Những Việc Cần Làm Trong Đời Người

25 HỌC CHƠI MỘT LOẠI NHẠC CỤ



Rất nhiều người cứ muốn sở hữu một loại nhạc cụ trước rồi mới học chơi nó, piano, violon, gitar… trong căn phòng với những ngọn nến lung linh, say sưa chơi cho mình và người thân nghe những bản nhạc hay, thật là một cảnh tượng tuyệt đẹp! Đương nhiên, đối với rất nhiều người, thưởng thức âm nhạc là thú vui của đời người. Khi tâm trạng buồn rầu khó chịu nghe một bản nhạc trữ tình, bạn sẽ thả hồn mình theo tiếng nhạc trầm bổng, từ từ đi vào thế giới trong mộng, khi tỉnh lại bạn sẽ phát hiện ra mọi phiền não buồn rầu đều đã tiêu tan hết.

Âm nhạc là một loại tâm trạng, nó sẽ mang lại cho cuộc sống của bạn những sắc thái tình cảm thầm lặng.

***

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái cảnh bố tôi dốc sức kéo cái đàn Accoocđêông nặng trịch ra ngoài nhà, rồi bố tôi gọi tôi và mẹ tôi đến, sau đó mở cái hộp cứ như là hộp đựng báu vật ra: “Này, nó ở đây rồi” bố tôi nói “Khi con đã học được rồi, nó sẽ theo con suốt đời”.

Tôi miễn cưỡng nở một nụ cười, chẳng có một chút hứng thú nào như bố tôi cả. Tôi vẫn ước ao có một cây đàn ghitar hoặc là một chiếc đàn piano. Hồi đó là năm 1960, tôi suốt ngày dính vào chiếc Cassette để nghe nhạc Jazz. Trong đầu tôi, chiếc Accoođêông không có chỗ đứng. Chỉ cần nhìn thấy cái bàn phím trắng phát quang và cái vỏ mầu trắng đục là tôi lại cảm thấy văng vẳng bên tai những câu chuyện cười về chiếc đàn Accoođêông mà mọi người vẫn nói.

Hai tuần tiếp theo, chiếc Accoođêông bị khoá trong nhà bếp, một buổi tối bố tôi bỗng tuyên bố là tuần sau tôi sẽ bắt đầu học chơi. Tôi không thể tin vào tai mình nữa, tôi nhìn về phía mẹ tôi tìm kiếm sự cứu giúp, nhưng sắc mặt mẹ tôi đã nói cho tôi biết là lần này tôi không thể nào làm khác được nữa.

Mua một chiếc đàn Accoođêông mất 300 đồng, mỗi tiết học Accoođêông mất 5 đồng, đây dường như không phải là tính cách của bố tôi. Bố tôi luôn là người rất thực tế, ông cho rằng quần áo, nhiên liệu, thậm chí thực phẩm đều là những thứ quý báu.

Tôi tìm thấy một cái hộp giống như cái hộp đàn ghitar, vừa mở ra tôi nhìn thấy một chiếc đàn Violon đỏ chói. “Là của bố con đấy” mẹ tôi nói, “ông bà nội của con mua cho bố con đấy. Công việc nông trường quá bận nên bố con chưa từng được đi học bao giờ”. Tôi thử tưởng tượng đôi tay thô và to của bố tôi đặt lên những phím đàn thanh thoát này thì sẽ ra sao nhỉ? nhưng tôi không thể tưởng tượng nổi nó sẽ như thế nào.

Sau đó tôi bắt đầu tham gia vào lớp học Accoođêông do thầy Charly phụ trách. Ngày đầu tiên, chiếc dây đeo của chiếc đàn Accoođêông thít chặt lấy vai tôi làm tôi cảm thấy vướng víu. “Cháu nó học thế nào ạ?” khi lớp học vừa tan bố tôi hỏi thầy Charly. Thầy Charly trả lời: “Đây là buổi học đầu tiên, tôi thấy khá tốt”. Nghe vậy bố tôi tỏ ra vui sướng và tràn trề hy vọng.

