Những Việc Cần Làm Trong Đời Người

42 CHỌN MỘT NGHỀ MÀ MÌNH THÍCH



Hãy lắng nghe Gibran giải thích ý nghĩa của làm việc.

Các bạn thường nghe người ta nói: “Làm việc là tai họa, lao động là bất hạnh”. Nhưng tôi thì lại nói với các bạn là khi các bạn làm việc là các bạn đã hoàn thành một phần giấc mơ của trần gian, nó sẽ chỉ cho bạn thấy giấc mơ bắt đầu từ khi nào. Khi bạn còn lao động cũng có nghĩa là bạn vẫn còn thực sự yêu quí cuộc sống.

Yêu cuộc sống trong lao động chính là đã thấu triệt sự huyền bí sâu xa nhất là cuộc sống.

Các bạn cũng đã nghe người ta nói rằng cuộc đời là đen tối. Khi bạn mệt mỏi bạn cảm thấy những câu nói của người mệt mỏi là có lý.

Tôi cũng sẽ nói cuộc đời là đen tối, trừ phi có sự khích lệ.

Tất cả sự khích lệ đều là mù quáng nếu như không có tri thức.

Tất cả tri thức đều trở nên vô nghĩa nếu như không có công việc.

Tất cả công việc đều trở nên vô nghĩa nếu như không có tình yêu.

Khi bạn làm việc nhiệt tình, thì bạn, loài người và thượng đế kết hợp thành một thể.

Làm việc là tình yêu có thể nhìn thấy được.

***

Trước khi tôi gặp cụ bà Aima, ý nghĩa đích thực của công việc hộ lý không hề như tôi vẫn tưởng. Hai chữ “hộ lý” là danh hiệu cao nhất của tôi, ai biết được công việc này lại đem đến cho tôi sự mệt mỏi và 3 việc đáng ghét: Tắm rửa cho bệnh nhân, dọn dẹp giường bệnh và chăm lo công việc vệ sinh của bệnh nhân.

Tôi mặc bộ đồ hộ lý vào rồi tiến vào phòng bệnh, người bệnh nhân đầu tiên mà tôi phải phục vụ là cụ bà Aima.

Cụ là một người gầy và nhỏ bé, tóc bạc trắng, người cụ như quả bí ngô chín nhũn..

“Cô đến đây làm gì?” cụ hỏi.

“Cháu đến giúp cụ tắm rửa chứ còn làm gì nữa” tôi lạnh lùng trả lời.

“Thế thì mời cô đi cho, hôm nay tôi không muốn tắm”.

Điều làm tôi giật mình là từ hai mắt của cụ nước mắt trào ra lăn trên hai gò má. Tuy nhiên tôi không hề bận tâm lắm về điều này, tôi đã ép cụ phải tắm.

Ngày hôm sau, cụ bà Aima đoán chừng tôi sẽ lại đến nên đã chuẩn bị sẵn đối sách. Cụ nói: “Trước khi cô làm bất cứ việc gì, xin cô hãy giải thích cái định nghĩa của hai từ “hộ lý”.

Tôi nhìn cụ với ánh mắt đầy nghi ngờ.

Tôi nói chống chế: “Cái này cũng rất khó nói, thì là chăm sóc một bệnh nhân”.

Tôi vừa nói đến đây, cụ bà Aima ngay lập tức lật đệm lên lấy ra một quyển từ điển rồi nói: “Đúng như tôi đã dự liệu, ngay đến việc phải làm cái gì cũng không rõ nữa. “Cụ lật đến trang có đánh dấu sẵn rồi chậm rãi đọc to lên: “Trông nom, bảo vệ, giúp đỡ bệnh nhân và người già, chăm sóc, an ủi, yêu thương”. Sau đó cụ gập quyển sách lại rồi nói với tôi: “Này cô bé, ngồi xuống đây đi, hôm nay bà sẽ dạy cho cháu biết yêu quý là cái gì”.

Tôi lắng nghe cụ nói, hôm đó và nhiều ngày tiếp theo cụ đã kể cho tôi nghe về cuộc đời cụ, cụ đã tận tình giảng giải cho tôi hiểu được những bài học của đời người. Sau cùng, cụ kể cho tôi nghe về cụ ông: “Ông ấy là một người nông dân cao to vạm vỡ, suốt đời mặc quần soóc, nhưng lại hay để tóc dài. Khi ông ấy đến tìm hiểu bà, ông ấy còn tha cả đất vào trong phòng khách. Trước đây bà vẫn tưởng mình sẽ lấy một người nho nhã, nhưng kết quả là bà đã lấy ông ấy. “Vào đúng ngày tròn một năm sau ngày cưới, bà muốn có một tín vật cho tình yêu. Tín vật đó dùng đồng tiền vàng hoặc đồng tiền bạc, rồi khắc lên trên hình trái tim, hình bông hoa và tên của hai người nữa, sau đó dùng dây bạc xâu lại, và tặng cho bà vào ngày đặc biệt đó.

