Lolita
Chương 8
Tôi đã làm hết sức mình, thưa ngài Thẩm phán, để giải quyết vấn đề bọn con trai. Ôi, thậm chí tôi còn thường xuyên đọc một mục gọi là Dành cho Tuổi Thiếu Niên trên tờ Star của Beardsley để tìm hiểu xem nên hành xử như thế nào!
Đôi lời với người làm cha. Đừng làm cho bạn của con gái ông khiếp sợ. Có thể ông hơi khó chấp nhận rằng bọn con trai thấy nó hấp dẫn. Đối với ông, nó còn là một bé gái. Đối với bọn con trai, nó có duyên và ngộ nghĩnh, đáng yêu và vui tươi. Bọn chúng thích nó. Hôm nay đây, ông giải quyết gọn những vụ giao dịch lớn trong văn phòng giám đốc của mình, nhưng mới hôm qua thôi, ông còn là Jim học sinh trung học cắp cặp cho Jane. Ông còn nhớ chứ? Chẳng lẽ ông không muốn cho con gái mình – giờ đây, khi đã đến lượt nó – sung sướng đón nhận sự ngưỡng mộ và bầu bạn của đám con trai nó thích? Chẳng lẽ ông không muốn bọn chúng cùng nhau vui vẻ một cách lành mạnh?
Vui vẻ một cách lành mạnh? Lạy Chúa tôi!
Tại sao không đối đãi với bọn trẻ như khách mời trong nhà mình? Tại sao không trò chuyện với chúng? Không kéo chúng ra khỏi vỏ ốc, làm chúng vui cười và thoải mái?
Hoan nghênh bạn trẻ đến cái nhà thổ này.
Nếu con gái ông vi phạm lề thói, đừng có nổi đóa trước mặt đồng phạm của nó. Hãy trút nỗi bất bình khi chỉ có hai cha con với nhau. Và hãy thôi đi, đừng để đám con trai có cảm giác rằng nó là con gái một lão yêu tinh nữa.
Trước hết: lão yêu tinh lập một danh sách “cấm tuyệt đối” và một danh sách khác gọi là “miễn cưỡng chấp thuận”. Cấm tuyệt đối là những cuộc hẹn hò với một, hoặc hai, hoặc ba bạn trai – bước tiếp theo dĩ nhiên là truy hoan tập thể. Em có thể cùng các bạn gái đến một hiệu bánh kẹo và chuyện gẫu, cười đùa với những con đực trẻ tình cờ gặp tại đó, trong khi tôi ngồi đợi trong xe ở một khoảng cách kín đáo; và tôi hứa với em rằng nếu nhóm của em được một nhóm sạch nước cản về mặt xã hội mời (dĩ nhiên là với nhiều người tháp tùng) đến dự cuộc vũ hội thường niên của Trường huấn luyện đặc biệt Butler cho nam sinh, tôi có thể xét xem liệu có nên cho phép một thiếu nữ mười bốn tuổi mặc “trang phục dạ hội” đầu tiên của mình (một kiểu áo đầm khiến cho những cô gái dậy thì với đôi cánh tay mảnh mai nom giống như những con hồng hạc). Ngoài ra, tôi còn hứa sẽ mở tiệc liên hoan tại nhà, cho phép em mời các bạn gái xinh đẹp nhất và những chàng trai dễ thương mà từ giờ tới đó em có thể gặp tại vũ hội Butler. Nhưng tôi quyết định rất dứt khoát rằng chừng nào chế độ của tôi còn hiệu lực, em sẽ không bao giờ, không bao giờ được phép đi xem phim với một đứa con trai đang cơn động cỡn, hoặc ôm ấp nhau trong xe hơi, hoặc đến dự những cuộc xập xình cả nam lẫn nữ tại nhà các bạn cùng trường, hoặc xả láng nói chuyện trên điện thoại với một bạn trai, ngoài tầm tai của tôi, dù “chỉ là bàn cãi về quan hệ của anh ta với một đứa bạn của em”.
