Lolita

Chương 22



Đơn nguyên hai phòng mà chúng tôi đặt trước ở motel Silver Spur Court, Elphinstone, hóa ra thuộc loại nhà xây bằng gỗ thông nâu bóng; mà Lolita đã rất thích vào hồi đầu cuộc lãng du vô tư xả láng của chúng tôi; Ôi, sự tình bây giờ đã khác biết bao! Tôi không nhằm chỉ Trapp hoặc những tên Trapp. Xét cho cùng… ừ, thật ra… Xét cho cùng, quí vị ạ, càng lúc càng trở nên hiển nhiên là tất cả những gã thám tử y sì nhau trong những chiếc xe đủ các màu của cầu vồng chỉ là sản phẩm tưởng tượng của cái mặc cảm bị truy hại luôn ám ảnh tôi, những hình ảnh lặp đi lặp lại dụa trên những sự trùng hợp và giống nhau tình cờ. Soyons logique* (ta hãy suy xét lô-gích nào), cái thành phần gà trống Gô-loa trong óc tôi gáy lên như vậy – và liền đó bắt tay vào đánh tan tác cái giả thuyết rằng có một gã chào hàng hoặc đạo tặc rỏm mê cuồng Lolita đang cùng đám thuộc hạ truy hại tôi, giở đủ trò chơi xỏ tôi và ngoài ra còn om sòm lọi dụng những quan hệ kì dị của tôi với luật pháp. Tôi nhớ là lúc ấy mình đã âm ư một giai điệu nào đó để xua tan nỗi sợ. Tôi nhớ là thậm chí tôi đã cố nghĩ ra một kịch bản để giải thích cú điện thoại từ “Birdsley”… Nhưng nếu có thể gạt bỏ khỏi đầu óc cả Trapp cũng như những quằn quại của mình trên bãi cỏ, thì mặt khác, tôi lại hoàn toàn bất lực trước nỗi đau đớn với cái ý thức khốn khó rằng Lolita vẫn là một cám dỗ trêu ngươi không sao với tới được, vẫn yêu kiều, ngay trước thềm một kỉ nguyên mới, khi mà cái nồi cất của tôi báo tôi rằng lẽ ra em đã thôi không còn là một tiểu nữ thần, thôi không làm tôi đau khổ nữa.

Thêm một nỗi lo phiền ghê gớm và hoàn toàn tùy tiện được âu yếm sắp sẵn cho tôi ở Elphinstone. Lo đã lầm lì và im lặng suốt chặng cuối – khoảng ba trăm cây số đường núi không bị ô nhiễm bởi những con chó săn màu ghi khói hoặc những tên hề luồn lách. Em hồ như không thiết ngắm những khối đá nổi tiếng, hình thù ki dị rực lên ngòi ngời, chót vót bên trên những ngọn núi và từng là bệ phóng tới Niết Bàn cho một nữ tài tử bản tính thất thường. Thành phố này mới được xây dựng, hoặc tái thiết, trên sàn đáy bằng phẳng của một thung lũng sâu khoảng hai nghìn ba trăm mét; tôi hi vọng rằng Lo sẽ mau chóng chán nó và chúng tôi sẽ rong ruổi tiếp đến California, đến biên giới Mexico, đến những vịnh huyền thoại, những hoang mạc: đầy loại xương rồng saguaro, những ảo ảnh. José Lizzarrabengoa [1], như quí vị hẳn còn nhớ, đã tính chuyện đưa Carmen của mình tới Etats-Unis* (Hoa Kì). Tôi mường tượng ra một cuộc thi đấu quần vợt ở Trung Mĩ trong đó Dolores Haze cùng nhiều nữ sinh quán quân ở California sẽ tranh tài rôm rả. Những chuyến lưu diễn thiện chí trên độ cao rạng ngời loại trừ sự phân biệt giữa phi thể thao và thể thao [2]. Tại sao tôi lại hi vọng rằng chúng tôi có thể sung sướng ở nước ngoài? Một sự thay đổi môi trường là thứ ảo tưởng truyền thống mà những mối tình tuyệt vọng và những lá phổi bấu víu vào.

[1] Người tình bị Carmen bỏ rơi trong tiểu thuyết của Prosper Mérinée.

[2] Nguyên văn: “passport and sport”. “Passport” nghĩa là hộ chiếu nhưng có thể chiết tự ra thành “pas” (tiếng Pháp nghĩa là không) và “sport” (thể thao). Chúng tôi dịch thoát để giữ tinh thần chơi chữ.

