Những Việc Cần Làm Trong Đời Người
18 THAM GIA HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI THOẢ THÍCH MỘT LẦN – CẢM NHẬN TÌNH CẢM MÃNH LIỆT VÀ NHỮNG CẢM GIÁC MẠNH
Có một bức tranh biếm hoạ vẽ một lữ khách đang ở núi non trùng điệp, anh ta đang nghiêng chiếc giầy để dốc những hạt cát ở trong giầy ra. Phía dưới bức tranh có một dòng chữ: “Cái khiến cho bạn mệt mỏi thông thường không phải là những dãy núi cao ở phương xa mà chính là những hạt cát ở trong đôi giầy của bạn.”
Đây là một kiểu logic hết sức thú vị, nó cho chúng ta thấy một sự thật là: Cái mà làm cho con người ta gục ngã thông thường không phải là những thử thách ghê gớm mà lại là chính sự mệt mỏi do những chuyện vụn vặt gây nên.
Không ít người đã từng thể nghiệm: Khi một mình phải đối mặt với sự thách thức ghê gớm của thiên tai, anh ta sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng và căng thẳng, sẽ dốc hết sức ra để chống chọi với nó; chí ít thì đây cũng thứ tình cảm mãnh liệt, cho dù anh ta có thất bại, thì sự thất bại này vẫn có một sức mạnh mang tính bi kịch.
Thế nhưng nếu như bạn bị những chuyện vụn vặt quấy rầy như đau răng, tiếng ồn, vợ chồng cãi nhau, mâu thuẫn với đồng nghiệp… bạn không thể coi đó là kẻ thù đối địch được, bởi vì trên thực tế chúng chỉ là những chuyện nhỏ; tuy vậy bạn cũng không có cách nào có thể thoát ra khỏi chúng, vì vậy bạn cứ phải liên tục hao tâm tổn sức vì chúng, và kết quả là bạn trở nên mệt mỏi rệu rã và ngán ngẩm. Sau cùng thì con người ta buông xuôi không phải vì thất bại mà vì mệt mỏi. Theo tôi, cảnh ngộ tồi tệ nhất không phải là nghèo khổ, không phải là đen đủi mà chính là tinh thần, tâm trạng rơi vào trạng thái mệt mỏi vô tri, vô giác, những thứ đã tưởng làm bạn cảm động không còn làm bạn cảm động được nữa, những thứ hấp dẫn đối với bạn chẳng còn hấp dẫn bạn được nữa. Cho dù là cảm giác hận thù hay đói khổ thì vẫn là những thứ khiến cho con người ta cảm nhận được một cách mãnh liệt sự tồn tại của bản thân, nhưng sự mệt mỏi đó lại khiến cho con người ta ngày càng rơi vào vực thẳm của hư vô.
Cuộc sống hàng ngày của đại đa số người được cấu thành bởi vô số chuyện vụn vặt, cùng với sự trôi đi của thời gian, cảm giác mệt mỏi càng ngày càng lớn. Sau cùng thì tác phong chậm chạp mệt mỏi của thời gian đã dần thay thế tác phong nhanh nhẹn hoạt bát của tuổi trẻ.
Người Nhật được coi là những người làm việc với tần suất cao nhất, nhưng họ lại có một biện pháp khá hay để làm cho mình luôn nhiệt tình với công việc bình thường cứ diễn ra hết ngày này đến ngày khác: hàng ngày trước khi đi làm, họ thường đứng trước gương tự tin ưỡn ngực ra mỉm cười với chính mình, sau đó nói to lên năm tiếng: “Mình là tuyệt vời nhất!”. Khi nói toàn thân họ rung lên theo tiến nói, sau đó 1 cảm giác bắt đầu một ngày mới sẽ rất phong phú.
