Những Việc Cần Làm Trong Đời Người

54 LÀM BẠN VỚI NHỮNG LOÀI VẬT THÀNH TÂM YÊU QUÝ VÀ BẢO VỆ CHÚNG



Ngày xửa ngày xưa có một vị tiên nhân ẩn cư trong một hang núi sâu để tu luyện. Thường ngày vị tiên nhân này ngồi tĩnh toạ dưới gốc cây để tĩnh tâm tu luyện. Lúc đó đúng vào giữa mùa đông, trời lạnh thấu xương, khi hoàng hôn vừa buông xuống thì có một chú chim run rẩy vì rét bay sà vào lòng vị tiên nhân với hy vọng sẽ tìm được một chút hơi ấm để duy trì sinh mạng nhỏ bé của mình. Vị tiên nhân này vì sợ làm kinh động đến chú chim nên đã ngồi vắt chân chữ ngũ; toàn thân bất động để cho chú chim bé nhỏ có được một nơi trú ẩn an toàn. Đến tận sáng hôm sau khi chú chim bay đi rồi, vị tiên nhân mới dám cử động. Tấm lòng từ bi yêu quý và bảo vệ động vật của vị tiên nhân thật là cao đẹp!

Thái độ của con người đối với động vật được chia thành ba loại:

  1. Coi mình là trung tâm, mưu đồ nắm giữ tính mạng của các loài động vật, để thoả mãn nhu cầu của riêng mình, sẵn sàng lạm sát, khiến cho nhiều loài động vật bị tuyệt chủng.
  2. Kêu gọi bảo vệ động vật bởi vì động vật có thể phục vụ cho cuộc sống của con người.
  3. Còn động vật là những người bạn, thừa nhận con người và động vật đều là chủ nhân của trái đất.

Thái độ của bạn đối với động vật như thế nào do bạn tự quyết định. Bạn hãy thử tưởng tượng, nếu như trên trái đất này chỉ còn lại mỗi loài người, trái đất sẽ trở nên đáng sợ như thế nào? Hãy đối xử tốt với động vật, bởi vì nếu như loài người mất đi các loài động vật, thì cuối cùng cũng sẽ mất đi bản thân mình!

***

Sau khi cả gia đình Phong Tử Khải quay trở về Giang Nam đã định cư bên bờ Hồ Tây ở Hàng Châu. Trong nhà nuôi một con mèo tên là “Bạch Tượng”, chú mèo đã trở thành người bạn yêu quý của Phong Tử Khải. Ông rất yêu quý Bạch Tượng bởi vì nhìn nó rất xinh xắn và đáng yêu, đôi mắt nó vừa vàng vừa xanh, ông gọi là “mắt nhật nguyệt”. Khi nó đi lại dưới ánh nắng, con ngươi của nó khép lại cứ như là không có. Đôi mắt của nó giống như những bóng điện mầu dùng trang trí trên sân khấu, ai nhìn thấy nó cũng phải trầm trồ khen ngợi. Khi mấy đứa con gái của ông về đến nhà, hễ ngồi xuống là Bạch Tượng liền bò vào lòng đánh một giấc ngon lành. Lũ trẻ không nỡ đứng dậy nên cứ ngồi im rồi nhờ người này mang nước, người kia thay giầy, mang hộ tờ báo… mọi người đều rất yêu quý Bạch Tượng.

Thế rồi một ngày không thấy Bạch tượng về ăn cơm, đêm tối cũng không thấy đâu cả; sang ngày hôm sau cũng chẳng thấy đâu cả. Phong Tử Khải vô cùng lo lắng, liền viết hai tờ thông báo treo giải cho ai tìm được Bạch Tượng, nhưng cũng chẳng có tăm tích gì cả. Sau nghe nói nó bị chết ở một cái ao. Vì thế Phong Tử Khải nghĩ là chú mèo không muốn chết ở nhà. Chắc chắn là Bạch Tượng đã biết trước được số mình đã tận nên đã chết ở bên ngoài. Đám con côi cút của Bạch Tượng 5 con chết 3 còn 2, trông chúng thật là kháu khỉnh đáng yêu. Mỗi khi ông đọc báo hai chú mèo trèo lên hai đầu gối ông, trông thật là ngộ nghĩnh. Ông đã quen với cái tư thế này rồi, khi không có hai chú mèo ở hai bên đầu gối ông lại cảm thấy trống vắng.