Quản trị của motel, Mrs Hays [3], một quả phụ năng động mắt xanh, môi tô son màu gạch, hỏi cầu may liệu tôi có phải là người Thụy Sĩ không, vì em gái bà ta lấy một huấn luyện viên trượt tuyết người Thụy Sĩ. Phải, tôi xác nhận, nhưng con gái tôi lại mang nửa dòng máu Ailen. Tôi đăng kí vào sổ, bà Hays giao chìa khóa cho tôi với một nụ cười tươi rói và vẫn tươi rói như thế, chỉ cho tôi chỗ đậu xe; Lo chui ra khỏi xe, hơi run rẩy một chút: không khí sáng trong của buổi chiều quả có giá buốt. Vào nhà một cái là em ngồi luôn xuống một chiếc ghế cạnh bàn chơi bài, gục mặt vào cánh tay gập lại và bảo là em thấy khó ở. Vờ vịt, tôi nghĩ, vờ vịt, chắc chắn thế, để né tránh những vuốt ve của tôi; cổ họng tôi se lại vì dục vọng; nhưng khi tôi thử âu yếm em, em liền thút thít khóc một cách thảm thiết lạ thường. Lolita ốm. Lolita hấp hối. Da em nóng như rang! Tôi đo nhiệt độ em bằng đường miệng, rồi tra theo một công thức ghi tháu trên một tập “blóc-nốt” may sao có sẵn ở đó và sau khi cần mẫn qui từ độ Fahrenheit vốn vô nghĩa đối với tôi sang độ bách phân quen thuộc từ hồi bé, tôi phát hiện ra em đang sốt tới 40,4°C, điều đó ít nhất còn có nghĩa. Tôi biết các tiểu nữ thần khi lên cơn kích động có thể tăng nhiệt tới bất kì độ nào, thậm chí có lúc vượt quá ngưỡng tử vong. Và tôi hẳn đã cho em uống một hớp rượu vang nóng chế thêm gia vị cùng với hai viên aspirin và hôn em để giải cơn sốt, nếu khi xem xét kĩ chỗ lưỡi gà dưới hàm ếch, một trong những báu vật của cơ thể em, tôi không thấy nó đỏ rực. Tôi bèn cởi hết quần áo em ra. Hơi thở của em ngai ngái. Màu hồng nâu của em có vị máu. Em run từ đầu đến chân. Em kêu là những đốt sống trên cùng bị cứng đơ, rất đau – và, như mọi bậc làm cha mẹ ở Mĩ, tôi nghĩ đến chứng bại liệt. Từ bỏ mọi hi vọng làm tình với nhau, tôi quấn em trong một tấm mền và bế ra xe. Trong khi đó, bà Hays hảo tâm đã báo cho ông bác sĩ trong khu phố. “May mà cơ sự xảy ra ở đây đấy,” bà nói; vì không những Blue là thầy thuốc giỏi nhất trong vùng, mà Bệnh viện Elphinstone còn là bệnh viện hiện đại hết mức có thể, mặc dù nó chỉ có thể tiếp nhận một số lượng bệnh nhân hạn chế. Với một Erlkonig [4] tình dục khác giới bám đuổi sau lưng, tôi lái xe về hướng bệnh viện, mắt lóa bởi một ánh tà dương huy hoàng từ bên phía đồng bằng, và được hướng dẫn bởi một bà già bé nhỏ, kiểu phù thủy xách tay, có lẽ là con gái của Erlkonig cũng nên, do bà Hays cho mượn và sau đó tôi không bao giờ gặp lại nữa. Bác sĩ Blue, mà học thức chắc chắn là kém xa tiếng đồn, bảo đảm với tôi rằng đây là do bị nhiễm vi rút và khi tôi nhắc đến trận cúm gần đây của Lo, ông cộc cằn nói rằng đó là do một loại vi trùng khác, rằng ông đã xử lí bốn mươi “ca” tương tự; tất cả những thứ đó nghe như chứng “sốt rét đùng đùng” của người xưa vậy. Tôi tự hỏi có nên tưng tửng cười mà kể rằng đứa con gái mười lăm tuổi của tôi đã bị một tai nạn nhỏ khi trèo qua một hàng rào xệch xẹo cùng với một đứa bạn trai hay không, nhưng biết rằng mình đang say, tôi quyết định chờ xem, nếu cần thiết mới nói ra. Tôi khai với một ả nữ thư kí tóc vàng mặt khó đăm đăm là con gái tôi “coi như đã mười sáu tuổi”. Trong khi tôi nhãng đi, con gái tôi đã bị mang đi đâu mất! Tôi nài nỉ xin được qua đêm trên một tấm nệm rơm “từ thiện” trong một góc của cái bệnh viện chết tiệt này mà không được. Tôi chạy lên những đợt cầu thang xây theo phong cách tạo dựng [5], tôi cố truy tìm bé yêu của tôi để bảo em đừng nên bép xép, nhất là nếu em cảm thấy đầu óc chếnh choáng như tất cả chúng ta. Đến một lúc nào đó, tôi đã tỏ ra thô bạo ghê gớm đối với một nữ y tá rất trẻ và rất ngược ngạo có bộ mông quá khổ và cặp mắt đen rực lửa – về sau tôi được biết cô là người gốc Basque. Cha cô là một người chăn cừu nhập cư, một người luyện chó chăn cừu. Cuối cùng tôi trở về xe và ngồi lì trong đó không biết bao nhiêu tiếng, ru rú trong bóng tối, đờ đẫn vì nỗi cô đơn mới, há hốc miệng, giương mắt lúc thì nhìn ra tòa nhà bệnh viện thấp bè bè và vuông chằn chặn lờ mờ sáng giữa khu đất có bãi cỏ, khi thì ngước lên màn sao nhờ nhạt và những sườn haute montagne* (núi cao) lởm chởm lấp lánh bạc, ở đó lúc này, cha của Mary, Joseph Lore cô đơn, đang mơ đến Oloron, Lagore, Rolas [6] – quesais-je!*(còn gì nữa ai biết được; – hoặc quyến rũ một con cừu non. Những ý nghĩ lang bang thơm ngát như thế bao giờ cũng đem lại an ủi cho tôi trong những lúc căng thẳng khác thường và mãi đến khi, mặc dù uống lu bù mà vẫn cảm thấy tê cóng vì cái đêm dài bất tận, tôi mới nghĩ đến chuyện lái xe về motel. Mụ già đã biến mất và tôi không chắc là mình có nhớ đúng đường hay không. Những con lộ rộng rải sỏi vắt chéo nhau qua những mảng bóng tối hình chữ nhật thiu thiu ngủ. Tôi thấy một cái gì mang dáng dấp một giá treo cổ trên một khoảng có lẽ là sân trường; và trên một bãi tựa như hoang địa, sừng sững dưới mái vòm câm lặng ngôi đền của một giáo phái ở địa phương. Cuối cùng, tôi cũng tìm được xa lộ, và rồi về tới motel, ở đó hàng triệu con côn trùng gọi là “phù thủy đen” nhung nhúc xoáy lộn quanh đường viền nê ông của tấm biển báo “Hết phòng”; và vào lúc ba giờ sáng, sau một chầu xối nước nóng bằng vòi hương sen – cái kiểu tắm trái giờ giấc này, giống như chất giữ màu, chỉ có tác dụng cố định nỗi mệt mỏi và tuyệt vọng của ta – khi tôi nằm lên chiếc giường của em còn ngát mùi hạt dẻ, hoa hồng và bạc hà và cả mùi của thứ nước hoa Pháp rất tinh tế, rất đặc biệt mà gần đây tôi mới cho phép em dùng, tôi thấy mình không sao tiêu hóa nổi cái sự thật đơn giản là lần đầu tiên trong hai năm, tôi bị chia lìa khỏi Lolita của tôi. Đùng một cái, tôi chợt ngộ ra rằng, cách nào đó, cơn bệnh của em là sự phát triển của một chủ đề – rằng nó có cùng một vị và sắc điệu như cái loạt cảm giác liên hoàn đã hành hạ và làm tôi bối rối trong suốt cuộc hành trình của chúng tôi; tôi hình dung cái tên mật vụ, hay người tình bí mật, hay tên xỏ lá chơi khăm ấy, hay cái ảo giác ấy [94], hay bất kể hắn là gì, đang lẩn quất quanh bệnh viện – và Aurora vừa mới “hơ ấm tay”, nói theo cách những người hái hoa oải hương ở quê tôi, là tôi đã lại tìm cách lọt vào cái ngục tối ấy, gõ cánh cửa sơn xanh của nó, không điểm tâm, bụng rỗng, tuyệt vọng.