Những người Mỹ thích vui chơi giải trí, họ có rất nhiều cách để đẩy tâm trạng rơi vào trạng thái tình cảm cực điểm, như trò chơi rất thịnh hành buộc dây vào người rồi nhả từ trên đỉnh núi cao xuống vực sâu thẳm thẳm, trò chơi này khiến cho người ta rơi vào trạng thái hai cực điểm tình cảm, đó là cực điểm của sự sợ hãi của cảm giác cái chết đến gần và cực điểm của sự vui sướng khi được quay trở lại cuộc sống trần gian, từ đó người ta có thể cảm nhận được cái tuyệt vời và kỳ diệu của sự sống.
Một mặt dùng sự kích thích của hành động để thúc đẩy sự trỗi dậy của tình cảm mãnh liệt. Mặt khác dùng những sắc mầu của tưởng tượng để kích thích sự duy trì kéo dài của tình cảm đó. Nhà vật lý học vĩ đại người Đức Max Planck đã miêu tả khoảnh khắc lần đầu tiên ông bị hấp dẫn bởi vật lý học.
Một người thầy của ông đã miêu tả định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng như sau: “một người thợ xây vác một viên gạch rất nặng lên một cái nóc nhà, khi anh ta vác viên gạch công của ông ta không hề bị mất đi, mà được tích lại vào viên gạch, nhiều năm sau, có một ngày viên gạch đó bong ra, công mà nó tích trữ bao năm qua được giải phóng, khiến cho nó rơi vào đầu của một người đang đứng ở phía dưới”. Cái thế giới kỳ lạ của vật lý học khô khan nhàm chán từ đây bỗng biến thành một cái thế giới được bao trùm bởi các định luật, quy tắc thần bí khiến cho người ta kinh ngạc, run sợ, hưng phấn và ngưỡng mộ.
Một sự nghi hoặc cổ điển: Một người làm sao phán đoán được mình có yêu người khác hay không. Theo các nhà tâm lý học thì: khi hai người khác giới sống với nhau, chả phải là đã từng cảm thấy có tình cảm mãnh liệt đó sao, cho dù là thường xuyên hay chỉ là đã từng ngẫu nhiên, thì tình cảm vẫn giống như một dấu ấn, sâu sắc và rất khó quên; Nếu như không có cả một chặng đường dài tình cảm, thì chẳng khác gì gió thổi qua làm làn nước gợn sóng, sẽ mất đi ngay sau đó.
Cuộc đời, sự nghiệp, tất cả đều cần phải có tình cảm mãnh liệt, giống như một cơn gió thổi bay đi những cát bụi mây đen, để lộ ra ánh hào quang toả sáng.
***
Sở dĩ có rất nhiều việc trước khi còn chưa bắt đầu thì đã kết thúc rồi, mà lại hoàn toàn không phải vì nó thực sự quá khó, nguyên nhân chủ yếu là chúng ta không còn bụng dạ nào để làm nữa. Nhiều lúc rõ ràng là sự việc mới bắt đầu tiến hành thì rất tốt, đến giữa chừng thì bỗng nhiên dừng lại, cũng không phải là gặp phải trở ngại gì quá lớn, mà là do chúng ta không thể kiên trì được đến cùng.
Chúng ta có còn lòng nhiệt tình nữa hay không? Nếu như chúng ta cắt đứt động mạch trên cơ thể chúng ta, thì những giọt máu chảy ra có còn nóng và nồng nữa hay không?
Quá nhiều sự thất vọng và bất lực đè lên người chúng ta, chúng ta thoả hiệp và lại tiếp tục thoả hiệp. Thoả hiệp trước tình trạng thấp kém, thỏa hiệp trước hôn nhân miễn cưỡng, thoả hiệp trước những tiêu chuẩn tầm thường đang thịnh hành, thoả hiệp trước danh lợi, nghèo khổ, thoả hiệp trước giả tạo. Quá nhiều sự thoả hiệp khiến cho người ta mệt mỏi rã rời cả về tinh thần và thể xác. Thời niên thiếu bừng bừng khí thế và sức sống, sau khi trưởng thành bỗng trở nên không còn sức sống. Một nữ nhà văn đã từng nói: “Sau khi trưởng thành tôi luôn cảm thấy mình giống như một con rùa, mỗi lần thò đầu ra đều phải rụt rè cẩn thận”.
