Lolita

Chương 14



Vì điều này coi như gắn liền với niềm say mê khiêu vũ và kịch nghệ của em, tôi cho phép Lo học piano tại nhà một Miss Emperor [1] (như bọn trí thức Pháp chúng tôi có thể thuận miệng gọi bà ta như thế); bà này ở một ngôi nhà nhỏ màu trắng có cửa chớp sơn xanh cách Beardsley khoảng một cây rưỡi, Lo có thể guồng xe đạp tới mỗi tuần hai lần. Một tối thứ Sáu khoảng cuối tháng Năm (độ một tuần sau cái buổi tập đặc biệt mà Lo không muốn tôi đến dự), chuông điện thoại reo trong thư phòng của tôi, nơi tôi đang càn quét các quân vây quanh Nhà Vua bên Gustave [2] – tôi muốn nói là Gaston – và đầu dây đằng kia, Miss Emperor hỏi thứ Ba tới, Lo có đến học không vì em đã bỏ học cả thứ Ba vừa rồi lẫn hôm nay. Tôi nói thế nào em cũng đến và tiếp tục chơi nốt ván cờ. Như độc giả có thể dễ dàng hình dung ra, năng lực của tôi lúc này đã suy giảm, và sau đó một vài nước, khi đến lượt Gaston đi, tôi nhận thấy, qua màn sương mù, lão sẽ có thể bắt được Hoàng Hậu bên tôi; lão cũng nhận thấy thế, nhưng ngỡ đó có thể là một cái bẫy do đối thủ đầy mưu mẹo giăng ra, lão phân vân đến cả một phút, thở ậm ạch và khò khè, lắc lư hai cái má sệ, thậm chí còn lấm lét nhìn trộm tôi, và chụm những ngón tay múp míp dấn quân tiến lên những bước ngập ngừng – thèm nhỏ dãi muốn bắt quân Hậu cực kì hấp dẫn, mà chưa dám – rồi đột ngột chộp lấy nó (biết đâu cú ấy chẳng dạy cho lão sau này dám táo bạo hơn?) và tôi trải qua một giờ thê thảm để có được một ván cờ hòa. Lão uống nốt chỗ rượu brandy của mình rồi lạch bạch đi khỏi, hoàn toàn thỏa mãn với kết quả đó (mon pauvre ami, je ne vous ai jamais revu et quoiqu ’ily ait bien peu de chance que vous voyiez mon livre, permettez-moi de vous dire queje vous serre la mam bien cordialement, et que toutes mes fillettes vous saluent* (ông bạn tội nghiệp của tôi, từ đó tôi không bao giờ gặp lại ông nữa và mặc dù chẳng có mấy cơ may ông thấy được cuốn sách của tôi, hãy cho phép tôi nói rằng tôi siết chặt tay ông rất thân ái và rằng tất cả các bé gái của tôi chào ông)). Tôi tìm thấy Dolores Haze ngồi ở bàn bếp, miệng ngốn một khúc bánh nhồi thịt, mắt dán váo những trang kịch bản. Đôi mắt ấy ngước lên giao mắt tôi với một vẻ lãng đãng thiên thần. Em vẫn bình tĩnh lạ thường khi đối mặt với sự phát hiện của tôi và nói d’un petit airỷaussement contri* (với một vẻ ăn năn giả trá) rằng em tự biết mình là một đứa bé rất xấu nhưng quả thật em không sao cưỡng nổi sự cám dỗ và đã dùng toàn bộ những giờ học nhạc ấy – ôi Độc Giả, Độc Giả của tôi! – để cùng Mona đến một công viên gần đó tập cái màn thần diệu trong rừng. Tôi nói “được lắm” và cả quyết bước tới máy điện thoại. Mẹ của Mona trả lời: “À, vâng, nó có nhà đấy” và rút lui với cái điệu cười trung lập nhưng thích thú của một bà mẹ lịch sự và lớn tiếng gọi vọng xuống “Roy gọi đấy!” và liền sau đó, Mona sột soạt đi lên, và ngay lập tức, bằng một giọng đơn điệu nhưng không kém phần âu yếm, bắt đầu trách Roy về một điều gì đó mà cậu ta đã nói hoặc làm, và tôi ngắt lời cô ta, và Mona liền nói bằng cái giọng nữ trầm nhún nhường nhất và gọi dục nhất của mình, “vâng, thưa ông,” “chắc chắn thế, thưa ông,” “trong cái vụ việc đáng tiếc này, thưa ông, lỗi thuộc về một mình cháu,” (nói năng thật lưu loát! thật đĩnh đạc bình tĩnh!) “thực tình, cháu cảm thấy rất áy náy về chuyện ấy,” – li la li lô, dẻo mồm chẳng khác những ả điếm choai choai.