Tất cả những điều này làm Lo tức điên – em gọi tôi là tên bịp bợm chấy rận và còn thậm tệ hơn nữa – và tôi ắt đã nổi cáu nếu không sớm phát hiện ra, với niềm sung sướng như trút được gánh nặng, nguyên nhân làm em phẫn nộ là ở chỗ tôi tước đi của em không phải một khoái thú cụ thể nào đó, mà là một cái quyền nói chung. Các vị thấy đấy, tôi đang vi phạm chương trình qui ước, những thú tiêu khiển quen thuộc, những “điều cần làm”, những thông lệ của tuổi trẻ; bởi vì không gì có thể bảo thủ hơn một đứa bé, nhất là một đứa bé gái, dù đó là tiểu nữ thần tóc hung và nâu dịu nhất, có quyền năng tạo huyền thoại nhất trong làn sương tháng Mười của vườn cây ăn quả.
Xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi không thể bảo đảm tuyệt đối rằng trong cả mùa đông, em đã không tình cờ có được những tiếp xúc nhập nhằng với những gã trai trẻ không quen biết; cố nhiên, cho dù tôi có kiểm soát những lúc rảnh rỗi của em sít sao đến đâu chăng nữa, vẫn luôn xảy ra những rò rỉ thời gian [1] không sao cắt nghĩa nổi sau đó sẽ được lấp liếm bằng những lời giải thích quá ư xảo ngôn; cố nhiên, những móng vuốt lởm chởm của lòng ghen nơi tôi luôn bị mắc vào lớp vải mịn của sự xảo trá tiểu nữ thần; song tôi dứt khoát cảm thấy – và đến nay tôi vẫn có thể đảm bảo tính chính xác của cảm giác ấy – rằng không có lí do gì khiến tôi phải thực sự hoảng sợ. Tôi cảm thấy vậy không phải vì chưa lần nào tôi phát hiện thấy cụ thể một cái cổ họng trẻ rắn câng nào cần bóp nát trong đám con trai lặng lẽ lởn vởn đâu đó ở hậu cảnh; mà vì tôi thấy “cực kì hiển nhiên” (một cụm từ mà bác Sybil của tôi ưa dùng) là tất cả các loại nam học sinh trung học – từ thằng cù lần mồ hôi ròng ròng, được “cầm tay” đã sướng run lên, đến tên cưỡng dâm, mặt đầy mụn, dương dương tự đắc lái một chiếc xe tân trang – đều làm bồ nhí sành điệu của tôi chán ngấy. “Tất cả những rùm beng về bọn con trai làm mình buồn nôn,” em viết nguệch ngoạc bên trong một quyển vở học sinh, và bên dưới là nét chữ của Mona (Mona sắp xuất hiện ngay bây giờ) với lời bình phẩm châm chọc thâm hiểm: “Thế còn Rigger thì sao?” (cả nhân vật này nữa cũng sắp xuất hiện).
[1] Đó là những lần gặp gỡ với Quilty, như độc giả sẽ thấy trong những đoạn sắp tới.
Vậy cái đám choai choai tôi tình cờ nhìn thấy bám theo em đều là vô diện mạo. Chẳng hạn như Áo-Pun-Đỏ, một hôm, đúng ngày có tuyết đầu mùa, đưa em về nhà; từ cửa sổ phòng khách, tôi quan sát hai đứa trò chuyện ở gần cổng nhà chúng tôi. Em mặc chiếc măng tô cổ lông đầu tiên của mình, đội một chiếc mũ mềm màu nâu trên mái tóc để theo kiểu tôi ưa thích – diềm tua rủ xuống trán, uốn lượn hai bên và quăn tự nhiên sau gáy – và đôi giày da mộc sạm đen vì ẩm ướt cùng đôi tất trắng lúc này nhếch nhác hơn bao giờ hết. Như thường lệ, em ôm mớ sách trước ngực trong khi nói hoặc nghe và hai chân ngọ nguậy liên tục: lúc đứng trên chân trái với ngón cái chân phải tì lên mu, khi kéo chân phải ra sau, lúc bắt chéo hai chân, khi lại đu đưa nhè nhẹ, phác