Con người trong lúc thoái trào rất dễ phát sinh hiện tượng tinh thần và thể xác đều mệt mỏi rã rời, căn cứ vào tính cách của con người, khuynh hướng này được chia làm hai loại: Một là hoàn toàn suy sụp và buông xuôi, hai là phản kích và lội dòng nước ngược. Những người bi quan nhu nhược chính là đại diện điển hình cho loại 1.
“Việc này chắc chắn là mình sẽ không đảm nhận nổi, không biết mọi người sẽ nhìn mình với con mắt thế nào đây?”, cứ như thế này thì ngay khi sự việc còn chưa kịp bắt đầu thì đã tưởng tượng ngay đến sự thất bại và hậu quả là bị mọi người chê cười rồi thì kết quả chắc chắn sẽ là không dám đối mặt với thử thách nào, cũng chẳng có chủ kiến của mình, và đương nhiên lại càng không dám đương đầu với nghịch cảnh.
Không có nhiệt tình, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên khô khan nhạt nhẽo. Người lớn thì sống tạm bợ hết ngày này qua ngày khác, thanh thiếu niên thì lao vào ăn chơi hưởng lạc.
Nếu như bạn không thể giữ được lòng nhiệt tình và chân thành, thì đó là điều thật đáng sợ. Mỗi lần bạn muốn tiến hành một việc gì đó, bạn sẽ không chịu đi tìm hiểu sơ qua về nó, không phải là bạn cảm thấy nó khó mà là bạn luôn có thái độ “việc này không liên quan đến mình”. Lúc này ngay cả đối mặt với nó bạn cũng không dám, nói chi đến hoàn thành nó. Cứ như vậy, mọi kế hoạch đã được dự tính trong đầu cuối cùng cũng chỉ trở thành ảo tưởng mà thôi, sẽ không có ngày thực hiện được.
Cho dù ở đâu, lúc nào, bạn cũng luôn phải giữ được lòng nhiệt tình và chân thành tốt nhất là hãy bắt đầu ngay từ bây giờ đi!
Nếu như bạn có thể khiến cho nó chuyển hoá thành thái độ của cuộc sống, bạn sẽ phát hiện quan niệm về cuộc sống của bạn sẽ tích cực hơn trước đó rất nhiều, cuộc sống sẽ trở nên lạc quan vui vẻ.
Cụm từ “Nhiệt tình và chân thành” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, nghĩa của nó là “Thượng Đế luôn bên tôi”. Bạn phải luôn luôn dùng lòng nhiệt tình và chân thành để xử lý mọi việc trong cuộc sống. Để cho mọi người thấy được vẻ đẹp trong tâm hồn bạn. Ngay từ lúc này, bạn hãy bắt đầu chia sẻ lòng nhiệt tình và chân thành của mình với các bạn!
Một quốc gia hay một cá nhân nếu không có lòng nhiệt tình thì sẽ chẳng có hy vọng, lòng nhiệt tình khiến cho chúng ta trở nên thuần khiết, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, thoát khỏi sự dung tục và sự cám dỗ của tiền bạc.
Lòng nhiệt tình chính là ngọn đuốc sáng, khi nó đã tắt rồi thì chúng ta sẽ không tin tưởng vào chân, thiện, mỹ và kỳ tích nữa. Chúng ta sẽ rơi và cảnh ngộ đen tối muôn đời không ngóc đầu lên được. Nghệ thuật sẽ rơi vào dập khuôn, văn học sẽ rơi vào chỉ trau chuốt hình thức còn bộ mặt của chúng ta thì đờ đẫn.
Hãy nhóm lại ngọn lửa nhiệt tình trong lòng chúng ta, hãy dùng tinh thần tái sinh để chiến đấu với sự giả tạo, trì trệ và lười nhác của chính mình. Tạo nên một cái tôi mới chính là điều chúng ta cần phải làm ngay.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.