Lolita
Chương 2 phần 1
Giờ đây, khi đọc phần tiếp theo, độc giả nên ghi nhớ trong đầu không chỉ riêng vòng tuần du nói chung như đã phác họa ở trên, với nhiều rẽ ngang cùng những bẫy nhử du khách, những đường vòng phụ và né tránh quanh co, mà cả việc chuyến đi của chúng tôi tuyệt đối không phải là một partie de plaisir* (cuộc du ngoạn) lười nhác, mà là một phát triển gay go, ngoắt ngoéo mang tính mục đích, mà raison d’être* (lí do tồn tại) của nó – những cụm từ Pháp khuôn sáo này chất chứa triệu chứng – là nhằm giữ cho người bạn đường của tôi vui vẻ trong khoảng thời gian giữa hai cái hôn.
Lần giở những trang nhàu nát của cuốn sách hướng dẫn du lịch, tôi lờ mờ hình dung lại Vườn Mộc Lan ở một bang miền Nam, khu du lịch đã làm tôi tốn mất bốn đô la và là nơi mà theo sự quảng cáo của cuốn sách, du khách nhất thiết phải tới thăm vì ba lí do: vì John Galsworthy[1] (một tay nhà văn đã chết ngắc từ lâu[2]) đã ca ngợi nó là khu vườn đẹp nhất thế giới; vì năm 1900, nó đã được sách Hướng dẫn của Baedeker đánh dấu một sao; và cuối cùng vì… Ôi, Độc Giả, Độc Giả của tôi thử đoán xem!… bởi vì trẻ con (và chu cha! Lolita chẳng phải là trẻ con sao?) sẽ “kính cẩn dạo bước trong cái ấn tượng sơ khởi về Thiên đường, mắt sáng long lanh, hấp thụ cái Đẹp có thể nhuần thấm cả một đời người”. “Không phải đời tôi,” Lo lầm lầm nói và ngồi xuống một chiếc ghế băng với hai tờ báo Chủ nhật trên cặp đùi kiều diễm.
[1] Nhà văn Anh (1867-1933), tác giả của bộ tiểu thuyết Saga của dòng họ Forsyte.
[2] Nguyên văn: “stone-dead” (chết cứng), một số lần xuất bản đầu tiên in nhầm là “stone-deaf” (điếc đặc).
Chúng tôi lui tới qua lại hết lần này đến lần khác cả loạt nhà hàng Mĩ ven đuờng, từ loại Quán Ăn hạ cấp với tấm biển đầu hươu (vệt nước mắt đen sẫm chảy dài từ tuyến lệ), những bưu ảnh “hài hước” kiểu hậu “Kurort” [3], những tờ hóa đơn thanh toán của khách cắm trên một thanh nhọn, những viên kẹo bạc hà, kính râm, những hình ảnh quảng cáo kem trái cây siêu phàm, nửa chiếc bánh sô-cô-la dưới một cái chuông thủy tinh và mấy con ruồi lõi đời tinh quái khủng khiếp lượn dích dắc bên trên lớp nước đường dính nháp đổ lên mặt quầy tởm lợm; cho chí những nơi cực đắt tiền với ánh đèn mờ dịu, với khăn bàn lố lăng tồi tàn, những bồi bàn vụng về (cựu tù nhân hoặc sinh viên), cái lưng khoang của một nữ tài tử điện ảnh, cặp lông mày như lông chồn của bạn tình lúc đó của nàng và một dàn nhạc trompét với những nhạc công vận com lê zoot [4].
[3] Tiếng Đức: nhà nghỉ có suối nước khoáng nóng.
[4] Mốt thời thượng hồi những năm 40 của thế kỉ trước gồm mũ chóp bằng vàng dựng, vét-tông rộng vai dài chấm đùi và quần thụng.
