Lolita

Chương 25



Cuốn sách này nói về Lolita; và giờ đây, khi tôi viết đến cái phần lẽ ra có thể đặt tên là “Dolores disparue* (Dolores biến mất)” (nếu không có một vị tuẫn đạo khác với nội tâm bốc cháy đã nhanh tay hơn dùng trước mất [1]) thì việc phân tích ba năm tiếp theo chẳng còn mấy ý nghĩa. Tuy có một số điểm thích đáng cần nêu rõ, nhưng cái ấn tượng chung mà tôi muốn truyền đạt là cái cảm giác xâm chiếm ta khi một cánh cửa ngang của cuộc đời đang vun vút bay bỗng mờ đánh rầm, và một luồng thời gian đen kịt gầm gào thốc tới, nhận chìm tiếng kêu của tai họa cô đơn bằng từng đợt gió quật ào ào.

[1] Chỉ Marcel Proust. Cuốn áp chót của bộ tiểu thuyết đồ sộ A la rscherche du temps perdu (Tìm lại thời gian đã mất), trong lần xuất bản đầu tiên, có tên là Albertine disparue (Albertine biến mất).

Kì lạ thay, tới hiếm khi, nếu không muốn nói ià không bao giờ, mơ thấy Lolita như hình ảnh em trong trí nhớ tôi – như tôi hằng thấy em một cách đầy ám ảnh trong tâm trí hữu thức của mình, trong những cơn ác mộng giữa ban ngày cũng như trong những đêm mất ngủ. Nói chính xác hơn: em ám ảnh giấc ngủ của tôi, nhưng em hiện ra trong đó dưới những lốt kì lạ, lố bịch, khi thì như là Valeria hay Charlotte, khi thì là một phối kết của cả hai. Cái bóng ma phức hợp này tiến đến tôi, lần lượt trút bỏ áo quần, trong một không khí cực kì buồn bã và chán ngán, và nằm dài ra với thái độ mời mọc ơ hờ trên một tấm ván hẹp hay một chiếc đi văng cứng, da thịt he hé như miệng van cao su của ruột một trái bóng đá. Và lần nào cũng thế, tôi thấy mình, hàm răng giả long ra hoặc bỏ quên đâu mất, đang ở trong các chambre gamie* (phòng cho thuê có sẵn đồ đạc) gớm ghiếc, mua vui bằng những pha giải phẫu sống nhàm chán thường thường kết thúc bằng cảnh Charlotte hay Valeria khóc trong vòng; tay ứa máu của tôi, và tôi hôn họ bằng đôi môi đượm tình anh em trong một cảnh hỗn độn mê hoảng những đồ tầm tầm thành Vienna [2] đem bán đấu giá cùng với lòng thương hại, sự liệt dương và những mớ tóc giả màu nâu của những bà già vừa bị giết bi thảm trong lò hơi ngạt.

[2] Lại một qui chiếu đến Freud.

