Những Việc Cần Làm Trong Đời Người

12 HÃY TRỒNG MỘT CÁI CÂY CHO MÌNH – ĐỂ CHO CUỘC ĐỜI ĐƯỢC TIẾP NỐI DƯỚI BÓNG CÂY



Muốn phá đi một cánh rừng thì thật là nhanh, nhưng nếu muốn trồng lại một cánh rừng thì phải mất đến vài trăm thậm chí vài nghìn năm. Chặt phá cây cối chúng ta sẽ mất đi những khu vườn xanh tươi, nghiêm trọng hơn là chúng ta đã huỷ hoại chính môi trường sống của chúng ta.

Xin hãy ghi nhớ những lời tâm huyết thấm đẫm chất trí tuệ của nhà văn người Đức Herman Hesse:

“Mỗi một cái cây là một vật thiêng liêng, người nào có thể tâm sự với chúng, lắng nghe nỗi lòng của chúng, người ấy sẽ có thể rũ bỏ hết những cái bên ngoài để quay trở về với bản chất thực của mình. Chúng không bao giờ giáo huấn hay lên lớp bạn, chúng bỏ qua những hiện tượng cá biệt, thành khẩn chỉ bảo cho bạn đạo lý”.

***

Trong một hang núi nọ có một chàng trai đã đến tuổi trưởng thành. Chàng rất muốn đi ra thế giới bên ngoài, nhưng từ trong hang núi ra bên ngoài không có đường đi. Chàng lại không có một xu dính túi, tài sản của chàng chỉ là những dãy núi cao và những khu rừng rậm. Chàng trai cứ suy nghĩ, suy nghĩ, rồi chàng mang ra một chiếc rìu và bắt đầu mài. Mẹ chàng hỏi chàng mài rìu để làm gì, chàng đáp: “chặt cây, mở đường”, mẹ chàng lại hỏi chàng chặt cây mở đường để làm gì, chàng trai hăng say phấn khởi nói: “Con muốn ra thế giới bên ngoài!”.

Người mẹ cảm thấy tự hào nhưng cũng cảm thấy một thoáng xót xa. Chàng trai miệt mài chặt cây và đã mở ra được một con đường xuyên qua rừng, sau đó lại đem những cây đã chặt xuống bán lấy tiền làm lộ phí.

Lúc sắp chia tay từ biệt mẹ chàng hỏi chàng: “Con à, con đi rồi có quay lại nữa không? Khi con quay lại liệu con có nhận ra đường về nữa không?”

Chàng trai tự tin trả lời: “Xin mẹ cứ yên tâm, con nhất định sẽ quay trở về, con sẽ theo con đường mà con mới mở ra này để mà quay về.”

Nói xong chàng trai thẳng bước ra đi.

Sau khi chàng trai đi rồi, những người trong hang núi bèn bắt chước chàng, họ chặt cây tạo ra vô số những con đường thông ra thế giới bên ngoài, rồi lũ lượt kéo nhau ra thế giới bên ngoài.

Qua nhiều năm sau, chàng trai thấy nhớ nhà và muốn quay về thăm, nhưng khi chàng đi đến bên bờ núi thì không thể nhận ra được đường về nữa, bởi vì trên núi đã không có một cái cây nào cả. Chàng không tài nào nhận ra được đâu là con đường mà năm xưa chàng đã mở ra nữa và con đường nào cũng giống nhau.

Và chàng ta đã trở thành kẻ tha hương.

***

Những đứa trẻ của mấy chục năm trước thua xa những đứa trẻ ngày nay về điều kiện sống và học tập, chúng làm gì có ti vi, vi tính, tủ lạnh, máy đánh điện tử, nhưng chúng lại gần gũi với thế giới tự nhiên hơn.

Trước đây, mỗi khi tan học chúng tôi thường kéo đến một khu rừng rậm chơi đùa, thi nhau xem ai trèo lên cao hơn, mạo hiểm hơn, có lúc chúng tôi bẻ cành cây để làm vũ khí, hoặc hái hoa ngắt lá mang về nhà ép vào những trang vở, kỹ thuật trèo cây của chúng tôi có thể nói là đã đạt được trình độ tuyệt đỉnh rồi, tâm trạng vui sướng không gì so sánh được, nhưng mỗi khi rời khỏi khu rừng thì để lại dưới gốc cây một đống ngổn ngang.