[1] Trong tiểu thuyết Bà Bovary, Mille Lempereur là cô giáo dạy nhạc của Emma Bovary. Viện cớ đi học nhạc, Emma có thể đánh lừa chồng, đi gặp người tình Léon ở Rouen.

[2] Tức Gustave Flautert. Bởi lẽ Lolita đang “noi gương” Emma, nên đầu óc Humbert vẫn mãi nghĩ đến Flautert.

Thế là tôi xuống nhà, vừa đi vừa hắng giọng, ôm tim đau. Lo lúc này đang ở phòng khách, lút trong chiếc ghế bành nhồi căng ưa thích của mình. Trong khi em ngồi ườn đó, nhấm nhấm chỗ móng tay bị xước măng rô, chọc tức tôi bằng đôi mắt mơ hồ, vô cảm, duỗi một chân không đi giày đu đua hoài một chiếc ghế đẩu, tôi chợt nhận ra, với một nỗi day dứt nao lòng, là em đã thay đổi biết bao kể từ khi tôi gặp em lần đầu cách đây hai năm. Hay là điều đó mới chỉ xảy ra trong vòng hai tuần gần đây thôi? Tendresse* (yêu thương) chăng? Chắc chắn đó là một huyền thoại đã phá sản. Em ngồi đúng vào tiêu điểm cơn giận dữ cháy sáng của tôi. Màn sương mù của lòng dục đá bị quét sạch, chẳng để lại gì ngoại trừ sự sáng suốt khủng khiếp này. Ôi, em đã thay đổi! Nước da em giờ đây là nước da của bất kì nữ học sinh trung học tầm thường nhếch nhác quen thói tia được tí mĩ phẩm nào của ai là phết đại lên gương mặt chưa rửa bằng những ngón tay cáu ghét, chẳng cần biết da mình phải tiếp xức với làn da nhớp nhúa nào, loại biểu bì đầy mụn mủ nào. Nước da ấy dạo xưa, ở độ khai hoa mịn mượt, nõn nà, mới tuyệt vời làm sao, long lanh nước mắt mỗi khi tôi đùa nhả vò cái đầu tóc xù của em trong lòng mình. Giờ đây, một sắc đỏ thô kệch đã thế chỗ cái ánh rực rỡ ngây thơ ấy. Cái chứng bệnh mà dân địa phương gọi là “cảm lạnh thỏ” đã điểm một màu hồng rực lửa lên hai cánh mũi ngạo mạn của em. Tựa hồ khiếp hãi, tôi cụp mắt xuống và tia nhìn của tôi tự động lướt như máy dọc mé dưới cặp đùi trần duỗi căng của em – chân cẳng em đã trờ nên nhẵn và vạm vỡ làm sao! Em vẫn đăm đăm nhìn tôi bằng đôi mắt xám màu thủy tinh mờ, hơi vằn tia máu, cách khá xa nhau, và tôi ngỡ thấy nhoe lên trong đó cái ý nghĩ vụng trộm rằng xét cho cùng, có lẽ Mona đã nói sự thật, và em, bé Lo mồ côi, có thể tố cáo tôi mà bản thân vẫn vô can. Tôi thật sai lầm. Tôi thật là điên! Mọi thứ nơi em đều cùng một tính chất bí hiểm đến tức điên – sức mạnh của bộ giò thon đẹp, cái gót bẩn của chiếc tất trắng, chiếc áo săng đay dày em mặc cho dù căn phòng vừa nóng vừa bí, cái mùi gái tơ và nhất là cái bộ mặt kín bưng với sắc ủng đỏ kì lạ và đôi môi vừa mới tô son. Một chút son dính trên mấy chiếc răng cửa của em và tâm trí tôi dội lên một hồi ức ghê rợn – hình ảnh được gợi lại không phải là Monique, mà là một ả điếm trẻ khác ở một nhà chứa, lâu lắm rồi, mà tôi bị một kẻ nào khác nẫng tay trên trước khi kịp quyết định xem có bõ chấp nhận nguy cơ mắc một loại bệnh gớm ghiếc chỉ vì ả trẻ và cũng có maman* (mẹ) vừa chết, có pommettes* (đôi gò má) cao ửng đỏ và những cái răng cửa to tướng và một mẩu ruy băng đồ nhớp bẩn trên mái tóc một màu nâu quê kệch.