Mỗi ngày tôi bị yêu cầu dành ra nửa tiếng để tập luyện, nhưng ngày nào tôi cũng tìm cách chuồn đi chơi. Tương lai của tôi là chơi bóng ở ngoài bầu trời rộng lớn kia chứ đâu có phải là cứ ngồi trong xó nhà học mấy bản nhạc nhạt nhẽo chóng quên này. Nhưng bố mẹ tôi không hề buông xuôi, ngày nào cũng tóm và lôi tôi về nhà luyện đàn. Dần dần ngay cả bản thân tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên khi mình đã có thể ghép các nốt nhạc vào với nhau để tạo ra một bản nhạc đơn giản rồi, sau mỗi bữa cơm tối bố tôi bắt tôi phải chơi 1, 2 đoạn, ông ngồi trên chiếc ghế tựa, còn tôi thì tập chơi bản “thiếu nữ Tây Ban Nha” và “Vũ điệu Ba Lan”.

Đại hội âm nhạc mùa thu đã đến gần. Tôi sẽ phải độc tấu tại buổi trình diễn ở nhà hát của địa phương. “Con không muốn độc tấu” tôi nói. “Con nhất định phải độc tấu” bố tôi nhất quyết nói. Tôi gào tướng lên: “tại sao? Có phải vì hồi nhỏ bố không học violon phải không? Tại sao con lại phải chơi các loại nhạc cụ đáng ghét này trong khi bố chưa từng chơi nó bao giờ cơ chứ?”. Bố tôi dừng hẳn xe lại chỉ tay vào mặt tôi và nói: “Bởi vì con có thể đem đến niềm vui cho mọi người, con có thể tiếp xúc được với tâm hồn của họ. Món quà quý giá như thế này bố không thể cho phép con bỏ phí được”. Rồi bố nhẹ nhàng khuyên nhủ tôi: “rồi một ngày nào đó con sẽ có được cơ hội mà đời bố chưa từng có: Con sẽ có thể biểu diễn cho cả nhà nghe những khúc nhạc bất hủ, con sẽ hiểu được ý nghĩa của sự cố gắng, vất vả ngày hôm nay”. Tôi im lặng, rất ít khi tôi được nghe những lời khuyên bảo ân cần của bố như thế này. Từ đó trở đi, tôi tự giác tập đàn mà không cần bố mẹ tôi phải giục.

Buổi tối hôm diễn ra đại hội âm nhạc, mẹ tôi đeo chiếc khuyên tai sáng lấp lánh, trang điểm tỉ mỉ chưa từng có. Bố tôi về sớm hơn, ông mặc bộ đồng phục, thắt cà vạt, lại còn xịt keo lên mái tóc làm cho nó bóng mượt.

Trong rạp hát, khi tôi ý thức được bố mẹ tôi sẽ tự hào về tôi như thế nào, tôi chợt cảm thấy hồi hộp và căng thẳng. Sau cùng cũng đến lượt tôi. Tôi đi đến bên chiếc ghế và ngồi xuống sau đó bắt đầu biểu diễn bản “Đêm nay bạn có cô đơn”. Tôi biểu diễn bản nhạc một cách hoàn hảo. Tiếng vỗ tay vang dội khắp hội trường, khi tiếng vỗ tay đã dứt vẫn còn rất nhiều cánh tay giơ lên vẫy vẫy. Tôi cảm thấy đầu óc choáng váng từ từ đi xuống khán đài, cũng may trận cực hình đã kết thúc rồi.

Thời gian trôi đi, chiếc đàn Accoođêông dần dần mờ đi trong cuộc sống của tôi, khi cả nhà tập trung bố tôi luôn yêu cầu tôi biểu diễn một đoạn, nhưng lớp học thì đã dừng từ lâu rồi. Khi tôi vào đại học, chiếc Accoođêông bị vứt vào xó bếp, nằm cạnh chiếc violon.

Nó vẫn lặng lẽ ở đó chờ đợi tôi, giống như một kỉ niệm trong quá khứ phủ đầy bụi. Cho mãi đến một buổi chiều nhiều năm sau, nó mới được hai đứa con của tôi tình cờ phát hiện ra.