Chúng tôi đã tham quan khối thạch nhũ lớn nhất thế giới ở một hang đá, nơi diễn ra một cuộc họp gia đình của ba bang miền Đông Nam; giá vé vào cửa tùy theo tuổi; người lớn một đô la; vị thành niên sáu mươi cent. Một cột tháp bằng granit tưởng niệm Trận Blue Licks[5] với những hài cốt cũ và đồ gốm Anhđiêng trong nhà bảo tàng gần đó, Lo chỉ phải trả mười cent để vào cửa, giá rất phải chăng. Căn nhà gỗ hiện tại là bản sao táo bạo của căn nhà cũ, nơi Lincoln[6] ra đời. Một phiến đá với tấm biển tưởng niệm tác giả bài thơ “Cây”[7] (lúc này, chúng tôi đang ở Poplar Cove, bang Bắc Carolina, con đường dẫn tới đây bị cuốn sách hướng dẫn du lịch hòa nhã, độ lượng và bình thường rất kiềm chế của tôi đánh giá một cách giận dữ là “rất hẹp, bảo dưỡng tồi”, điều mà tôi hoàn toàn đồng ý, mặc dù tôi không hề là tín đồ của Kilmer). Từ một chiếc xuồng máy thuê, lái bởi một Bạch vệ Nga lớn tuổi nhưng vẫn còn đẹp trai một cách ghê tởm, người ta nói đó là một nam tước (cô bé Lo ngốc dại đã thấy lòng bàn tay mình ươn ướt), người đã từng quen biết tay Maximovich và Valeria ở California, chúng tôi có thể nhìn thấy “khu triệu phú” bất khả xâm nhập trên một hòn đảo bên ngoài bờ biển Georgia. Chúng tôi còn tham quan nhiều thứ khác: một bộ sưu tập bưu ảnh các khách sạn châu Âu trong một bảo tàng về thú tiêu khiển tại một khu nghỉ mát ở bang Mississippi, trong đó, với một trào dâng nóng hổi tự hào, tôi phát hiện thấy một tấm hình màu chụp khách sạn Mirana của cha tôi với những tấm mành sọc, lá cờ phất phới bay trên những cây cọ được sửa nét bằng bút lông. “Thế thì có gì là chúa?” Lo nói, hiếng mắt nhìn gã da bánh mật, chủ nhân chiếc xe đắt tiền, đã lẽo đẽo theo chúng tôi vào nhà Bảo tàng Thú Tiêu Khiển[8]. Những di vật của thời kì bông. Một khu rừng ở Arkansas và, trên bờ vai nâu của Lo, một nốt sưng nẫn tim tím (tác phẩm của một con muỗi mắt nào đó) mà tôi dùng đầu móng tay cái nhể cái ngòi đẹp và trong suốt của nó ra rồi mút cho đã chất máu cay cay của em. Phố Bourbon (ở một thành phố tên là New Orleans) mà sách hướng dẫn du lịch nói là những vỉa hè ở đó “có thể (tôi thích cái từ “có thể”) thành nơi trình diễn của bọn nhóc đen, chúng sẵn sàng (hai tiếng “sẵn sàng” thậm chí nghe còn thích hơn) nhảy clakét kiếm dăm xu lẻ” (vui ghê!) “trong khi rất nhiều hộp đêm nho nhỏ, thân mật đông nghịt khách” (sàm sỡ). Những bộ sưu tập về truyền thuyết biên giới. Những ngôi nhà thời trước chiến tranh li khai với ban công dàn sắt mắt cáo và cầu thang chạm trổ thủ công, loại cầu thang mà trong những phim Technicolor rực rỡ, các bà các cô với bờ vai lung linh những nụ hôn nắng thướt tha bước xuống, đôi bàn tay nhỏ nhắn nâng cao vạt trước của chiếc váy viền ren với cái dáng điệu thật đặc biệt ấy trong khi người hầu gái da đen gật gật đầu trên thềm đầu cầu thang. Thăm Menninger Foundation, một bệnh viện tâm thần, chỉ để mua vui. Một tảng đất sét xói mòn thành hình tuyệt mĩ; và những bông hoa ngọc giá như sáp, trong trắng là thế, mà bị đám ruồi trắng bò lổm ngổm[9] làm ô uế. Independence, ở bang Missouri, điểm xuất phát của Đường Mòn Oregon Xưa; và cả Abilene[10] ở Kansas nữa, cái nôi của hội Rodeo[11] mang tên Will Bill-Gì-Gì-Đó. Núi Xa, Núi Gần. Tiếp tục nhiều núi khác nữa; những vẻ đẹp xanh mờ vẫn mãi là nơi không thể tới, hoặc đang biến thành những dãy đồi có người ở; những dãy núi phía Đông Nam, về độ cao, thua xa dãy Alpes; những khối tượng đá xám khổng lồ hằn những vân tuyết chọc thủng trời xanh, quặn thắt lòng người, những đỉnh cao khốc liệt từ đâu đột hiện ở một chỗ ngoặt của xa lộ; những rừng cây lấy gỗ kếch sù với những vạt cây thông tối sậm gối lên nhau, đây đó xen vào những mảng cây dương-lá-rung nhờ nhờ trắng; những cấu tạo màu hồng và tím nhạt, Pharaonic, phallic[12], “chữ nghĩa gì mà quá ư là tiền sử” (Lo chán chường nói vậy); những ụ nham thạch đen sì; núi đầu xuân mọc lông tơ voi con dọc sống lưng; núi cuối hạ co ro, các chi Ai Cập nặng nề của chúng gập lại dưới những nếp của lớp vải nhung màu hung bị nhậy cắn; những quả đồi màu be điểm những cây sồi tròn xanh lục; một ngọn núi cuối cùng màu nâu dịu với một thảm cỏ linh lăng dưới chân.
