Những Việc Cần Làm Trong Đời Người
85 ĐẦU TƯ CHO SỨC KHỎE – BIẾT CÁCH CHĂM SÓC MÌNH
Các bậc thánh hiền Ấn Độ cổ đại gọi sức sống của một con người khỏe mạnh là “prana”, còn người Trung Quốc thì gọi là “khí”, các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau đều có tên gọi khác nhau đối với sức sống của con người, nhưng bất luận gọi như thế nào thì đều có chung một nội dung đó là chỉ sự duy trì trạng thái cân bằng giữa thể xác và tâm hồn, khiến cho bạn có được sức sống, sự nhiệt tình, đầu óc tỉnh táo, sự điều hòa cơ thể nhịp nhàng, sức đề kháng, chỗ dựa tinh thần và sự cảm thụ vui sướng hạnh phúc.
Nhà triết học Đức Sôpenhaoơ đã nói: “Trong mọi niềm hạnh phúc, sức khỏe là quý giá hơn tất cả, chúng ta có thể nói một người ăn mày khỏe mạnh thì còn hạnh phúc hơn rất nhiều một ông vua ốm yếu”.
Những người yêu quý cuộc sống nhất định sẽ yêu quý sức khỏe, sức khỏe là vốn liếng của cả đời người.
***
Có một lão nhà giàu nọ vì phạm tội nên bị giải đến quan huyện để xét xử. Để chứng minh là một viên quan thanh liêm, viên quan huyện đã đưa ra 3 loại hình phạt khác nhau để cho lão nhà giàu đó lựa chọn:
Hình phạt thứ nhất: nộp phạt 50 lượng bạc
Hình phạt thứ hai: đánh 50 roi
Hình phạt thứ ba: ăn sống 2,5kg tỏi
Sau khi nghe xong lão nhà giàu vừa sợ mất tiền lại vừa sợ bị đánh đòn thế là lão đã chọn hình phạt thứ ba.
Dưới sự chứng kiến của mọi người, lão nhà giàu bắt đầu ăn tỏi sống, “ăn tỏi thì có gì là ghê gớm đâu, vừa không đau lại không phải mất tiền, đây đúng là một hình phạt nhẹ nhất”. Lão nhà giàu nghĩ như vậy khi ăn hết củ tỏi đầu tiên. Nhưng lão ta càng ăn thì lại càng cảm thấy khó chịu, khi mới ăn hết 1kg, lão ta cảm thấy lục phủ ngũ tạng như bị đảo lộn, giống như bị lửa đốt, lão ta giàn giụa nước mắt kêu lên: “Đại nhân, tôi không thể nào ăn tiếp được nữa rồi, tôi xin chịu hình phạt 50 roi”.
Viên quan huyện ra lệnh cho nha dịch lột áo của lão nhà giàu ra, sau đó để lão nằm trên một chiếc ghế dài rồi đem roi da đến cho vào nước muối ngâm sau đó sát bột ớt vào roi. Tất cả việc này đều diễn ra ngay trước mặt lão nhà giàu làm cho lão ta sợ mất mật, mồ hôi vã ra như tắm. Khi chiếc roi quật vào lưng lão nhà giàu, lão ta đau quá gào lên như con lợn bị chọc tiết. Khi đánh đến roi thứ 10 thì lão ta không tài nào chịu nổi nữa bèn kêu lên: Thanh thiên đại lão gia, tôi đau quá, xin đừng đánh nữa, tôi xin nộp đủ 50 lạng bạc”.
Có rất nhiều việc cũng giống y như thế này. Ví dụ như có không ít người vì tiếc tiền nên coi thường cả sức khỏe của mình, chỉ đến khi chịu không nổi nữa, không thể không móc tiền ra thì đã quá muộn rồi.
***
Sức khỏe chính là lúc nó mất đi rồi, bạn mới giật mình phát hiện ra nó đã từng tồn tại, thì mới hiểu được là mình đáng lẽ ra phải yêu quý nó, mới nhận ra là trước đây mình đã xem nhẹ nó, và bạn mới cảm thấy được là bạn không thể thiếu nó được.