thử vài bước, rồi lại bắt đầu từ đầu cả loạt động tác đó. Lại còn cái thằng Kính-Chắn-Gió, một chiều Chủ nhật, đứng nói chuyện với em trước cửa một tiệm ăn, trong khi mẹ và chị gái nó cố tìm cách kéo tôi ra xa tán gẫu; tôi lết chân theo họ, thỉnh thoảng ngoái lại nhìn tình yêu duy nhất của mình. Em triển khai nhiều kiểu cách ước lệ, chẳng hạn như cái kiểu nghiêng đầu lễ phép, thường thấy ở bọn thiếu niên, để tỏ ra là mình đang thực sự muốn “cười lăn cười bò”, và như thế (khi cảm thấy tôi gọi), vẫn giả vờ như không nhịn cười được, em bước giật lùi vài bước, rồi quay đằng sau, đi về phía tôi với một nụ cười tắt dần. Mặt khác – có lẽ vì điều đó khiến tôi nhớ đến lời thú tội đầu tiên không thể nào quên được của em – tôi rất thích cái ngón điệu thúc thủ của em: thở dài một cách vừa não nuột vừa hài hước “ôi, lạy Chúa!” ra ý phục tùng định mệnh, hoặc thốt ra một tiếng “khô-ô-ông” kéo dài bằng một giọng sâu, trầm gần như rền rĩ, khi định mệnh giáng xuống thực sự. Trên tất cả – vì chúng ta đang nói về sự vận động và tuổi trẻ mà – tôi vô cùng thích ngắm em lượn đi lượn lại dọc phố Thayer Street trên chiếc xe đạp trẻ đẹp của mình: nhổm người đứng hẳn lên bàn đạp, guồng thật mạnh rồi buông mình trở lại trên yên trong một tư thế uể oải, để mặc cho xe theo đà tự lao đi; rồi em dừng lại ở hòm thư của chúng tôi và, vẫn ngồi trên yên xe, giở lướt một tờ họa báo tìm thấy trong đó, và để trả lại, và lè lưỡi áp vào một bên mép trên, dận chân lấy đà và lại phóng đi qua ánh nắng và bóng râm nhờ nhạt.
Nhìn chung, em có vẻ thích ứng với môi trường xung quanh tốt hơn là tôi đã hi vọng hồi mùa đông năm ngoái ở California khi quan sát cô bé nô lệ được nuông chiều của tôi và cái cung cách ứng xử thất thường mà em hồn nhiên phô ra như những vòng trang sức. Mặc dù không bao giờ có thể quen được với cái trạng thái lo âu thường trực vốn là thân phận của những kẻ phạm tội, những con người vĩ đại, những trái tim yêu thương, tôi vẫn cảm thấy mình đang đạt đến mức tột đỉnh của nghệ thuật bắt chước. Trong khi nằm trên cái giường hẹp trong thư phòng sau một chầu mê say và tuyệt vọng nơi căn phòng lạnh lẽo của Lolita, tôi thường duyệt lại ngày vừa kết thúc bằng cách kiểm tra hình ảnh của chính mình khi nó diễu qua, không, đúng hơn là lảng vảng trước con mắt đỏ của trí tưởng tượng của tôi. Tôi quan sát tiến sĩ Humbert điển trai, ngăm đen, phảng phất nét người Celt, có lẽ là Anh giáo, rất Anh giáo, tiễn con gái đến trường. Tôi quan sát ông ta nở một nụ cười trễ nải và nhướn cong cặp lông mày đen rậm như trong áp-phích quảng cáo, chào bà Holigan đôn hậu, hôi rình (tôi biết bà sẽ nhắm thẳng tới chai rượu gin của ông chủ ngay khi gặp cơ hội đầu tiên). Cùng Mr West, đao phủ về hưu hay người viết những truyền đơn tôn giáo – ai cần quan tâm đến chi tiết đó? – tôi thấy người hàng xóm, tên là gì tôi chẳng nhớ, hình như họ là người Pháp hay Thụy Sĩ gì đó, ngồi sau những cửa sổ ngay thẳng của thư phòng mình trầm ngâm suy tưởng trên chiếc