[2] Khởi đầu, H. H. “được Lolita ở nhà bà Haze và sẽ mất Lolita ở motel của bà Hays, cũng là một quả phụ”. Hai Cái tên Haze và Hays là đồng âm.

[3] Qui chiếu vè bài thơ của Goethe “Erlkonig” (Vua của các yêu tinh). Bài thơ mô tả Erlkonig hóa thân thành nhiều dạng ma quỉ đuổi theo hai cha con một chú bé ruổi ngựa qua một cánh rừng trong đêm tối đầy gió. Không chiếm đoạt được chú bé yêu dấu, Erlkonig quyết định chú bé phải chết. Trong văn cảnh này, Erlkonig dĩ nhiên là Quilty.

[4] Nguyên văn: “constructivistic”, tinh từ phái sinh từ “constructivism”. “Constructivism” là một triết lý nghệ thuật và kiến trúc khởi nguyên ở Nga từ năm 1919, chủ trương nghệ thuật vì những mục đích xã hội. “Constructivism” có tác động lớn đến nhiều trào lưu nghệ thuật hiện đại thế kỉ 20 như Bauhaus ở Đức, De Stijl ở Hà Lan, đồng thời ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực: kiến trúc, đồ họa, mĩ thuật công nghiệp, sân khấu, điện ảnh, thời trang và trong chừng mực nào đó cả âm nhạc nữa. Ở ta, chúng tôi chưa thấy tài liệu nào đề cập đến “constructivism”, nên tạm gọi là “thuyết tạo dựng”.

[5] Những địa danh này, cũng như việc nhập cư những người xứ Basque cùng các đàn chó chăn cừu của họ, là có thật.

[6] Tất cả những cụm từ chỉ định trên đều ám chỉ Quilty.

Đó là vào thứ Ba và thứ Tư hay thứ Năm, cục cưng của tôi phản ứng rất tốt với một loại “huyết tương” nào đó (tinh trùng chim sẻ hay phân của đu-gông [7]), em đỡ nhiều và bác sĩ bảo vài hôm nữa, em sẽ lại “nhảy chân sáo” cho mà xem.

[7] Từ tiếng Mã Lai “Duyung”: còn gọi là lợn biển một loài động vật có vú thường sống ở ven bờ biển Ấn Độ Dương và dọc bờ phía Tây Thái Bình Dương.

Trong số tám lần đến thăm em, chỉ có lần cuối cùng là khắc dấu sắc nét trong trí tôi. Lần đến thăm này là một thành tích không nhỏ, vì tôi cảm thấy bên trong mình như bị moi rỗng bởi sự lây nhiễm lúc đó cũng đã phát tác nơi tôi. Không ai biết được tôi đã phải tốn bao công sức để mang bó hoa cùng khối trọng tải yêu thương là những cuốn sách mà tôi đã vượt hơn trăm cây số để mua:Dramatic Works của Browning, The History of Dancing, Cloivns and Columbines, The Russian Ballet, Flovjers of the Rockies, The Theatre Guild Anthobgy, Tennis [8] của Helen Wills, người đã đoạt giải toàn quốc Đánh Đơn Thiếu Nữ ở tuổi mười lăm. Trong khi tôi chệnh choạng đi tới cửa phòng con gái tôi, một phòng bệnh cá nhân với giá thuê mười ba đô la. một ngày, Mary Lore, cái ả y tá bỉ ổi làm việc nửa ngày, ác cảm ra mặt với tôi, bước ra với một khay đồ điểm tâm đã ăn xong, đặt nó đánh cạch! lên một chiếc ghế trong hành lang và ngoáy mông quay ngoắt trở vào phòng – có lẽ để báo cho Dolores tội nghiệp của ả biết ông bố già bạo ngược của em đang lệt sệt đôi giày đế “kếp”, mang sách và hoa đến: để gom bó hoa này, tôi đã cất công trèo lên một con đèo từ lúc rạng đông, hái những bông hoa rừng và những khóm lá đẹp bằng đôi tay đi găng (trong cái tuần lễ định mệnh ấy, tôi hồ như không ngủ).

[8] Tất cả những cái tên sách này đều có thật, trừ Clowns and Columnines là do H.H. bịa ra.

Họ cho Carmencita của tôi ăn tốt chứ? Tôi nhìn cái khay. Trên một chiếc đĩa còn hoen lòng đỏ trứng, có một phong bì vò nhàu. Hẳn trong đó đã đựng một cái gì đó [9], vì một mép đã bị xé, nhưng không thấy đề địa chỉ – chẳng có gì ngoại trừ một họa tiết huy hiệu dỏm với máy chữ “Ponderosa Lodge” viết bằng mực xanh lục; liền đó, tôi biểu diễn một động tác chassé-croise* (cùng lúc bước chéo đổi chỗ cho nhau) với Mary lúc đó lại tất tưởi nhào ra – thật kì lạ, những nữ y tá trẻ mông to này di chuyển thì nhanh thoăn thoắt mà làm việc lại chẳng mấy hiệu quả. Ả gườm gườm nhìn chiếc phong bì tôi đã vuốt phẳng lại.

[9] Thư của Quilty.

“Tốt nhất là ông chớ có đụng vào,” ả nói, hất hàm về phía ấy. “Có khi bỏng tay đấy.”

Ngữ ấy đâu có đáng để tôi hạ lời đối đáp. Tôi chỉ nói:

Je croyais que c’était un* bill (tôi tưởng đó là một hóa đơn thanh toán) – chứ không phải mộtbillet doux* (thư tình) [10].” Rồi bước vào căn phòng đầy nắng, tôi nói với Lolita: “Bonjour, mon petit* (Chào bé).”

[10] Chơi chữ: trong “billet doux”có “bill”.

“Dolores,” Mary Lore nói, ả cùng vào với tôi, vượt lên trước tôi, xuyên qua tôi, cái ả điếm bụ bẫm ấy, và mắt hấp háy, ả bắt đầu gấp rất nhanh một tấm mền flanen trắng trong khi mắt vẫn chóp chóp. “Dolores, ba cô tưởng cô nhận thư của bạn trai tôi. Đó là thư gửi cho tôi (khẽ vỗ vào chiếc thánh giá nhỏ dát vàng ả đeo trước ngực với vẻ tự mãn). Và ba tôi cũng nói được tiếng Pháp như ba cô.”

