Những Việc Cần Làm Trong Đời Người
40 NÊU TẤM GƯƠNG CHO CON CÁI
Con cái là sự tiếp nối sự sống của bạn, bạn cần phải chuyên tâm gắng sức để hình thành cho con cái phẩm cách cao thượng lành mạnh. Con cái luôn luôn trưởng thành trong sự dạy dỗ, đùm bọc và chở che của bố mẹ, vì vậy phương pháp giáo dục tốt nhất là lấy mình là gương.
Hai câu chuyện dưới đây đều cho thấy hành vi gương mẫu của bậc làm cha mẹ sẽ đem lại sức mạnh cho con cái.
Năm ấy, cậu ta mới 11 tuổi, cậu ta có cơ hội đi câu cá ở ngôi nhà gỗ của nhà cậu nằm trên một hòn đảo nhỏ ở giữa hồ.
Vào lúc hoàng hôn cậu ta theo bố đi thả câu, cậu mắc mồi vào lưỡi câu rồi buông câu. Mồi câu phá vỡ mặt nước phẳng lặng, dưới ánh nắng chiều tà, mặt nước gợn lên những vành sóng tròn, khi mặt trăng nhô lên in bóng trên mặt hồ, những vành sóng lấp lánh những ánh bạc.
Bỗng cần câu trĩu xuống, cậu ta biết ngay một chú cá to đã mắc câu, bố cậu ta nhìn cậu ta đùa nghịch chú cá với một ánh mắt khen ngợi.
Cuối cùng cậu ta từ từ lôi chú cá đã kiệt sức lên khỏi mặt nước. Đó là một chú cá Rô to mà cậu ta chưa từng nhìn thấy bao giờ.
Dưới ánh trăng sáng, hai bố con quan sát chú cá to này. Cái mang của nó cứ phập phồng liên hồi. Bố cậu ta nhìn vào đồng hồ lúc đó là 10h đêm- còn cách thời gian câu cá rô 2 tiếng nữa.
” Con à, con phải thả ngay con cá này ra”. Ông bố nói.
“Tại sao”, cậu ấm ức gào lên.
“Vẫn còn có những con cá khác”. Bố cậu ta nói
“Nhưng sẽ không còn con nào to như thế này? Cậu ta lý sự.
Cậu ta nhìn bốn xung quanh hồ, dưới ánh trăng chẳng có chiếc thuyền câu nào, và cũng chẳng có khách câu nào cả, sau đó cậu ta lại quay sang bố mình.
Tuy không có ai nhìn thấy 2 bố con họ, cũng chẳng thể có ai biết được chú cá này câu được vào lúc nào, nhưng nghe khẩu khí cương quyết của bố, cậu ta biết rằng quyết định sẽ không thể thay đổi được, cậu ta đành phải miễn cưỡng chậm rãi tháo lưỡi câu ra khỏi mồm con cá rồi từ từ thả nó xuống nước.
Chú cá quẫy mạnh 1 cái lặn sâu vào trong làn nước. Cậu ta thầm nghĩ, cả đời mình cũng sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy chú cá Rô to như thế này.
Đó là chuyện của 34 năm về trước, bây giờ cậu ta đã trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng. Bố cậu ta vẫn sống ở ngôi nhà gỗ nhỏ giữa hồ, và cậu ta vẫn thường đưa con cái về nơi đó câu cá.
Đúng như cậu ta đã dự liệu, từ lần sau cậu ta không bao giờ câu được con cá nào to bằng con cá cậu ta đã câu được vào buổi tối cách đây mấy chục năm. Nhưng hình ảnh chú cá Rô đó cứ luôn hiện lên trước mắt cậu ta – cứ mỗi khi cậu ta gặp phải vấn đề về đạo đức, thì lại nhìn thấy chú cá Rô to đó.
Câu chuyện thứ 2.
Mike dắt 3 đứa con hồ hởi phấn khởi đi đến bên quầy bán vé của rạp chiếu phim: “Tôi muốn mua 4 vé, 1 vé người lớn, 3 vé trẻ em” Mike nói người bán vé.
“Thưa ngài, trẻ em trên 6 tuổi phải mua nửa vé, dưới 6 tuổi miễn phí”, “Vậy thì mua 2 vé, đứa lớn nhất mới 6 tuổi, còn hai đứa kia sinh đôi mới 4 tuổi”.
Người bán vé đưa vé cho Mike, rồi cười nói: “Thực ra, nếu như ông không nói thì tôi cũng không thể nào nhận biết được cháu lớn nhà ông đã được sáu tuổi hay chưa”.
“Nhưng các con tôi thì biết đấy” Mike nghiêm túc nói.
