tại và tương lai, giống như dòng sông chảy dọc theo ký ức nhân loại, xuyên qua lớp khói bụi của lịch sử kỳ diệu là vậy, tuyệt vời là vậy!.

Nỗi nhớ quê hương là sự đi ngược lại với chủ nghĩa hiện tại, là sự thoát ly lãng mạn khỏi cuộc sống tương cà mắm muối trần tục. Có lẽ chúng ta có thể nói nỗi nhớ quê hương là cuộc chạy đua của một chú ngựa lý tưởng lãng mạn giữa cố hương và tha hương, nhưng sự tồn tại của nỗi nhớ quê hương vẫn là sự bùng cháy của ngọn lửa hạnh phúc, là ánh đuốc dịu hiền soi sáng con đường dưới chân.

Trong trăm ngàn nơi thượng đế đã độc quyền để cho chúng ta lựa chọn quê hương, nỗi nhớ quê hương không già, nỗi nhớ quê hương ngào ngạt hương thơm. Chúng ta “ôm ấp nỗi nhớ quê hương” để đi tìm quê hương – đó chẳng phải là sự quy y về mặt tinh thần bất diệt đó sao? Nỗi nhớ quê hương khiến cho ta trong giây lát trầm tư nhớ lại cái tên thân thương vẫn hiện về trong mỗi giấc mơ. Đây chính là chiếc lá xanh mãi không tàn úa của nhân gian, nó vẫn hiên ngang sừng sững, mặc dù đau buồn, nhưng mãi luôn rực rỡ, cho dù gió táp mưa sa, vẫn mãi giữ được sức quyến rũ của “tôi nhớ quê hương tôi”.

Quê hương khiến cho chúng ta cảm thấy mình như những cánh diều bay cao bay xa mà không hề lo sợ đứt dây; quê hương khiến chúng ta cảm thấy cây cao muôn trượng nhưng lúc nào cũng có thể lá rụng về cội. Quê hương là cái nôi đầu tiên, và cũng là nơi gửi gắm cuối cùng. Quê hương vừa là nơi bị ruồng bỏ lại vừa là nơi khiến cho người ta lưu luyến, vừa được chúc phúc lại vừa được mong đợi, vừa là nơi dễ gợi cho người ta nỗi sầu lại vừa là nơi khiến cho người ta tìm được chỗ neo đậu của tâm hồn. Vì vậy mà nữ thi sĩ Đài Loan Tịch Mộ Dung đã viết: Bài ca của quê hương là cây sáo trong trẻo, thường cất lên trong những đêm trăng sáng; diện mạo của quê hương là sự bâng khuâng mơ hồ, dường như là sự vẫy tay biệt ly trong mộng…

Đối với những người nhớ quê, cho dù không thể về thăm quê, không được bước đi trên những con đường xưa quen thuộc, thì dù chỉ là trên đường đi qua thôi cũng đủ. Còn có một số người, tâm hồn mãi vương vấn với nơi mình sinh ra và nơi mà mình đã có tuổi thơ êm đềm, khi về thăm lại quê xưa, nỗi nhớ cảnh cũ người xưa sẽ khiến cho người ta cảm thương sâu sắc. Bạn có thể đi một mình, hoặc cũng có thể mời người khác đi cùng, nếu như bạn đã có con, mà chúng lại chưa từng một lần về thăm mái ấm tuổi thơ của bạn, hoặc chưa từng nhìn thấy căn nhà mà hai đấng sinh thành của bạn đã từng sống mấy chục năm qua, thì hãy đưa các con bạn về thăm. Hãy đưa chúng về thăm mái trường mang đậm dấu ấn một thời cắp sách đến trường của bạn (nếu như giờ đây nó vẫn còn), hãy đưa chúng đến nơi mà ngày xưa bạn thường chơi bóng hoặc đến thăm lại một bờ giậu đầy ý nghĩa – nơi mà khi còn là học sinh lớp 6, bạn đã từng xé giậu chui vào chỉ là để được ngắm nhìn cô em lớp bên cạnh một lát.

Người Pháp thường nói: sự việc càng thay đổi nhiều thì càng dễ duy trì diện mạo ban đầu của nó.

Cảnh quê có thể sẽ thay đổi theo dòng chảy của thời gian, nhưng cho dù bạn vinh quy bái tổ làm rạng rỡ quê hương hay lâm vào bước đường cùng, cần tìm nơi che chở, thì quê hương mãi mãi vẫn sẽ dang rộng vòng tay nhân hậu và ấm áp chờ đón bạn.

***

Nhật ký Mandala

Quê bạn ở đâu?

Bạn còn nhớ ngày về quê lần trước không?

Cảnh quê in đậm trong ký ức của bạn là gì?

Những người bạn thời thơ ấu của bạn có những ai?

Tôi sẽ về quê vào ngày….. tháng….. năm….

***

Dưới đây là một câu chuyện ngắn

Bà nội nhận được một bức thư của đứa cháu trai 10 tuổi: “Bà yêu quý, cảm ơn bà đã tặng cháu một bộ đồ bằng len do chính tay bà đan. Chiếc áo quá nhỏ nên cháu đã tặng cho em Ba rồi. Đôi găng tay quá rộng, nên cháu đã tặng nó cho anh Nham rồi. Tiếc quá, chiếc mũ chẳng vừa với ai cả. Chiếc mũ thật là một món quà xinh đẹp. Cháu yêu của bà: Minh Minh”.

Nhưng nếu như 20 năm, 30 năm sau khi Minh Minh đã khôn lớn trưởng thành, lấy từ trong đáy hòm ra chiếc mũ “chẳng vừa với ai cả”, lúc đó tâm trạng cậu ấy sẽ thế nào khi nhớ đến bà nội yêu kính của mình?

Chúng ta không thể nào nhớ hết được những đồ vật mà chúng ta đã từng dùng qua. Nhưng liệu có được mấy thứ còn lưu lại trong ký ức của chúng ta; có lẽ chúng ta không thể nhớ hết được những món quà người khác tặng, nhưng trải qua rất nhiều thăng trầm, chúng ta vẫn không nỡ vứt đi những “báu vật” trong đời. Tức cảnh sinh tình, thấy vật nhớ người, sự trân trọng giữ gìn của đời người cũng không ngoài một chữ “tình”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.