Lolita

Chương 21



Cái thói quen lầm lì im lặng của tôi khi phật ý, hay nói cho đúng hơn, cái lạnh lùng kết thành vẩy bao quanh im lặng phật ý của tôi, thường làm Valeria sợ mất vía. Cô ả thường khóc thút thít, rên rẩm nói: ”Ce qui me rend folle, c’est que je ne sais à quoi tu penses quand tu es comme ҫa* (Điều làm em phát điên, là em không biết anh nghĩ gì khi anh như thế này).” Tôi thử giở võ im lặng với Charlotte – và để xua tan im lặng của tôi, nàng chỉ tiếp tục líu lo, hoặc xoa nựng cằm tôi. Một phụ nữ kì diệu! Nếu tôi rút về căn phòng cũ của mình, giờ đây đã cải biến thành một “thư phòng” hẳn hoi; lúng búng viện cớ rằng dù sao cũng phải viết một tác phẩm, Charlotte vẫn vui vẻ tiếp tục trang hoàng nhà cửa, buôn chuyện trên điện thoại, viết thư. Từ cửa sổ phòng mình, qua vòm lá cây dương run rẩy bóng loáng, tôi có thể nhìn thấy nàng sang bên kia đường, sung sướng bỏ bức thư viết cho em gái của Miss Phalen vào hòm thư bưu điện.

Cái tuần lễ lác đác từng cơn mưa rào xen với bóng râm tiếp sau lần cuối cùng chúng tôi đến những bãi cát bất động của Hồ Hourglass là một trong những tuần lễ ảm đạm nhất tôi còn nhớ được. Rồi vụt đến hai, ba tia hi vọng mờ nhạt – trước đợt bừng nắng[1] tối hậu.

[1] Trong Who‘s Who in the Limelight (Từ điển danh nhân trong giới sân khấu), ở mục từ PYM, Roland, có ghi: “… Khởi đầu sự nghiệp với Sunburst(Bừng nắng)”. Xem ở chương 8, Phần Một.

Tôi chợt nghĩ mình có một bộ óc tinh tuờng hoạt động ngon lành, tại sao không tận dụng nó? Tuy không dám can thiệp vào những kế hoạch của vợ tôi liên quan đến con gái nàng (đang mỗi ngày một ấm nóng hơn, rám nắng hơn trong thời tiết đẹp ở nơi xa biền biệt), nhưng chắc chắn tôi có thể nghĩ ra một phương sách chung chung nào đó để tự khẳng định mình một cách chung chung nào đó khả dĩ hướng tới một cơ hội đặc biệt sau này. Một buổi tối, chính Charlotte mớm cho tôi khởi đầu cơ hội ấy.

“Em có một bất ngờ cho mình đây,” nàng vừa nói vừa nhìn tôi bằng cặp mắt âu yếm bên trên một thìa xúp. “Mùa thu này, hai chúng mình sẽ sang Anh.”

Tôi nuốt ực thìa xúp của mình, chùi môi bằng tờ giấy ăn màu hồng (Ôi, làm sao quên được loại khăn ăn mát rượi sang trọng của khách sạn Mirana!) và nói:

“Tôi cũng có một bất ngờ cho mình, mình yêu quí. Hai chúng ta sẽ không đi Anh.”

“Tại sao, có chuyện gì vậy?” nàng nói với vẻ kinh ngạc hơn cả tôi dự tính, nhìn tay tôi (tôi đang bất giác hết gấp lại xé, hết vò nhàu lại xé vụn tờ giấy ăn màu hồng vô tội). Tuy nhiên, vẻ mặt tươi cười của tôi làm nàng an tâm phần nào.

“Chuyện rất đơn giản thôi,” tôi đáp. “Ngay cả trong những gia đình hòa thuận nhất, như gia đình chúng ta đây, cũng không phải mọi sự đều do phái nữ quyết định. Có một số điều mà quyền quyết định thuộc về người chồng. Tôi hoàn toàn có thể tưởng tượng được nỗi rạo rực của mình, một cô gái Mĩ khỏe mạnh, khi vượt Đại Tây Dương trên cùng một con tàu biển với Lady Bumble – hay Sam Bumble, ông Vua Thịt Đông Lạnh, hay một ả điếm Hollywood nào đó. Và tôi không chút nghi ngờ rằng mình với tôi sẽ tạo nên một tấm áp-phích ngon lành quảng cáo cho Hãng Du Lịch khi được trung lên ảnh – mình thì mắt tròn mắt dẹt, tôi thì cố kiềm chế lòng ngưỡng mộ – nhìn ngắm những gã Lính Canh Cung Điện, hoặc Cận Vệ Đỏ Sẫm, hoặc các Beaver Eater[2], hoặc những danh xưng gì gì nữa chả biết. Nhưng tôi đây lại dị ứng với châu Âu, kể cả lão bà Anh quốc vui vẻ. Như mình biết rõ đấy, Cựu Lục Địa ruỗng nát chẳng gợi cho tôi gì khác ngoài những liên tưởng sầu não. Không một ảnh màu quảng cáo nào trong những họa báo của mình có thể thay đổi được tình hình đâu.”