Ả rời khỏi phòng. Dolores, hồng hào và đỏ đắn, môi vừa tô son, tóc chải bóng lộn, hai cánh tay trần duỗi thẳng trên tấm trải giường phăng phiu, nằm dài hồn nhiên, tươi rói nhìn tôi hoặc chẳng nhìn gì cả. Trên cái bàn nhỏ đầu giường, cạnh một chiếc khăn giấy và một cây bút chì, chiếc nhẫn hoàng ngọc của em như cháy rực lên trong ánh nắng.

“Hoa phúng đám tang hay sao mà ảm đạm thế,” em nói. “Dù sao cũng cảm ơn. Nhưng ba có tạnh bớt tiếng Pháp đi được không? Cái đó làm mọi người đều khó chịu.”

Và cái ả điếm mũm mĩm lại trở vào, vẫn với vẻ hối hả thường lệ, nồng nặc mùi tỏi và nước đái, mang theo tờ Deseret News [11] mà nữ bệnh nhân xinh đẹp của ả háo hức đón nhận, không màng tới những cuốn sách đầy minh họa tuyệt vời mà tôi mang đến.

[11] Một tờ báo có thật ở bang Utah.

“Ann, chị gái tôi,” Mary nói (thông tin bổ sung muộn màng), “làm việc ở khách sạn Ponderosa.”

Yêu-Râu-Xanh tội nghiệp. Những gã anh trai tàn bạo [12]. Est-ce que tu ne m’aimes plus, ma Carmen?* (Phải chăng em không còn yêu tôi nữa, Carmen của tôi) [13]. Thực ra, em đã bao giờ yêu tôi đâu. Lúc này, tôi biết rằng mối tình của mình tuyệt vọng hơn bao giờ hết – và tôi cũng biết rằng hai ả này đang âm mưu ở Basque [14], hoặc ở Zemfirian [15], chống lại mối tình vô vọng của tôi. Tôi phải nói thêm rằng Lo đang chơi trò hai mặt, vì em cũng đang lừa cả Mary đa cảm: tôi đồ rằng em đã nói với Mary là em muốn ở với ông cậu trẻ trung chịu chơi của ả hơn là với cái lão độc ác rầu ri là tôi đây. Và một nữ y tá khác mà tôi không bao giờ nhận diện được, và cái gã đần độn trong làng chuyên vận chuyển giường và quan tài vào thang máy, và những con vẹt xanh ngu xuẩn trong một chiếc lồng ở phòng đợi – tất cả đều nằm trong âm mưu, âm mưu nhơ bẩn ấy. Theo suy đoán của tôi, Mary nghĩ rằng giáo sư Humbertoldi, người cha hề ấy, đang can thiệp vào thiên diễm tình giữa Dolores và người cha-thế của ả [16], cái đồ Romeo béo phệ (bởi vì bụng ngươi toàn mỡ, ngươi biết không, Rom, bất kể cả lô “tuyết” [17] và “nuớc quả hoan lạc”).

[12] H. H. tự ví mình với Yêu-Râu-Xanh trong truyện cổ tích cùng tên của nhà văn Pháp Charles Perrault (1628-1703). Người vợ thứ bảy của Yêu-Râu-Xanh, sau khi phát hiện ra xác của sáu người vợ trước trong căn phòng bí mật, hi vọng hai anh trai sẽ tới cứu minh, nhờ chị gái là Ann lên ngọn tháp để ngóng trông. Chốc chốc, nàng lại hỏi như một điệp khúc: “Chị Ann, chị có thấy ai tới không?” Cuối cùng, hai người anh trai “tàn bạo” cũng đến kịp và giết chết Yêu-Râu-Xanh để cứu em gái. Cái tên “chị gái Ann” được Mary Lore nhắc tới ở mấy dòng trước.

[13] Câu của José Lizzarrabengoa nói với Carmen trong lần áp chót họ gặp nhau.

[14] Vẫn điển tích Carmen của P. Mérimée: Carmen và José âm mưu ở xứ Basque, ngay trước mặt gã tình nhân người Anh giàu có và ngờ nghệch của nàng, mà sau đó José giết chết. Cũng xin nhắc lại rằng Mary Lore, như trên kia đã nói, là người gốc Basque.

[15] Chữ do H. H. bịa ra nghĩa là “Di gan”, bắt nguồn từ tên nữ nhân vật Zemfira trong bài thơ trường thiên Những người Di gan của đại thi hào Nga A. Puslikin (1799-1837). Một tình sử kiểu “Carmen” trong đó nhân vật nam Aleko giết cả Zemfira phản trắc lẫn người tình của nàng.