[5] Một trong những trận đánh lớn nhất của cuộc chiến tranh cách mạng Mĩ diễn ra vào ngày 19/8/1782, mười tháng sau khi Lord Cornwall đầu hàng ở Yorktown. Chiến thắng này đã thực sự chấm dứt cuộc chiến ở miền Đông.
[6] Abraham Lincoln (1809-1865), tổng thống thứ 16 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kì.
[7] Tác phẩm của Joyce Kilmer (1886-1918), nhà thơ trữ tình Mĩ.
[8] Một số độc giả ngờ ngợ rằng đây có thể là Quilty, nhưng Nabokov trả lời dứt khoát là không phải.
[9] Những côn trùng mà H. H. tưởng nhầm là “đám ruồi trắng bò lổm ngổm”, theo ghi chú của Nabokov, là một loài bướm thuộc giống Pronuba mà con cái có vai trò hỗ trợ việc thụ phấn của hoa ngọc giá. Trong côn trùng học, chúng được gọi là “bướm hoa ngọc giá” (yucca moth). Nên nhớ rằng Nabokov là một nhà côn trùng học cự phách, say mê săn bướm (xem chú thích ở “Lời mở đầu”).
[10] Independence và Abliene, hai “điểm xuất phát” của hai tổng thống Mĩ kế tiếp: Harry S. Truman (1884-1972) và Dwight D. Eisenhower (1890-1969).
[11] Cuộc hội tranh tài giữa các chàng chăn bò cow-boy: cưỡi ngựa quăng dây lasso, thuần phục ngựa dữ.
[12] Nguyên ăn câu này: “… pink and lilac formations, Pharonic, phallic…” Luôn chứng tỏ mình “chỉ còn có chữ mà chơi” (xem cuối chương 8, Phần Một), H. H. trộn một số chữ cái của từ “lilac” (màu tím nhạt) và từ “Pharaonic” (thuộc về vua Ai Cập cổ đại) thành “phallic” (thuộc về dương vật). Chúng tôi không tìm được cách biểu đạt tương đương bằng tiếng Việt cho thấu đáo tinh thần lộng ngữ đó nên đành để nguyên “Pharonic” và “phallic” và kèm theo chú thích.