Sức khỏe chỉ mới rời xa bạn một lát, mà bạn đã có sự cảm nhận sâu sắc như thế này; giả sử như nó vĩnh viễn rời xa bạn, có lẽ bạn sẽ cảm thấy cả cái thế giới này đều trở nên vô nghĩa, đều là khiến cho người ta thật khó chịu đựng. Đây chính là sức mạnh của sức khỏe.
Một cuộc sống khỏe mạnh trước tiên phải ăn uống hợp lý, bao gồm ăn nhiều các loại hoa quả rau tươi, các hợp chất đường, chất protein dễ tiêu hóa, uống nhiều nước, giảm thiểu ăn các loại thức ăn ướp muối rán dầu mỡ. Vận động cũng rất quan trọng, bởi vì vận động có thể giúp cho cơ thể khôi phục tinh lực. Sự vận động tốt nhất là các hoạt động ngoài trời, bầu không khí trong lành và sự phong phú về cảnh sắc sẽ làm cho bạn vui vẻ và hứng thú cao độ. Duy trì sự khỏe mạnh về tâm lý có thể giúp bạn giải tỏa tâm trạng không tốt ở trong lòng, giảm thiểu áp lực tinh thần căng thẳng của bạn.
Con vịt thường dùng mỏ lấy chất dầu từ cái túi ở phao câu ra rồi bôi lên trên bộ lông của chúng để làm cho bộ lông nhẵn mượt và không thấm nước. Chúng ta cũng cần phải bớt chút thời gian để chăm sóc mình. Đầu tư cho sức khỏe là sự đầu tư không hề có rủi ro và chỉ có lợi nhuận mà thôi:
1. Đầu tư về mặt tri thức: cần phải có một chút kiến thức về y học. Trong sách “Hoàng Đế Nội kinh” có nói: “Phù đạo giả niên giai bách tuế” (những người hiểu được cách dưỡng sinh đều rất trường thọ). Nhà bác học người Anh lớn nhất thời Trung Cổ Bây-Cơn đã nói: “Sự hiểu biết của con người đối với tri thức y học sinh lý là một liều thuốc bổ”. Dưỡng sinh chú trọng và phòng ngừa. Muốn không mắc bệnh, ít mắc bệnh hoặc khi mắc bệnh có thể sớm được chẩn đoán và điều trị thì cần phải hiểu được kiến thức về sức khỏe y học cơ bản, cần phải biết được cách thức dưỡng sinh.
Từ cổ chí kim, người biết cách dưỡng sinh, luôn coi trọng sức khỏe bản thân thường là những người trường thọ.
2. Đầu tư về thời gian: Bớt chút thời gian rèn luyện thân thể. Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta hay thấy một số người thành công trong sự nghiệp nhưng lại đánh mất sức khỏe, thậm chí sớm từ giã cõi đời. Đối với những người này mà nói, muốn thành công trong sự nghiệp thì phải trả giá bằng sức khỏe của mình; muốn giữ được sức khỏe tốt sẽ tổn hại đến sự nghiệp. Nhưng họ đã quên mất một điều là: sự nghiệp và sức khỏe là một thể thống nhất của sự mâu thuẫn, không có sức khỏe thì còn nói đến sự nghiệp gì nữa!
Khi sự nghiệp và sức khỏe nảy sinh mâu thuẫn, lùi một bước có thể tiến được hai bước, một bước cũng không chịu lùi, sức khỏe và sự nghiệp thường đều đi vào ngõ tận.