Một hôm, tôi dọn ô tô lôi ra và hủy một đống tạp chí dành cho tuổi vị thành niên. Quí vị lạ gì cái loại đó. Thực chất, thuộc thời kì đồ đá; cập nhật, về phương diện vệ sinh, ít nhất thuộc văn hóa Mycenae [3]. Một nữ diễn viên đẹp và chín nẫu, lông mi bự, môi dưới đỏ mọng khuyến mại cho một loại dầu gội đầu. Quảng cáo và thị hiếu nhất thời. Những nữ sinh thích mê kiểu váy xếp nếp –que c’était loin, tout cela!* (tất cả những cái đó đã xa xưa nhường bao). Nhiệm vụ của nữ chủ nhân là cung cấp áo choàng. Những chi tiết lạc lõng làm cuộc trò chuyện mất hết vẻ sinh động. Tất cả chúng ta đều biết những nàng “gặm biểu bì” – những cô gái ngồi cắn móng tay trong các cuộc liên hoan ở công sở. Một người đàn ông, nếu không phải là nhân vật rất quan trọng, hoặc đã rất cao tuổi, trước khi bắt tay một phụ nữ, phải bỏ găng ra. Hãy mời mọc Ái Tình bằng cách mặc đồ Tân Thời Bụng Phẳng Lì đầy khêu gợi. Thắt eo, bó mông. Tristram [4] trong Phim Tình Ái. Vâng thưa ngài! Câu đó phu thê Joe-Rose làm cho lũ ngốc bối rối. Hãy tự làm đẹp mau chóng và không tốn kém. Các truyện tranh. Con gái xấu tóc đen bố béo ị xì gà; con gái ngoan tóc đỏ bố đẹp trai ria tỉa gọn. Hoặc cái xê ri tởm lợm về cái thằng cha to đùng như đười ươi và cô vợ nhỏ con lùn tè. Et moi qui t’ojfrais mon génie* (Và ta, người đã dâng nàng thiên tài của mình) [5]… Tôi nhớ những câu thơ vớ vẩn nhưng cũng khá dễ thương mà tôi thường viết tặng em hồi em còn bé. “Vớ vẩn là từ chính xác,” em nói với vẻ giễu cợt:

Chàng Sót và con Sóc của mình, lễ Rab và các thầy Rabbi

Họ có một sổ tập quán bí hiểm và li kì.

Chim ruồi đực phóng tên lửa tung gió bụi

Con rắn kia khi đi đút tay vào túi…

[3] Giai đoạn văn hóa cuối thời kì đồ đồng ờ Hi Lạp cổ đại, kéo dài từ khoảng 1600 trước Công nguyèn đến khoảng 1100 trước Công nguyên và là bối cảnh của văn học cổ và thần thoại Hi Lạp, kể cả các sử thi của Homère.

[4] Tên được dùng phổ biến hơn là Tristan, nhân vật trong truyện truyền kì về cuộc tình bi thảm của Tristan và Iseut, được kể theo nhiều dị bản ở cả phương Tây lẫn phương Đông.

[5] H. H. dẫn phứa một câu thơ na ná giọng điệu các nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn Pháp kiểu như Alfred de Musset chẳng hạn.

Một số thứ khác của em không dễ từ bỏ như thế. Cho đến cuối năm 1949, tôi vẫn nâng niu, tôn thờ và nhiều khi làm ố bằng những chiếc hôn và những giọt nước mắt nam ngư của mình một đôi giày tennis cũ, một chiếc sơ mi nam em thường mặc, vài chiếc quần jeans cũ tôi tìm thấy trong cốp xe, một chiếc mũ cát két học sinh nhàu nát và những báu vật tương tự. Rồi khi hiểu ra là đầu mình đang chập cheng, tôi bèn gom những đồ linh tinh này, cộng thêm những gì đã lưu kí ở Beardsley – một hòm sách, chiếc xe đạp của em, một lô măng tô cũ và giày ủng – và vào dịp sinh nhật lần thứ mười lăm của em, đem tất cả ra bưu điện gửi như một tặng phẩm vô danh cho một trại trẻ mồ côi nữ bên bờ một con hồ lộng gió gần biên giới Canada.

Nếu tôi tìm đến một nhà thôi miên giỏi, thì rất có khả năng là ông ta đã có thể khui ra từ tâm thức tôi và sắp xếp lại thành một mô hình lô-gích một số mẩu kí ức ngẫu nhiên mà tôi đã rải ra khắp cuốn sách của mình một cách phô phang hơn nhiều so với cách chúng hiện lên trong tâm trí tôi, ngay cả giờ đây khi tôi đã biết nên tìm kiếm những gì trong quá khứ. Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy mình mất đứt liên hệ với thực tại; và sau khi qua nốt mùa đông và đa phần mùa xuân tiếp theo trong một an dưỡng đường ở Quebec, nơi trước đây tôi từng lưu lại một thòi gian, tôi quyết định trước hết hẵng giải quyết một số việc riêng ở New York đã, rồi sẽ tới California tiến hành một cuộc tìm kiếm triệt để đến đầu đến đũa.

