Những Việc Cần Làm Trong Đời Người
2 HÃY TRÂN TRỌNG CẤT GIỮ MỘT VẬT MANG NẶNG TÌNH CẢM
Còn nhớ hồi nhỏ, nhà rất nghèo, cả nhà 7 miệng ăn đều trông chờ cả vào đồng lương ít ỏi của bố để sống qua ngày. Nhưng bố tôi rất lạc quan, không hề buông xuôi trước cuộc sống đói nghèo và công việc đầy áp lực. Ấn tượng của tôi về bố là bố luôn luôn mỉm cười, đầu đội 1 chiếc mũ ngộ nghĩnh, tay chống 1 chiếc gậy ba toong kiểu Anh, bố nói với cả nhà là như vậy trông bố trẻ hơn. Trên môi bố lúc nào cũng ngậm chiếc tẩu hiệu Ngọc Long, nghe nói đây là vật báu gia truyền từ đời nhà Tống để lại, bố vô cùng yêu quý nó, bố đã từng nói với tôi cho dù đói đến mức phải đi ăn xin, cũng quyết không bán nó. Tôi là trưởng nam nên bố yêu cầu tôi khắt khe hơn các em, nhưng cũng chưa bao giờ đánh mắng tôi, thậm chí có lần tôi lục tung tất cả tài liệu của bố tôi lên, nhưng bố tôi chỉ cười nói tôi vài câu rồi thôi. Cho dù hoàn cảnh gia đình khốn quẫn thế nào, bố tôi cũng vẫn luôn tươi cười với chúng tôi.
Cuối cùng tôi thi đỗ đại học và lại còn là thủ khoa. Hôm đó khi cầm trên tay giấy báo trúng tuyển, bố đã khóc. Bố vừa khóc vừa cười chạy như điên sang nhà hàng xóm, tự hào nói: “mọi người hãy xem này, con trai tôi thi đỗ đại học rồi!”. Tất cả những người hàng xóm đều nói lời chúc mừng và tôi lại được nhìn thấy nụ cười rất riêng của bố đang nở trên khuôn mặt rạng ngời.
Thoáng một cái đã đến ngày khai giảng năm học mới, nhưng đến cùng với ngày khai giảng là món tiền học phí đã khiến cho cả gia đình tôi không biết phải xoay sở ra sao, thậm chí tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ ước mơ giảng đường đại học, để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hôm đó, bố tôi bất chấp trời mưa từ bên ngoài trở về nhà, bố tôi phủi những hạt mưa còn bám trên người, cười hà hà rồi lấy từ trong người ra một cái túi. Tôi vừa mở ra xem, mắt tôi như hoa lên, trong túi toàn tiền là tiền, tổng cộng 200 đồng. Tôi thực sự kinh ngạc bởi vì vào thời điểm đó 200 đồng là một số tiền rất lớn. “Tiền ở đâu ra mà nhiều thế hả bố?”, tôi hỏi. Mặt bố tôi dường như biến sắc, rồi cố giấu vẻ luống cuống nói với tôi: “điều này… điều này con không cần phải quan tâm, vào đại học rồi thì cố gắng mà học cho tốt, đừng để làm mất mặt bố mày đấy nhé”. Tôi bẽn lẽn nhận lấy những đồng tiền từ tay bố tôi, rồi tôi bỗng giật mình hỏi lại bố: “Bố, cái tẩu thuốc của bố đâu rồi?”, bởi vì tôi phát hiện thấy báu vật gia truyền mà bố tôi yêu quý – chiếc tẩu Ngọc Long mà cụ tôi đã để lại lúc này không có trên môi bố tôi nữa. Bố tôi cười ngượng nghịu, vỗ vỗ vào vai tôi nói: “Con ạ, cái tẩu nhỏ bé này nào có đáng gì đâu!”. Tôi nghẹn ngào không nói nên lời, nước mắt cứ trào ra.
