Những Việc Cần Làm Trong Đời Người
14 THỬ THÁCH GIỚI HẠN CỦA MÌNH
Thanh niên thường có đủ can đảm, dũng khí và tham vọng thử thách với giới hạn của bản thân mình, họ thích mạo hiểm cho dù mạo hiểm đã vượt quá sự tưởng tượng của họ. Họ luôn nghĩ: “sẽ có một ngày mình sẽ phải chinh phục… “, còn về tại sao lại như vậy thì có lẽ họ không tìm ra được đáp án, thậm chí họ cho rằng chỉ là để tìm niềm vui mà thôi.
Tuy nhiên, những người từng trải thì lại coi việc vượt qua giới hạn của bản thân mình là nhu cầu tìm kiếm cuộc sống phong phú hơn, mọi người đều cần phải dùng niềm tin kiên định và sự can đảm mưu trí để ứng phó với mọi thách thức của cuộc sống. Mỗi lần vượt qua chính mình đều sẽ đem lại cho bạn rất nhiều thu hoạch, con đường đầy chông gai và mạo hiểm, hành trình du lịch đầy hứng thú và thử thách, cảnh quan hùng vĩ tráng lệ sẽ làm tiêu tan mọi trói buộc trong lòng và đem lại cảm giác thành đạt hướng tới mục tiêu mới của đời người.
Năm 1970 khi tôi leo lên đến đỉnh của ngọn núi cao cuối cùng trong số các ngọn núi cao khắp năm châu, đỉnh Mt. McKinley ở Bắc Mỹ, chẳng biết vì nguyên nhân gì mà trong đầu tôi chợt loé lên một ý nghĩ mới đó là cưỡi xe trượt tuyết chó kéo đi đến Bắc Cực.
Sau khi quyết định đi Bắc Cực, việc đầu tiên là tôi mở bản đồ ra tìm con đường ngắn nhất đi đến cực điểm của Bắc Cực, con đường ngắn nhất cũng phải là 3000km. Để thử thách lòng kiên trì của mình, tôi quyết định chọn điểm xuất phát là Kagoshima nằm ở Cực Nam của Nhật Bản, men theo đường sắt đi bộ đến Wakkanei ở Cực Bắc, toàn bộ lộ trình khoảng 3000Km. Tôi đã nhẩm tính là nếu mỗi ngày đi với tốc độ trung bình sẽ đi được 60km, như vậy sẽ mất khoảng 52 ngày. Vì sợ rằng ý chí sa sút phải bỏ dở giữa chừng, nên trước khi khởi hành tôi đã thông qua các phóng viên để tuyên bố ra bên ngoài là tôi muốn lập một kỷ lục mới đi bộ xuyên qua đất nước Nhật Bản. Sau khi tuyên bố được phát đi, đã có rất nhiều phóng viên truyền hình và nhà báo đi theo tôi để kịp thời thông tin về hoạt động này. Ngày đầu tiên đi bộ, tôi cảm thấy khí thế bừng bừng, 6 giờ sáng đã bắt đầu xuất phát từ nơi ở, một mạch đi liền 30km, nghỉ một lát rồi lại đi tiếp 43km nữa. Đêm hôm đó tôi ngủ trọ tại một gia đình nông dân, vừa bước vào trong nhà thì cảm thấy đứt hơi, hai chân phỏng rộp lên, ngay cả nhà vệ sinh cũng không đi nổi. Sáng ngày thứ hai tôi cảm thấy không thể nhấc nổi mình lên nữa, toàn thân ê ẩm. Tôi đang định nghỉ tạm một ngày rồi mới đi tiếp nhưng đám phóng viên đang đứng đợi ở ngoài sân thi nhau gọi cửa khiến tôi không thể không mở cửa bước ra, có lẽ dù cho phải mất mạng cũng phải tiếp tục đi thôi. Người mệt mỏi, chân đau nhức nên ngày hôm đó chỉ đi được 5km. Sang ngày thứ ba tôi phải nghiến răng chịu đau cố mãi mới đi được 7km… phải đến khi vượt qua eo biển Nhật Bản tiến vào vùng Bắc Cực tôi mới giữ được tốc độ trên 60 km/ 1 ngày.