máy chữ, gương mặt nhìn nghiêng khẳng khiu với một mớ tóc kiểu Hitler xõa trên trán tráng nhợt. Vào những ngày cuối tuần, ta có thể thấy giáo sư H. vận chiếc ba-đờ-xuy may đo sang trọng, đi găng màu nâu, thả bộ cùng con gái tới quán Walton Inn (nổi tiếng với những chú thỏ sứ thắt ruy băng tím và những hộp sô-cô-la, họ ngồi giữa những thứ đó đợi bồi dọn một “bàn cho hai người” còn vương vãi những mẩu bánh của đám khách trước). Vào những ngày trong tuần, ta thấy ông ta, khoảng một giờ chiều, trịnh trọng chào Miss Phía-Đông-Mắt-Argus [2] trong khi lái xe ra khỏi ga ra, lượn vòng vèo quanh đám cây xanh chết tiệt, xuôi xuống con đường trơn phía dưới. Ngước một con mắt lạnh lùng khỏi cuốn sách đang đọc, nhìn về phía chiếc đồng hồ treo trong thư viện thực sự ngột ngạt của trường Đại học Beardsley, giữa những thiếu phụ to béo mắc kẹt và hóa đá trong sự ngập tràn của kiến thức nhân loại. Đi qua khuôn viên trường cùng với linh mục của trường, cha Rigger (cha cũng dạy Kinh Thánh ở trường trung học Beardsley). “Nghe nói mẹ của c:ô bé là một nữ diễn viên nổi tiếng1 bị chết trong một tai nạn máy bay. Ô, thế à? Chắc là tôi nhầm. Phải thế không. Tôi hiểu rồi. Thật đáng buồn.” (Thanh cao hóa mẹ mình ư?) Chậm rãi đẩy chiếc xe nhỏ đựng hàng qua mê cung của siêu thị, theo sau giáo sư w., cũng là một ông góa chậm chạp, hòa nhã, với đôi mắt dê. xắn tay áo xúc tuyết, một chiếc khăn choàng đen-trắng quấn quanh cổ. Đi theo cô bé nữ sinh của mình vào nhà, không hề tỏ ra vội vàng ham hố (thậm chí còn đủng đỉnh chùi chân trên tấm thảm trước cửa). Đưa Dolly đến bác sĩ nha khoa – cô y tá xinh đẹp mỉm cười tươi rói – số họa báo cũ – ne montrezpas vos zhambes* (đừng có phô hết chân cẳng ra). Có thể thấy Mr Edgar H. Humbert, trong bữa tối với Dolly, ăn món bít tết theo lối châu Âu, dao tay trái, dĩa tay phải. Thưởng thức bản sao một cuộc hòa nhạc: hai người Pháp im sững, mặt như tạc trên cẩm thạch, ngồi cạnh nhau, với cô con gái nhỏ mê nhạc của Monsieur H. H. bên phải cha mình và cậu con trai nhỏ cũng mê nhạc của giáo sư w. (hiện đang qua một buổi tối giải quyết vệ sinh ở Provence2) bên tay trái Monsieur G. G. Mở cửa ga ra, một khoảng vuông ánh sáng trùm kín chiếc xe rồi tắt ngấm. Vận bộ đồ ngủ màu sáng, sập mạnh mành cửa sổ phòng ngủ Dolly. Sáng thứ Bảy, khuất mắt mọi người, trịnh trọng cân tươi Dolly trong phòng tắm, cô bé qua mùa đông trắng bệch ra. Sáng Chủ nhật, trông thấy người, nghe thấy tiếng, tựu trung mình đâu phải dân ngoan đạo chăm đi nhà thờ, mình bảo Dolly đừng có đến quá trễ, chả là em phải đến sân quần vợt có mái che. Mở cửa đón một bạn học cùng trường của Dolly vào nhà, con bé có óc quan sát kì quặc: “Lần đầu tiên cháu thấy một ông mặc xmôckinh đấy, thưa ông – tất nhiên, trừ ồ trên phim.”
[2] Theo thần thoại Hy Lạp, Argus là quái vật trăm mắt có nhiệm vụ theo dõi lo, một cô gái được thần Zeus yêu. Ý nói bà hàng xóm phía Đông này hay dòm ngó, tọc mạch.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.