Lolita

Chương 8



Mặc dù tôi tự bảo mình chỉ kiếm tìm một sự hiện diện có tính xoa dịu, một pot-au-feu* (món thịt hầm) nâng cấp, một nạm lông hĩm giả linh hoạt, điều thực sự hấp dẫn tôi ở Valeria là cái cách nàng bắt chước một bé gái. Nàng làm thế không phải là vì nàng đoán ra một cái gì đó nơi tôi, mà đơn giản đó là phong cách của nàng – và tôi mắc phải bả. Thực tế, nàng ít nhất đã xấp xỉ ba mươi (tôi không bao giờ biết đích xác tuổi nàng vì ngay cả hộ chiếu của nàng cũng khai man) và đã để thất lạc cái trinh tiết của mình trong những hoàn cảnh mỗi lúc một đổi thay tùy theo các trạng thái trí nhớ thất thường của nàng, về phần mình, tôi luôn hồn nhiên như chỉ những kẻ mắc chứng tình dục bất bình thường mới có thể hồn nhiên thế. Nàng có vẻ ngoài nhẹ lâng và nghịch ngợm, nàng mặc à la gamine* (theo kiểu bé gái), hào phóng phô ra rất nhiều bắp vế nhẵn mịn, biết cách tôn màu trắng của cổ chân trần bằng màu đen của chiếc dép nhung, và dẩu môi, và làm lộ rõ những lúm đồng tiền, và tung tăng, xoáy tròn chiếc váy ngắn cũn cỡn, và nguẩy mái tóc xoăn cắt ngắn màu vàng rơm với một vẻ duyên dáng cực kì ranh mãnh đồng thời cũng hết sức tầm thường.

Sau một nghi lễ ngắn gọn ở mairie* (tòa thị chính), tôi đưa nàng về căn hộ tôi mới thuê; trước khi động tới nàng, tôi ép nàng mặc một chiếc áo ngủ thiếu nữ xoàng xĩnh mà tôi thó được ở một cô nhi Viện, làm nàng hơi ngạc nhiên. Đêm tân hôn đó đem lại cho tôi đôi chút thú vị và đến lúc rạng sáng, tôi đã khiến nàng ngốc của tôi phát cuồng. Nhưng rồi không bao lâu, thực tại hiển thị rõ ràng. Búp tóc xoăn bợt màu đi để lộ rõ chân tóc đen; trên bắp chân cạo nhẵn, lớp lông tơ đã trớ nên cứng lởm chỏm; cái miệng ươn ướt linh động, cho dù tôi đã cố nhồi nhét vào đó biết bao yêu thương, vẫn lộ nguyên hình một cách nhục nhã, nó giống hệt cái bộ phận tương ứng trong tấm ảnh chân dung bà mẹ mặt cóc quá cố mà nàng trân trọng giữ như một báu vật; và giờ đây, thay vì một gái vỉa hè trắng trẻo, Humbert Humbert phải hứng trên tay một cái baba* (bánh baba) bự, phốp pháp, chân ngắn, vú to và hầu như rỗng óc.