“Thế nào, nói xem,” Lo nói. “Có thỏa mãn với việc xác nhận không?”

“À, có,” tôi đáp. “Hoàn hảo. Phải. Và tôi tin chắc là hai người đã dựng lên chuyện ấy. Thực tế, tôi dám chắc em đã nói với Mona mọi chuyện về hai chúng ta.”

“Ô, thế à?”

Tôi cố giữ cho nhịp thờ bình thường và nói: “Dolores, điều này phải chấm dứt ngay lập tức. Tôi sẵn sàng dứt phăng em khỏi Beardsley, đem nhốt ở nơi nào em thừa biết, nhưng phải ngừng ngay trò này đi. Tôi sẵn sàng đưa em đi khỏi đây, trong khoảng thời gian cần thiết để xếp đồ vào một chiếc va ly. Trò này phải thôi đi, bằng không bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.”

“Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra ư?”

Tôi giật phắt chiếc ghế đẩu em đang dùng gót chân đu đưa và chân em rớt đánh thịch xuống sàn nhà.

“Hứ,” em kêu to, “bình tĩnh nào.”

“Trước hết, đi lên gác ngay,” đến lượt tôi cao giọng, đồng thời túm lấy em, kéo lên cầu thang. Từ lúc đó, tôi thôi không kìm nén giọng mình nữa, và chúng tôi tiếp tục quát tháo vào mặt nhau, và em xổ ra những từ không thể in lên mặt giấy. Em nói em ghê tởm tôi. Em trợn mắt rệch mồm làm mọi bộ điệu mặt gớm ghiếc để giễu tôi, phồng má, phát ra một tiếng bụp! Ma quái. Em nói tôi đã nhiều lần định cưỡng hiếp em khi còn là người thuê nhà của mẹ em. Em dám chắc tôi đã mưu sát mẹ em. Em tuyên bố sẽ ngủ với bất kì kẻ đầu tiên nào gạ gẫm, mà tôi chẳng thể làm gì ngăn được. Tôi bảo em phải lên gác và chỉ cho tôi tất cả những chỗ cất giấu bí mật. Thật là một cuộc cãi vã om sòm và bỉ ổi. Tôi nắm chặt cổ tay xương xẩu của em và em không ngừng vặn vẹo, quay quắt, lén tìm một điểm yếu để vùng thoát vào một lúc thuận tiện, nhưng tôi riết em rất chặt và thực sự làm em khá đau – mong sao tim tôi thối rữa vì hành động này! – và một đôi lần em giật cánh tay mạnh đến nỗi tôi sợ em có thể gãy cổ tay, và suốt thời gian ấy, em cứ trừng trừng nhìn tôi bằng cặp mắt không thể quên trong đó sự giận dữ lạnh lùng tranh chấp với những giọt nước mắt nóng hổi, và tiếng la hét của chúng tôi át cả tiếng chuông điện thoại, và khi tôi chợt nhận ra âm thanh đó, em lập tức vùng thoát khỏi.

Hình như, cùng với dân điện ảnh, tôi được chung hưởng những ân huệ của machina telephonica và vị thần bất chợt của nó. Lần này, vị thần là một bà hàng xóm nổi giận. Cửa sổ phía Đông của phòng khách lúc ấy mở rộng, tuy nhiên, may sao mành vẫn hạ; và bên ngoài, đêm đen ẩm ướt của một mùa xuân New England bẩn tính đang nín thở rình nghe chúng tôi. Tôi vẫn thường nghĩ cái loại gái-già-cá-đuối đầu óc tục tĩu này là kết quả của sự nội phối văn học phổ biến trong tiểu thuyết hiện đại; nhưng lúc này, tôi tin rằng cái bà Phía Đông dâm đãng song lại ra cái điều tiết hạnh ấy – hay, để phá tan tính nặc danh của bà ta, Miss Fenton Lebone – đã vươn ba phần tư người ra ngoài cửa sổ phòng ngủ của mình trong nỗ lực nắm được cốt lõi cuộc cãi cọ của chúng tôi.

