Những Việc Cần Làm Trong Đời Người

58 KIỀM CHẾ CƠN GIẬN VÀ XIN LỖI NGƯỜI BỊ MÌNH LÀM CHO TỔN THƯƠNG



Có một anh chàng rất nóng tính, vì vậy bố cậu ta đã đưa cho cậu ta một cái túi to đựng đầy những cái đinh rồi nói: “Mỗi lần khi con thấy tức giận thì hãy đóng một cái đinh vào bức tường phía sau nhà ấy”. Ngay trong ngày đầu tiên trên bức tường phía sau nhà đã xuất hiện tới 37 chiếc đinh. Nhưng dần dần số lượng những chiếc đinh bị đóng lên tường mỗi ngày một giảm dần. Cậu ta phát hiện ra rằng kìm chế sự tức giận còn dễ hơn cả đóng đinh lên trên tường. Sau cùng cậu ta không còn vì mất kiên nhẫn mà nóng giận nữa. Câu ta nói cho bố biết chuyện này, bố cậu ta nói với cậu ta: “Kể từ hôm nay trở đi, mỗi khi con kiềm chế được cơn nóng giận, thì con hãy nhổ một cái đinh. Ngày lại qua ngày, cuối cùng cậu ta nói với bố cậu ta là cậu ta đã nhổ hết số đinh mà cậu đã đóng vào bức tường sau nhà. Bố cậu ta nắm tay cậu ta dắt đến bức tường đó rồi nói: “Con làm rất tốt, con trai của bố! Nhưng nhiều lúc nóng giận cũng giống như những chiếc đinh này đã để lại vết sẹo. Nếu như con dùng dao đâm người khác một nhát, cho dù con có nói bao nhiêu lần xin lỗi đi chăng nữa, cái vết thương kia cũng không thể lành lại như cũ được. Vết thương được gây nên bởi lời nói cũng giống như vết thương trên thể xác khiến cho người ta vô cùng đau đớn”.

Những lá thư mà các vị gửi đến thực là quý giá. Những vấn đề mà trong thư nói đến, giống như một cái gương lớn phản chiếu sự hoang mang và tình cảnh khó khăn mà chính bản thân tôi cũng có. Trong lần phân loại các bức thư này, tôi muốn nói đến một chủ đề đó là “áy náy day dứt”, những bức thư nói về vấn đề này cũng chiếm đại đa số. Đại bộ phận những người có nỗi day dứt áy náy đều là người nóng tính. Những việc họ làm ra, những lời họ nói ra đã làm tổn thương người khác. Tâm trạng lúc sự việc phát sinh thường mâu thuẫn với sự suy nghĩ lại sau khi sự việc đã xảy ra, và cảm thấy day dứt ân hận. Thực ra, nói một cách chân tình, những người như thế này đều là những người lương thiện.

Đại bộ phận những bức thư viết về tâm trạng này là của thanh thiếu niên. Đối tượng day dứt áy náy thường là những người thân trong gia đình, thường là day dứt áy náy đối với bố mẹ.

Những bức thư gửi cho Tam Mao được viết bởi những người con vì làm tổn thương bố mẹ, trong lòng dằn vặt đau khổ, luôn khiến cho tôi cảm động muốn đem những bức thư này gửi trở lại địa chỉ cũ, nhưng người nhận là những bậc cha mẹ, chẳng phải làm như vậy sẽ trở thành người hoà giải hay sao? Nhưng tôi không làm như vậy bởi vì chủ nhân của những bức thư này không cho phép tôi làm như vậy. Thực ra những người dằn vặt áy náy hầu hết là người có tâm, chỉ có điều là sự quyết tâm sửa chữa tính cách thay đổi tính tình của họ không tích cực và có phần yếu kém.

Chúng ta bất luận là vô tình hay cố ý làm tổn thương người khác, phá hỏng một chuyện gì đó, biết lỗi cũng là một điều đáng quý rồi, tự trách mình thì đã tiến thêm được một bước nữa; giữ ở trong lòng để tự dằn vặt mình hoặc viết thư cho người thứ 3 không hề có liên quan để bày tỏ sự đau khổ đây cũng là một điều tốt, và ít nhất đây cũng là những bước tiến tới sự tự thức tỉnh và giác ngộ mình.

Nhưng viết thư cho những người bạn không có liên quan đến chuyện này để dốc bầu tâm sự, xét về mặt động cơ thì vẫn là xuất phát từ “lợi ích cá nhân” bởi vì mục đích của viết thư chính là cách để giảm nhẹ tội lỗi của mình đi mà thôi. Nhất là lại viết thư cho một người xưa nay không hề quen biết, như tôi đây chẳng hạn.

