Những Việc Cần Làm Trong Đời Người
64 ĐẾN SÂN GA ĐƯA TIỄN – CẢM NHẬN TÂM TRẠNG CHIA LY VÀ NỖI NHỚ NHUNG
Khi anh chuẩn bị đi xa, lòng tôi như thắt lại.
Giờ biệt ly sắp đến, trời bỗng đổ cơn mưa rào
Hai ta cùng bước trước con đường mịt mù phía trước
Đã sẵn sàng vượt qua mọi mưa gió của cuộc đời.
Tôi sẽ viết thư cho anh, xin anh hãy bảo trọng
Sẽ chẳng hỏi anh trên đường đi
Có hay không những tiếng sấm rền
Có hay không những cơn gió thổi
Chỉ hỏi anh trên đường đi tới
Anh có mang theo chiếc ô bé nhỏ
Và trên trời cầu vồng có hay không
(Vu Lạc Sinh)
***
Mùa đông đã đến, gió đông mang theo cái lạnh thấu xương đến khắp mọi nơi. Khi đoàn tầu từ từ chạy vào ga Tử Hà thì đã là lúc chính ngọ. Hôm nay tôi phải đi công tác xa nên đi bằng tàu hoả. Tuy bên ngoài trời lạnh, nhưng các khoang tàu đều đóng kín mít lại cộng thêm với số người và hành lý nên không khí ở bên trong rất nóng và bí, nhưng cũng chẳng ai chịu mở cửa sổ ra một lát để cho thoáng khí cả. Với dáng điệu mệt mỏi tôi nhìn ra ngoài qua lớp kính cửa sổ dày cộp, có lẽ đây là một thị trấn nhỏ hoang vu.
Đoàn tàu sẽ dừng đúng 5 phút ở ga này.
“Xịch” con tàu dừng hẳn lại, người đàn ông trung niên ngồi đối diện tôi bỗng đứng phắt dậy rồi kéo cửa sổ lên. Thực sự là không thể nào chịu được sự bí bích ở bên trong này được nữa, ông ta thò đầu ra ngoài cửa sổ mặc cho những cơn gió lạnh cuốn theo cả cát bụi thổi đến. Tôi bỗng rùng mình kéo cao cổ áo lên.
“Tiểu Phi, Tiểu Phi”, người đàn ông này bỗng gọi ầm lên, tiếng gọi của ông ta làm cho tôi giật nảy mình lên. Những hành khách xung quanh cũng đều nhìn ông ta với con mắt ngạc nhiên. Rất nhanh, một người phụ nữ hổn hển chạy đến đứng ở ngoài cửa sổ. Bà ta khoảng 40 tuổi, có làn da thô ráp, nhưng nước da lại hồng hào toát lên sự khoẻ mạnh, trông bà ta hơi mập một chút. Tuy nhiên vẫn có thể nhận ra được nét đẹp thời con gái của bà ta.
2 người bỗng im lặng, người đàn ông dường như không dám nhìn thẳng vào người đàn bà này. Ông ta bất giác quay mặt vào trong toa xe, một lát sau ông ta quay mặt ra phía người đàn bà rồi hỏi một câu: “Hôm nay không đi dạy à?”.
“Hôm nay có 4 tiết, nhưng em xin nghỉ đến chủ nhật rồi sẽ dạy bù sau”. Người đàn bà trả lời,
“Lương có đủ sống không?”
“Thường xuyên phải vay trước, nhưng 400 đồng cũng tạm đủ, rau và gạo thì nhà tự trồng được, ngày thường thì cũng chẳng tiêu gì mấy?”.
“Thế còn anh? Có đủ tiêu không?”
“Cũng vậy vậy thôi, chắc là cũng như em”
Nhìn cách ăn mặc của người đàn ông này, tôi có thể đoán được là tiền lương của người đàn ông này chắc chắc sẽ cao hơn rất nhiều người đàn bà kia. Tuy nhiên ông ta lại chỉ nói một cách chung chung như thế, có lẽ việc ông ta giàu hơn người đàn bà kia sẽ khiến cho ông ta cảm thấy ngường ngượng.
“Cậu học sinh Vương Hữu Cường mà chúng ta từng dạy đã tốt nghiệp đại học Thanh Hoa rồi. Bây giờ đã là phó giám đốc của một công ty lớn ở Bắc Kinh”, người đàn bà nói.
“Năm nào cậu ấy cũng gửi bưu thiếp đến cho anh” người đàn ông gật gật cái đầu.
“Lúc anh trở về thành phố, cái ông kế toán mà đã lên đóng trộm dấu cho anh đã chết vào năm ngoái rồi. Bị mắc bệnh ung thư, anh nói đúng thật, bà vợ ông ta cũng chết vì bệnh này”.
Người đàn ông cúi đầu xuống chớp chớp đôi mắt. Ông ta lần lượt bóc vỏ mất quả quýt đang cầm trong tay, nhưng một múi cũng không ăn.