Chuyến đi lần này đúng vào mùa hè nóng nực, trên đường đi tôi nhìn thấy rất nhiều người lũ lượt bắt xe ô tô đi nghỉ mát, tôi chợt cảm thấy mủi lòng, đã nhiều lần tự hỏi: “Tại sao mình lại tự chuốc lấy cực khổ dưới ánh nắng mặt trời chói chang này nhỉ?” Nhất là những lúc tôi đi ngang qua bãi biển, tôi tận mắt nhìn thấy trên bãi biển thơ mộng và tuyệt đẹp từng đôi tình nhân đang thì thầm bên nhau… vào những lúc chiều tà, trước cửa những nhà hàng hào hoa bên bờ biển lấp lánh những ánh đèn màu. Thật là khiến cho người ta khó có thể rời bước. Cho dù vậy, tôi vẫn kiên trì và quyết tâm tiến đến đích. Khi đến Wakknei, tôi đã không còn cảm nhận được niềm tin như thế nào từ sự thành công này nữa, niềm an ủi duy nhất đối với tôi là sau cùng tôi cũng đã dỡ bỏ được gánh nặng tinh thần đè nặng lên đầu tôi.
***
Tại sao con người lại có động cơ muốn thể nghiệm cực điểm giới hạn của mình? Học giả nổi tiếng người Trung Quốc là Chu Quốc Bình đã viết trong cuốn sổ tay khi ông thực hiện chuyến khảo sát thực địa tại Nam Cực: “Khi gần áp sát cực điểm giới hạn của sinh mệnh, cảm giác về sinh mệnh của con người mới nhạy cảm và mãnh liệt nhất. Nhìn từ góc độ quan điểm về sinh mệnh, cuộc sống của con người thời hiện đại có hai căn bệnh. Thứ nhất, văn minh đem lại cho chúng ta điều kiện vật chất ngày càng dư thừa, vượt xa nhu cầu cần có để duy trì sinh mệnh, vậy thì bộ phận vượt xa đó đương nhiên là dùng để hưởng thụ, nhưng đồng thời nó cũng làm cho lối sống của chúng ta trở nên phức tạp, ngày càng rời xa trạng thái vốn có của sinh mệnh trong giới tự nhiên. Thứ hai, điều kiện vật chất dư thừa cũng dễ khiến cho chúng ta đắm chìm trong hưởng lạc, mất đi dũng khí và sự kiên cường đối mặt với hiểm nguy, về mặt tinh thần thì trở nên tầm thường. Sinh mệnh của chúng ta rời xa trạng thái giới hạn theo hai phương hướng, hướng xuống dưới thì không chịu nổi sự thiếu thốn, hướng lên trên thì lại không có sức bật khi phải đối mặt với nguy hiểm, đành phải trốn ở khoảng giữa an toàn nhàn nhã, và cảm giác mỗi ngày một tê liệt. Vì vậy, đi tìm sự thể nghiệm cực điểm giới hạn thực chất là sự phản đối và quay lưng lại với văn minh hiện đại, là nỗ lực tìm lại sức mạnh nguyên thuỷ và cảm giác ban đầu của sinh mệnh”.
“Sức mạnh nguyên thuỷ của sinh mệnh” bao gồm: sự khai thác tiềm năng của bản thân và gan mạo hiểm.
Tiềm năng của con người giống như một mỏ vàng đang chờ khai thác, trữ lượng vô hạn, giá trị không gì so sánh nổi, thực tế mỗi người chúng ta đều có một mỏ vàng tiềm năng. Tự nhiên ban tặng cho mỗi con người những tiềm năng to lớn, nhưng do chưa được trải qua huấn luyện về mặt trí lực nên tiềm năng của mỗi con người hầu như chưa phát huy được hết. Nhưng trong quá trình đi tìm kiếm sự thể nghiệm về cực điểm giới hạn. Cùng với sự đến ngày một gần của “thời khắc cực điểm”, tiềm năng của bạn sẽ liên tục bị kích thích và bạn sẽ cảm thấy sức mạnh của bản thân là vô hạn.
Trong cuộc sống hiện thực cũng vậy, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thì bộ não con người ít nhất cũng có khoảng 90 – 95% tiềm năng chưa được khai thác hết, loài người hiện có thể vận dụng được chỉ là một phần cực nhỏ. Chôn vùi tài năng chính là lãng phí tài năng, biết sử dụng tài năng nhất định sẽ thu được thành công. Một người nếu như có thể khai thác tốt tài năng của mình, xác xuất thành công của anh ta sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trong bài thơ “Nguy cơ” đã viết:
“Cười sẽ có nguy cơ trông giống như một thằng ngốc,
Khóc sẽ có nguy cơ trông đa sầu đa cảm,
Tiếp cận người khác có nguy cơ bị lôi cuốn,
Biểu lộ tình cảm sẽ có nguy cơ để lộ bản thân,
Bày tỏ mơ ước, lý tưởng với nhiều người sẽ có nguy cơ bị lấy mất,
Yêu sẽ có nguy cơ không được đáp lại,
Sống sẽ có nguy cơ bị chết,
Hy vọng sẽ có nguy cơ bị thất vọng,
Thử nghiệm sẽ có nguy cơ thất bại,
Người không dám mạo hiểm cái gì,
Không dám làm cái gì,
Thì sẽ chẳng có gì và cũng chẳng ra loại người gì cả”.
