Lolita
Chương 13
Vào lúc mùa xuân điểm xuyết những sắc màu vàng-xanh-hồng thắm vào phố Thayer Street thì Lolita đã đắm đuối với sàn diễn đến độ không sao xa rời nổi. Một hôm Chủ nhật, tôi tình cờ thấy Pratt ăn trưa với mấy người ở quán Walton Inn, bà ta bắt gặp luồng mắt của tôi từ xa, liền tỏ thiện cảm bằng cách kín đáo vỗ tay, trong khi Lo không nhìn về hướng ấy. Tôi thậm ghét sân khấu và, nói theo quan điểm lịch sử, coi nó là một loại hình nguyên thủy, thối rữa; một loại hình sực mùi nghi thức thời đồ đá và những thứ nhăng nhít thời công xã, mặc dù thi thoảng được chế vào tí ti thiên tài cá nhân, chẳng hạn như mạch thơ thời Nữ hoàng Elizabeth mà một độc giả cặm cụi trong phòng có thể chắt ra từ cả mớ chả khó khăn gì. Hồi ấy, bận bù đầu với những công trình văn chương của chính mình, tôi chẳng rỗi hơi đọc toàn bộ văn bản Những thợ săn bị mê hoặc, vở kịch nhỏ trong đó Dolly Haze được phân sắm vai con gái một nông dân; cô này tưởng tượng mình là một nữ phù thủy miền sơn cước, hoặc là nữ thần săn bắn Diana, hoặc gì gì đó, và, nhờ vớ được một cuốn sách về thuật thôi miên, làm cho một số thợ săn bị lạc đắm vào những cơn mê loạn tức cười, trước khi chính cô, đến lượt mình, rơi vào vòng si mê một thi sĩ lang thang (Mona Dahl). Đó là những gì tôi lượm lặt được từ những tờ kịch bản đánh máy lem nhem và nhàu nát mà Lo để vương vãi khắp nơi trong nhà. Cách nào đó, sự trùng hợp của nhan đề vở kịch với tên của một lữ quán không thể quên mang lại một niềm thích thú đượm chút u sầu: tôi mệt mỏi tự nhủ rằng đừng có dại mà lưu ý kẻ đã mê hoặc chính tôi đến điểm đó, kẻo lại bị kết tội một cách trơ tráo là ướt át mùi mẫn, và điều này thậm chí có thể còn làm tôi tổn thương hơn cả việc em không tự mình nhận ra sự trùng hợp ấy. Tôi đồ rằng vở kịch nhỏ này chỉ là một dị bản khác, hầu như khuyết danh, của một giai thoại tầm thường nào đó. Dĩ nhiên, chẳng có gì ngăn ta giả dụ rằng, người sáng lập ra khách sạn, trong khi tìm kiếm một cái tên hấp dẫn, đã chịu ảnh hưởng trực tiếp và duy nhất bởi sự ngông tưởng ngẫu nhiên của tay họa sĩ hạng hai vẽ tranh tường mà ông ta đã thuê, và rồi sau đó, tên của khách sạn lại gợi ý cho nhan đề của vở kịch. Nhưng với đầu óc cả tin, giản đơn, nhân hậu của mình, tôi đảo ngược trật tự diễn biến và chẳng cần suy nghĩ thực sự sâu xa về toàn bộ vấn đề, tôi giả định rằng cả ba – tranh tường, tên khách sạn và nhan đề vở kịch – đều xuất xứ từ một nguồn chung, từ một truyền thống nào đó của địa phương mà tôi, một kẻ ngoại bang mù mờ về văn hóa dân gian New England, không nhất thiết được xem như biết rành. Do đó, tôi cứ có cảm giác (toàn bộ điều này là ngẫu nhiên thôi, các vị hiểu cho, hoàn toàn nằm ngoài quĩ đạo của những gì quan trọng) rằng cái vở kịch nhỏ chết tiệt kia thuộc về cái loại trò bốc đồng được soạn đi soạn lại nhiều lần dành cho tuổi trẻ, như Hansel và Gretel của Richard Roe, hoặc Người Đẹp ngủ trong rừng của Dorothy Doe, hoặc Bộ quần áo mới của Hoàng Đế [1] của Maurice Vermont và Marion Rumpelmeyer – tất cả những thứ vớ vẩn này đều có thể tìm thấy trong bất kì tuyển tập Plays for School Actors (Kịch cho diễn viên trường phổ thông) hay Let’s Have A Play (Ta hãy dựng một vở kịch) nào! Nói cách khác, tôi không biết – hoặc nếu có biết thì cũng bất cần – rằng Những thợ săn bị mê hoặc thực ra là một vở độc đáo về mặt kĩ thuật, được soạn rất gần đây và được một nhóm trí thức ở New York trình diễn lần đầu mới cách đây có ba, bốn tháng thôi. Đối với tôi – trong chừng mực tôi có thể nhận định từ vai của người bỏ bùa cho tôi – nó có vẻ như một thứ trước tác làm cảnh xoàng xĩnh, đầy những dư vang đến từ Lenormand, Maeterlinck và những nhà mộng mơ trầm lắng người Anh [2]. Đám thợ săn đội mũ đỏ, ăn vận giống nhau, trong đó một người là chủ nhà băng, người thứ hai là thợ ống nước, người thứ ba là cảnh sát, người thứ tư cho thuê xe đòn đám ma, người thứ năm nhân viên bảo hiểm, người thứ sáu vừa trốn khỏi nhà tù (quí vị thấy biết bao khả năng!) trải qua một chuyển biến tâm thái hoàn toàn trong Thung lũng nhỏ của Dolly và chỉ còn nhớ về cuộc đời thực của mình như những giấc chiêm bao hoặc ác mộng từ đó Diana bé nhỏ đã đánh thức họ ra; nhưng tay Thợ Săn thứ bảy (cái gã ngu xuẩn này lại đội mũ xanh) là một Thi Sĩ Trẻ, gã một mực cả quyết rằng cả Diana lẫn các trò vui (cuộc khiêu vũ của các nữ thần, quỉ lùn cùng quái vật) đều là do gã, Thi Sĩ này, bịa ra và lời mạo nhận đó khiến nàng rất phiền lòng. Theo chỗ tôi hiểu, cuối cùng, Dolores-chân-đất, quá ngán với cái thói vênh váo đó, phải đưa gã huếnh (Mona mặc quần ca rô) về nhà trại của cha ở bên kia Khu Rừng Hiểm Nghèo để chứng tỏ với gã rằng nàng không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng một nhà thơ, mà là một thôn nữ chân lấm tay bùn – và một nụ hôn vào phút cuối để nhấn mạnh cái thông điệp sâu xa của vở kịch, cụ thể là ảo ảnh và thực tại quyện vào nhau thành tình yêu. Tôi tự nhủ chớ có dại mà đi phê phán cái của khỉ này trước mặt Lo: em đang dốc hết tâm trí một cách lành mạnh vào những “vấn đề biểu hiện”, và em chắp đôi bàn tay nhỏ, mềm mại, một cách duyên dáng xiết bao, chóp chóp hàng mi và xin tôi đừng có đến những buổi tập như một số bậc cha mẹ lố lăng nọ, vì em muốn chói sáng khiến tôi ngỡ ngàng vào Đêm Công Diễn Đầu Tiên – và vì, bất kể thế nào, tôi cũng luôn xía vô và nói những điều trật lấc, khiến diễn xuất của em đâm mất thoải mái trước mặt những người khác.
[1] Cả ba vở này đều được phỏng theo những truyện cổ tích nhằm đề tài mê hoặc và lừa lọc.
[2] Henri René Lenormand (1882-1951), kịch tác gia Pháp được coi là thuộc dòng Freud, nhưng ông nói rằng kịch của mình dựa trên những xung đột cảm xúc hơn là trên trí năng. Tác phẩm nổi bật: Thời gian là một giấc mơ (1919) và Dưới bóng cái ác (1924). Maurice Maeterlinck (1862-1949), nhà văn Pháp gốc Bỉ, đoạt giải thưởng Nobel văn học năm 1911. Có ảnh hưởng sâu rộng nhất vào thập niên cuối của thế kỉ 19 và thập niên đầu của thế kỉ 20, thời kì đỉnh cao của ông. Pelléas và Mélisande (1892) và Con chim xanh(1909) là hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. “Những nhà mộng mơ người Anh” được nhắc tới ở đây là: Sir James M. Barrie (1860-1937), tiểu thuyết gia và kịch tác gia người Xcôtlen, tác giả củaPeterPan (1904) và Một nụ hôn cho Nàng Lọ Lem(1916) và Lewis Carroll (1832- 1898), nhà văn Anh, tác giả cuốn Alice ở xứ sở thần tiên.
Có một buổi tập rất đặc biệt… tim tôi, ôi trái tim tôi… có một ngày tháng Năm đầy kích động vui vẻ – tất cả vèo qua như một tia chớp, ngoài tầm nhận thức của tôi, không để lại chút dấu vết nào trong kí ức tôi, và khi tôi gặp lại Lo sau đó, vào cuối chiều, em giữ thăng bằng trên yên xe đạp, áp lòng bàn tay lên lớp vỏ ẩm ướt của một cây phong non bên rìa bãi cỏ nhà chúng tôi, nụ cười âu yếm rạng ngời của em khiến tôi ngạc nhiên đến nỗi, trong một thoáng, tôi ngỡ tất cả những khúc mắc giữa chúng tôi đã tan biến. “Mình có nhớ,” em nói, “tên của cái khách sạn… mình biết đấy (nheo mũi), thôi nào, mình lạ gì… cái khách sạn có những cột trắng và con thiên nga bằng cẩm thạch ở sảnh ấy? Chao, mình thừa biết (thở hắt ra hào hển)… cái khách sạn nơi mình đã hiếp em ấy. Ôkê, thôi bỏ qua. Này, có phải (gần như thì thầm) là Những thợ săn bị mê hoặc không? Ồ, đúng chứ? (bâng khuâng) Đúng thế chứ?” – và phá lên cười, một tiếng cười đượm tình yêu và xuân sắc, em vỗ vào thân cây bóng loáng và lao lên dốc tới cuối phố, rồi quay trở xuống, thả đà ổ líp, chân để nguyên trên bàn đạp, tư thế thư giãn, một bần tay mơ mộng đặt lên trên cặp đùi dưói lớp vải hoa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.