“… Làm gì ầm ĩ lên thế… hoàn toàn vô ý thức… ” tiếng bà ta quàng quạc trong ống nghe, “đây không phải là cái chợ. Tôi phải nhấn mạnh…”

Tôi xin lỗi vì các bạn của con gái tôi làm ồn thế. Tuổi trẻ mà, bà thông cảm – và gác máy giữa đợt quàng quạc tiếp theo.

Dưới nhà, cánh cửa chấn song phía ngoài dập đánh sầm. Lo? Bỏ trốn?

Qua cửa sổ giữa cầu thang, tôi trông thấy một bóng ma nhỏ phăng phăng lách qua đám cây bụi; một đốm bạc trong đêm đen – ổ trục bánh xe đạp – chuyển động, run rẩy rồi biến mất.

Đêm ấy, xe của chúng tôi lại nằm tại một xưỏng sửa chữa ô tô ở trung tâm thành phố. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chạy bộ đuổi theo kẻ trốn chạy có cánh. Ngay cả bây giờ, sau khi hơn ba năm đã dập dềnh trôi qua, tôi vẫn không thể hình dung lại con phố trong đêm mùa xuân ấy, con phố đã um tùm lá ấy, mà không thấy giật thót kinh hoàng. Trước cổng nhà sáng đèn của họ, Miss Lester đang dắt con chó chồn phù thũng của Miss Fabian đi dạo. Ông Hyde [3] suýt xô nó lộn phộc. Đi ba bước rồi chạy ba bước. Một cơn mưa âm ấm bắt đầu lộp độp trên vòm lá của những cây hạt dẻ. Ở góc phố tiếp theo, một gã thanh niên nhạt nhòa ép Lo vào một hàng giậu sắt, ghì và hôn… không, không phải em, nhầm. Móng vuốt còn giần giật, tôi tiếp tục lao đi.

[3] Nhân vật trong Tiến sĩ Jekyll và ông Hyde của Robert Louia Stavenson (1850 – 1894). Tiểu thuyết ngắn này của nhà văn Xcôtlen dựng lên một điển hình về hai mặt tính cách, bàn ngã xấu trong con người Jekyll. Thành công của tác phẩm này khiến cho “Jekyll and Hyde” trở thành một cụm từ thông dụng trong tiếng Anh để chỉ người có tính cách hai mặt. Humbert tự đồng nhất mình với Hyde. Trong Tiến sĩ Jekyll và ông Hyde, cũng có đoạn Hyde xô ngã một bé gái.

Cách số nhà mười bốn khoảng tám trăm mét về phía Đông, phố Thayer Street vướng vít với một khu đất tư và một phố ngang; con phố này dẫn hẳn vào thành phố; ngay trước cửa hiệu thuốc đầu tiên, tôi trông thấy chiếc xe đạp xinh đẹp của Lo – ôi, giai diệu du dương nhẹ cả người! – đang chờ em. Tôi đẩy cửa -đáng lẽ phải kéo ra – kéo, đẩy, kéo, và bước vào. Cảnh giác! Cách đó mươi bước, qua vách kính của một buồng điện thoại công cộng (vị thần có màng mỏng vẫn không rời chúng tôi), Lolita, tay khum khum giữ ống nghe, khom người che, vẻ bí mật, him mắt nhìn tôi, quay đi với cái vật báu của mình, vội vã gác máy [4] và bước ra với một điệu bộ khoa trương.

[4] Cuộc điện đàm này là với Quilty.

“Định gọi về nhà cho papa đấy,” em vui vẻ nói. “Vừa có một quyết định quan trọng. Nhưng trước hết, hãy mua cho đây một cái gì uống đã, papa.”

Em nhìn cô phục vụ rót Coca, bỏ đá, chế thêm chút xi rô anh đào – và tim tôi tràn đầy yêu thương đến muốn vỡ ra. Cái cổ tay trẻ thơ ấy. Bé yêu của tôi. Ông có một bé gái đáng yêu biết bao, ông Humbert. Chúng tôi bao giờ cũng ngưỡng mộ mỗi khi em đi qua. Ông Pim nhìn Pippa [5] uống ừng ực.