Dằn vặt áy náy lại phân ra làm nhiều loại. Có lúc, sự việc xảy ra dồn dập, những người quá lương thiện sẽ coi đó là ngày tận của thế giới, dồn tất cả lỗi lầm vào bản thân mình rồi âm thầm oán trách dằn vặt mình, lâu dần sẽ khiến cho tính cách trở nên trầm mặc, vui buồn thất thường, thậm chí sinh bệnh.

Một loại nữa là cẩn thận quá hóa hỏng, làm ảnh hưởng đến người khác, điều này thì không cần phải bàn nữa.

Bên cạnh vấn đề này là vấn đề về những người bị làm tổn thương. Người bị tổn thương nhiều khi không học cách bảo vệ bản thân để mặc cho người khác làm tổn thương mình, đây cũng là một điều đáng trách. Tuy nhiên đây chỉ là lẽ phải trong cách đối nhân xử thế, chứ không phải là cái gì đó được quy định rõ ràng.

Chúng ta lại nói về vấn đề cảm giác dằn vặt. Đã dám tự nhận là mình đã làm tổn thương người khác, hoặc là do sai lầm, nôn nóng, bồng bột… dẫn đến những sai lầm. Vậy thì không cần thiết phải đau khổ. Người Trung Quốc có một câu thành ngữ: “Ai làm người ấy phải chịu”, ví dụ như do nóng vội, mất bình tĩnh hoặc hỗn láo xấc xược đã lớn tiếng với bố mẹ, làm tổn thương bố mẹ, sau đó cảm thấy hối hận áy náy, vậy thì tại sao lại không có dũng khí và lương tri để giải thích và xin lỗi bố mẹ, để làm cho nỗi dằn vặt đau khổ tiêu tan đi cùng với cơn gió.

Đối với bố mẹ, anh em, bạn học, bạn bè, nếu như cứ giữ mãi trong lòng cái cảm giác dằn vặt áy náy ấy – như những bức thư đã viết – vậy thì không cần thiết phải viết thư cho tôi nữa. Cứ viết đi viết lại, chẳng giải quyết được việc gì, mà còn hao tâm tổn sức, lãng phí thời gian.

Nếu như cảm giác này tích tụ trong lòng lâu ngày, nó sẽ làm tổn hại rất lớn đến thân thể. Cách giải quyết thì ngoài đạo đức ra, còn cần phải có lòng chân thành và quyết tâm, chỉ cần là chân thành thì đối phương sẽ 90% là có thể thông cảm tha thứ. Nếu như đối phương vẫn không chịu thông cảm tha thứ, trong trường hợp này tôi nghi ngờ là hầu như có liên quan đến tiền bạc. Vậy thì hãy sòng phẳng, trả hết theo năm theo tháng hoặc theo kỳ, quyết không động đến một đồng mồ hôi nước mắt của đối phương, đó mới là cách giải quyết khách quan và đúng đắn nhất. Lừa gạt tình cảm đương nhiên cũng được xếp vào một loại. Có nhiều người trong chuyện tình cảm cứ thật thật giả giả, mập mập mờ mờ. Đùa giỡn với nhân gian vốn không phải là một tội chết, nhưng nếu như đối phương không có tính cách như trên mà lại bị đem ra làm trò đùa giỡn thì sẽ khiến cho họ căm hận suốt đời. Người gây ra dù có hối hận thì cũng đã bị tổn thất về mặt đạo đức. Lúc này lời xin lỗi cũng chẳng có tác dụng gì nữa rồi, sự dằn vặt áy náy sẽ đi theo họ suốt đời vì đây là sự báo ứng. Cũng có trường hợp liên tiếp gây ra lỗi lầm và để cho nó phát triển thành thù hận, lúc đó muốn thành tâm xin lỗi thì đối phương lại không chịu tha thứ, đây cũng là chuyện thường gặp.

Những chuyện như trên còn phụ thuộc vào lòng dạ và tính cách của cả hai bên. Không nhất thiết phải miễn cưỡng, hãy làm hết mình, tận tình tận nghĩa nếu như đối phương vẫn không chịu tha thứ, vậy thì lại càng không cần thiết phải đau khổ, hãy bỏ qua cho lòng mình thanh thản.

Chủ nhân những lá thư viết đến cho tôi, hầu như đều là lương thiện và khiêm tốn, ít khi trách người mà thường trách mình. Thực ra cái gọi là dằn vặt áy náy chỉ là chuyện nhỏ, dũng cảm hóa giải chính là cách đối xử hợp lý với lương tâm của bản thân.

