Chiêu Bài Quản Lý Vàng Của Bill Gates

7. CON ĐƯỜNG TIÊU CHUẨN HÓA QUANH CO



Tiêu chuẩn doanh nghiệp là linh hồn của một doanh nghiệp, ai lập ra tiêu chuẩn doanh nghiệp thì người đó chiếm được vị trí chủ đạo trong ngành. Ngay từ khi mới thành lập, Microsoft đã ngắm đến tiêu chuẩn của ngành phần mềm, để thực hiện mục tiêu, Microsoft đã phải trải qua rất nhiều con đường quanh co.

Do đặc tính của ngành phần mềm máy tính, khi mới bắt đầu, ngành phần mềm chưa có những tiêu chuẩn nhất định, rất hỗn loạn vì nhà nước không biết cách và cũng không thể đưa ra các tiêu chuẩn cho ngành phần mềm. Có những doanh nghiệp sản xuất phần mềm, để quảng cáo cho sản phẩm của mình chỉ còn cách tự mình đưa ra những tiêu chuẩn phần mềm, mỗi doanh nghiệp đều tự đặt ra những tiêu chuẩn về phần mềm. Bởi vậy, ngành sản xuất phần mềm trở nên vô cùng hỗn loạn. Khi đó, cạnh tranh về tiêu chuẩn cũng là cạnh tranh về sản phẩm, sản phẩm của ai có thể trở thành tiêu chuẩn của ngành thì người đó sẽ chiếm được vị trí thống trị trong ngành phần mềm.

Không lâu sau khi Microsoft được thành lập, ngành máy tính phải đối mặt với cục diện gay go, công ty nào cũng muốn trở thành người đặt ra tiêu chuẩn cho phần mềm. Mà khi đó, ngay phần mềm hệ điều hành, trong ngành phần mềm đã có gần 10 hệ điều hành. Điều này đem lại bất lợi lớn cho người sử dụng, họ không phải đều là những chuyên gia máy tính, học được cách sử dụng một hệ điều hành không phải đơn giản, sau khi đổi một hệ điều hành, họ mới phát hiện ra hệ điều hành mới khác với hệ điều hành cũ một trời một vực.

Khi Bill Gates và các cộng sự của mình khai thác thành công Dos, để Dos trở thành tiêu chuẩn của ngành phần mềm, Bill Gates đã cân nhắc nhiều đến nhu cầu thực sự của người sử dụng. Sau khi Dos ra đời, Microsoft đã biên tập một cuốn hướng dẫn sử dụng chi tiết, cung cấp miễn phí cho người sử dụng. Với những khách hàng lớn, Microsoft phái nhân viên đến tận nơi phục vụ. Về phương diện giá cả, giá bán lẻ của Dos thấp hơn giá bình quân trên thị trường. Để tăng cường quảng cáo tuyên truyền, Microsoft còn tổ chức các buổi nói chuyện miễn phí, phổ cập các kiến thức về hệ điều hành. Thêm vào đó là sự hợp tác với IBM, Dos được cài vào máy tính cá nhân của IBM, giúp thị phần của Dos được mở rộng thêm. Chỉ trong mấy năm, Dos của Microsoft đã trở thành tiêu chuẩn của hệ điều hành.

Có được thắng lợi trong lĩnh vực hệ điều hành, Microsoft tiếp tục thử sức ở các lĩnh vực khác. Về lĩnh vực phần mềm đồ họa, Microsoft tuy là kẻ ngoại đạo nhưng cũng bắt tay vào cạnh tranh với công ty hệ thống Adobe.

Công ty hệ thống Adobe là một công ty phần mềm máy tính đặt trụ sở tại San Jose, bang California. Công ty này được Jon Warnock thành lập tháng 12 năm 1982, Jon Warnock từng làm việc tại trung tâm nghiên cứu Palo Alto của công ty Xerox, sau khi rời đó, ông thành lập công ty hệ thống Adobe; Jon Warnock ban đầu cũng là một nhân viên lập trình, sau này được thăng chức thành kỹ sư thiết kế lập trình. Dưới sự lãnh đạo của Jon Warnock, công ty hệ thống Adobe trở thành người đưa ra tiêu chuẩn cho phần mềm đồ họa.

Cũng giống như Jon Warnock, Bill Gates mới đầu cũng là một lập trình viên. Hai nhà lãnh đạo xuất thân từ nhân viên lập trình đều rất có tài lãnh đạo. Có thể ông trời đã sắp đặt cơ duyên cho họ, khiến họ đối đầu nhau trong thị trường phần mềm đồ họa.

Công ty Xerox mà Jon Warnock làm việc trước đây là một công ty kỹ thuật cao nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, đội ngũ quản lí của Xerox lại kém, nên khi lập trình viên đưa ra ý kiến đóng góp về sản phẩm mới thì rất khó có cơ hội được đón nhận. Bởi vậy, Xerox đã mất đi rất nhiều cơ hội tốt để phát triển. Vì thế, năm 1982 Jon Warnock rời Xerox, tự thành lập công ty hệ thống Adobe.

Trước khi rời khỏi Xerox, Jon Warnock đã nắm được kỹ thuật Post Script, kỹ thuật có thể giải quyết được vấn đề in hình của máy tính Apple. Trước đó, Bill Gates cũng đã liên hệ với Apple nhưng thất bại vì kỹ thuật đồ họa của Microsoft không thể giải quyết được triệt để vấn đề mà Apple gặp phải. Lúc này Post Script đã trở thành bảo bối của Adobe. Post Script không những khiến cho Adobe trở nên nổi tiếng mà quan trọng nhất là kỹ thuật này đã trở thành tiêu chuẩn cho ngành máy in, mà đối với công ty Apple, kỹ thuật Post Script đã trở thành vị cứu tinh của họ.