[5] Ám chỉ vở kịch Mr Pim Passes By (Ông Pim đi ngang qua) của A.A.Milne và bài thơ “Pipps Passes” (Pipps đi qua) của Browning.

J’ai toujours admiré l’ceuvre ormonde du sublime Dublinois* (Tôi bao giờ cũng ngưỡng mộ tác phẩmormonde của con người vĩ đại của thành phố Dublin[6]). Và trong khi đó, cơn mưa nhẹ đã chuyển thành một trận mưa rào tràn trề khoái cảm.

[6] ”Con người vĩ đại của Dublin” dĩ nhiên là James Joyce, đại văn hào Ailen, tác giả cuốn tiểu tuyết bất hủ Ulysses, nhưng còn tử “ormonde” thì không có trong tiếng Pháp; nó ám chỉ đến khách sạn Ormond (không có “e”) ở Dublin, mà quán ăn đó là khung cảnh cho cái đoạn gọi là “Nữ thủy thần” trong Ulysses; cái tên của nó là một ngón chơi chữ rất “Joyce”: “Ormonde” đồng âm với “hors mode”, hiểu là “hors [de ce] monde”, nghĩa là: “ngoài cái thế giới này”.

“Này,” em vừa nói vừa cưỡi xe đạp bên cạnh tôi, một chân kéo rệt trên vỉa hè tối đen và lấp lánh ướt, “này, em vừa quyết định một chuyện. Em muốn thôi học. Em ghét cái trường này. Em ghét vở kịch, phải, thật đấy. Bỏ hẳn không bao giờ trở lại. Bỏ ngay tức thì. Lại rong ruổi một chuyến đi dài nữa. Nhưng lần này, phải đi bất cứ nơi nào em muốn, có đuợc không?”

Tôi gật đầu. Lolita của tôi.

“Em chọn nhé? C’est entendu?* (Đồng ý nhé)” em hỏi, hơi loạng choạng bên cạnh tôi. Chỉ dùng tiếng Pháp mỗi khi là một bé gái rất ngoan.

“Ôkê. Entendu* (Đồng ý). Giờ thì a-lê hấp! hấp! hấp! Lenore [7], kẻo em ướt hết bây giờ.” (Một xoáy lốc nức nở dâng đầy ngực tôi.)

[7] Mặc dù Edgar Poe có một bài thơ nhan đề “Lenore”, ở đây, cái tên này chủ yếu ám chỉ đến vở kịch theo thể loại ba lát của nhà thơ Đức Gottfried August Buger (1747-1794). H.H. nhái bài thơ khi người tình của Lenore – một hồn ma – phóng ngựa đi khỏi: “Und burre, bure, hop, hop, hop!…”

Em nhe răng cười, rồi với phong cách nữ sinh đáng yêu của em, rướn người về phía trước và phóng đi, ôi con chim nhỏ của tôi.

Bàn tay trau chuốt của Miss Lester giữ một cánh cổng mờ cho một con chó già lạch bạch vào nhà, quiprenait son temps*(nó cứ đủng đà đủng đỉnh).

Lo chờ tôi bên cạnh cây phong đầy vẻ ma quái.

“Đây ướt đến tận xương rồi!” em la lên hết cỡ giọng. “Mình sướng chưa? Ma quỉ bắt cái vở kịch ấy đi!”

Móng vuốt của một mụ phù thủy vô hình đóng sập một của sổ trên gác một ngôi nhà.

Trong ánh đèn sáng choang chào mời của tiền sảnh nhà chúng tôi, Lolita của tôi cỏi bỏ chiếc áo săng đay, rũ mái tóc ướt mưa như dát đá quí, vươn hai cánh tay trần về phía tôi và nhấc cao một đầu gối:

“Bế em lên gác nào, em xin mình. Đêm nay, em cảm thấy mình rất chi là lãng mạn.”

Có lẽ các nhà sinh lí học sẽ thích thú khi biết rằng, đến nước này, tôi vẫn có thể – một “ca” hết sức kì lạ, tôi đồ là thế – trút hàng thác lệ suốt trong cơn bão kia.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.