Tình hình này kéo dài từ 1935 đến 1939. Ưu điểm duy nhất của nàng là cái bản chất lặng lẽ, nó góp phần tạo nên một cảm giác an nhàn kì dị trong căn hộ nhỏ nhếch nhác của chúng tôi: hai phòng, một cửa sổ mở ra một quang cảnh mờ sương, cửa kia trông ra một bức tường gạch, một khoang bếp nhỏ xíu, một bồn tắm hình chiếc giày trong đó tôi có cảm giác như mình là Marat[1] chỉ thiếu một cô gái cổ trắng đến xỉa dao vào ngực. Chúng tôi qua một số buổi tối ấm cúng bên nhau, nàng vùi đầu vào tờ Paris-Soir, còn tôi thì làm việc ở chiếc bàn ọp ẹp. Chúng tôi đi xem phim, đua xe đạp và đấu quyền Anh. Họa hoằn lắm, tôi mới đụng đến xác thịt ôi của nàng, chỉ trong trường họp tối khẩn hoặc vô vọng mà thôi. Chủ hiệu thực phẩm khô đối diện có một con gái nhỏ, chỉ thấy bóng cô bé tôi đã phát cuồng; nhưng dù sao, nhờ sự giúp đỡ của Valeria, tôi cũng đã có được chút xả hơi hợp pháp cho cơn bí bách quái đản của mình, về chuyện nấu nướng, chúng tôi đã thỏa thuận ngầm phế bỏ món pot-au-feu và phần lớn thời gian, dùng bữa ở ngoài, trong một tiệm đông nghịt phố Bonaparte, nơi đầy khăn bàn đầy vết rượu vang và xung quanh xì xồ nhiều thứ tiếng nước ngoài. Và ở nhà bên cạnh, một tay lái tranh bày trong tủ kính chật ních của mình một bức tranh khắc Mĩ, một cổ vật đẹp rực rỡ các màu xanh lục, xanh mực, đỏ và vàng óng – một cái đầu tàu với ống khói đồ sộ, những chiếc đèn lớn kiểu ba-rốc và một khung sắt to tướng để gạt chướng ngại vật, kéo những toa màu hoa cà qua đồng cỏ trong đêm giông, hòa trộn làn khói đen lấp láy tia lửa của nó với những đám mây xốp ủ sấm.

[1] Jean-Paul Marat (1743-1739), thầy thuốc, nhà vật lí, nhà báo và chính trị gia Pháp. Ông là đại biểu miền núi tại Hội nghị Quốc ước vào thời kì Cách mạng 1789, bị coi là kẻ chịu trách nhiệm chính về các cuộc thảm sát tháng Chín 1789. Phẫn nộ trước những bạo hành đẫm máu ấy, Charlotte de Corday, một phụ nữ dòng dõi quí tộc ở Caen, hậu duệ trực hệ của kịch tác gia lỗi lạc Pierre Corneille, đã ám sát Marat bằng dao găm trong khi ông này ngâm mình trị bênh trong bồn tắm.

Những cái đó bục vỡ. Mùa hè năm 1939, mon oncle d’Amérique* (ông chú ở Mĩ của tôi) chết, để lại cho tôi một khoản thu nhập thường niên mấy nghìn đô la với điều kiện là tôi sang sống ở Hoa Kì và tỏ ra quan tâm đôi chút đến công việc kinh doanh của ông. Triển vọng này là cực kì thuận lợi với tôi. Tôi cảm thấy cuộc đời mình đang cần được xốc lại. Còn một điều nữa: những lỗ thủng do nhậy cắn đã xuất hiện trên lớp vỏ bọc của sự êm ấm vợ chồng. Trong những tuần qua, tôi luôn nhận thấy nàng béo Valeria của tôi không còn là chính mình nữa; trở nên bồn chồn lạ lùng; thậm chí đôi khi bộc lộ một vẻ gì tựa như bực bội, hoàn toàn không phù hợp với cái cốt cách mực thước tưởng như nàng là hiện thân. Khi tôi báo cho nàng là sắp tới, nàng sẽ cùng tôi đáp tàu biển sang New York, nàng tỏ ra bàng hoàng và bối rối. Có một số khó khăn phiền toái về giấy tờ của nàng. Nàng có một hộ chiếu Nansen[2], thà gọi quách là Nonsense [3] cho nhanh, điều này, vì một lí do nào đó, không dễ gì khắc phục, cho dù nàng có được chia sẻ phần nào quyền công dân Thụy Sĩ vững vàng của chồng; cho nên tôi đoán chắc là chính sự cần thiết phải xếp hàng ở préfecture* (sở cảnh sát) cùng nhiều thủ tục khác đã khiến nàng đờ đẫn đến thế, mặc dầu tôi đã kiên nhẫn mô tả cho nàng hiểu Mĩ là đất nước của những đứa trẻ rạng rỡ và cây cối bát ngát, ở đó đời sống bội phần tốt đẹp hơn ở cái thành phố Paris buồn tẻ và bẩn thỉu này.