[16] Tức Quilty. Với từ “cha-thế”, Nabokov giễu nhại thuyết “chuyển vị (transference)” của Freud, theo đó con gái chuyển vị tình thương mến đối với cha mình sang một người đàn ông khác, tương đồng để giải tỏa căng thẳng do mặc cảm Oedipe.

[17] Tiếng lóng chỉ cocaine (bạch phiến). Quilty có xài thứ này.

Cổ họng đau rát, tôi đứng ở cửa sổ nuốt khan và trân trân nhìn dãy núi, nhìn tảng đá lãng mạn tít trên bầu trời tươi vui mà đầy âm mưu.

“Carmen của ta,” tôi nói (thi thoảng tôi vẫn gọi em thế), “chúng mình sẽ rời cái thành phố thô thiển chán ốm này ngay khi em khỏi bệnh.”

“Tiện đây xin nói em cần tất cả quần áo,” cô bé Di gan nói, co đầu gối lên và giở qua một trang khác.

“… bởi vì, quả thật,” tôi nói tiếp, “chẳng có lí do gì để ở lại đây.”

“Chẳng có lí do gì để ở lại bất kì đâu.”

Tôi ngồi xuống một cái ghế bành bọc vải bông dày, mở cuốn sách hấp dẫn khảo cứu về thực vật học và, trong im lặng ong ong sốt của căn phòng, cố nhận diện và định danh những bông hoa tôi đã hái nhưng điều này xem ra là bất khả. Thế rồi, một hồi chuông thánh thót vang lên đâu đó trong hành lang.

Tôi nghĩ cái bệnh viện nặng về khoe mẽ này không có quá một chục bệnh nhân (ba hoặc bốn trong số đó loạn thần kinh, như Lo đã vui vẻ thông báo cho tôi mấy hôm trước) nên nhân viên có quá nhiều thì giờ rảnh rỗi. Tuy nhiên cũng chính vì lí do khoe mẽ, nội qui ở đây rất chặt chẽ. Cũng đúng là tôi luôn đến vào những giờ trái khoáy. Mary-Thấu-Thị (lần sau sẽ phải gọi là une belle dame toute en bleu* (một nương nương diễm lệ mặc đồ xanh tuyền) bồng bềnh qua Roaring Gulch) [18] túm lấy cổ tay áo tôi kéo ra ngoài, trong lòng không khỏi dạt dào một thứ malice*(tinh quái) mộng mơ. Tôi nhìn tay ả; nó thõng xuống. Khi tôi ra về, hoàn toàn tự nguyện, Dolores Haze nhắc tôi nhớ sáng hôm sau mang đến cho em… Em không nhớ những thứ em cần để ở đâu… “Mang cho em,” em kêu to (đã khuất dạng vì cánh cửa chuyển động, từ từ đóng, đóng hẳn) “cái va li mới màu ghi và cái hòm của ma-măng nhé”; nhưng sáng hôm sau, tôi run bần bật, tôi nốc rượu và hấp hối trên cái giường khách sạn mà em chỉ dùng có mấy phút đồng hồ và trong cái trạng thái nhìn gì cũng thấy quay tròn và phình ra ấy, tôi không thể làm gì hơn là nhờ gã bồ của bà quả phụ, một tay lái xe tải cường tráng và tốt bụng, chuyển hai bọc hành lí đến cho em. Tôi hình dung Lo đem phô kho báu của mình với Mary… Chắc hẳn tôi hơi sảng loạn một chút – và ngày hôm sau, tôi vẫn còn ở thể rung hơn là thể rắn vì khi nhìn từ cửa sổ buồng tắm ra bãi cỏ bên cạnh, tôi thấy chiếc xe đạp trẻ đẹp của Dolly dựng ở đó trên chân chống, cái bánh trước duyên dáng ngoảnh đi không nhìn tôi như bao giờ cũng thế, với một con chim sẻ vắt vẻo trên yên – nhưng đó là xe của bà chủ, thế là khẽ mỉm cười và vừa ngẫm ngợi về những huyễn tượng của mình vừa lắc lắc cái đầu tội nghiệp, tôi thất thểu trở về giường và nằm dài bình thản trên đó như một vị thánh –

Đức Thánh, thật vậy! Trong khi Dolores tóc nâu,

Trên một vạt cỏ xanh ngời nắng

Cùng với Sanchicha đọc truyện

Trong một tờ tạp chí điện ảnh [19]

– có mặt với nhiều tiêu mẫu khác nhau ở bất cứ nơi nào Dolores tới và trong thành phố đang rộn rã chào mừng một lễ hội quốc gia gì đó, bằng vào tiếng pháo nổ liên miên như bom thật, vào lúc hai giờ kém năm phút chiều, tôi nghe thấy tiếng sáo miệng tiến lại gần cánh cửa hé mở của phòng tôi rồi tiếng đấm cửa thùm thụp.