***
Nhà giáo dục học nổi tiếng của Liên Xô cũ Sukhomnhixkin từng ví trẻ em với tảng đá hoa kim cương, ông nói rằng muốn tạc được bức tượng từ hòn đá này cần phải có 6 nhà điêu khắc: gia đình, nhà trường, tập thể xung quanh đứa trẻ, bản thân đứa trẻ, sách báo và nhân tố xuất hiện ngẫu nhiên. Nhìn vào thứ tự các thành phần, gia đình được xếp vào vị trí số 1, có thể thấy tầm quan trọng của gia đình đối với quá trình hình thành nhân cách của đứa trẻ như thế nào.
Điều đáng tiếc là, rất nhiều ông bố bà mẹ trong cuộc sống hiện thực lại không thể nêu được tấm gương để cho con cái noi theo, thậm chí bỏ mặc. Thường ngày khi dạy dỗ con cái thì có vẻ nghiêm khắc lắm, toàn là những đạo lý cao đẹp. Trong khi hành động cụ thể thì hoặc là vô tình, hữu ý, hoặc là ý thức được hoặc là không ý thức được chiều con một cách quá mức, và nghĩ mình là bố mẹ thì thế nào mà chẳng được. Nếu như đến lượt con cái phải làm việc, thì rất nhiều ông bố bà mẹ lại cảm thấy không yên tâm, hoặc không nỡ thấy con mình phải chịu khổ, luôn luôn tìm mọi cách để từ chối và can thiệp vào, vô hình trung đã tước mất quyền học tập và rèn luyện của con cái. Điều mà trong giáo dục tối kỵ là những ông bố bà mẹ trước mặt con cái thì nói một đằng nhưng quay lưng ra đằng sau thì lại làm một nẻo. Ví dụ như có rất nhiều ông bố bà mẹ luôn dạy các con phải có chí khí lớn, có khí phách anh hùng… nhưng bản thân mình thì lại không thể thoát ra khỏi các sòng bạc; có bậc phụ huynh dạy con phải thật thà giữ chữ tín, nhưng bản thân mình thì lại gian dối lừa đảo, không từ một thủ đoạn nào; có ông bố, bà mẹ dạy con cái đối với mọi người phải nhân từ, văn minh lễ phép, nhưng bản thân mình thì lại thường xuyên văng tục chửi bậy, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người khác, ví dụ như thế này không thể nào đếm xuể. Con cái tai nghe mắt thấy lời nói mâu thuẫn với hành động của bố mẹ, vô hình trung đã dần dần bị ảnh hưởng, như vậy thì khó có thể hình thành lập trường, quan điểm, thái độ đối nhân xử thế và quy phạm hành vi đúng đắn được. Như vậy thì cho dù những đạo lý mà cha mẹ muốn dạy cho con cái có giảng thấu đáo và hoàn hảo đến đâu thì cũng khó tránh khỏi trở thành những thứ vô nghĩa và không có sức thuyết phục. Đối ngược hẳn với điều này, có nhiều bậc cha mẹ chẳng cần giảng giải đạo lý gì, nhưng lại có thể dùng phẩm cách cao thượng, lời nói đi đôi với việc làm, để hình thành nên cho con cái tâm lý cá nhân và phẩm chất đạo đức cao đẹp.
Giáo dục trong gia đình là một môn nghệ thuật, là một học vấn, vừa sâu xa lại vừa đơn giản. Điều cốt lõi là yêu cầu các bậc cha mẹ cần phải có lời nói đi đôi với việc làm. Trong môi trường gia đình, mỗi lời nói, cử chỉ của bố mẹ đều ảnh hưởng đến con cái, chúng sẽ học theo ngay. Muốn giáo dục trong gia đình đạt được kết quả tốt, vừa phải chú trọng lời nói lại vừa phải chú trọng việc làm. Nói một cách khác trong quá trình dạy dỗ con cái bố mẹ cần phải kết hợp lời nói với việc làm, muốn con cái làm được việc gì thì trước tiên cha mẹ phải làm được việc đó.
Vì thế mà người ta thường nói: Bản thân mình đúng thì không cần nói mọi người cũng nghe theo, còn nếu như mình không đúng thì có nói cũng chẳng ai nghe. Bố mẹ là những người thầy đầu tiên của con cái, con cái là bóng hình của bố mẹ. Khi bố mẹ dạy dỗ con cái, điều quan trọng đối với con cái không phải là xem bố mẹ giảng được bao nhiêu đạo lý, mà là xem xem hành động của bố mẹ mình như thế nào. Chỉ cần bố mẹ nêu được tấm gương, thì hiệu quả giáo dục trong gia đình được sinh ra bởi sự cảm hóa và uy lực sẽ là vô cùng to lớn.
Nhà thơ người Anh Donothy đã có bài thơ nổi tiếng. “Điều gì ảnh hưởng đến con bạn”.
Phê bình sẽ khiến cho con bạn học được cách khiển trách.