[2] Loại hộ chiếu đặc biệt cấp cho những người di tản ở Châu Âu trước thế chiến thứ hai.

[3] Một cách chơi chữ. “Nonsense”, na ná chữ “Nansen” có nghĩa là “vô nghĩa”.

Một buổi sáng, khi chúng tôi vừa ra khỏi một công sở, với những giấy tờ của nàng gần như đã hợp lệ, thì Valeria đang lạch bạch đi bên tôi bắt đầu quày quạy lắc cái đầu chó xù của mình mà không nói một lời. Tôi để cho nàng làm thế một lúc rồi hỏi nàng có điều gì trong lòng không. Nàng trả lời (tôi dịch câu tiếng Pháp của nàng mà tôi nghĩ cũng được dịch từ một câu tiếng Xlavơ nhạt nhẽo): “Có một người đàn ông khác trong đời em.”

Chà, đó là những lời khó lọt tai một đức ông chồng. Tôi thú thật là chúng làm tôi choáng. Thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nàng ngay giữa phố như một tên vũ phu chính hiệu có thể làm, là điều bất khả. Những năm đau đớn âm thầm đã tạo cho tôi một khả năng tự chủ siêu phàm. Thế nên tôi đưa nàng lên một chiếc taxi từ nãy vẫn chầm chậm men theo vỉa hè mời mọc chúng tôi và trong khung cảnh tương đối riêng tư ấy, tôi bình tĩnh đề nghị nàng giải thích câu nói rồ dại của mình. Một cơn cuồng nộ mỗi lúc một tăng làm tôi nghẹt thở – không phải vì tôi đặc biệt yêu thương gì Mme Humbert* (Humbert phu nhân), cái nhân vật trò hề ấy, mà vì lẽ các vấn đề liên kết hợp pháp và bất hợp pháp, chỉ mình tôi có quyền quyết định, thế mà giờ đây Valeria, mụ vợ hài kịch này, dám trâng tráo chuẩn bị sắp đặt theo cách riêng của mình sự an sinh và số phận của tôi. Tôi hỏi tên người tình của nàng, tôi nhắc lại câu hỏi; nhưng nàng cứ một mực ú a ú ớ một cách tức cười, kể lể rằng nàng sống với tôi không có hạnh phúc và thông báo ý định li dị ngay tức thì. ”Mais qui est-ce?* (Nhưng đó là ai chứ)” cuối cùng, tôi quát lên, giáng một cú đấm vào đầu gối nàng; và nàng, thậm chí không nhăn mặt, nhìn chòng chọc vào tôi như thể câu trả lời quá đơn giản khỏi cần phải nói ra, rồi với một cái nhún vai nhanh gọn, chỉ vào cái gáy to bè của người lái taxi. Tay này dừng xe ở một tiệm cà phê nhỏ và tự giới thiệu. Tôi không nhớ cái tên kì cục của hắn, nhưng sau bao năm qua, vẫn còn hình dung thấy hắn rõ mồn một – một cựu đại tá Bạch vệ Nga người chắc nịch với một bộ ria rậm, tóc húi cua; có hàng ngàn cha như vậy làm cái nghề dở hơi này ở Paris. Chúng tôi ngồi vào một bàn; tay tín đồ của Sa hoàng gọi rượu vang; và Valeria, sau khi ấp một chiếc khăn ướt lên đầu gối, tiếp tục nói – trút nỗi niềm vào tôi thì đúng hơn là nói với tôi; nàng tuôn lời vào cái bình chứa trang nghiêm này với một độ liến thoắng mà trước nay tôi không khi nào ngờ ở nàng. Và chốc chốc nàng lại bắn một tràng tiếng Xlavơ về phía người tình lì lợm của mình. Tình thế đã phi lí lại càng trở nên phi lí hơn khi tay đại tá – tài xế taxi – phanh Valeria lại bằng một nụ-cười-chủ-sở-hữu và bắt đầu trình bày quan điểm và kế hoạch của mình, Với một thứ tiếng Pháp chải chuốt nhưng phát âm trọ trẹ kinh người, hắn mô tả cái thế giới của tình yêu và lao động mà hắn dự định cùng người vợ trẻ thơ Valeria của mình tay trong tay bước vào. Lúc này ả đang “rỉa lông” giữa hắn và tôi, tô son đôi môi dẩu lên, sệ ba ngấn cằm cho chà vào áo nịt vú và mọi trò vè khác, và hắn nói về ả như thể ả không có mặt ở đó, và cũng như thể ả là một bé gái mồ côi đang được chuyển giao, vì lợi ích của bé, từ một người giám hộ sáng suốt sang một người giám hộ khác còn sáng suốt hơn; và mặc dù cơn cuồng nộ bất lực của tôi có thể phóng đại và làm méo mó một số cảm giác, tôi có thể thề rằng hắn đã thành thật thỉnh vấn tôi về một số điều như chế độ ăn của Valeria, chu kì kinh nguyệt của ả, y phục của ả và những sách ả đã đọc hoặc nên đọc. “Tôi nghĩ,” hắn nói, “cô ấy chắc sẽ thích ]ean-Christophe[4] ” Ôi, ngài Taxovich quả là một học giả!