[18] Thấu thị ở đây không chỉ có nghĩa là nhìn thấy điều sâu xa, mà còn hàm nghĩa được thấy Đức Mạ Đồng Trinh hiện hình. Nữ y tá Mary-Thấu Thi vốn là người gốc Basque, vùng Hautes-Pyrénées của tổ tiên cô ta nằm trong cùng tình với Lourdes, nơi đã thành một địa điểm hành hương vì tương truyền rằng Đức Mẹ Đồng Trinh đã từng hơn một lần hiện hình ở đây trong trang phục toàn xanh.

[19] Nhiễu nhại một khổ ngắn trong bài thơ “Độc thoại của Tư viện Tây Ban Nha” của nhà thơ Anh Robert Browning (1812-1889).

Đó là gã Frank hộ pháp. Gã đứng sùng sững giữa cửa mở, chống một tay vào nẹp dọc khung cửa, hơi ngả về phía trước.

Xin chào. Nữ y tá Lore vừa gọi điện thoại. Hỏi tôi đã đỡ chưa và hôm nay có đến được không.

Cách khoảng hai mươi bước, Frank nom như một trái núi tràn trề sức lực; cách năm bước như lúc này, gã là một khối khảm ghép đỏ kệch những sẹo là sẹo – có lần, ở hải ngoại, gã bị hơi bom cuốn phăng xuyên qua một mảng tường; nhưng bất chấp những thương tích không thể định danh, gã vẫn có thể lái một chiếc xe tải kếch sù; câu cá, đi săn, uống rượu và thậm chí đú với các “em” gặp gỡ dọc đường. Hôm ấy, hoặc vì rơi đúng vào ngày lễ lớn [20], hoặc đơn giản vì muốn giải khuây cho một người ốm, gã đã tháo chiếc găng thường mang bên tay trái (bàn tay tì vào nẹp dọc khung cửa) để lộ cho người bệnh sững sờ không chỉ phát hiện ra là nó thiếu cả ngón thứ tư và thứ năm, mà còn thấy một hình nữ khỏa thân với hí li bầu vú màu thần sa, nạm tam giác màu chàm, xăm rất duyên tiên mu bàn tay què cụt của gã, ngón trỏ và ngón giữa thể hiện hai chân cô gái, còn cổ tay mang hình cái đầu chít một vành hoa. Ôi, tuyệt vời… ngả người dựa vào nẹp khung cửa, như một nàng tiên nhỏ ranh mãnh [21].

[20] Ngày quốc khánh Mĩ, 4 tháng Bảy. “Ngày Độc Lập cho Lolita”, tác giả bình luận.

[21] Frank có thể “đu” với cả bà Hays. Hình xăm một nàng tiên nhỏ khỏa thân trên mu bàn tay tiếp tục gợi cái môtip tiểu nữ thần xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Chi tiết khỏa thân với “đầu chít vành hoa” gợi lên chất Polynesia. Xem tiếp chú thích dưới đây.

Tôi nhờ gã nói với Mary Lore là hôm nay tôi sẽ nằm dài suốt ngày trên giường và sẽ liên lạc với con gái tôi vào một lúc nào đó trong ngày mai, nếu tôi cảm thấy mình có lẽ gốc gác ở Polynesia [22].

[22] Chỗ này bản dịch Pháp văn của Maurice Couturier mà chúng tôi dùng để tham khảo chú thích là H. H. nói linh tinh không ăn nhập vào đâu do sảng loạn (incohérence due à son délire). Thực ra, việc đề cập đến Polynesia là hữu thức và vẫn bắt nguồn từ những ám ảnh về sự phóng đãng của Lolita. Hình xăm khỏa thân với vành hoa trên đầu, nhắc đến ở mấy dòng trên, gợi một nét tập tục văn hóa của người Polynesia. Theo Altred Appel, Jr, trong The Annotated Lolita (Lolita có bình chú), ý này tham chiếu đến các truyền thống về gia đình và bộ tộc của xã hội Polynesia. Một húy kị quan trọng của xã hội Polynesia là loạn luân, điều mà H. H. phớt lờ. Chất “uy-mua” nằm ở đó.

Gã nhận thấy hướng mắt nhìn của tôi và ngúc ngoắc tay cho mông bên phải cô gái ngọ nguậy một cách tình tứ.

