Lolita

Chương 9



Những thủ tục li dị làm chậm trễ chuyến đi của tôi và bóng đen của một cuộc Thế chiến khác đã phủ lên trái đất khi mà sau một mùa đông buồn chán và viêm phổi ở Bồ Đào Nha, cuối cùng, tôi tới được Hoa Kì. Ở New York, tôi háo hức nhận ngay cái công việc nhàn hạ mà số mệnh mang đến cho tôi: chủ yếu là nghĩ ra ý tưởng và biên tập các quảng cáo nước hoa. Tôi thấy thoải mái với tính chất thất thường và những khía cạnh văn chương rởm của nhiệm vụ này, chỉ bận bịu với nó những khi không có gì hay ho hơn để làm. Mặt khác, một trường đại học thời chiến ở New York thúc tôi hoàn tất bộ lịch sử so sánh văn học Pháp cho sinh viên nói tiếng Anh. Tôi mất hai năm với tập đầu, trong suốt thời gian đó, chẳng mấy ngày làm việc dưới mười lăm tiếng. Nhìn lại thời kì này, tôi thấy nó chia tách bạch ra làm một mảng sáng rộng và một mảng tối hẹp: mảng sáng tương ứng với những giờ thanh thản nghiên cứu trong những thư viện lộng lẫy, mảng tối với những khát khao và mất ngủ đau đớn mà tôi đã nhắc đến khá nhiều. Giờ đây, khi đã biết về tôi, bạn đọc ắt có thể dễ dàng mường tượng ra tôi loay hoay như thế nào trong bụi bặm và nóng bức để cố sao ngó thấy những tiểu nữ thần (than ôi, bao giờ cũng ở đằng xa) đang chơi đùa trong Central Park, cũng như dễ dàng hình dung thấy tôi xiết bao kinh tởm cái hào nhoáng được khử mùi của những cô gái ham tiến thân mà một gã vui tính ở một văn phòng không ngừng dồn dập gán ghép cho tôi. Ta hãy bỏ qua tất cả những cái đó. Một cơn suy sụp kinh khủng khiến tôi phải đi ở nhà an dưỡng hơn một năm; tôi trở về làm việc – để rồi lại được đưa vào bệnh viện.

Cuộc sống lành mạnh ngoài trời dường như hứa hẹn mang lại cho tôi chút nguôi dịu. Một trong những bác sĩ ưa thích của tôi, một con người yếm thế dễ thương với một bộ râu nâu, có một người anh trai và ông này sắp dẫn đầu một đoàn thám hiểm vùng Bắc Cực Canada. Tôi được ghép vào đoàn như một thứ công cụ “ghi nhận những phản ứng tâm thần”. Tôi cùng hai nhà thực vật học trẻ và một bác thợ mộc già thi thoảng chia sẻ (chẳng bao giờ thành công cho lắm) những ân huệ của một nữ chuyên viên dinh dưỡng – một bác sĩ Anita Johnson nào đó – cô này chẳng bao lâu bị trả về bằng đường hàng không, tôi lấy làm hài lòng mà nói thế. Tôi chẳng biết gì mấy về mục tiêu mà đoàn thám hiểm theo đuổi. Bằng vào số lượng đông đảo các nhà khí tượng học trong đoàn mà xét, thì có lẽ chúng tôi đang truy tìm đến tận hang ổ của nó (đâu như ở quanh quất trên đảo Hoàng tử xứ Wales, là tôi hiểu như thế), cái từ trường Bắc Cực lang thang và bất ổn. Một nhóm, kết họp với người Canada, lập một trạm khí tượng trên Pierre Point ở eo Melville[1]. Một nhóm khác, cũng định hướng sai, thu gom phiêu sinh vật. Nhóm thứ ba nghiên cứu bệnh lao phổi ở vùng băng giá quanh năm. Bert, nhà nhiếp ảnh – một người tâm tính thất thường đã phải cùng tôi chia sẻ nhiều công việc vặt vãnh tầm thường trong một thời gian (anh ta cũng có vấn đề về tâm thần) – cả quyết rằng đám tai to mặt lớn của đội chúng tôi, những ông sếp thực thụ mà chúng tôi không thấy mặt bao giờ, chủ yếu chỉ nhằm kiểm tra ảnh hưởng của việc cải thiện khí hậu đối với lông của loài cáo Bắc Cực.

[1] “Pierre Point ở eo Melville”: hai địa danh “bịa”, ám chỉ tiểu thuyết Pierre của nhà văn Mĩ Herman Melville (1819-1891). Pierre, nhân vật chính của tác phẩm này, cũng chết trong tù như Humbert Humbert.

