Chiêu Bài Quản Lý Vàng Của Bill Gates

2. CÓ GIÁ TRỊ MỚI CÓ SỰ SỐNG



Phần mềm cũng là một thứ hàng hóa, nó có giá trị tự thân. Điều mà Microsoft muốn làm là biến phần mềm của mình thành thứ hàng hóa có giá trị thương hiệu. Hàng hóa có thương hiệu tốt không phải là việc một sớm một chiều có thể làm được, nó đòi hỏi cần phải có sự cố gắng lâu dài, điều quan trọng là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để từng bước chiếm vị trí bá chủ trong thị trường phần mềm toàn cầu, mở rộng thị trường, Microsoft đã quyết định thực hiện “kế hoạch đa nguyên”, tức là thay đổi việc trước kia chỉ dựa vào nắm bắt hệ thống thao tác chuyển sang cùng lúc khai thác phần mềm hệ thống, ứng dụng phần mềm, phần mềm giải trí và phần mềm kinh doanh. Kế hoạch “đa nguyên hóa” xuất hiện đánh dấu một kỷ nguyên mới của công ty phần mềm Microsoft.

Trước kia Microsoft chỉ bán chương trình phần mềm cho nhà sản xuất ổ cứng như IBM và nhận được phí bản quyền của chương trình. Từ khi Microsoft phát triển lớn mạnh, mô hình kinh doanh cũ không đáp ứng được nhu cầu mở rộng thị trường của Microsoft. Kỹ thuật máy tính ngày càng phát triển mạnh và Bill Gates đã nhắm trúng lĩnh vực phần mềm ứng dụng. Ông quyết định tiến quân vào lĩnh vực này. Từ đó Microsoft chuyển mình hoàn toàn, biến thành một công ty phần mềm kỹ thuật cao chuyên tập trung sản xuất phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng từ một công ty nhỏ chuyên khai thác phần mềm hệ thống.

Nhằm triển khai thuận lợi “kế hoạch đa nguyên hóa”, nhất là làm tốt công tác tuyên truyền và kinh doanh thị trường, Bill Gates đã mời Ronal Hanson làm Phó Tổng giám đốc với khoản tiền lương kếch xù, chuyên phụ trách về mảng kinh doanh, thị trường. Ronal Hanson nguyên là Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh, thị trường của một tập đoàn sản xuất xà phòng nổi tiếng. Ông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo sản phẩm, quan hệ công chúng và dịch vụ hậu mãi sản phẩm, đặc biệt rất giỏi về việc đóng gói và quảng bá sản phẩm.

Từ lúc đặt chân vào Microsoft, ông phải thốt lên lời khâm phục đối với văn hóa làm việc của Microsoft, các bộ phận phân công làm rất cụ thể, nhân viên ai cũng chăm chỉ làm việc. Mặt khác, ông đã tìm ra những điểm thiếu sót về đóng gói sản phẩm của Microsoft, chẳng hạn như: bên nghiên cứu sản phẩm vừa đưa ra được một phần mềm ứng dụng thì đặt tên luôn là “công cụ thực dụng”. Theo ông, cái tên đó quá cứng nhắc, không lột tả được những ứng dụng thực sự của phần mềm này trong cuộc sống. Nếu tung sản phẩm này ra thị trường với tên đó thì khó trở thành hàng bán chạy. Từ đó, các phần mềm của Microsoft đều được đặt tên theo chức năng chính của chúng, chẳng hạn, phần mềm ứng dụng Word mà chúng ta sử dụng hiện nay.

Có được sự đồng tâm cố gắng của toàn thể lãnh đạo và nhân viên trong công ty, Microsoft đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường phần mềm của thế giới. Microsoft đã tạo ra tên tuổi bằng chính những sản phẩm của mình. Đến năm 2007, tên tuổi của Microsoft là 54 tỷ 951 triệu, xếp hàng đầu trong 500 doanh nghiệp mạnh nhất thế giới.

Yếu tố quan trọng tạo nên thành công của Microsoft ngày hôm nay là người Microsoft luôn theo đuổi một sự hoàn hảo tuyệt vời. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Microsoft, các quyết định của công ty cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn. Để các quyết định này hoàn hảo hơn, chính Bill Gates đã “đi kiểm tra” hàng trăm nhân viên lập trình, các Giám đốc, các nhân viên quản lý, nhân viên kỹ thuật để đánh giá tình hình. Qua đó, ông đã chọn ra 13 nhân viên xuất sắc nhất để xây dựng một kho tư tưởng sống. Họ là những người quản lý luồng sản phẩm, nắm vững hướng phát triển mới của công ty, tổ chức các nhóm giám sát đánh giá thành tích làm việc của từng cá nhân; đồng thời tham mưu ý kiến cho lãnh đạo để đưa ra những quyết định đúng đắn và hiệu quả nhất. Những người này, có người đã từng gắn bó với công ty ngay từ ngày đầu thành lập, cũng có những người mới từ công ty khác chuyển đến.

Bill Gates luôn quan tâm tới những nhân tài biết nhiều lĩnh vực, tức là vừa am hiểu kỹ thuật lại vừa biết quản lý kinh doanh. Vì vậy, luôn có trường hợp nhân viên lập trình trẻ tuổi được đề bạt vào vị trí quản lý cao cấp. Tuy nhiên, trong đội ngũ nhân viên Microsoft, dù được thăng chức thì những người này cũng không bao giờ quên những gì mình đã làm. Chẳng hạn, khi Microsoft nghiên cứu phần mềm văn phòng OFFICE, giám đốc của một số bộ phận đã tham gia vào lập trình. Chỉ có những giám đốc bộ phận am hiểu tường tận mọi vấn đề liên quan tới nghiên cứu và khai thác kỹ thuật phần mềm thì mới đưa ra được những quyết định đúng đắn.

Tại Microsoft, ngoài việc theo đuổi sự hoàn hảo của sản phẩm, họ cũng rất chú trọng tới tố chất của những người lãnh đạo và quản lý. Bản thân người sáng lập ra công ty Microsoft – Bill Gates là một nhân viên kỹ thuật, nên những nhân viên kỹ thuật tại Microsoft sẽ có tiền đồ xán lạn. Hơn nữa, càng giỏi thì sẽ được thăng chức tăng lương càng nhanh. Tuy nhiên, Microsoft cũng không xao nhãng khả năng quản lý của những nhân viên kỹ thuật này. Microsoft luôn cho rằng, chỉ khi nào người của Microsoft hoàn hảo thì những sản phẩm họ làm ra mới hoàn hảo.

Sau này, Bill Gates đã đặt ra một công thức cho mình: sản phẩm hoàn hảo + nhân viên hoàn hảo + quyết định hoàn hảo = thương hiệu hoàn hảo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.