Tư tưởng là rất quý, hành vi cũng là rất quý, hai nhân tố này phải được kết hợp hỗ trợ lẫn nhau, thiếu một trong hai nhân tố đó sẽ không toàn vẹn. Thật là cảm động vì những bức thư đã khiến cho tôi tỉnh ngộ và nhìn lại mình. Xin cảm ơn tất cả các bạn!

***

Có lúc chúng ta chần chừ không chịu xin lỗi là bởi vì chúng ta sợ sẽ bị đối phương cự tuyệt. Các khả năng khiến cho người ta khó xử này là có thật nhưng không lớn lắm.

Tha thứ cho người khác thì có thể xóa tan đi được sự oán hận trong lòng, mà sự oán hận lại làm tổn thương tâm hồn.

Có ai lại muốn cứ phải chịu sự hành hạ của nỗi đau khổ và oán hận. Vậy thì nên xin lỗi như thế nào? thông thường có mấy điểm sau đây:

1. Nếu như bạn cảm thấy không thể nói ra được câu xin lỗi, thì có thể dùng cách thức khác thay thế. Sau một cuộc cãi nhau, một bó hoa tươi có thể hóa giải sự hiềm khích; đặt một món quà nhỏ xuống bên cạnh cái đĩa đựng thức ăn hoặc cái gối đầu có thể biểu thị sự hối hận và tình cảm không hề thay đổi; không nói gì chỉ dùng cử chỉ của đôi tay cũng có thể biểu đạt được ý của bạn.

Xin đừng đánh giá thấp sự diệu kỳ của im lặng.

2. Cần phải nhớ kỹ lời xin lỗi không có nghĩa là nhục nhã, mà là biểu hiện của sự chân thành và thành khẩn. Vĩ nhân cũng có lúc phải xin lỗi.

Thủ tướng Anh Churchill (1874 – 1965) lúc đầu đã có ấn tượng rất xấu đối với Tổng thống Mỹ Truman (1884 – 1972) nhưng sau này ông đã nói với Truman là trước đây ông đã đánh giá thấp Truman – câu nói này đã dùng một lời khen ngợi thay cho một lời xin lỗi.

3. Khi xin lỗi phải thật tâm hối hận, nếu không trong lòng sẽ không bao giờ được thanh thản. Xin lỗi phải xuất phát từ lòng chân thành.

4. Xin lỗi phải đường đường chính chính, không cần thiết phải khép nép sợ sệt hay khom lưng uốn gối. Bạn muốn sửa chữa lỗi lầm đây là một việc làm đáng kính trọng.

5. Lúc cần phải xin lỗi, thì phải xin lỗi ngay, càng chần chừ càng cảm thấy khó mở miệng, nhiều khi cơ hội qua đi hối hận thì đã muộn.

6. Nếu như bạn cho rằng có một người nào đó có lỗi với bạn, mà người đó lại không chịu xin lỗi bạn, bạn nên bình tĩnh đối phó, không nên buồn rầu nghĩ gợi, càng không được tức giận. Viết một bức thư ngắn hoặc thông qua một người thứ ba nói cho đối phương biết nguyên nhân sự buồn rầu trong lòng bạn, và cũng nói cho đối phương biết bạn cũng rất muốn xóa đi sự buồn phiền này.

7. Nếu như bạn không có lỗi, thì bạn không được vì muốn cho qua chuyện hoặc muốn nhường nhịn người khác mà phải nhận lỗi. Cách làm không có lập trường này dù đối với ai cũng đều không có lợi. Đồng thời cũng phải phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa nuối tiếc và có lỗi. Giả dụ bạn là người quản lý, một người nào đó không làm tròn trách nhiệm buộc phải cách chức, bạn sẽ cảm thấy nuối tiếc, chứ không phải là có lỗi.

8. Giả dụ bạn muốn xin lỗi một người nào đó vì bạn có điều không phải với anh ta, bạn cần phải nghĩ cách xin lỗi ngay. Bạn nên viết một lá thư, gọi một cuộc điện thoại, tặng một quyển sách, một bó hoa hay một hộp kẹo, hoặc là bạn có thể dùng một thứ gì đó có thể thể hiện được tâm ý của bạn để thay bạn biểu đạt: “Tôi cảm thấy buồn vì sự rạn nứt giữa hai bên, hy vọng sẽ sớm xóa đi sự bất hoà, tôi xin chịu một phần hoặc hoàn toàn trách nhiệm, rất mong bạn hãy nhận lấy tấm lòng chân thành của tôi và hai chữ có khả năng hóa giải mọi bất hòa trong nhân gian “Xin lỗi”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.