Đây những dòng tôi đã viết trong những ngày an dưỡng:

Ta tìm em, Dolores, ta săn đuổi

Làn tóc nâu, đôi môi thẳm lung linh

Năm ngàn cộng ba trăm ngày tuổi

Không nghề nghiệp. Em là tiểu minh tinh

Dolores, đâu là nơi em ẩn náu?

Mà sao em phải trốn chạy, em yêu?

(Ta nói sảng, không sao ra thoát – lời con sáo[6]

Trong mê cung ta thất thều bước liêu xiêu).

Dolores, em rong ruổi nơi đâu khi màn đêm buông xuống?

Tấm thảm bay của em mang nhãn mác nào?

Có phải Cream Cougar hiện đang thời thượng?

Và chiếc xe cưng của ta, em đậu nơi nao?

Dolores, người hùng của em giờ là ai vậy?

Trong đám hề đội mũ xanh da trời?

Ôi những ngày xưa thom tho, những ngày xanh tươi ấy

Ô tô, quán bar nhộn nhịp, Carmen của ta ơi!

Ôi Dolores, cái máy hát ấy khiến lòng ta nhỏ máu!

Em yêu, em vẫn đang khiêu vũ đấy ư?

(Cả hai mặc quần jeans, áo phông rách ráu

Còn ta ngồi trong góc, nhe nanh gầm gừ)

Sướng thay, sướng thay, McFate nhăn nhở!

Chu du khắp Hoa Kì với cô vợ hài nhi

Với chiếc Molly cày xới từng bang lớn nhỏ

Giữa đám chim thú hoang dã hả hê

Dolly, niềm đam mê của ta! Mắt em màu xám

Chẳng bao giờ khép lại khi ta hôn em

Phải chàng quí ông đến từ Paris đa cảm?

Có biết loại nước hoa Mặt Trời Xanh Dịu Êm?

L’autre soir un air froid d’opéra m’alita:

Son fêlé – bien fol est qui s’y fie!

II neige, le décor s’écroule, Lolita!

Lolita, qu’ai-je fait de ta vie? [7]

Ta đang hấp hối, Lolita, ta sắp chết

Chết vì hối hận, chết vì câm thù

Và ta lại nghe tiếng em kêu khóc thảm thiết

Và ta lại giơ nắm tay lông lá bù xù

Thầy cảnh sát, kìa họ, thầy cảnh sát

Họ đi trong mưa về phía hiệu thuốc sáng đèn

Cô gái đi tất trắng, người tôi yêu khao khát

Tên là Lolita, tôi thường gọi Carmen

Thầy cảnh sát, thầy cảnh sát, họ đẩy…

Dolores Haze và gã người tình của em

Hãy rút súng và bám theo chiếc xe ấy

Giờ hãy ra mau, nấp kín rình xem

Dolores, ta tìm em, ta săn đuổi

Mắt xám mơ màng nhìn trân trân

Em chỉ nặng chừng bốn lăm kí

Và cao không quá mét năm lăm

Lolita, chiếc xe của ta tập tễnh chao chao

Trên chặng cuối cùng dài và gay go nhất

Và ta sẽ bị ném vào đám cỏ mục nát

Phần còn lại chỉ là gỉ sắt và bụi sao.

[6] “Không sao ra thoát – lời con sáo”: nguyên văn là “I cannot get out”. Trích dẫn từ cuốn A Sentimental Joumey through France and Italy (Một hành trình tình cảm qua Pháp và Ý) của Laurence sterne, tiểu thuyết gia Anh-Ailen (1713-1768). Trong chuyến tham quan ngục Bastille ở Paris, Yorick, người kể chuyện, đặc biệt chú ý đến một con sáo biết nói bị nhốt trong lồng. Cái điệp khúc “Không thoát ra được” của con chim làm Yorick xúc động sâu sắc. Bốn tiếng duy nhất “Không thoát ra được” mà con sáo học được có thể coi như một môtip “bị cầm tù” thường xuyên ám ảnh H. H.