[2] Từ ghép của “Beefeaters” và “Beaver”. “Beefeater” là tiếng lóng chỉ Cận vệ Hoàng gia Anh và “Beaver (hat)” chỉ loại mũ bằng lông hải li mà họ thường đội.

“Mình yêu quí,” Charlotte nói. “Em thực sự…”

“Không, khoan chút đã. Vấn đề này chỉ là thứ yếu. Điều tôi quan tâm là một xu hướng chung. Khi mình muốn tôi qua những buổi chiều tắm nắng trên Hồ thay vì làm công việc chính của tôi, tôi vẫn vui vẻ nhuợng bộ để trở thành một chàng trai da đồng hun ngời ngời cho mình vui lòng, thay vì tiếp tục là một nhà nghiên cứu và, chậc, một nhà giáo dục. Khi mình đưa tôi đến chơi bài bridge và uống rượu bourbon với vợ chồng Farlow dễ thương, tôi ngoan ngoãn đi theo. Không, khoan đã, tôi xin mình. Khi mình trang hoàng nhà cửa, tôi không can thiệp vào những dự tính của mình. Khi mình quyết định – khi mình quyết định mọi thứ chuyện, có thể tôi phần nào không tán thành hoặc bất đồng hoàn toàn – nhưng tôi không nói gì. Tôi bỏ qua cái lẻ tẻ, nhưng tôi không thể bỏ qua cái chung. Tôi thích được tuân lệnh mình, nhưng mỗi trò chơi đều có luật của nó. Tôi không cáu giận. Tôi không hề cáu giận đâu. Mình đừng có làm thế. Nhưng tôi là một nửa của cái gia đình này và tôi có một tiếng nói tuy nhỏ nhưng rõ rành.”

Nàng đến bên tôi, quì gối và chậm rãi nhưng rất kiên quyết lắc đầu, tay quắp chặt lấy quần tôi. Nàng nói nàng đã không hiểu ra. Nàng nói tôi là người cai quản nàng, là chúa trời của nàng. Nàng nói Louise đã đi khỏi, vậy chúng mình hãy làm tình ngay lập tức. Nàng nói tôi phải tha thứ cho nàng, kẻo nàng chết mất.

Sự kiện nhỏ nhoi này khiến tôi vô cùng phấn khởi. Tôi nhẹ nhàng bảo nàng đây không phải vấn đề cầu xin tha thứ, mà là thay đổi cung cách hành xử. Tôi quyết định tận dụng ưu thế của mình và dành nhiều thời gian tách riêng ra, trầm ngâm, và viết tiếp cuốn sách – hoặc ít ra là giả vờ làm việc.

Cái “giường gấp” trong phòng ngủ cũ của tôi từ lâu đã được cải biến thành sofa, điều vốn luôn luôn là tâm nguyện của nàng, và ngay từ buổi đầu ở chung nhà, Charlotte đã báo trước với tôi rằng dần dà căn phòng sẽ chính thức biến thành “sào huyệt văn sĩ”. Hai ngày sau Sự kiện Anh quốc, tôi đang ngồi trong một chiếc ghế bành mới rất tiện nghi, với một cuốn sách lớn trên đùi, thì Charlotte gõ cửa bằng ngón tay đeo nhẫn và lững thững bước vào. Động tác của nàng sao mà khác với Lolita của tôi những lần em đến thăm tôi trong chiếc quần jeans nhớp bẩn thân yêu, ngào ngạt mùi vườn cây của xứ sở tiểu nữ thần; vụng về và duyên dáng kì lạ, thoáng chút đồi bại, áo sơ mi mấy khuy dưới không cài. Tuy nhiên, xin quí vị cho tôi thưa đôi điều. Đằng sau cái trơ tráo của Haze-Bé và cái đĩnh đạc của Haze-Lớn, chảy róc rách một dòng nhỏ sinh khí rụt rè, với cùng một vị, cùng một tiếng thì thầm. Một bác sĩ vĩ đại người Pháp có lần nói với cha tôi rằng ở những người bà con gần gũi, tiếng òng ọc nhỏ nhất trong dạ dày cũng có cùng một “giọng”.

Vậy là Charlotte lững thững bước vào. Nàng cảm thấy không phải mọi sự đều ổn giữa hai chúng tôi. Đêm hôm trước, và cả đêm hôm trước nữa, vừa lên giường, tôi đã giả vờ ngủ và rồi sáng tinh mơ đã trở dậy.

Rất dịu dàng, nàng hỏi nàng có làm tôi bị “ngắt quãng” không.