Chúng tôi ở trong những căn nhà lắp ghép bằng gỗ giữa một thế giới granit tiền-Cambri[2]. Chúng tôi có hàng đống các thứ dự trữ – các số tạp chí Reader’s Digest, một máy trộn kem, đồ vệ sinh hóa học, mũ giấy cho mùa Giáng sinh. Sức khỏe của tôi tốt lên một cách đáng ngạc nhiên bất chấp hoặc chính bởi sự trống vắng và buồn chán ghê gớm. Bao quanh bởi những giống cây thiểu não như liễu bụi, địa y; thấm đẫm và tẩy sạch (tôi đồ là thế) bởi gió rít; tọa trên một tảng đá dưới một bầu trời trong vắt (tuy nhiên, chẳng phô ra cái gì quan trọng), tôi cảm thấy xa cách kì lạ với chính bản thân mình. Không có sự cám dỗ nào khiến tôi phát cuồng. Những cô gái Eskimo mũm mĩm, bóng loáng, tanh mùi cá, tóc đen gớm ghiếc như quạ, mặt chuột lang, chẳng gợi cho tôi chút thèm khát gì, thậm chí còn kém cả nữ bác sĩ Johnson. Tiểu nữ thần không có ở các vùng địa cực.

[2] Thời kì địa chất sớm nhất của lịch sử trái đất, kết thúc cách đây 570 triệu năm, trong đó vỏ trái đất bắt đầu hình thành và sự sống bắt đầu xuất hiện ở các vùng biển.

Tôi để cho những người có thẩm quyền hơn phân tích những trầm tích băng hà, những drumlin, gremlin và kremlin [46] , và trong một thời gian, tôi cố ghi lại những gì tôi hồn nhiên tưởng là “phản ứng” (chẳng hạn, tôi nhận thấy các giấc mơ dưới mặt trời lúc nửa đêm thường rất phong phú màu sắc và điều này, anh bạn nhiếp ảnh của tôi cũng xác nhận). Tôi cũng có nhiệm vụ hỏi các bạn đồng hành khác nhau của mình về một số vấn đề quan trọng như nỗi hoài nhớ, nỗi sợ những thú vật lạ, ảo giác do đói, mộng tinh, thú tiêu khiển, những chương trình phát thanh ưa thích, thay đổi cách nhìn, vân vân. Ai nấy đều chán ngấy cái trò đó và tôi mau chóng bỏ hẳn dự án ấy, và mãi vào quãng cuối hai mươi tháng khổ sai băng giá (như một trong những nhà thực vật học tếu táo gọi thế), tôi mới xào xáo được một báo cáo hoàn toàn giả trá và cực kì sinh động mà độc giả có thể tìm đọc trên tờ Annals of Adult Psychophysics năm 1945 hay 1946, cũng như trên số Artic Explorations chuyên đề về cuộc thám hiểm này; mà rốt cuộc, thực ra chẳng liên quan gì đến mỏ đồng của đảo Victoria hay bất cứ cái gì tương tự, như sau này tôi được ông bác sĩ tốt bụng của tôi cho biết; vì mục đích thực của nó là “tuyệt mật”, nên tôi chỉ xin bổ sung thế này: bất kể nó là gì, mục tiêu ấy đã được hoàn thành mĩ mãn.

[46] “Drumlin”: khối băng trôi không xếp lớp, tựa như một quả đồi dài hẹp hay bầu dục. Còn “gremlin” và “kremlin” nối vào đó thành một chuỗi điệp vận theo đà trùng âm – như kiểu “ông giẳng ông giăng” – chứ không có tương quan về nghĩa (gremlin: theo một số phi công dị đoan hồi Thế chiến thứ hai, là loài yêu quái vô hình gây trục trặc máy móc; cũng được dùng như một từ đồng nghĩa với “goblin” (yêu tinh); “kremlin” (điện Kremlin ở Matxcơva).

Độc giả hẳn sẽ tiếc khi biết rằng chẳng bao lâu sau khi trở về với thế giới văn minh, tôi lại bị một cơn hóa dại khác (nếu như cái từ độc ác này có thể áp dụng cho sự sầu não và cảm giác tức thở không chịu nổi). Tôi hồi phục hoàn toàn nhờ một điều phát hiện được ở cái an dưỡng đường đặc biệt: rất đắt tiền ấy. Tôi phát hiện ra rằng giỡn mặt các bác sĩ tâm thần là một nguồn bất tận mang lại những thú vui sảng khoái: khéo léo xỏ mũi họ; không bao giờ để họ thấy rằng mình biết mọi ngón nghề của họ; bịa cho họ nghe những giấc mơ thật tinh vi, hoàn toàn thuộc loại kinh điển (khiến họ,những kẻ cưỡng đoạt giấc mơ, cũng phải mơ thấy ác mộng và vùng dậy la hét); lôi cuốn họ bằng những “màn nguyên thủy” giả hiệu; và tuyệt đối không bao giờ hé lộ cho họ thấy thực trạng tính dục của mình. Bằng cách lót tay một nữ y tá, tôi được xem một số hồ sơ và thích thú phát hiện thấy các tờ phiếu gọi tôi là “có khả năng trở nên đồng giới dục tính” và “hoàn toàn bất lực”. Trò chơi thật thú vị và mang lại kết quả mĩ mãn – trong trường họp của tôi – đến nỗi tôi nán lại cả một tháng sau khi đã đỏ da thắm thịt lại, hoàn toàn sung mãn (ăn, ngủ tốt như con gái dậy thì). Thế rồi tôi lại ở thêm một tuần nữa chỉ cốt hưởng cái thú so tài với một tay mới đến rất lợi hại, một danh y bị mất chỗ (và chắc hẳn, mất trí luôn), nổi tiếng về cái tài thuyết phục bệnh nhân tin rằng họ đã chứng kiến sự hoài thai của chính mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.