Thù hận sẽ khiến cho con bạn học được cách đấu tranh
Sợ hãi sẽ khiến cho con bạn rụt rè e sợ.
Tiếc nuối sẽ khiến cho con bạn than thở số phận
Chế giễu sẽ khiến cho con bạn e thẹn xấu hổ.
Đố kị sẽ khiến cho con bạn học được ngưỡng mộ
Trách móc sẽ khiến cho con bạn xấu hổ tự ti
Khích lệ sẽ khiến cho con bạn tăng thêm tự tin
Khoan dung sẽ khiến cho con bạn kiên trì bền bỉ
Khen ngợi sẽ khiến cho con bạn tự tôn tự quý trọng
Chia sẻ sẽ khiến cho con bạn khảng khái độ lượng
Thành thực và công bằng sẽ khiến cho con bạn hiểu được chân lý và chính nghĩa
Yên ổn sẽ khiến cho con bạn tin vào mình, tin vào người
Thân thiện sẽ khiến cho con bạn cảm thấy tình thương yêu bao phủ trần gian
Nếu như bạn luôn điềm đạm thì con bạn sẽ điềm đạm và hòa nhã trong đối nhân xử thế.
Điều gì ảnh hưởng đến con bạn?
Hỡi các bậc cha mẹ, hãy nêu tấm gương cho con cái!
***
40 điều trong giáo dục con cái:
- Đối với tất cả các câu hỏi của con cái, đều phải trả lời thành thực.
- Cần phải tôn trọng và đối xử hợp lý đối với các ý kiến của con cái.
- Đóng một cái giá để cho con cái trưng bầy những tác phẩm của mình.
- Không nên vì trong phòng hoặc trên bàn của con cái lộn xộn mà mắng chửi.
- Hãy dành ra một căn phòng hoặc một góc căn phòng để cho con cái vui chơi.
- Hãy nói cho con cái biết bản thân chúng đã rất đáng yêu rồi không cần phải vất vả thể hiện nữa.
- Hãy để cho con cái làm những việc mà chúng có khả năng làm được.
- Giúp cho con cái lập một kế hoạch và nghĩ ra một cách hoàn thành kế hoạch đó.
- Đưa con cái đến chơi ở nơi mà chúng thích thú.
- Hướng dẫn con cái làm các bài tập.
- Hướng dẫn con cái có các mối quan hệ lành mạnh với những đứa trẻ thuộc những tầng lớp văn hóa khác nhau trong xã hội.
- Bố mẹ cần phải hình thành những thói quen và hành vi hợp lý để cho con cái học theo.
- Tuyệt đối không được chê con cái kém hơn những đứa trẻ khác.
- Cho phép con cái tham gia vào công việc nhà và công tác xã hội.
- Cung cấp sách báo, tài liệu cho con cái, để cho chúng tự do làm những việc mà chúng thích.
- Dạy cho con cái cách quan hệ với mọi lứa tuổi trong xã hội.
- Đọc cho con cái nghe những điều khác nhau theo định kỳ.
- Hình thành thói quen đọc sách cho con cái ngay từ khi còn nhỏ.
- Khích lệ con cái sáng tác các câu chuyện và đưa ra những ý tưởng.
- Đối xử hợp lý với yêu cầu cá nhân của con cái.
- Mỗi ngày bớt một chút thời gian để chơi cùng con cái.
- Không dùng những lời lẽ để lăng nhục con cái.
- Không được chế giễu sai phạm của con cái.
- Khích lệ con cái đọc thơ, kể chuyện, ca hát.
- Để cho con cái độc lập suy nghĩ các vấn đề.
- Lập kế hoạch thực nghiệm giúp con bạn hiểu biết nhiều hơn.
- Cho phép con bạn chơi với các vật thải vô độc hại.
- Khích lệ con bạn phát hiện vấn đề, và tự giải quyết vấn đề.
- Khi con cái làm việc, luôn cố gắng tìm ra điểm tốt đáng khen ngợi.
- Không được khen ngợi con cái một cách quá mức, sáo rỗng.
- Nhìn nhận một cách trung thực tình cảm của mình đối với con cái.
- Bố mẹ và con cái cùng nhau thỏa thuận vấn đề.
- Để cho con cái có cơ hội quyết định.
- Giúp cho con cái trở thành một người có cá tính.
- Hướng dẫn con cái tìm kiếm những chương trình đáng xem trên ti vi.
- Khuyến khích con cái nhận thức một cách đúng đắn tài cán và năng lực của mình.
- Không được có thái độ coi thường thất bại của con cái. Cần phải thẳng thắn nói với chúng: “Bố mẹ cũng chưa chắc làm được”.
- Khuyến khích con cái hình thành lối sống độc lập.
- Tin tưởng con cái
- Hãy để cho con cái độc lập hoàn thành các công đoạn quan trọng trong công việc của chúng, cho dù là kết quả có đi đến đâu chăng nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.