Ngoài ra, chúng tôi còn tham quan: Tiểu Hồ Băng Trôi ở một nơi nào đó trong bang Colorado, và những bờ tuyết, và những đệm nhỏ cho những đóa hoa núi bé tí xíu, và lại tuyết nữa; Lo đội mũ chóp đỏ thử trượt trên bờ tuyết dốc, kêu re ré, bị đám thiếu niên choai choai ném những cục tuyết vào người, và cũng ném trả đũa, comme on dit*(như người ta nói). Những bộ xương cây-lá-rung bị thiêu cháy, những mảng hoa xanh hình mũi giáo. Những vật liệu linh tinh của một con đường thắng cảnh, hàng ngàn Bear Creek, Soda Spring, Painted Canyon[13], Texas, một dải đồng bằng bị hạn hán. Crystal Chamber (Phòng Pha Lê) trong hang động dài nhất thế giới, trẻ em dưới mười hai tuổi vào cửa miễn phí, Lo, một nữ tù nhân trẻ. Một bộ sưu rập tác phẩm điêu khắc “cây nhà lá vườn” của một phụ nữ sở tại, đóng cửa vào một sáng thứ Hai thảm hại, bụi, gió, đất héo khô. Conception Park, trong một thành phố ở biên giới Mexico mà tôi không dám vượt qua. Ở đó và nhiều nơi khác nữa, hàng trăm con chim ruồi xám trong hoàng hôn thăm dò cuống họng những bông hoa mờ tối. Shakespeare[14], một thành phố ma ở bang New Mexico, nơi Bill tên ác ôn người Nga bị treo cổ một cách hoành tráng bảy mươi năm trước. Những trại nuôi cá, những nhà ở cheo leo vách đá. Xác ướp của một đứa trẻ (người Anhđiêng cùng thời với nàng Bea ở Florence[15]). Hell’s Canyon[16] thứ hai mươi của chúng tôi. Gateway thứ năm mươi của chúng tôi, dẫn đến một điểm nào đó, cuốn sách hướng dẫn du lịch nói thế, giờ đây nó đã mất cả bìa. Háng tôi giần giật. Vẫn là ba ông già đội mũ và mặc quần có dải đeo ấy nhàn tản qua buổi chiều hè dưới hàng cây bên vòi phun nước trong công viên. Một phong cảnh mờ sương, xanh lơ bên kia lan can trên đèo và những cái lưng của một gia đình đứng ngắm cảnh (và Lo thốt lên trong một tiếng thì thầm nồng nhiệt, sung sướng, man dại, mãnh liệt, đầy hi vọng và tuyệt vọng – “Kia, gia đình McCrystal đấy, em xin mình, chúng ta hãy đến nói chuyện với họ đi, em xin mình đấy” – chúng ta hãy đến nói chuyện với họ đi, ôi độc giả! – “làm ơn đi, em xin làm bất cứ điều gì mình muốn, ôi, làm ơn đi…”). Những vũ điệu nghi lễ của người Anhđiêng, hoàn toàn thương mại. ART: American Refrigerator Transit Company. Hiển nhiên là Arizona, nhà ở của Người pueblo[17], những di tích của thổ dân ghi bằng chữ tượng hình, vết chân của một con khủng long trong một thung lũng – sa mạc, in dấu từ ba mươi triệu năm trước, khi tôi còn là một đứa trẻ. Một gã trai nhợt nhạt, gầy nhăng, cao chừng một mét tám, với cục hầu không ngừng lên lên xuống xuống, hau háu nhìn Lo và khoang bụng nâu hồng phơi trần của em, nơi tôi miệt mài hôn năm phút sau đó, Jack à. Mùa đông trong sa mạc, mùa xuân ở dưới chân núi, những cây hạnh nở hoa. Reno, một thành phố chán ngắt ở bang Nevada, người ta nói là sinh hoạt ban đêm ở đó “chín chắn và mang tính tứ xứ”. Một vùng sản xuất rượu vang ở bang California, với một ngôi nhà thờ xây theo hình thùng rượu vang[18]. Dead Valley. Lâu đài của Scott. Những tác phẩm nghệ thuật sưu tầm bởi một tay Rogers nào đó qua nhiều năm. Những biệt thự xấu xí của những nữ diễn viên kiều diễm. Dấu chân của R. L. Stevenson in trên một ngọn núi lửa đã tắt[19]. Mission Dolores: một cái đầu đề hay cho một cuốn sách. Những tràng hoa trang trí bằng sa thạch lổ đổ vết sóng vỗ bờ. Một người đàn ông lên cơn động kinh dữ dội lăn lộn trên mặt đất trong Công viên Bang mang tên Russian Gulch. Crater