[4] Bộ tiểu thuyết của nhà văn Pháp khuynh hướng cộng sản Romain Rolland (1886-1944)

Tôi chấm dứt những chuyện tào lao ấy bằng cách đề nghị Valeria gói ghém ngay số tư trang ít ỏi của mình, tiếp đó tay đại tá nói năng sáo rỗng bèn tỏ ra ga lăng, xin làm cửu vạn khuân đồ ra xe. Trở lại cương vị nghề nghiệp của mình, hắn lái xe đưa gia đình Humbert về nhà và suốt dọc đường, trong khi Valeria nói dông dài, Humbert-Tàn-Bạo bàn bạc với Humbert-Nhỏ-Bé xem Humbert Humbert nên giết ả hay người tình của ả, giết cả hai hay chẳng giết ai cả. Tôi nhớ có lần đã từng cầm trên tay một khẩu súng lục tự động của một người bạn học, hồi đó (hình như tôi chưa nhắc đến thời kì này, nhưng không sao), tôi cứ lần mần vẩn vơ với cái ý tưởng tận hưởng cô em gái nhỏ của anh ta, một tiểu nữ thần với dải ruy băng đen trên tóc, rồi tự bắn vào đầu mình. Lúc này, tôi tự hỏi liệu Valechka (tay đại tá gọi ả thế) có thực sự đáng để tôi ra tay bắn bỏ, hay bóp cổ, hay dìm chết đuối không. Ả có đôi chân rất yếu và tôi quyết định tới khi nào chỉ có hai chúng tôi thì tôi mới cho ả ăn đòn mê tơi.