Điều mà chúng tôi lo sợ nhất là bị cô kiểm lâm bắt được. Mỗi khi nhìn thấy chúng tôi là cô lại gào tướng lên chạy như điên về phía chúng tôi. Dù vậy mỗi khi cô ấy chạy đến chỗ chúng tôi, thì chúng tôi đều đã cao chạy xa bay từ lâu rồi, chỉ có điều là cuộc vui của chúng tôi đang hay thì bị cô ấy phá hỏng, chúng tôi căm thù cô ấy lắm, tất cả chúng tôi đều cảm thấy cô ấy là người đáng ghét nhất trên đời này.

Vào một buổi chiều Xuân, cô ấy và đám thợ tan ca đang trên đường về nhà, trên đường bọn họ nói chuyện rất vui vẻ với nhau. Cô ấy nói cô muốn kiếm một cái cán cuốc thật tốt, một người công nhân bèn chỉ vào một cành cây to và thẳng ở trên một cái cây rất cao và to rồi nói với cô ấy cái cành cây này không những rất thẳng mà rất chắc, làm cán cuốc thì thật là tuyệt vời.

Tôi lén đi theo họ, nghe thấy câu chuyện của họ tôi thầm nghĩ: “cánh rừng này do bà quản lý, bà thích làm gì mà chẳng được”. Thật không ngờ cô ấy lại lắc đầu nói: “Tôi thật không nỡ”.

Cả đám thợ đều cảm thấy hết sức ngạc nhiên, cái cành cây thì có gì mà không nỡ! Chỉ cần một năm sau nó lại mọc ra vô khối những cành cây như thế này. Tuy nhiên cô ta vẫn lắc đầu và nói: “Tôi thật sự cảm thấy không nỡ”, đám thợ thấy vậy cứ vặn hỏi mãi, cuối cùng cô ấy mới chịu nói ra một câu với một vẻ hơi ngượng nghịu. “Tôi yêu quý chúng lắm”. “Yêu quý chúng” cũng có nghĩa là cô ấy cảm thấy cô và chúng như là cùng một cơ thể, sự tổn thương của chúng cũng chính là sự tổn thương của bản thân cô.

***

Có một câu nói rất phổ biến ở Bồ Đào Nha là: một người hoàn hảo phải làm được 3 việc trong cuộc đời mình đó là sinh một đứa con, viết một cuốn sách và trồng một cái cây. Trong nước có một người đưa ra một ý tưởng “đời người bốn cái cây” như sau: Khi một người sinh ra, bố mẹ anh ta sẽ trồng cho anh ta một cái cây (thông qua cơ quan pháp luật để gắn cái cây đó với sinh mệnh của anh ta).

Khi kết hôn, anh ta sẽ cùng với bạn đời trồng một cái cây (tượng trưng cho anh ta được tái sinh nhờ tình yêu và gánh vác trọng trách với cuộc sống). Khi vợ chồng anh ta sinh con, vợ chồng anh ta sẽ trồng một cái cây cho con của họ (cái cây này thuộc quyền sở hữu của đứa trẻ, và thể hiện sự nối tiếp cuộc sống). Khi anh ta qua đời, con của anh ta sẽ trồng cho anh ta một cái cây (anh ta sẽ được chôn ở dưới gốc cây, thể xác của anh ta sẽ hoá thành những chiếc lá xanh trên cành cây). Bốn cái cây này có thể đánh dấu cho lịch trình của một đời người.

Bạn trồng một cái cây, trước tiên là vì chính bản thân bạn. Bốn mươi cây có thể trồng được một mẫu rừng, mà theo thống kê của các chuyên gia lâm nghiệp, một mẫu rừng sẽ trữ được một nguồn nước là 20m3, một cánh rừng rộng 50.000 mẫu sẽ trữ được nguồn nước tương đương với hồ dự trữ nước cỡ lớn 1.000.000 m3. Hãy trồng cây! không chỉ vì đó là vào ngày tết trồng cây, hãy trồng cây ở mọi nơi, mọi lúc, điều này thật là đơn giản nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Hãy trồng cây! Hãy trồng nhiều cây ở bên những bờ sông ngày càng bị ô nhiễm, đừng chờ đợi sự giận dữ của tự nhiên, mà hãy đi ngăn chặn sự giận dữ của tự nhiên!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.