Lake[20] xanh xanh, xanh xanh. Một trại nuôi cá ở Idaho và trại giam của Bang. Công viên Yellowstone mờ tối với những suối nước nóng nhiều màu sắc, những mạch nước phun tí hon, bùn sủi bọt bảy sắc cầu vồng – đều là biểu tượng cho niềm đam mê của tôi. Một đàn linh dương trong một khu giữ nguyên hình thái hoang dã. Một hang động thứ một trăm, vé vào cửa người lớn một đô la, Lolita chỉ phải trả năm mươi cent. Một lâu đài do một hầu tước người Pháp xây ở Bắc Dakota. Corn Palace ở Nam Dakota; và những cái đầu to tướng của các tổng thống khắc trên vách đá granit cao ngất. Người Đàn Bà Râu Xồm đọc bài vè của chúng ta và giờ đây nàng không còn độc thân nữa[21]. Một vườn bách thú ở Indiana, trong đó một bầy khỉ rất đông sống trên một bản sao bằng xi măng của kì hạm Christopher Columbus. Hàng tỉ con thiêu thân chết hoặc ngắc ngoải, tanh mùi cá, la liệt ở tất cả các cửa sổ của tất cả các quán ăn trên bãi cát dọc bờ biển buồn tênh. Những con hải âu béo mập đậu trên những tảng đá lớn, có thể nhìn thấy chúng từ chiếc phàCity of Cheboygan nhả khói nâu mềm như len vắt vòng cung bên trên cái bóng xanh biếc của nó đổ trên mặt hồ màu ngọc lục. Một motel có ống thông hơi luồn dưới hệ thống cống rãnh của thành phố. Nhà của Lincoln, đa phần là đồ rởm, với những cuốn sách bày ở phòng khách và đồ đạc của thời đó, mà phần đông khách tham quan kính cẩn coi như đồ tư trang.
[13] Tên một số điểm du lịch.
[14] Thực ra, thành phố “ma” này không phải do Nabokov bịa ra, mà từng tồn tại: một thành phố được thành lập vào khoảng đầu những năm 1870 nằm trong một dự án khai thác mỏ đại qui mô. Dự án sớm bị đổ vỡ, do đó, địa danh này không được kể đến trong bất cứ cuốn Atlas nào.
[15] Chỉ Beatrice của văn hào Dante.
[16] Tên một điểm du lịch, một hẻm núi rộng 16 km dọc theo biên giới giữa Đông Oregon và Tây Idaho.
[17] Pueblo là một từ chỉ những cộng đồng những người Mĩ da đỏ ở vùng Tây Nam Hợp Chủng Quốc Hoa Kì.
[18] Điều này là có thật. Có thể hình dung lộ trình của H. H. và Lolita như sau: từ Nevada, vượt qua biên giới vào Dead Valley (Thung Lũng Chết), rồi đi xuống tới Los Angeles rồi tiếp tục theo bờ biển California ngược lên phía Bắc tới Oregon.
[19] Nhà văn Xcôtlen Robert Louis Stevenson (1850-1894), tác giả tiểu thuyết Đảo giấu vàng nổi tiếng, đã theo người đàn bà mình yêu đến California, sống ở đó một năm. Stevenson được chôn trên núi lửa Vaca ở Samoa; điều này có thể H. H. biết hoặc không biết, nhưng “ngọn núi lửa đã tắt” được nhắc tới ở đây là nơi Stevenson qua tuần trăng mật, núi St. Helena ở California. Tại đây có một đài tưởng niệm R. L. Stevenson, nhưng dấu chân thực của ông thì không.
[20] Crater Lake (Hồ trên miệng núi lửa) là một con hồ hình lòng chảo trên miệng một núi lửa đã tắt ở Klamath County, bang Oregon. Là trung tâm hấp dẫn của Vườn Quốc gia Crater Lake, hồ có chiều ngang 8 km, chiều dọc 10 km, sâu 350 m, nước xanh thẳm và trong suốt.
[21] Hãng sản xuất kem cạo râu Burma Shave Company, bắt đầu kinh doanh ở Mĩ từ năm 1925, phát kiến ra kiểu dựng bảng quảng cáo liên hoàn, từng bộ sáu chiếc một, mỗi chiếc ghi một câu, ghép lại thành bài vè, đại loại như: “The Bearded Lady/Tried a Jar/She’s Now a Famous/Movie Star/Burma Shave” (Cô nàng có râu/Dùng thử một lọ/Giờ đây nàng/Là ngôi sao điện ảnh/Lừng danh/Burma Shave). Từ 1925 đến 1965, dọc các con đường vùng nông thôn nước Mĩ nhan nhản những bảng quảng cáo này.