Nhưng chúng tôi không lúc nào được rảnh rang một mình. Valechka – lúc này, ả tuôn những dòng lệ nhòe nhoẹt màu sắc cầu vồng của son phấn – bắt đầu tống đầy các thứ linh tinh vào một cái hòm, hai chiếc va li và một thùng các tông lèn đến độ sắp bục toác, và tất nhiên, ý đồ của tôi: xỏ đôi ủng đi núi và phóng một cú song phi vào mông ả, là bất khả thi khi mà cái tay đại tá đáng nguyền rủa lúc nào cũng lăng xăng quanh đó. Tôi không thể nói là hắn ứng xử hỗn xược hay đại loại như thế; trái lại, như trong một màn phụ xen giữa các lớp kịch mà tôi bị dụ dỗ tham gia, hắn biểu lộ một phong thái lịch thiệp đầy ý tứ theo lối cổ, điểm xuyết các cử chỉ của mình bằng đủ kiểu xin lỗi phát âm sai (j’ai demannde pardonne… est-ce que j’ai puis* (tôi xin lỗi… liệu tôi có thể…) vân vân…), và tế nhị quay mặt đi khi Valechka khoa tay nhấc chiếc xi líp hồng từ dây phơi phía trên bồn tắm xuống; nhưng hắn dường như ở khắp chỗ cùng một lúc, le gredin* (tên vô lại ấy), khớp cái thân hình của mình với cấu trúc căn hộ, ngồi vào ghế của tôi đọc báo của tôi, cởi nút một sợi dây, cuốn một điếu thuốc, đếm các thìa dùng trà, thăm thú buồng tắm, giúp người tình gói chiếc quạt điện quà của cha ả, và khuân hành lí của ả ra phố. Tôi ngồi khoanh tay, ghé một bên mông lên thành cửa sổ, căm ghét và buồn chán muốn chết. Cuối cùng, cả hai cuốn xéo khỏi căn hộ rung rinh – chấn động của cánh cửa tôi sập mạnh sau lưng chúng còn dội lên trong mỗi thớ thần kinh của tôi, cú sập cửa ấy là một thế phẩm thiểu não cho cái tát trái mà đáng ra tôi phải thẳng tay giáng vào gò má của ả theo luật của xi-nê-ma. Vụng về sắm nốt vai của mình, tôi nặng nề bước vào buồng tắm kiểm tra xem chúng có lấy lọ nước thơm Ăng-lê đi không; chúng không lấy; nhưng tôi giật thót người ghê tởm nhận thấy rằng cha cựu cố vấn của Sa hoàng, sau khi tháo bàng quang, đã không giật nước bồn vệ sinh. Cái vũng nước tiểu lạ và long trọng ấy, trong đó đang tở ra một đầu mẩu thuốc lá nâu nâu ướt sũng, là một sự lăng mạ tột đỉnh đối với tôi, và tôi điên cuồng nhìn quanh tìm kiếm một thứ vũ khí nào đó. Thực ra, tôi chắc không phải gì khác ngoài phép lịch sự của giới trung lưu Nga (có lẽ hơi nhuốm chút mùi vị phương Đông) đã thúc đẩy tay đại tá đôn hậu (Maximovich, tên hắn chợt lăn bánh về trong trí nhớ tôi), một người rất trọng nghi thức như tất thảy bọn họ đều thế, dìm nhu cầu riêng tư của mình trong một im lặng lịch lãm để khỏi phải nhấn mạnh sự chật chội của nơi cư trú của chủ nhân bằng tiếng ào ào thô bỉ của một thác nước ụp lên trên tia bài tiết sẽ sàng của hắn. Nhưng ý nghĩ đó tuyệt nhiên không đến trong đầu tôi vào lúc bấy giờ, khi mà, gầm gừ tức điên người, tôi lục tung căn bếp tìm một vật gì lợi hại hơn một cái chổi. Rồi từ bỏ cuộc tìm kiếm, tôi lao ra khỏi nhà với quyết tâm anh dũng đánh nhau tay bo với hắn; mặc