Năm 1984, các nhân viên khai thác hệ điều hành Windows của Microsoft ngày đêm làm việc nhưng không ngờ vấn đề giao diện đồ họa lại khó giải quyết đến thế, thử nghiệm mấy lần đều không thành công. Một lần ngẫu nhiên, nhân viên khai thác của Microsoft nhìn thấy sản phẩm của công ty hệ thống Adobe, phát hiện ra phần mềm mà Microsoft đang cần thì Adobe đã làm được từ lâu. Sau khi người chịu trách nhiệm của phòng khai thác của Microsoft liên hệ với Adobe, đọc xong hướng dẫn sử dụng của họ thì thấy rất ngạc nhiên, không ngờ phần mềm mà mấy chục nhân viên khai thác của Microsoft đang ngày đêm nghiên cứu thì Adobe đã khai thác từ lâu.

Ban đầu, người phụ trách phòng khai thác không báo cáo với Bill Gates về thông tin đó, bởi vì Microsoft từ trước đến nay chưa bao giờ chịu khuất phục. Để đuổi kịp Adobe với tốc độ nhanh nhất, nhân viên khai thác của Microsoft đã sử dụng base code của Adobe. Từ trước đến nay chỉ có công ty khác sử dụng base code của Microsoft, lần này, Microsoft sử dụng base code của công ty khác. Dù vậy, Microsoft vẫn không có được bước đột phá mới trong lĩnh vực phần mềm đồ họa. Không còn cách nào khác, người phụ trách phòng khai thác đành phải báo cáo với Bill Gates về tình hình hiện tại, hy vọng Bill Gates có thể ra mặt nhờ Adobe giúp đỡ. Bill Gates không hứng thú lắm với việc này, chỉ hỏi thăm về tình hình tiến triển của phần mềm bởi ông tin tưởng rằng Microsoft sẽ vượt qua được khó khăn này.

Tuy nhiên, lần này Bill Gates đã đánh giá mình quá cao. Sau khi Post Script trở thành tiêu chuẩn của ngành máy in, công ty hệ thống Adobe nhanh chóng trở thành một trong những công ty phần mềm lớn nhất của Mỹ. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến Bill Gates không có hứng thú với Adobe là bởi nguồn tiền của Microsoft không được dồi dào.

Để nhanh chóng giải quyết vấn đề giao diện hình trong hệ điều hành Windows, cũng là để hệ điều hành Windows mới nhanh chóng có mặt trên thị trường, Bill Gates đã chấp nhận đến Adobe để thương lượng về vấn đề phần mềm đồ họa. Bill Gates đề cập thẳng suy nghĩ của mình, đưa phần mềm đồ họa của Adobe vào hệ điều hành Windows, như vậy hai bên cùng có lợi. Thực ra Bill Gates muốn sử dụng phần mềm của Adobe mà không phải bỏ tiền mua. Nhưng Jon Warnock đã từ chối thẳng thừng đề nghị của Bill Gates.

Chính vào lúc này, Apple cũng cảm thấy không hài lòng với Adobe, ân nhân cứu mạng ngày trước. Bởi vì hàng năm Apple phải nộp cho Adobe khoản phí bản quyền sử dụng rất lớn. Thế là tầng lớp lãnh đạo của Microsoft và Apple bắt đầu gặp nhau thường xuyên hơn, bàn bạc xem làm thế nào để lật đổ Adobe.

Sau này, Apple chấm dứt sử dụng sản phẩm phần mềm của Adobe; Microsoft khai thác cho Apple sản phẩm thay thế Post Script, còn Apple sẽ cung cấp phần mềm chữ viết cho phần mềm của Microsoft. Apple cũng công khai tuyên bố từ bỏ các sản phẩm khác có liên quan đến kỹ thuật Post Script. Như vậy, Adobe đã bị cô lập. Sau đó, một việc ngoài dự tính của Apple và Microsoft đã xảy ra, IBM đã đứng ra hợp tác với Adobe.

Cuối cùng, mọi tính toán của Microsoft vẫn thành công cốc. Mong muốn trở thành tiêu chuẩn của phần mềm đồ họa của Bill Gates không được thực hiện. Sự việc này cũng cảnh tỉnh Bill Gates, trong lĩnh vực phần mềm đồ họa, muốn trở thành bá chủ toàn cầu như trong lĩnh vực hệ điều hành không phải là một việc dễ dàng.

Sau này, Microsoft sau nhiều lần nỗ lực vẫn không thể hoàn thành được thỏa thuận với Apple. Apple đành phải cầu cứu Adobe lần nữa. Còn Microsoft đành chấp nhận thua Adobe.

Tuy nhiên, Microsoft vẫn không từ bỏ lĩnh vực phần mềm đồ họa. Cùng với nguồn vốn ngày càng dồi dào, Microsoft đã mua lại một số công ty phần mềm đồ họa nhỏ, hi vọng từ đó tìm được thành công. Tuy nhiên, tiêu chuẩn ngành vẫn nằm chắc trong tay của Adobe, Microsoft khó có thể có được tiếng nói trong ngành phần mềm đồ họa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.