Những Việc Cần Làm Trong Đời Người

74 HỌC CÁCH SỐNG CÙNG VỚI MỌI ÁP LỰC



Bất luận là ai, chỉ cần sống trên cái thế giới này thì đều không thể thoát khỏi phải chịu áp lực. Nếu đã như vậy, học cách ứng phó một cách tốt nhất với những áp lực ngày càng đè nặng lên người chúng ta là điều hết sức cần thiết.

Cơ thể con người chúng ta được thiết kế để đối phó những sự nguy hiểm bất ngờ, có thể sinh ra những phản ứng tích cực. Khi phải đối mặt với sự sinh tử tồn vong bất ngờ, áp lực sẽ xuất hiện ngay sau giây lát. Đây cũng là lúc chúng ta có thể phát huy được tiềm năng lớn nhất vốn có. Lúc này, cơ thể chúng ta sẽ nhanh chóng tiết ra chất dịch ở tuyến thượng thận rồi chảy vào máu, tạo ra phản ứng cực nhanh đối với nguy hiểm mà chúng ta ý thức được. Giống như một số người trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc, từ trước mũi xe cứu thoát một em bé hoặc một con vật nhỏ bé, sự căng ra đột ngột của thần kinh sẽ khiến cho tinh thần của con người duy trì trong một trạng thái cao độ. Chúng ta đột nhiên phải chịu một sức ép cực lớn, nhưng đồng thời cũng đẩy trạng thái tinh thần và khả năng của cơ thể lên đến tột đỉnh.

Học viện Amherst đã từng tiến hành một cuộc thí nghiệm, họ dùng một cái lồng sắt chụp chặt lấy quả bí ngô nhỏ để quan sát xem khi quả bí ngô dần dần lớn lên nó tạo nên lực ép lớn như thế nào với cái lồng sắt này. Các nhà nghiên cứu hy vọng là có thể biết được trong quá trình này, quả bí và cái lồng sắt sẽ tác động và sản sinh ra một lực bằng bao nhiêu để tính xem quả bí ngô này có thể chịu được lực ép là bao nhiêu.

Lúc đầu mọi người đều cho rằng quả bí ngô này có thể chịu được lực ép lớn nhất là khoảng 500 pound (1 pound 450g).

Trong tháng đầu tiên của cuộc thí nghiệm, quả bí ngô này đã chịu được lực ép là 500 pound; bước sang tháng thứ 2 nó đã chịu được lực ép là 1500 pound. Khi nó chịu lực ép đến 2000 pound thì các nhân viện nghiên cứu đã tiến hành gia cố cái lồng sắt này để tránh không cho quả bí ngô này làm cho cái lồng sắt bị dãn phình ra.

Cuối cùng thì cuộc thí nghiệm cũng đến hồi kết thúc, quả bí ngô này chịu lực ép tới 5000 pound mới bị nứt ra. Khi họ bổ quả bí ngô này ra thì phát hiện rằng quả bí ngô này không thể ăn được nữa bởi vì ruột của nó đầy những tầng xơ dai chắc bện chặt vào nhau để nhằm phá vỡ cái lồng chụp bằng sắt. Để hấp thụ chất dinh dưỡng cần thiết nhằm phá vỡ cái lồng sắt kìm hãm sự phát triển của nó, rễ của nó đã vươn dài tới hàng chục cây số, rễ của nó vươn ra theo các phương hướng khác nhau, cuối cùng thì quả bí ngô đã chiếm hết diện tích và chất dinh dưỡng của cả cái vườn này.

Người ta thường dùng câu nói “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” (người mà không biết lo tính xa, sẽ gặp phải khó khăn ngay trước mắt) để biểu thị áp lực luôn tồn tại xung quanh chúng ta. Mỗi lứa tuổi thì áp lực có đặc thù riêng:

Ví dụ thời thanh thiếu niên, áp lực học hành là chính; khi trưởng thành thì lại phải chịu áp lực gia đình và công việc; về già thì lại phải đối mặt với áp lực về hưu, cô đơn, cái chết.

Vai trò khác nhau thì áp lực cũng khác nhau, áp lực của thầy giáo không giống với áp lực của học sinh; áp lực của người quản lý phải chịu không giống với áp lực mà người công nhân phải chịu; áp lực của bố mẹ và con cái hoàn toàn không giống nhau… một người đảm nhận nhiều vai trò khác nhau nên họ cũng phải chịu nhiều áp lực khác nhau.

Phải đối phó thế nào với áp lực của cuộc sống?