dầu có sức khỏe tự nhiên, tôi đâu phải là đô vật, trong khi Maximovich tuy thấp nhưng to ngang, người như đúc bằng thép. Phố vắng tanh, sự ra đi của vợ tôi không để lại dấu vết nào ngoài một chiếc khuy kim cương giả mà nàng vứt xuống bùn sau khi đã giữ suốt ba năm liền đầy vô ích trong một cái hộp vỡ, điều đó có thể đã tránh cho mũi tôi khỏi phải thành bã trầu. Nhưng dù sao mặc lòng, cuối cùng, tôi cũng được thỏa hận. Một hôm, có người từ Pasedena cho tôi biết bà Maximovich née* (tên khai sinh là) Zborovski đã chết trong khi sinh nở, vào khoảng năm 1945; hai vợ chồng đã bằng cách nào đó sang được California và ở đó, đã được sử dụng với một mức lương rất hậu trong một thí nghiệm kéo dài cả năm do một nhà dân tộc học lỗi lạc của Mĩ tiến hành. Thí nghiệm này nhằm nghiên cứu những phản ứng của con người và chủng tộc với một chế độ ăn toàn chuối và chà là trong điều kiện luôn luôn ở tư thế bốn chân. Người báo tin cho tôi, một bác sĩ, thề rằng chính mắt ông ta đã thấy mụ Valechka béo ị và lão đại tá của mụ, hồi đó tóc đã hoa râm và cũng mập ú, miệt mài trườn trên những sàn quét dọn tinh tươm của một dãy phòng sáng trưng (một phòng để hoa quả, phòng kia để nước, phòng thứ ba trải chiếu, vân vân…) cùng nhiều người khác cũng được thuê để bò bốn chân, tuyển chọn trong đám dân nghèo và không nơi nương tựa. Tôi đã thử tìm kết quả những cuộc trắc nghiệm này trên Revieiv of Anthropology (Tạp chí nhân chủng học), nhưng xem ra chúng chưa được đăng. Các sản phẩm khoa học ấy dĩ nhiên là cần có thời gian để phát huy tác dụng. Tôi hi vọng, khi nào in, chúng sẽ được minh họa bằng những ảnh chụp tốt, mặc dù chả chắc gì một thư viện nhà tù lại có được những tác phẩm bác học như vậy. Cái thư viện mà những ngày này, phạm vi đọc của tôi bị thu hẹp trong đó mặc cho tài xoay xở của luật sư, là một thí dụ tốt về chủ nghĩa chiết trung ngu si chi phối việc chọn sách cho các thư viện nhà tù. Ở đây có Kinh Thánh, dĩ nhiên rồi, và Dickens (một bản cũ, Nhà xuất bản G. W. Dillingham, New York, MDCCCLXXXVII); và Children’s Encyclopedia(Bách khoa toàn thư về trẻ em) với một số ảnh đẹp chụp những nữ hướng đạo sinh tóc lóa nắng mặc quần soọc cũn cỡn, và A Murder Is Announced (Một cuộc ám sát được báo trước) của Agatha Christie; ngoài ra còn có những đồ tầm tầm chói sáng như A Vagabond in Italy (Một kẻ lang thang ở Ý) của Percy Elphinstone, tác giả của Venice Revisited (Thăm lại Venice), Boston, 1868, và một bộ Who’s Who in the Limelight (Từ điển danh nhân trong giới sân khấu) tương đối gần đây (1946) – diễn viên, nhà sản xuất, kịch tác gia và những tấm ảnh chụp sân khấu tĩnh. Tối qua, khi xem qua bộ từ điển này, tôi được thưởng thức một trong những sự trùng hợp mà các nhà lô-gích học ghê tởm, nhưng các nhà thơ lại rất thích. Tôi chép lại dưới đây phần lớn trang đó:

Pym, Roland. Sinh năm 1922 tại Lundy, bang Massachusetts. Học chuyên ngành sân khấu tại Elsinore Playhouse, Derby, New York. Khỏi đầu sự nghiệp vói Sunburst (Bừng nắng). Đã tham gia diễn nhiều vở, trong đó có thể kể Two Blocks from Here, The Girl in Green, Scrambled Husbands, The Strange Mushroom, Touch and Go, John Lovely, I Was Dreaming of You (Cách đây hai khối phố, Cô gái mặc áo xanh, Những ông chồng bị xáo lộn, Chiếc nấm kì lạ, Tình thế bấp bênh, John Lovely, Tôi mơ về em).

Quilty, Clare[5]. Kịch tác gia Mĩ. Sinh năm 1911 tại Ocean City, New Jersey. Học Đại học Columbia. Khởi nghiệp trong thương mại nhưng rồi chuyển sang viết kịch. Tác giả của The Little Nymph, The Lady Who Loved Lightning (cộng tác với Vivian Darkbloom), Dark Age, The Strange Mushroom, Fatherly Love (Tiểu nữ thần, Người đàn bà yêu sét, Thời đại đen tối, Chiếc nấm kì lạ, Tình cha con) và nhiều vở khác. Nổi tiếng với nhiều vởxuất sắc cho thiếu nhi. Trong một mùa đông, Little Nymph (1940) được lưu diễn 280 buổi trên chặng đường 22.000 cây số trước khi kết thúc ở New York. Ham thích: ô tô tốc độ cao, nhiếp ảnh, thú kiểng.

[5] Clare Quilty, đây không phải chỉ đơn thuần là một từ mục ngẫu nhiên chép ra từ bộ Who’s Who in the Limelight, mà là một nhân vật không hề thứ yếu của cuốn sách này. Đó là một kẻ theo đuổi Lolita, được nhắc tới hoặc hiện diện cụ thể trong nhiều đoạn, đặc biệt ở chương 35, Phần Hai, trong đó y lộ rõ bản chất và bị H. H. hạ sát bằng một khẩu súng lục. Chương này được Nabokov viết riêng ra, rồi sau mới lắp vào kết cấu chung. “Cái chết của y cần phải rõ rành trong trí tôi để kiểm soát những lần xuất hiện trước của y,” Nabokov giải thích. Trong bản thảo hoàn tất của Lolita, ông đã bỏ đi ba cảnh có sự hiện diện của Quilty – một cuộc nói chuyện tại câu lạc bộ của Charlotte, một cuộc gặp gỡ với Mona, bạn của Lolita và cuộc tổng duyệt một vở kịch của y, trong đó có vai của Lolita – để khỏi phá vỡ kết cấu và khống khí bí ẩn bao quanh nhân thân của y. Một liên tưởng khác: cái tên Quilty nghe gần giống như “guilty” nghĩa là phạm tội.

Quine, Dolores[6]. Sinh năm 1882 tại Dayton, Ohio. Học chuyên ngành sân khấu tại American Academy. Lần đầu tiên xuất hiện trên sàn diễn ở Ottawa, năm 1900. Khởi nghiệp tại New York năm 1904 với vở Never Talk to Strangers (Đừng bao giờ nói chuyện với người lạ). Kể từ đó, đã biến mất [7] trong (tiếp theo là một danh sách gồm khoảng ba chục vở diễn).

[6] Dolores, như ta đã biết, là tên chinh của Lolita; Quine, tựa như một âm hưởng của Quilty, tạo một tiết tấu nội tại giữa hai nhân vật này.

[7] Humbert Humbert chéo lỗi: đúng ra là “appeared” (xuất hiện, ra mắt) thay vì “disappeared” (biến mất). Lỗi do sơ ý hay cố tình? Hay đây là điềm báo trước những mất mát sẽ đến với ông?

Nhìn thấy tên người yêu dấu của mình, mặc dù gắn với một đào hát già cốc đế, tôi vẫn không khỏi cảm thấy đau đớn đến chao đảo! Biết đâu em đã có thể trở thành nữ diễn viên cũng nên. Sinh năm 1935. Xuất hiện (tôi nhận thấy mình đã chép lỗi [8] ở đoạn trên, nhưng xin đừng sửa, Clarence[9]) trong The Murdered Playwright (Kịch tác gia bị ám sát). Quine Quỉ Dạ Xoa. Quilty Qui Tiên[10]. Ôi, Lolita của anh, giờ anh chỉ còn có chữ để mà chơi!

[41] Xem chú thích [40]

[42] Luật sư của Humbert Humbert, người được H. H. giao cho bản thảo tập hồi ức này.

[43] Nguyên văn là: “Guilty of killing Quilty” (Phạm tội giết Quilty).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.