“Em đi xe đạp đến đây à?” Người đàn ông bỗng hỏi.
“Vâng ạ, phải mua một cái vé tiễn đấy”, người đàn bà mỉm cười. “Em muốn luộc một ít trứng gà cho anh ăn dọc đường, nhưng bếp yếu quá, luộc mãi mới chín được, luộc xong em vội lên xe đến đây ngay, suýt nữa thì không kịp đến”. Nói rồi người đàn bà đưa lên một túi đựng trứng gà luộc khói vẫn còn nghi ngút, dưới đáy túi vẫn còn đọng những giọt nóng hổi. Người đàn ông nhận lấy và đặt ngay lên trên chiếc catáp sang trọng của mình.
Tiếng chuông báo hiệu đoàn tàu sắp sửa chuyển bánh đã vang lên.
“Trên đường về, đi chầm chậm thôi, chú ý an toàn nhé”, người đàn ông nói với người đàn bà.
“Anh đi cẩn thận nhé”, người đàn bà ân cần dặn dò.
“Anh không sao đâu, đi tàu là an toàn nhất đấy”, người đàn ông mỉm cười.
Có lẽ đây là nụ cười của anh ta mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Người đàn ông lấy túi quýt đã bóc sẵn vỏ đưa cho người đàn bà. Người đàn bà kiễng đầu ngón chân lên hai tay đỡ lấy, đôi mắt ươn ướt.
Đoàn tàu giật mình một cái rồi từ từ, từ từ chuyển bánh.
Người đàn bà quay mặt đi rồi dùng ống tay lau những giọt nước mắt. Người đàn ông tuy không khóc nhưng ông ta lặng người ngồi xuống. Ông ta lấy một quả trứng ra rồi bóc vỏ, ông ta nhẹ nhàng tách lòng trắng ra, cái lòng đỏ giống như mặt trời, như giọt lệ nóng hổi từ từ lắn vào lòng bàn tay ông ta.
Đây là một cuộc đoàn tụ đầy cảm động và hạnh phúc chỉ diễn ra trong vòng 5 phút của 1 mối tình kéo dài 20 năm mà tôi được tận mắt chứng kiến. Từ đầu chí cuối, không hề có một câu nói nào đằm thắm, cũng không hề có một lời hỏi thăm âu yếm nào, không một chút biểu lộ tình cảm, không có những gì mà chúng ta vẫn quen tưởng tượng và nhìn thấy, tất cả đều được gói gọn trong sự im lặng ở trong lòng.
***
Trong đời người ai cũng từng ít nhất một lần trải qua cảnh tiễn đưa. Tiễn bạn bè, bạn học, bố mẹ, người yêu, con cái, bạn chiến đấu… bất kể sự tiễn đưa nào cũng ít nhiều khiến cho người ta xao động.
Đã từng có một bài văn miêu tả tình cảm của con người lúc tiễn biệt như sau: “Sân ga” là một người thiếu nữ tế nhị, đa tình, đồng thời cũng là một gã đàn ông phóng khoáng, trên mình nó mang theo hơi thở của dòng sông phương Nam, trên vai nó mang theo tình cảm của dãy núi phương Bắc, nó ôm ấp những kỷ niệm ngày qua, tràn đầy hy vọng vào ngày mai.
Nhưng cũng chính những sân ga này đã thu ngắn khoảng cách giữa phương xa với phương xa, giữa trái tim với trái tim, nó đã thoát ra khỏi cái cảm giác lạnh lẽo “bên bờ dương liễu, gió sớm trăng tàn” của Liễu Vinh, đã thoát khỏi sự bi thương “gió thổi đìu hiu, nước sông dịch lạnh ghê” của Kinh Kha, đã thoát khỏi sự cô đơn lẻ loi “mời huynh hãy cạn thêm chén nữa” của Vương Duy. Kiếp này chúng ta ấp ủ những tình cảm trong lòng, kẻ đi người ở, kẻ ngược người xuôi, kẻ nam người bắc”.
Lưu động ngược xuôi mới là cuộc sống.
Tôi ngưỡng mộ những phương xa, còn bởi vì trên đường tới phương xa có biêt bao sân ga, trên sân ga có biết bao câu chuyện, trong câu chuyện lại có biết bao người bạn quen biết và không quen biết, bạn bè mỗi người dùng một cách thức tiễn đưa riêng, để thể hiện tình cảm của mình.
Đời người là lưu động, cuộc sống cũng là lưu động, nhưng tình cảm thì mãi còn đứng lại cùng với sân ga vẫy tay tiễn biệt.
Tiễn biệt có lẽ chỉ là khúc nhạc đệm trong cuộc sống, nhưng lại in sâu vào trong ký ức, nó không chỉ đơn thuần là một lễ nghi, trên sân ga vẫn luôn tràn đầy tình cảm ấm áp. Khi chúng ta đến sân ga tiễn đưa một người, trong lòng chúng ta tràn ngập tình cảm chân thật, ấm áp.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.