Chúng tôi đã có những cuộc cái lộn, lớn và nhỏ. Những lần to tiếng kịch liệt nhất diễn ra: ở Lacework Cabins, bang Virginia; ở Park Avenue, Little Rock, gần một ngôi trường; trên đèo Milner cao 3.570 mét, bang Colorado; ngay góc phố Seventh Street và Central Avenue thành phố Phoenix, bang Arizona; trên phố Third Street, Los Angeles vì vé vào tham quan một xưởng phim nào đó đã bán hết; trong một motel tên là Poplar Shade (Bóng Cây Dương), bang Utah, ở đó sáu cái cây dậy thì chẳng cao hơn Lolita của tôi là mấy và ở đó, à propos de rien* (nhân một chuyện không đâu), em hỏi tôi muốn chúng tôi tiếp tục sống trong những căn phòng ngột ngạt, cùng nhau làm những trò bẩn thỉu và chẳng bao giờ ứng xử như những người bình thường, bao lâu nữa? Ở N. Broadway, ở Burns, bang Oregon, ở góc W. Washington, trước cửa Safeway, một cửa hàng thực phẩm. Ở một thành phố nhỏ nào đó trong Thung lũng Mặt trời (Sun Valley) thuộc Idaho, trước một khách sạn xây bằng gạch, những viên gạch trắng nhờ nhờ và đỏ hòa lẫn vào nhau một cách tinh tế, đối diện với một cây dương xòa bóng lung linh như nước trùm lên Đài Liệt sĩ. Trong một vùng đất hoang toàn ngải đắng giữa Pinedale và Farson. Một nơi nào đó trong bang Nebraska, trên Phố Chính, gần Ngân hàng Quốc gia đầu tiên thành lập năm 1889, trông ra một ba-ri-e chắn tàu lửa đằng xa và phía bên kia là những ống đàn oóc trắng của một tháp xilô. Và trên phố McEwen, góc đường Wheaton Avenue ở một thành phố của bang Michigan mang tên hắn[22].
[22] “Hắn” đây là Clare Quilty. Trên thực tế, quả có một thành phố Clare thuộc bang Michigan. Nguyên văn đoạn này: “… in a Michigan town bearing his name”. Bản tiếng Pháp của Maurice Couturier năm 2005 (mà chúng tôi dùng tham khảo), một bản dịch mới được đánh giá cao hơn bản dịch đầu tiên năm 1959 của Eric Kahane, đã dịch một cách mập mờ thành: “… dans une ville de Michigan partageant le prénom du manant” (một thành phố của bang Michigan lấy tên thằng nhà quê), có lẽ vì không lưu tâm đủ mức đến cái ám ảnh thường trực có tên là Clare Quilty đối với H. H.
Chúng tôi đâm quen với một dạng người-ven-đường kì dị, Người Vẫy Xe Xin Quá Giang,Homo pollex [23] theo thuật ngữ khoa học, với tất cả những hình thái và phân ngành đông đảo của nó: chàng lính nhã nhặn, quân phục chỉnh tề, bình thản chờ, bình thản tin chắc vào sự hấp dẫn hiệu quả của bộ kaki; cậu học sinh muốn đi nhờ vài khối phố; tên sát nhân muốn đi cả vài nghìn cây số; ông già bí ẩn bồn chồn, với chiếc va li mới toanh, bộ ria xén tỉa cẩn thận; một bộ ba người Mexico tràn đầy lạc quan; chàng sinh viên chìa đôi bàn tay lấm bùn đất của thời gian lao động ngoại khóa cũng với vẻ tự hào như khi ưỡn ngực phô dòng tên trường đại học trứ danh của mình vắt ngang trên áo phông; người phụ nữ quẫn bách không biết xoay xở ra sao vì bình ắc qui hết điện; những tên vô lại trẻ vét-tông sơ mi chải chuốt, tóc bóng lộn, giơ những ngón tay cái mạnh mẽ, gần như cương cứng, để dụ dỗ những phụ nữ cô đơn hoặc những người chào hàng ngờ nghệch bằng những huyễn hoặc dâm dật.
[23] Tiếng Latinh: người giơ ngón tay cái.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.