Khi tôi mở hộp đàn ra, chúng cười vui thích chí hét to lên: “bố chơi đi, bố chơi cho chúng con nghe đi!” tôi miễn cưỡng chơi cho chúng nghe mấy bản nhạc đơn giản. Tôi kinh ngạc khi thấy mình vẫn chơi tốt như ngày xưa, các con tôi vây quanh tôi, chúng vui cười nhảy múa. Thậm chí vợ tôi cũng vỗ tay theo nhịp điệu của bản nhạc. Sự vui sướng tự nhiên thoải mái của mọi người khiến tôi kinh ngạc.

Lời nói của bố tôi dường như vẳng lên bên tai tôi: “sẽ có một ngày cơ hội mà cả đời bố cũng không có được, lúc đó con sẽ hiểu”.

Bố tôi luôn đúng, an ủi tâm hồn người mà bạn yêu quý là món quà quý giá nhất.

***

Bạn có biết muốn tập chơi 1 loại nhạc cụ sẽ như thế nào không?

Giai đoạn 1: Gieo hạt giống xuống đất, tưới nước. Lúc này bạn chưa nhìn thấy sự thay đổi, nhưng bên trong hạt giống đã bắt đầu quá trình sinh trưởng. Trong giai đoạn này bạn sẽ cảm thấy không có hứng thú lớn, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục tưới nước. Có thể một thời gian dài vẫn không thấy động tĩnh gì.

Rất nhiều người chưa kịp làm tốt công việc giai đoạn 1 của trồng hoa thì đã muốn nhìn thấy hoa nở ngay. Họ đều biết là hoa rất đẹp, nhưng lại không thể kiên nhẫn chờ đợi được đến khi hoa nở tự nhiên. Kết quả thường là hoa chưa kịp đến độ thì đã chết yểu rồi. Đối với những người tập chơi nhạc cụ như chúng ta do không thường xuyên chuyên tâm luyện tập kỹ càng, nên chưa thể hình thành được khái niệm đúng đắn.

Có một số người học chỉ chơi qua chứ không chịu luyện tập, điều này chẳng khác gì cứ chốc chốc lại đào hạt giống lên xem nó đã lớn được chút nào chưa, kết quả lại là làm cho hạt giống không phát triển được. Những người như thế này thường muốn biến một bản nhạc thành một tác phẩm đã luyện thành thục cứ thế biểu diễn thôi, mà không hề luyện tập kỹ bản nhạc này trước. Những người như thế này đã quen với nghe những âm điệu, âm sắc, tiết tấu sai. Điều khiến người ta ngạc nhiên là những học sinh có năng khiếu lại rất dễ mắc phải lỗi nghiêm trọng này. Nguyên nhân có lẽ là do những học sinh có năng khiếu khi bước vào giai đoạn bắt đầu thường học những bản nhạc ngắn và dễ nên thoáng một cái đã học được ngay, trong khi đó những học sinh khác thi lại phải hết sức vất vả mới có thể học được, điều này đã khiến cho những học sinh có năng khiếu có những sự đánh giá sai lầm. Sau này khi bị giáo viên yêu cầu tiến hành luyện tập vất vả theo quy tắc, những học sinh này sẽ nghi ngờ yêu cầu của giáo viên, đồng thời họ cũng không quen bỏ công sức trên các nhạc cụ của mình. Những học sinh như thế này thường phải trải qua nhiều giãy giụa, rồi cuối cùng hiện thực cũng đã khiến cho họ nhận thức được rằng kết quả mà họ muốn đạt được chỉ có thông qua không ngừng làm việc vất vả mới có thể đạt được. Vì thế họ mới “sắp xếp lại trình tự” cho bản thân mình. Quá trình này khó hơn rất nhiều so với ngay từ khi bắt đầu đã học một cách nghiêm túc.

