Chiêu Bài Quản Lý Vàng Của Bill Gates

4. KẾT HỢP VỚI APPLE CÙNG CHỐNG LẠI ĐỐI THỦ CẠNH TRANH



Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai doanh nghiệp lớn có thể đem lại ưu thế hỗ trợ bổ sung, ưu hóa về cơ sở vật chất, thúc đẩy việc nghiên cứu và khai thác các kỹ thuật tiên tiến, nâng cao tỉ lệ thị phần, đồng thời còn có thể nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp. Trong quá trình phát triển của Microsoft, Bill Gates cũng từng nhiều lần hợp tác với các doanh nghiệp khác để mưu cầu cùng phát triển.

Lăn lộn trên thương trường nhiều năm, Bill Gates hiểu rất rõ điều này, không có đối thủ vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Bill Gates cũng biết rằng, trong ngành phần mềm mà các đối thủ cạnh tranh nhiều như cây rừng này, việc hợp tác và đối kháng đúng lúc là vô cùng quan trọng, đôi khi còn có thể liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển không ngừng của kỹ thuật mạng, đặc biệt là đến cuối những năm 80 của thế kỷ 20, kỹ thuật Internet trở thành đối tượng được nhiều doanh nghiệp theo đuổi. Có những doanh nghiệp dựa vào kỹ thuật mạng, không ngừng lớn mạnh, nhanh chóng trở thành doanh nghiệp nổi tiếng. Lúc này, Netscape trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh của Microsoft. Browser Netscape Navigator của công ty Netscape ra đời không lâu, đã bắt đầu tấn công Browser của Microsoft. Cả hai công ty đều muốn phát triển mạng Internet để dồn đối thủ đến đường cùng.

Tuy vậy, người khổng lồ Apple của làng máy tính thời gian này lại luôn ở trong tình trạng ẩn dật. Trong sự phát triển mạng Internet lần này, Apple đã không giành được cơ hội. Đến giữa những năm 90 của thế kỷ 20, công ty Apple phải đối mặt với một khó khăn lớn, thị phần ngày càng thu hẹp, thua lỗ mấy năm liền, dường như sắp đi đến chỗ phá sản. Tầng lớp lãnh đạo cấp cao của Apple cũng đã nỗ lực rất nhiều, về mặt sản phẩm, công ty Apple không ngừng cải tiến chức năng và ngoại hình của sản phẩm. Về phòng thị trường, Apple đã thay người phụ trách mới với hy vọng sản phẩm và thị trường sẽ mang lại cơ hội cho Apple. Dù nỗ lực rất nhiều nhưng hiệu quả không được rõ nét.

Tuy nhiên, không lâu sau một cuộc triển lãm sản phẩm, đối thủ từ trước đến nay của Apple, công ty Microsoft, lại muốn liên kết với Apple, cùng nhau phát triển. Công ty Apple vốn không chủ định tham gia triển lãm sản phẩm lần này, bởi vì những vụ việc phức tạp trong nội bộ Apple khiến cho tầng lớp lãnh đạo rối loạn, tuy nhiên họ vẫn tham gia triển lãm sản phẩm. Điều khiến Apple không nghĩ đến là việc tham gia triển lãm lần này lại thu được nhiều lợi ích đến vậy. Microsoft không những giúp Apple vượt qua khó khăn mà còn kết hợp với Apple cùng phát triển. Điều này cũng chứng minh cho câu nói: Trên thương trường, không có đối thủ vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn.

Tin tức này sau khi được truyền ra đã tạo nên một làn sóng dư luận, có người nói Bill Gates lần này đã đóng vai trò “người cứu thế”, cũng có người nói Bill Gates cứu Apple là có ý đồ khác…

Trên thương trường, Bill Gates luôn nổi tiếng là người tính toán rất chặt chẽ, lần này cũng không phải ngoại lệ. Ông giúp Apple vượt qua khó khăn lần này cũng là có ý đồ riêng.