“Đồng ý,” Frank hộ pháp du dương nói, đập tay vào nẹp dọc khung cửa và, miệng huýt sáo, mang thông điệp của tôi đi, còn tôi tiếp tục nóc rượu. Sáng hôm sau hết sốt, mặc dù người còn mềm oặt như cái tã, tôi vẫn khoác chiếc áo dài màu tía mặc trong nhà ra ngoài bộ đồ pi-ja-ma màu vàng ngô và xuống quầy tiếp tân để gọi điện thoại. Mọi sự đều ổn. Một giọng vui tươi cho tôi biết, vâng mọi sự đều ổn, con gái tôi đã ra viện hôm qua, vào quãng hai giờ chiều, ông chú Gustave [23] đã đến đón cô bé cùng với một con chó cộc, một nụ cười duyên với tất cả mọi người, một chiếc Caddy Lack [24] màu đen và đã thanh toán viện phí của Dolly bằng tiền mặt và nhờ họ bảo tôi đừng lo, cứ giữ cho ấm, hai chú cháu về trại của ông ngoại như đã thỏa thuận.

[23] Lolita ắt đã kể cho Quilty rằng H. H. có một ông chú tên là Guiitave Trapp với ngoại hình hơi giống Quilty, kể cả bộ ria.

[24] Cadillac, loại xe sang nhất hồi đó. H. H. biến dạng chính tả đi.

Elphinstone hồi ấy (và tôi hi vọng hiện nay vẫn thế) là một thành phố nhỏ rất xinh đẹp. Nó trải ra như một tấm ma-két trên mặt bằng đáy thung lũng với những rặng cây xanh êm như len và những ngôi nhà mái đỏ, và hình như trước đây tôi đã nhắc đến ngôi trường mẫu mực, ngôi điện thờ và những khoảng rộng hình chữ nhật mà một số trong đó, lạ thay, chỉ là những bãi cỏ dị thường nơi một con la hoặc một con kì lân gặm cỏ trong làn sương tươi trẻ của buổi sáng tháng Bảy. Rất buồn cười: ở một khúc cua gấp nghiến sỏi kêu rào rạo, tôi quệt phải sườn một chiếc xe, nhưng tự nhủ bằng bí tích tôn giáo – và, bằng thần giao cách cảm nữa (tôi hi vọng thế), với tay chủ xe đang vung chân vung tay bất bình – ràng tôi sẽ quay lại sau, địa chỉ Trường Bird, thành phố Bird, bang New Bird, rượu gừng giữ cho tim tôi sống động nhưng làm mụ mị đầu óc tôi, và sau mấy quãng hẫng và thiếu hụt thường xảy ra trong những cơn mê, tôi thấy mình ở trong phòng thường trực bệnh viện, định tẩn cho tay bác sĩ một trận, thét lác mấy người chui xuống gầm ghế và quát tháo đòi gặp Mary, may cho ả lúc đó không có mặt; những bàn tay dữ dằn túm lẩy chiếc áo dài mặc trong nhà của tôi, xé toạc một bên túi và không hiểu sao tôi lại thấy mình ngồi lên một bệnh nhân đầu hói lơ thơ mấy sợi tóc nâu, mà tôi lầm tưởng là bác sĩ Blue, cuối cùng, tay này đứng dậy, nói với một giọng quái đản: “Nào, giờ thì xin hỏi ai là người loạn thần kinh chức năng?” – và liền đó một nữ y tá gầy nhẳng, cau có đưa cho tôi bảy cuốn sách đẹp, ôi thật đẹp và cái chăn ca rô gấp lất phẳng phiu và yêu cầu tôi viết giấy biên nhận; và trong im lặng đột ngột, tôi nhận thấy sự hiện diện của một cảnh sát trong hành lang với người chủ chiếc xe bị tôi quệt phải, y chỉ cho viên cảnh sát thấy tôi, và, nhu nhược, tôi kí vào tờ biên nhận đầy ý nghĩa tượng trưng, giao nộp Lolita của tôi cho cả lũ đười ươi ấy. Song tôi có thể làm gì khác được? Một ý nghĩ đơn giản và hiển nhiên nổi bật lên, đó là: “Lúc này, tự do là tất cả.” Một nước cờ sai, là tôi có thể đi đến chỗ phải giải trình cả một đời tội ác. Cho nên tôi giả vờ như vừa hồi lại sau một cơn choáng. Với người đồng hành bằng xe hơi, tôi đền bù một khoản mà y thấy là phải chăng. Với bác sĩ Blue lúc này đang vuốt tay tôi ân cần, tôi rưng rung nước mắt thú nhận rằng mình đã quá xả láng dùng rượu để xoa dịu một trái tim trái thói nhưng không nhất thiết là bệnh hoạn. Với bệnh viện nói chung, tôi xin lỗi bằng một cử chỉ đầy biểu cảm, gập người đến nỗi suýt té nhào, tuy nhiên vẫn nói thêm rằng tôi không đặc biệt thân thiện gì với phần còn lại của bộ tộc nhà Humbert. Với bản thân mình, tôi rí tai rằng tôi vẫn còn khẩu súng và vẫn là một người tự do – tự do truy tìm cô bé chạy trốn khỏi tôi, tự do hủy diệt người anh em của tôi [25].

[25] Quilty, khi đến bệnh viện đón Lolita đi, mạo danh là ông chú của H. H.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.