Bạn bè biết ông rất quý mèo, nên đã tặng mèo cho ông, rất nhanh nhà ông đã có tới 5 chú mèo. Kết quả là 5 chú mèo này thường liên kết với nhau ăn vụng cá, thậm chí ăn vụng cả trứng gà, khiến cho mọi người có ác cảm với chúng. Nhưng Phong Tử Khải lại cho rằng nguyên nhân của ăn vụng là do 5 chú mèo này không được cho ăn no. Nếu như cho chúng ăn no, chúng sẽ đi ngủ hoặc nô đùa với cái đuôi của mình chứ không đến nỗi ăn vụng như thế này. Nghĩ thế Phong Tử Khải bèn cho gọi người quản gia đến hỏi về tình hình ăn uống của 5 chú mèo. Người quản gia đáp: “Theo quy định mỗi ngày ăn ba bữa, mỗi bữa 1000 đồng tiền cá trộn với một bát ô tô cơm”. Nghe xong ông bèn nói: “Những năm con mèo mà chỉ có một bát cơm, sao không mua thêm cá cho chúng?” Người quản gia bèn trả lời: “Đây là quy định của bà nhà ạ!”, Phong Tử Khải bèn đi tìm bà vợ mình để hỏi rõ nguồn ngành, nhưng bà vợ nói: “Xưa nay vẫn vậy mà”, Phong Tử Khải bèn lớn tiếng: “Không được, bây giờ cái gì cũng tăng giá rồi, trước đây 1000 đồng có thể mua được rất nhiều cá, bây giờ chỉ mua được mỗi tí. Bà làm như vậy chả phải là đã ép lũ mèo phải ăn vụng đó sao? Tăng lên 3000 đồng, từ đó các chú mèo không còn ăn vụng nữa. Phong Tử Khải trở nên nổi tiếng là quý mèo.

Vào thập niên 50, nhà Phong Tử Khải có nuôi một chú mèo vàng, tên gọi là “Bá Bá”. Ở quê của Phong Tử Khải, Bá Bá không hoàn toàn là một cách xưng hô tôn kính, mà chỉ là một cách gọi vui đùa. Cô con gái Nhất Ngâm của Phong Tử Khải rất yêu quý Bá Bá. Có lúc cô bé đang làm văn, bỗng Bá Bá nhảy lên bàn rồi ngồi lên trên trang giấy mà cô bé đang viết khiến cho cô bé không thể viết tiếp được nữa.

Có lúc lại nằm cuộn tròn trên trang giấy ngủ một cách ngon lành.

Một ngày nhà có khách, không khí hết sức trang trọng. Đúng vào lúc đó, Bá Bá nhảy lên bàn ngửi ngửi tay áo của vị khách. Vị khách vuốt ve cái lưng của nó rồi khen: “Chú mèo đẹp quá nhỉ!”, sau câu nói đó không khí trở nên thân mật và gần gũi ngay, cuộc nói chuyện cũng bắt đầu. Khi cuộc nói chuyện đang tiến hành thì Bá Bá bỗng nhảy lên sau lưng vị khách rồi ngôi lên sau gáy của khách. Phong Tử Khải giật mình lo lắng, nhưng vị khách đó đã cúi thấp đầu xuống để cho Bá Bá có được một chỗ ngồi thoải mái, cuộc nói chuyện lại trở nên thân mật và thoải mái ngay. Phong Tử Khải bèn kết luận: Mèo có thể khiến cho buồn tẻ trở nên vui vẻ, khô khan trở nên thú vị, buồn bã trở nên vui tươi; có thể làm cho con người trở nên thân thiện đoàn kết. Cho dù không bắt được chuột cũng vẫn có tác dụng to lớn đối với con người. Thật đáng tiếc là chú mèo này lại xấu số, mới được 4 tuổi đã qua đời. Phong Tử Khải buồn bã không muốn nhắc về nó nữa, mãi đến 10 năm sau mới nhớ lại nó, và cũng chính vì nó mà nhớ đến chú mèo thọ đến 18 tuổi mà bố mẹ ông đã nuôi vào trước thập niên 60. Mỗi khi bố ông uống rượu vào buổi tối, chú mèo này thường ngồi bên cạnh chai rượu, bố ông thường cho nó ăn đậu rán, món ăn này đám chị em Phong Tử Khải cũng chưa từng được ăn. Từ đó có thể thấy, Phong Tử Khải quý mèo có lẽ là có nguyên nhân gia truyền.

Vào những năm thập niên 60, Phong Tử Khải lại nuôi một chú mèo trắng, tên gọi là “A Mi”. Bố của A Mi là giống mèo Trung Quốc, còn mẹ của nó là giống mèo ngoại, vì vậy lông của nó rất dài, giống như thỏ ấy.

Thời đó Phong Tử Khải ở nhà dịch sách, ban ngày đám con trẻ đi học hết, trong nhà rất vắng vẻ. Từ khi có A Mi rồi, trong nhà vui nhộn hẳn lên. Trong bếp luôn vang lên tiếng mắng của người nội trợ, đối tượng bị mắng chính là A Mi. Có lúc khách đến nhà chơi có đem theo con trẻ, người lớn nói chuyện với nhau, đứa trẻ chẳng biết làm gì, bỗng A Mi chạy đến thế là đứa trẻ đã có một người bạn chơi cùng.

Người lớn cũng cảm thấy yên tâm nói chuyện. Phong Tử Khải đã từng chụp một bức ảnh, trong ảnh ông mặc áo bông, đang ngồi viết, chú A Mi bé nhỏ đang ngồi trên vai ông xem ông viết. Nhìn A Mi, ông lại nhớ đến “Bạch Tượng” 15 năm trước và “Bá Bá” 10 năm trước, ông hi vọng A Mi sẽ giống như “Bá Bá” mà bố ông đã nuôi, sẽ sống đến 18 tuổi….


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.