“Lúc này thì không,” tôi đáp, lật giở tập C của bộ The Girl’s Encyclopaedia (Từ điển bách khoa toàn thư về con gái) để xem một tấm ảnh in ở “mép dưới”, theo cách nói của dân nhà in.

Charlotte đi tới một cái bàn nhỏ bằng gỗ đào hoa tâm giả có một ngăn kéo. Nàng đặt tay lên mặt bàn. Cái bàn nhỏ rành là xấu, nhưng nó đâu có làm gì nàng.

“Từ trước đến giờ, em vẫn muốn hỏi mình,” nàng nói (nghiêm túc chứ không điệu đàng), “tại sao cái của nợ này cứ phải khóa? Mình cần nó ở trong phòng này à? Nó cục mịch kinh khủng.”

“Để cho nó yên,” tôi nói. Tôi đang cắm trại ở Scandinavia[3].

[3] Ý nói: đọc đến từ mục “Camping in Scandinavia”

“Có chìa khóa không?”

“Bí mật.”

“Ôi, Hum…”

“Để cất giấu những lá thư tình.”

Nàng nhìn tôi theo cái kiểu nhìn của con nai bị thương khiến tôi lộn ruột, và rồi, phân vân không biết tôi nói thật hay đùa, hoặc làm thế nào để tiếp tục câu chuyện, nàng đứng sững suốt mấy trang (Campus[4], Canada, Candid Camera[5], Candy[6]), mắt dán vào ô kính cửa sổ chứ không phải nhìn xuyên qua nó, gõ những móng tay sắc màu hồng và anh đào lên mặt kính.

[4] Khuôn viên trường đại học.

[5] Máy ghi hình giấu kín (để theo dõi hoặc quay trộm).

[6] Đường phèn, kẹo sô-cô-la.

Liền sau đó (đến Canoeing[7] hoặc Canvasback[8]), nàng thủng thẳng đến cạnh ghế của tôi và nặng nề gieo mình trong bộ đồ tuýt xuống tay ghế, làm tôi ngập trong mùi nước hoa mà người vợ đầu của tôi thường dùng. “Phải chăng Đức ông thích qua mùa thu ở đây?” nàng hỏi, chỉ ngón út vào một tấm hình chụp cảnh mùa thu ở một bang bảo thủ miền Đông. “Tại sao?” (rất rành rọt và chậm rãi). Nàng nhún vai. (Có lẽ Harold xưa thường đi nghỉ vào thời gian này. Mở đầu mùa săn. Phản xạ có điều kiện của nàng).

[7] Đi chơi bằng xuồng ca nô, đua ca nô.

[8] Một giống vịt lặn ở Bắc Mĩ.

“Em nghĩ em biết chỗ đó là ở đâu,” nàng nói, ngón tay vẫn chĩa vào tấm hình. “Em nhớ ở đó có một khách sạn, Enchanted Hunters [9], nghe cổ mà hay hay, phải không? Và đồ ăn thì ngon như mơ. Và không ai quấy rầy ai.”

[9] Thợ săn bị mê hoặc. Nabokov không bao giờ đặt tên một cách tùy tiện, cả danh từ “hunter” (người đi săn, thợ săn) và từ định tính “enchanted” (bị mê hoặc) đều có nhiều hàm nghĩa như độc giả sẽ dần dần thấy trong những trang tiếp theo.

Nàng chà má vào thái dương tôi. Valeria đã sớm từ bỏ cử chỉ âu yếm này.

“Tối nay mình có thích ăn món gì đặc biệt không, mình yêu? John và Jean lát nữa sẽ ghé sang đấy.”

Tôi đáp lại bằng một tiếng hừm. Nàng hôn lên môi dưới của tôi và vui vẻ nói sẽ nướng một chiếc bánh ga tô (từ hồi còn là người thuê nhà, tôi nói là rất thích bánh ga tô nàng làm, đâm ra thành cả một truyền thống) và bỏ tôi lại với cảnh nhàn rỗi của tôi.

Thận trọng đặt tập sách mở xuống chỗ nàng vừa ngồi (nó định khởi động một đợt sóng lượn, nhưng một cây bút chì ken vào giữa đã ngăn các trang lại), tôi kiểm tra chỗ giấu chìa khóa: nó nằm có phần ngượng ngùng dưới chiếc dao cạo máy cũ, đắt tiền, mà tôi vẫn dùng trước khi nàng mua cho tôi một chiếc khác, vừa tốt hơn vừa rẻ hơn. Đó phải chăng là chỗ giấu lí tưởng? – ở đó, dưới chiếc dao cạo ấy, trong hõm của cái hộp lót nhung? Cái hộp nằm trong một hòm nhỏ, nơi tôi cất giữ một số giấy tờ hành chính. Liệu tôi có thể làm tốt hơn nữa không? Khó khăn thay việc cất giấu những thứ riêng tư – nhất là khi vợ mình cứ luôn táy máy lục lọi đồ đạc trong nhà.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.