3. Đầu tư về nghị lực: cần phải cho mình nếm trải một chút khổ, yếu tố quan trọng nhất rèn luyện sức khỏe là các hoạt động đều đặn phù hợp, kích hoạt tối đa các hệ thống của cơ thể và tiềm năng của các cơ quan, thúc đẩy sự lớn mạnh của thể chất, làm cho các cơ năng của cơ thể luôn ở vào “trạng thái tốt nhất”. Rèn thì dùng búa tạ, luyện thì phải dùng lửa hồng, người có chí rèn luyện đều phải nếm trải mùi khổ. Kết quả nghiên cứu điều tra cho thấy, người trung niên nếu kiên trì tập luyện có thể kéo dài thêm tuổi thọ từ 10 – 25 năm, chiến thắng chính mình sẽ cảm thấy niềm vui của sự khỏe mạnh.
Đầu tư về tiền bạc: bỏ ra một chút tiền để đổi lại sức khỏe. Trước sự hấp dẫn của các thông tin về dưỡng sinh hiện đại thật giả lẫn lộn, có không ít người đã làm theo quảng cáo, đã uổng phí mất vô khối tiền bạc để đầu tư cho sức khỏe. Sự đầu tư mù quáng như thế này đôi khi không những không đem lại kết quả mà còn rước họa vào thân. Vậy thì đầu tư vào sức khỏe như thế nào? Tri thức về rèn luyện sức khỏe là liều thuốc bổ quý giá nhất, cần phải bỏ tiền ra để mua các loại sách báo tạp chí về sức khỏe, các dụng cụ tập luyện sức khỏe là công cụ thường dùng vì vậy cũng không được tiếc tiền; từ thực tế rèn luyện sức khỏe cho thấy cần phải điều tiết ăn uống, coi trọng khẩu phần thức ăn. Chú ý phối hợp giữa các thức ăn khác nhau, ăn là để lấy chất dinh dưỡng, tiêu tiền là để mua chất dinh dưỡng chứ không phải là để mua lấy “cái ngon đánh lừa miệng”.
***
Hãy dựa vào tiêu chí “5 nhanh 3 tốt” sau đây để kiểm tra sức khỏe cơ thể và tâm lý của bạn:
A. Dùng “5 nhanh” để kiểm tra tình trạng sức khỏe cơ thể:
- Ăn nhanh: khi ăn thấy ngon miệng, không kén chọn, có thể nhanh chóng ăn xong một bữa cơm, điều này chứng tỏ chức năng nội tạng của bạn bình thường.
- Nói nhanh: ngôn ngữ biểu đạt chính xác, nói lưu loát. Chứng tỏ đầu óc bạn nhanh nhạy, chức năng phổi bình thường.
- Đi nhanh: đi lại ung dung, các hoạt động nhanh nhẹn, nói rõ bạn có tinh lực dồi dào, tình trạng cơ thể rất tốt.
- Chìm vào giấc ngủ nhanh: khi buồn ngủ chỉ cần lên giường nằm một lát là đã ngủ được ngay, mà lại còn ngủ say, sau khi tỉnh dậy tinh thần sảng khoái, đầu óc tỉnh táo, điều này chứng minh chức năng hưng phấn, ức chế của hệ thần kinh trung ương rất điều hòa.
- Đi vệ sinh nhanh: điều này chứng tỏ chức năng dạ dày, ruột, thận của bạn rất tốt.
B. Dùng “3 tốt” để kiểm tra tình trạng sức khỏe về tâm lý của bạn:
- Cá tính tốt: tâm trạng ổn định, tính cách ôn hòa, ý chí kiên cường, giàu tình cảm, lòng dạ thẳng thắn, hào phóng lạc quan.
- Khả năng đối nhân xử thế tốt, nhìn nhận vấn đề khách quan, hiện thực, có khả năng tự khống chế tốt, có thể ứng phó được với môi trường phức tạp, giữ được tâm trạng tốt đối với sự thay đổi của sự việc, có cảm giác thỏa mãn.
- Quan hệ giao tiếp tốt, rộng lượng với mọi người, quý trọng tình bạn, vui vẻ giúp đỡ người khác, luôn làm việc thiện, có quan hệ tốt với mọi người, không khắt khe bới móc, không so đo tính toán.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.