Ngày sinh nhật lần thứ nhất của đám cưới đã đến. Bai-ơn thức dậy rất sớm lên xe ngựa đi vào thành, bà đứng ở sườn núi đợi chờ ông ấy, bà cứ dõi mắt nhìn về phía trước mong chờ những làn bụi, tiếng vó ngựa từ phương xa khi ông trở về”.

Nói đến đây mắt cụ dường như nhòa đi: “Ông ấy đã không bao giờ quay trở lại nữa. Ngày hôm sau có người phát hiện ra chiếc xe ngựa đó, rồi họ mang đến cho bà một tin dữ và cả cái này nữa. “Bà cụ cẩn thận lấy từ trong túi ra một cái dây đeo cổ, cụ đã đeo nó suốt bao năm rồi nên trông nó rất cũ. Một mặt có khắc vành hoa kết hình trái tim, mặt kia có khắc dòng chữ: “Bai-ơn và Aima, tình yêu bất tử”.

“Nhưng đây chỉ là một đồng tiền bằng đồng mà” tôi nói: “Chả phải là cụ đã nói là bằng vàng hoặc bằng bạc sao?”.

Cụ đặt tín vật xuống, nước mắt đầm đìa nói: “Nói ra thật xấu hổ. Nếu như tối hôm đó ông ấy quay trở về thì cái mà bà thấy được có lẽ chỉ là đồng tiền bằng đồng mà thôi. Giờ đây cái mà bà nhìn thấy là tình yêu”.

Rồi bà ngước mắt lên nhìn tôi, đôi mắt sáng long lanh: “bà hy vọng cháu hiểu tất cả. Cháu gái, cháu là hộ lý, căn bệnh của cháu có lẽ cũng xuất phát từ điều này đây. Cháu chỉ nhìn thấy đồng tiền bằng đồng mà không nhìn thấy tình yêu. Hãy nhớ là đừng có bị lừa bởi đồng tiền đồng, cần phải tìm được tình yêu phía sau nó”.

Sau đó tôi không bao giờ còn gặp lại cụ bà Aima được nữa, vì cụ đã qua đời vào đêm hôm đó. Món quà mà cụ tặng lại cho tôi đó là: “giúp tôi trân trọng và yêu quý công việc của mình – làm một người hộ lý tốt”.

Tinh lực và trí lực của một con người là vô cùng hạn chế. Người mà tài gì cũng có thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ làm lên việc gì lớn cả. Napoléon đã từng nói: “Nghệ thuật của chiến tranh là tập trung binh lực tinh nhuệ nhất vào một điểm nào đó”. Nghệ thuật của cuộc sống thì lại là lựa chọn một điểm đột để phá trong tấn công, rồi dốc hết sức xung kích. Việc lựa chọn nghề nghiệp không thể để mặc số phận, những người vừa mới vào nghề nên tự hỏi mình: “Mình làm gì thì thích hợp, mình có năng lực gì?”. Nếu như không có đủ năng lực thì cố gắng cũng chỉ là vô ích. Nếu như bạn mạnh dạn và quả cảm thì chẳng thà đi làm phi công còn hơn là ngồi lì ở một cái văn phòng làm việc. Hơn nữa, một khi bạn đã quyết định lựa chọn rồi, thì bạn quyết không được hối hận, trừ khi phạm sai lầm lớn hoặc tổn thất nghiêm trọng bất ngờ.

Thông thường có rất nhiều người cảm thấy chán nản, bất mãn với công việc của mình mà sống một cách buồn bã. Nhưng nếu như chúng ta muốn thực sự có được niềm vui, thì nên coi công việc là một niềm vui trong cuộc sống chứ không phải là một sự khổ sai. Vì vậy khi một người thợ trang điểm cho một cô dâu, anh ta sẽ coi đó như là một sự sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật, vừa làm việc vừa thưởng thức cái vẻ đẹp đó; khi một họa sỹ hoàn thành tác phẩm của mình, không những không cảm thấy mệt mỏi, ngược lại lại cảm thấy vui sướng và cảm động trước cái đẹp do mình sáng tạo ra.

Đời người là một quá trình với hàng chuỗi những sự lựa chọn, mỗi người đều lựa chọn một cách sống thích hợp cho mình, lựa chọn nghề nghiệp cũng phải như vậy. Khi chúng ta muốn làm việc gì thì cần phải có lòng quyết tâm không bao giờ hối hận, không được chần chừ lưỡng lự, nhìn ngang nhìn ngửa. Nếu như việc gì chúng ta cũng muốn làm thì kết quả có lẽ sẽ là chẳng làm tốt được việc nào cả. Người ta thường nói: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”.

Đây là một điều mà mỗi chúng ta đều phải cần ghi nhớ kỹ.

Không được ân hận vì sự lựa chọn của mình, cần phải tăng thêm nghị lực thì việc làm mới có kết quả.

Cuộc sống vui hay buồn đều phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta, khi chúng ta đã coi công việc là niềm vui trong cuộc sống thì hãy luôn vui vẻ với nó.

Vui vẻ làm việc, đây chính là sự lựa chọn đúng đắn nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.