Một công ty muốn làm được gì đó về lĩnh vực mạng Internet thì phải có được thị phần vững chắc trên thị trường Browser. Bill Gates về sau mới ý thức được điều này. Do Microsoft còn biết ít về lĩnh vực này nên đã để cho đối thủ Netscape giành được cơ hội. Trên thị trường Browser, Netscape Navigator của Netscape luôn đè bẹp Internet Explorer của Microsoft, bởi vậy, Microsoft vẫn luôn tìm kiếm cơ hội để đánh bại Netscape, độc chiếm thị trường Browser. Mà hiện nay, Microsoft có thể cứu sống Apple, thông qua máy tính của Apple sản xuất để mở rộng thị phần của Internet Explorer, Microsoft có thể cài đặt Internet Explorer trên mỗi máy tính của Apple, như vậy, khi mua máy tính của Apple, Internet Explorer sẽ trở thành lựa chọn đầu tiên của người sử dụng.

Ngoài ra, Apple tuy đang phải đối mặt với khó khăn, nhưng tình hình phát triển trước đây của Apple cho Bill Gates thấy, không thể bỏ qua sự tồn tại của Apple. Dù sao Apple cũng từng là một người khổng lồ trong làng máy tính và rất được ưa chuộng, tiềm lực phát triển của nó còn rất lớn. Trong thời kỳ phát triển cực thịnh của Apple, có rất nhiều đối thủ cạnh tranh của Microsoft lần lượt hợp tác với Apple để tìm cách đánh bại Microsoft. Netscape cũng đã từng làm như vậy. Netscape thông qua việc hợp tác với Apple để cài đặt Netscape Navigator lên máy tính của Apple, giành lấy thị phần của Microsoft trên lĩnh vực Browser. Còn hiện nay Apple đang xuống dốc, Netscape đã bỏ Apple, lựa chọn đối tác khác để hợp tác. Microsoft lúc này mới đứng ra, đưa tay giúp Apple.

Microsoft lựa chọn hợp tác với Apple còn có một nguyên nhân khác: thông qua lần hợp tác này, Microsoft duy trì thế mạnh của mình, đó là hệ điều hành Windows. Luật pháp Mỹ quy định, khi thị phần sản phẩm của một doanh nghiệp nào đó đạt đến một tỉ lệ nhất định, đồng thời không có sản phẩm nào cùng loại cạnh tranh với nó, Ủy ban mậu dịch Mỹ sẽ tiến hành điều tra sản phẩm của doanh nghiệp và cả doanh nghiệp đó để tránh sự lũng đoạn. Những năm 70 của thế kỷ 20, công ty IBM từng bị điều tra như vậy. Lúc này, nếu Apple phá sản thì tỉ lệ thị phần của Microsoft sẽ tăng lên, đối với Microsoft thì đó vừa là một tin tốt mà cũng là một tin xấu, tin tốt vì thu nhập của Microsoft sẽ tăng lên, nhưng tin xấu vì Microsoft có thể sẽ phải đối mặt với đơn phạt của Ủy ban mậu dịch Mỹ. Bởi vậy, thông qua việc cứu Apple, hai công ty có thể cùng nhau duy trì sự ổn định cho thị trường phần mềm hệ thống, đó mới là kế sách lâu dài.

Ngoài ra, những thách thức mà hệ điều hành Windows phải đối mặt không phải chỉ có vậy. Ngôn ngữ Java cũng là một sự uy hiếp khá lớn đối với Microsoft. Java là ngôn ngữ lập trình của công ty Sun, nó cũng là một loại ngôn ngữ thiết kế lập trình. Công ty Sun muốn phát triển Java thành phần mềm điều hành tiêu chuẩn cho máy tính mạng trong tương lai, đe dọa nghiêm trọng đến phần mềm hệ điều hành Windows của Microsoft, đó cũng là điều mà Microsoft không muốn nhìn thấy nhất. Tuy nhiên, nếu Microsoft hợp tác với Apple thì có thể hóa giải được nguy cơ này. Bởi vậy, chẳng khó để nhìn ra rằng, Microsoft cứu Apple cũng là để cứu chính mình, thông qua lần hợp tác này, Microsoft không những duy trì được thị phần của mình mà còn tăng thêm động lực phát triển cho Microsoft.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.