Không nên ôm đồm nhiều việc nhỏ nhặt. Chúng ta thường ôm đồm nhiều việc nhỏ nhặt, thực ra những việc này chẳng có gì là to lớn quan trọng cả, nhưng chúng ta lại tập trung vào những vấn đề nhỏ, phóng đại các vấn đề này lên quá mức, mất sức lực vì những việc nhỏ nhặt này, vậy là chúng vô tình đã tăng thêm sức ép của bản thân mình.

Cẩn thận đề phòng ý nghĩ của bạn sẽ ngày càng trầm trọng. Bạn càng tập trung vào những chi tiết khiến cho bạn buồn phiền, thì lại càng cảm thấy tồi tệ, những ý nghĩ cứ luân phiên nhau hành hạ bạn cho đến khi bạn tiều tụy không nhận ra nữa. Cần phải kịp thời ngăn chặn và phòng chống từ trước, và cần phải kiểm soát tâm trạng của mình, đừng để cho tâm trạng thất thường lừa dối mình, nhìn đời với tâm trạng tiêu cực, nếu không thì áp lực cỏn con cũng có thể biến thành áp lực cực lớn trong nháy mắt.

Hãy tập thả lòng rồi đếm đến 10. Khi bạn cảm thấy phải chịu áp lực, hãy hít vào một hơi thật sâu rồi bắt đầu đếm 1, sau đó thả lỏng toàn thân và nhè nhẹ thở ra cho đến khi đếm đến 10, lặp đi lặp lại nhiều lần động tác này. Phương pháp này sẽ giúp chúng ta đơn giản hoá các sự việc, vì thế mà áp lực cũng dần dần biến mất.

Nếu như trong cuộc sống chúng ta cứ thường xuyên tức giận, buồn lo, ưu tư, thì cuộc sống của chúng ta cũng sẽ trở nên như vậy và vẻ bên ngoài của chúng ta cũng sẽ như vậy, vì thế nên người ta mới nói là “Tướng do tâm sinh” (vẻ bên ngoài của con người được chi phối bởi nội tâm).

Ngược lại, nếu bạn luôn tập kiên nhẫn, thư giãn và luôn có thái độ lạc quan, tích cực, chịu khó học hỏi, thì khi phải đối mặt với áp lực, bạn vẫn có thể ung dung đối phó và hóa giải được nó.

***

Hãy thử làm trắc nghiệm sau đây xem khả năng đối phó với áp lực của bạn thế nào:

  1. Gia đình bạn có luôn hỗ trợ bạn không? nếu bạn trả lời là có, thì cộng 10 điểm.
  2. Bạn quyết tâm theo đuổi 1 sở thích với 1 thái độ tích cực? Nếu có cộng 10 điểm.
  3. Bạn tham gia vào đoàn thể xã hội mỗi tháng ít nhất hội họp 1 lần? nếu có cộng 10 điểm.
  4. Căn cứ vào sức khỏe, tuổi tác, chiều cao để kiểm tra trọng lượng của bạn, nếu như trọng lượng cơ thể của bạn nằm trong phạm vi lý tưởng thì cộng 15 điểm.
  5. Bạn có thường xuyên làm cho mình thư giãn không? ít nhất 1 tuần 3 lần, bao gồm thư giãn thần kinh, tĩnh tâm, tưởng tượng, tập Yoga? Nếu có cộng 15 điểm.
  6. Kiên trì rèn luyện thân thể đều đặn mỗi lần ít nhất nửa tiếng, nếu vậy mỗi lần cộng 5 điểm.
  7. Mỗi ngày ăn ít nhất 1 bữa đầy đủ chất dinh dưỡng, nếu có cộng 5 điểm.
  8. Hàng tuần đều làm những việc mà mình yêu thích, nếu có cộng 5 điểm.
  9. Trong nhà bạn có phòng riêng cho một mình bạn ở và thư giãn không? nếu có cộng 10 điểm.
  10. Nếu như bình quân mỗi ngày bạn hút 1 bao thuốc, trừ 10 điểm.
  11. Nếu bạn có thể khéo léo sắp xếp thời gian hàng ngày, cộng 10 điểm.
  12. Bạn có phải thường xuyên nhờ vào thuốc ngủ hoặc uống rượu mới ngủ được không? nếu cứ 1 tuần 1 lần thì trừ 5 điểm.
  13. Ban ngày bạn có phải nhờ đến uống rượu hoặc thuốc an thần để ổn định tâm trạng bồn chồn nôn nóng của mình không? nếu như cứ 1 tuần 1 lần, trừ 10 điểm.
  14. Bạn có thường xuyên mang công việc của cơ quan về nhà tranh thủ làm không? nếu có trừ 10 điểm

Điểm số càng cao thì khả năng đố phó với áp lực của bạn càng lớn. Nếu như điểm số của bạn trên 60 điểm, thì chứng tỏ bạn đã có đủ khả năng để ứng phó với những áp lực thông thường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.