Những Việc Cần Làm Trong Đời Người

87 THỂ NGHIỆM MỘT LẦN CUỘC SỐNG TRONG QUÂN ĐỘI – TĂNG CƯỜNG TÍNH KỶ LUẬT VÀ TINH THẦN TRÁCH NHIỆM



Người tự trọng tất sẽ có tính kỷ luật; tính kỷ luật không phải là vấn đề đạo đức mà là vấn đề mỹ quan. Tính kỷ luật xuất phát từ nội tâm, tính kỷ luật là nghe theo mệnh lệnh của bản thân. Vì vậy những người tự trọng tinh thần rất kiên định và rất có sức hấp dẫn.

Tinh thần trách nhiệm nó có thể giày vò con người ta thì nó cũng có thể khiến cho người ta hoàn thành những việc phi thường.

Trong môi trường quân đội là nơi tốt nhất để làm tăng thêm tính kỷ luật và ý thức trách nhiệm. Điều này sẽ có lợi cho bạn suốt đời.

***

Trong những năm tháng của cuộc giao tranh giữa nước Anh và Tây Ban Nha cách đây hơn 200 năm, cứ điểm quan trọng Gibrraltar do quân Anh chiếm giữ. Nơi đây địa thế hiểm yếu nhưng chỉ có một số lượng ít quân Anh chiếm giữ.

Vào một đêm, tư lệnh cứ điểm một mình đi quan sát các pháo đài xem xem có sự sơ suất nào trong phòng bị không.

Khi ông đi đến một pháo đài thì nhìn thấy một binh sỹ đang đứng gác trong tư thế nghiêm trang.

Khi nhìn thấy tướng quân đến, đúng ra người lính gác này phải đưa súng lên vai để chào. Nhưng người lính gác này lại đứng im lìm bất động.

Vị tướng quân này cảm thấy có cái gì đó bất thường bèn tiến đến rồi hỏi người lính gác này: “Nhà ngươi có nhận ra ta không? Tại sao không chào ta?”.

Người binh sỹ bèn trả lời: “Thưa tướng quân, tôi đương nhiên là nhận ra tướng quân. Nhưng tay tôi đau quá không nhấc lên được bởi vì cách đây mấy phút ngón tay tôi đã bị trúng đạn của kẻ thù”.

“Thế tại sao không đi băng bó vết thương ngay?”

“Bởi vì một người lính gác không được phép rời khỏi vị trí của mình khi chưa có người khác thay ca trực cho mình”.

Nghe thấy người lính gác nói như vậy vị tướng quân này bèn nhảy ngay xuống ngựa và nói: “Anh bạn, đưa súng đây cho tôi, tôi gác thay anh, anh mau đi băng bó vết thương đi!”.

Người lính gác liền phục tùng theo. Nhưng trước tiên anh ta chạy về doanh trại tìm một người lính khác ra thay thế cho tướng quân, sau đó mới chạy đến quân y viện gần đó. Do bị mất đi ngón tay trỏ nên người lính gác này không thể sử dụng linh hoạt các loại vũ khí được, anh ta được cho trở về phục viên.

Nữ hoàng Anh đã đích thân ra đón người binh sỹ này, để biểu dương tinh thần tận trung hết trách nhiệm của anh ta, Nữ hoàng đã đặc cách phong cho anh ta trở thành một sỹ quan chỉ huy quân đội.

***

Nếu như bạn chưa từng đi lính bao giờ, vậy thì bạn hãy tìm cơ hội đến doanh trại quân đội để tìm hiểu cuộc sống ở đó có lẽ sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn. Sinh viên đại học mới nhập trường sẽ không bao giờ quên những ngày tháng tập quân sự, bởi vì họ đã học được một bài học cực kỳ quan trọng trong những ngày tháng này: tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và sứ mệnh của mình. Chỉ có trải qua sự rèn luyện vất vả gian khổ mới hiểu được ý nghĩa của nó.

Sau khi chịu sự trói buộc của kỷ luật nghiêm khắc, tính kỷ luật sẽ trở thành một thói quen trong đời người. Đúng như Erich Fromm đã nói: “Nếu như lý trí của con người có thể chỉ đạo hành động của con người một cách có hiệu quả thì chúng ta sẽ không bao giờ bị những thứ tình cảm vô lý chi phối”.

Nếu như chúng ta muốn sống một cách có mục đích, có hiệu quả thì cần phải tăng cường tính kỷ luật của bản thân, tính kỷ luật là khả năng chỉ đạo điều hành mọi hành động của chúng ta trong một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành một nhiệm vụ đặc biệt nào đó. Nếu một người nào đó mà không có tính kỷ luật anh ta sẽ không thể có đủ tự tin để đối mặt với thách thức của cuộc sống. Tính kỷ luật yêu cầu con người ta phải vứt bỏ sự vui sướng trước mắt vì mục tiêu lâu dài. Đây chính là khả năng đặt kết quả vào tương lai, tức là mở rộng tầm mắt để suy nghĩ tính toán. Thiếu đi tố chất này, thì cho dù là cuộc sống cá nhân hay sự nghiệp công tác đều không thể tiến hành một cách có hiệu quả và không thể phát triển tốt đẹp được. Tính kỷ luật quan hệ mất thiết đến sự thành bại của đời người và sự nghiệp. Có nghĩa là cuộc sống thành công không thể thiếu nó được. Nếu như muốn thực sự làm chủ vận mệnh của mình, thì đây là một trong những điểm mấu chốt.

Cuộc sống có mục đích, có kỷ luật không có nghĩa là chúng ta không được phép bỏ một chút thời gian ra để nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hoặc hưởng thụ thỏa thích. Nó chỉ yêu cầu chúng ta lựa chọn các hoạt động này một cách có ý thức, nó giúp cho bạn biết rõ được khi bạn làm một việc gì đó, tất cả đều an toàn và thích hợp. Bất luận nói thế nào, tạm thời vứt bỏ mục đích lại chính là một mục đích, bất luận lúc đó chúng ta có ý thức được điều này hay không, loại mục đích này gọi là tái sinh.

Trách nhiệm là một cái roi vô hình. Lúc còn nhỏ, dưới sự che chở đùm bọc của bố mẹ nên chúng ta không cảm nhận được sự tồn tại của nó, nhưng khi chúng ta có khả năng tự lập rồi khi bước vào xã hội, trách nhiệm sẽ quấn vào người chúng ta từng vòng từng vòng một.

Là một người con, chúng ta chỉ cần học tốt, thi cử đỗ đạt thì bố mẹ thầy cô đã cảm thấy mãn nguyện rồi, khi làm một người chồng, người vợ sẽ kính trọng kỳ vọng vào chúng ta, cuộc sống sẽ thôi thúc chúng ta tạo dựng nên một gia đình nhỏ hạnh phúc, chúng ta không thể không cố gắng kiếm tiền để nhằm có được sự tự tôn và thoải mái về mặt vật chất.

Trong hành trình cuộc đời, trách nhiệm của chúng ta chỉ có mỗi ngày một nặng thêm chứ không bao giờ ngày một nhẹ đi. Trách nhiệm còn nhiều thì chứng tỏ năng lực của chúng ta càng lớn, nếu không người khác sẽ không dám tuỳ tiện giao phó mọi trách nhiệm lên người chúng ta. Người có trách nhiệm đời người sẽ tốt đẹp, từng phút từng giây, chúng ta đều cảm nhận được vị ngọt và sự ổn định của cuộc sống trong những công việc thầm lặng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.