Ngày tháng cứ thế trôi đi, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã kiếm được một chỗ làm tạm tàm tại 1 công ty. 10 năm sau, tôi được đề bạt giữ chức vụ giám đốc công ty, khi đó bố tôi đã là một ông lão gần đất xa trời rồi. Vào ngày sinh nhật lần thứ 80 của bố tôi, mặc dù trời mưa nhưng tôi vẫn vội vã về nhà, chưa vào đến cửa thì đã nghe thấy tiếng cười sảng khoái của bố tôi. Tôi đẩy cái cửa quen thuộc bước vào, nhìn thấy tôi, bố mừng rỡ khôn xiết: “A ha, vào ngày sinh nhật bố mà anh lại đến muộn hả, vào đây, phải phạt anh 3 chén mới được”. Tôi tiến đến ôm lấy bố rồi ghé sát vào tai bố nói: “Chúc mừng sinh nhật bố”, nói xong tôi đưa cho bố một món quà được gói cẩn thận bằng giấy mầu. Bố nhìn chằm chằm vào tôi rồi nói: “Năm nay anh lại làm bố ngạc nhiên bằng món quà gì đây? Anh mở giúp bố ra xem nào!”. Rồi bố cười nói: “Cái anh nhóc này là láu cá lắm đấy nhé!” nói rồi bố nhẹ nhàng bóc lớp giấy ngoài ra rồi từ từ mở cái hộp ra, tôi rất thích thú quan sát từng cử chỉ của bố, chỉ nhìn thấy đôi tay run run của bố, bất giác mắt tôi nhoà đi đẫm lệ. Mẹ tôi cũng tò mò chăm chú nhìn theo tay bố tôi rồi nói: “Trời! Đây có thể là…. đây… chẳng phải là cái tẩu Ngọc Long của ông đó sao?”. Bố tôi ngẩng đầu lên nước mắt rưng rưng ngắm nhìn cái tẩu, bất giác nước mắt tôi cũng tuôn trào ra. Tôi nói: “Cái tẩu này con đã phải tìm nó mất đứt 5 năm, năm nay con mới tìm thấy nó. Bây giờ con giao lại nó cho bố và con muốn nói với bố là con yêu bố, bố! Con xin cảm ơn tất cả những gì bố đã làm cho con”. Bố tôi chẳng nói gì cả cứ ôm ghì lấy tôi như chẳng muốn rời.
Giờ đây bố tôi đã trở thành người thiên cổ rồi, cái tẩu để lại cho tôi, nó sẽ theo tôi đi cùng năm tháng.
***
Tiếp theo đây là một câu chuyện về một người mẹ và đứa con xa quê hương. Một người con xa quê sau một thời gian về thăm mẹ đã đến lúc phải lên đường. Người mẹ tiễn anh ta ra bến xe. Chiếc dây rút dùng để buộc miệng ba lô của người con bỗng dưng bị đứt, lúc này đã sắp đến giờ xe chạy rồi, người mẹ vội vàng tháo chiếc dải rút quần của mình ra buộc chặt miệng ba lô lại cho con. Lúc tháo chiếc dải rút do vội vã và lại phải kéo mạnh nên mặt người mẹ đỏ bừng bừng. Người con trai hỏi mẹ có chuyện gì vậy, người mẹ chỉ nói không có gì đâu, con đi mạnh giỏi nhé.
Bao năm qua người con vẫn giữ mãi chiếc dải rút đó bên mình. Cũng bao năm qua người con vẫn cứ trăn trở với câu hỏi mẹ không có chiếc dải rút quần, nhà lại cách bến xe những mấy cây số, không biết mẹ sẽ về nhà như thế nào nhỉ?
Rất nhiều người mẹ đã nâng niu cất giữ những đồ vật của con mình lúc ấu thơ: quần áo, đồ chơi, những kết quả học tập đầu tiên, những phần thưởng được nhà trường tặng, quyển vở bài tập đầu tiên, thậm chí cả những bức ảnh chụp từ nhỏ đến khi con khôn lớn…. tất cả những thứ nhỏ bé này đều là báu vật của tình yêu thương.
Có những thứ chúng ta chẳng nên giữ lại làm gì, ví dụ như: những thứ luôn làm cho bạn liên tưởng đến những chuyện không vui, những bức thư tình đau xé lòng, cái áo len hay cái khăn đáng ghét, đôi giầy đã hỏng… Nhưng cũng có những thứ lại luôn gợi cho ta nhớ tới những kỷ niệm đẹp, thấm đượm tình cảm thì bạn nên giữ nó ở bên mình suốt đời: chiếc áo làm cho bạn trông đẹp hơn, quyển nhật ký bạn viết vào lúc 11 tuổi, những kỷ niệm lúc bước vào tình yêu đầu, và cả những tình bạn trải qua biết bao sóng gió… Hãy trân trọng cất giữ những vật yêu quý, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy cuộc đời này uổng phí.
***
Nhật ký Mandala
Hãy đếm những kỷ vật mà bạn cất giữ
1. Cất giữ từ 2 năm trở xuống
…
2. Cất giữ từ 2 năm đến 10 năm
…
3. Cất giữ từ 10 năm trở nên
…
4. Người thân tặng
…
5. Người yêu tặng
…
6. Bạn bè tặng
…
7. Báu vật cất giữ quý giá nhất
…
***
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.