Cần phải kiên nhẫn, không được nóng vội, càng không được hễ gặp khó khăn là tìm cách né tránh. Nếu cứ kiên trì như vậy, học sinh sẽ phát hiện ra rằng khi học chơi một tác phẩm mới sẽ nhanh hơn trước rất nhiều. Trong quá trình này phải tăng cường luyện tập nhiều hơn với những chỗ khó, nếu không những cái mà bạn đã học được sẽ dần quên đi. Nếu như ba ngày không luyện tập, đối với đại đa số người học mà nói, sự nghiệp học vừa mới bắt đầu có lẽ sắp kết thúc hoàn toàn rồi.

Giai đoạn 2: Hạt giống nảy mầm, sắp nhô lên khỏi mặt đất rồi.

Hạt giống còn phải mọc rễ xuống dưới và hai bên để hút chất dinh dưỡng nuôi sống mầm cây. Quá trình hạt giống từ khi nảy mầm đến khi trở thành một cây trưởng thành có thể nhìn thấy được. Khi cây đã trưởng thành thì bắt đầu đâm nụ.

Giai đoạn 2 đối với luyện tập nhạc cụ chính là thông qua luyện tập độ chuẩn xác để đạt đến trình độ biểu diễn thành thục chính xác.

Bộ não của con người giống như một cái máy tính, mỗi lần luyện tập sẽ giống như nhập thêm thông tin. Lặp đi lặp lại sẽ giống như lập trình. Vì vậy khi luyện tập phải suy nghĩ thật kỹ rất nhiều vấn đề. Nói cách khác là phải chú ý hơn nữa đến mọi chi tiết, ví dụ như âm điệu, tiết tấu và âm sắc mà bạn muốn thể hiện. Nếu như luyện đi luyện lại những thứ mà bạn vẫn còn lơ mơ, thì trong đầu bạn sẽ hình thành một trình tự sai lầm, do đó mà làm chậm bước tiến.

Tập trung tư tưởng cao độ để luyện tập sẽ đem lại cho bạn kết quả như ý muốn. Cần phải kiên nhẫn, đối với những chỗ khó cần phải tăng cường luyện tập nhiều hơn, không được cho rằng làm như thế này chẳng có tác dụng gì. Nếu như khi luyện tập bạn lại không tập trung hay bán tín bán nghi, bộ não của bạn sẽ rất dễ ngừng làm việc.

Trước khi học chơi một nốt nhạc bất kỳ, trước tiên trong đầu bạn phải cảm nhận được độ cao của nốt nhạc, nguyên tắc chính là điểm bỏ trống. Cho dù là một câu cực khó, thì quá trình học cũng nên là từ trong ra ngoài, cũng có nghĩa là trước tiên trong đầu phải cảm nhận được độ cao của âm thanh. Có không ít học sinh đã không nhớ độ cao của từng nốt hoặc một nhóm nốt nhạc mà lại đi nhớ là bấm ngón nào.

Kiểu luyện tập như thế này thì khi phải xướng âm sẽ chẳng biết phải làm thế nào. Nguyên nhân chính là do âm nhạc là âm thanh chứ không phải là số ngón tay bấm.

Giai đoạn 3: Khi nụ hoa đã đến thì, một bông hoa vừa đẹp, vừa thơm sẽ nở ra trước mặt mọi người.

Trong giai đoạn 3, điều quan trọng là phải luyện tập nâng cao các kỹ xảo. Để cho bông hoa được tươi sắc, thì công việc cắt tỉa, làm cỏ, bón phân là không thể thiếu được. Diễn tấu thành công giống như một bông hoa quý hiếm, phải được trồng trong một vườn hoa. Tôi xin nói thêm một câu, không nhất thiết cứ phải là nhà biểu diễn chuyên nghiệp mới trồng được những đoá hoa đẹp. Những người vì cho rằng mình “không muốn trở thành một nhà biểu diễn chuyên nghiệp” mà tập qua quýt cho xong thực sự là không hiểu được mục đích cơ bản của âm nhạc là khiến cho người nghe và người chơi đều cảm thấy vui. Hãy thử xem, bạn cũng sẽ cảm thấy thích ngay.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.