[7] Khổ bốn câu này bằng tiếng Pháp trong nguyễn bản: “Tối nọ, một luồng gió lạnh từ nhà hát khiến ta phải nằm liệt giường/ Âm thanh rè – điên dại thay kẻ nào cả tin/ Tuyết rơi, cảnh trí sụp đổ, Lolita!/ Lolita, ta đã làm chi đời em?” Đây là một kiểu nhại giễu và mô phỏng nhiều thể thơ Pháp. Câu thứ hai, “bien fol est qui s’y fie” lấy ra từ lời độc thoại của nhà vua trong vở Le roi s’amuse (Đức vua vui chơi) của đại văn hào Pháp Victor Hugo: “Souvent femme varie/ Eien foi est qui s’y fie!” (đàn bà thay đổi xoành xoạch/ Điên dại thay kẻ nào cả tin họ!).

Phân tích bài thơ này theo kiểu tâm phân học, tôi thấy nó thực sự là một kiệt tác của kẻ loạn thần kinh. Những vần gieo trần trụi, cứng nhắc, ghê rợn tuơng ứng rất chính xác với một số hình tuợng và phong cảnh dễ sợ không có phối cảnh cùng các bộ phận đuợc phóng to gấp bội của những phong cảnh và hình tượng được vẽ bởi những bệnh nhân tâm thần trong những trắc nghiệm do các tay huấn luyện ranh ma của họ bày đặt ra. Tôi còn viết nhiều bài thơ khác nữa. Tôi đắm mình vào thơ của những người khác. Nhưng không một giây nào, tôi quên cái gánh nặng của báo thù.

Nếu tôi nói cú sốc do mất Lolita đã chữa cho tôi khỏi chứng ham muốn tình dục với trẻ con, thì tôi hẳn là một tên khốn kiếp và độc giả nào tin lời tôi ắt là một kẻ ngu đần. Cái bản chất đáng nguyền rủa của tôi không thể thay đổi, cho dù tình yêu của tôi đối với em có đổi thay. Ở những sân chơi và trên những bãi biển, con mắt rầu rĩ và lén lút của tôi, bất chấp ý chí của mình, vẫn dò tìm ánh chớp lóe lên từ một cánh tay hay bắp chân của một tiểu nữ thần nào đó, những dấu hiệu xảo trá loại hầu gái của Lolita. Nhưng một viễn ảnh thiết yếu đã tàn lụi trong tôi: chẳng bao giờ nữa, tôi còn nuôi cái ý tưởng rằng mình có thể lại được biết đến niềm lạc thú bên một bé gái, dù là cụ thể hay tổng họp, ở một nơi hẻo lánh nào đó; chẳng bao giờ trí tưởng tượng của tôi còn cắn ngập răng vào những em gái của Lolita, ở tận những vịnh nhỏ xa tít mù tắp trên những hòn đảo huyền hoặc. Tất cả những cái đó đã hết rồi, ít nhất là vào thời điểm này. Mặt khác, than ôi, hai năm ăn chơi xả láng ghê gớm đã để lại trong tôi một số thói quen dâm ô: tôi sợ cái trống rỗng mà tôi sống trong đó, cuối cùng sẽ đẩy tôi tới chỗ lao tự do vào một cơn điên bất thần khi đối mặt với một cám dỗ ngẫu nhiên trong một ngõ hẻm giữa trường học và bữa tối. Cô đơn đang làm tôi đồi bại. Tôi cần có người bầu bạn và chăm sóc. Con tim tôi là một cơ quan cuồng loạn không thể tin cậy được. Và như thế, trong bối cảnh đó, Rita vào cuộc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.