Mạo hiểm thì mới có thu hoạch bất ngờ. Nếu như bạn biết được cái thú vui của mạo hiểm, bạn nhất định sẽ say sưa với chúng mà không muốn vứt bỏ. Mạo hiểm chính là làm phong phú thêm cực điểm giới hạn trong cuộc đời vinh quang. Nếu như bạn biết trước được rằng sau khi mạo hiểm cuộc sống của bạn sẽ đem lại cho bạn niềm vui lớn như thế nào, chắc chắn bạn sẽ lắc đầu tìm kiếm ngay mà không chần chừ một phút.
Đối với một người có tinh thần cống hiến cả bản thân thì cuộc sống chính là sự nghiệp mạo hiểm đầy vẻ vang, chỉ cần bạn nhìn các vấn đề với thái độ tích cực, thì bạn đã giải quyết được một nửa vấn đề rồi đó, chỉ cần bạn dám mạo hiểm, bỏ ra tâm tư và sức lực lớn hơn nữa, thắng lợi sẽ đến sớm hơn đối với bạn.
Nếu như bạn dám nghĩ đến những ý nghĩ vĩ đại, bạn sẽ dám làm một người vĩ đại. Như vậy bạn sẽ có cuộc đời phong phú hơn. Trên thế giới này chỗ nào cũng tràn ngập cơ hội, dám mạo hiểm ắt sẽ có thu hoạch phong phú.
Chấp nhận mạo hiểm thông thường là mấu chốt để phát hiện tài năng của mình, có tác dụng giúp bạn trở thành một người hoàn hảo hơn.
Nhà triết học Đan Mạch Kier Keggaard từng nói: “Thử nghiệm là chấp nhận rủi ro và buồn lo, không thử nghiệm thì là mất đi cái tôi”
Tràn đầy hi vọng và luôn lạc quan hài hước là mặt đối lập của sự sợ hãi không yên, nó có thể khiến cho người ta kiên trì nỗ lực, không ngại khó tiến lên phía trước.
Dùng tâm trạng vui vẻ và niềm tin vững chắc để chiến thắng sự sợ hãi, từ đó có thể phát huy được tiềm năng to lớn trong cơ thể mình. Kiếp này ít nhất bạn cũng nên thử một lần cái cảm giác đứng tim mất mật, sức cùng lực kiệt, sự vận động hiện tại đang lên của cực điểm giới hạn đã đem lại cơ hội thách thức chính bản thân mình cho những người bình thường. “Chỉ khi dòng chảy của tâm hồn phá vỡ được sự khống chế tuyệt đối của vũ trụ, trò chơi mới trở thành khả năng, tài năng mới trở thành những thứ có thể tưởng tượng và lí giải”.
Khi bạn lao từ trên đỉnh núi cao 6km xuống một con sông chảy xiết phía dưới với một chiếc phao hoặc một tấm ván trượt tuyết, sự mạo hiểm và mong muốn vượt qua chính mình sẽ có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với bạn, giúp cho bạn chiến thắng sự uể oải lười biếng, giúp cho bạn chiến thắng sự tự ti tiềm ẩn ở trong lòng… ý nghĩa ẩn chứa ở trong đó, chỉ sau khi tự mình thể nghiệm mới có thể lĩnh hội được.
Thế nào gọi là vượt qua chính mình: mọi người đều biết, và ai cũng muốn làm được nhưng luôn có cảm giác có thể gặp chứ không thể cầu được. Có lẽ khi bạn vứt bỏ những chuyện vụn vặt trong cuộc sống, tập trung tinh thần đối diện với chính mình, tìm kiếm cực điểm giới hạn, khiêu chiến với cực điểm giới hạn, trong khoảnh khắc chuyển giao giữa cái tĩnh và cái động, bạn sẽ phát hiện vượt qua chính mình trở nên hết sức tự nhiên, và bạn cũng sẽ phát hiện ra bản thân ẩn chứa một tiềm năng vô tận.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.