Chiêu Bài Quản Lý Vàng Của Bill Gates

4. TRÁNH RỦI RO, DUY TRÌ VỊ TRÍ DẪN ĐẦU



Trong thị trường, luôn tồn tại những rủi ro lớn. Có những rủi ro có thể dựa vào thực lực và sự cố gắng để vượt qua, nhưng có những rủi ro lại là những “huyệt mộ”, một khi rơi xuống thì chỉ có cái chết đợi sẵn. Một doanh nghiệp sáng suốt đương nhiên không để mình rơi vào cảnh đó. Phải làm được như Bill Gates, trước tiên phải có được bản lĩnh dự đoán rủi ro, sau đó mới có thể nắm được vị trí dẫn đầu.

Bill Gates biết rằng, trong thị trường đầy biến động, muốn trở thành người dẫn đầu, mỗi nhà doanh nghiệp đều biết rằng phải có được bản lĩnh dự đoán rủi ro, tuy nhiên những người thực sự có khả năng dự đoán rủi ro thì không nhiều, đó là bởi vì họ chưa có đủ sự sáng suốt trong việc quan sát thị trường và trong khả năng quyết sách đầu tư.

Để giành được thị trường Browser, Bill Gates đã phát huy hết mức sở trường của phòng chiến tranh (War Room) – phòng nghiên cứu tình báo cạnh tranh, hàng tháng phải định kỳ theo dõi sự thay đổi của thị trường Browser, sau đó căn cứ vào kết quả thu được để đưa ra sách lược cho thị trường Browser của Microsoft. Cuối cùng, War Room đã giúp Microsoft thành công trong việc giành được vị trí dẫn đầu trong thị trường Browser.

Đối thủ cạnh tranh gần đây của Microsoft là Netscape. Có một thời gian dài, ảnh của Netscape được treo đầy trong phòng War Room, mãi cho đến khi Microsoft thắng lợi trước Netscape, giành được vị trí dẫn đầu thị trường, thì ảnh của Netscape cùng với ảnh của các đối thủ trước đây của Microsoft như Novell, Sun, Java… mới được dỡ xuống.

Mỗi sách lược thị trường của Microsoft được đưa ra đều phải thông qua sự sát hạch nghiêm ngặt của “trò chơi chiến tranh” ở phòng War Room, thông qua một cuộc kiểm nghiệm giống cuộc chiến thực sự trên thị trường trước khi được đưa ra thị trường. Những sách lược này, thông qua sự kiểm nghiệm của phòng War Room, trở nên có hiệu quả và thực tế hơn, từ đó tránh được những rủi ro do những quyết sách không khoa học mang lại. Bill Gates từng tuyên bố với giới kinh doanh toàn cầu rằng: “Các bạn phải cảm thấy may mắn vì chúng tôi không tiến vào sản nghiệp của các bạn”, sở dĩ ông dám nói như vậy là vì ông thực sự có khả năng để làm như vậy.

Rủi ro lớn nhất mà Bill Gates phải đối mặt là tìm sản phẩm thay thế cho các sản phẩm cũ, hơn nữa, còn phải tìm thấy trước khi nguồn lợi nhuận trọng tâm vốn có hoàn toàn biến mất. Đồng thời, nguồn lợi nhuận có được từ sản phẩm thay thế trong tương lai phải tương đương, thậm chí nhiều hơn một bậc so với sản phẩm cũ. Bởi vậy, Microsoft đã đến lúc phải đối mặt với sự cạnh tranh thực sự. Đây cũng là một trong những lí do quan trọng khiến Microsoft coi trọng việc thông qua những công tác tình báo để nắm được hướng đi của thị trường.

Không chỉ Microsoft coi trọng tình báo cạnh tranh, ngày càng nhiều các công ty trên thế giới cũng bắt đầu coi trọng phòng ban này. Chính phủ Nhật Bản hàng năm đều đầu tư rất nhiều tiền vào công tác thu thập và phân tích các tin tức tình báo cạnh tranh, hơn nữa còn cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của các doanh nghiệp Nhật Bản trên phạm vi toàn cầu bắt nguồn từ sự coi trọng cao độ tin tức tình báo cạnh tranh từ chính phủ đến doanh nghiệp.

Công ty Xerox của Mỹ cũng hết sức coi trọng công tác tình báo cạnh tranh, hơn nữa, vì tận dụng tốt các tin tức tình báo cạnh tranh, trong cuộc cạnh tranh thị trường với đối thủ Nhật Bản, họ đã giành được vị trí có lợi.

Năm 1959, công ty Xeros đã phát minh ra chiếc máy in ảnh đầu tiên trên thế giới, vào những năm 60 và đầu những năm 70 sau này, luôn duy trì được vị trí dẫn đầu trên thị trường máy in ảnh thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 1977 đến năm 1982, thị phần của nó giảm từ 81% xuống còn 36%. Đối thủ lớn nhất của Xerox chính là công ty Canon của Nhật Bản. Canon từng có giai đoạn đưa ra một khẩu hiệu như thế này: “Bán máy photo với giá thành phẩm của Xerox”. Sau khi chịu “sự sỉ nhục” đó, Xerox bắt đầu triển khai nghiên cứu tình báo cạnh tranh với quy mô lớn, cuối cùng đã đánh bại Canon, giành lại được thị phần từ tay người Nhật.

Thực ra, trong vô vàn các lĩnh vực trong thị trường, máy tính là lĩnh vực đòi hỏi cao nhất năng lực dự đoán rủi ro đối với thị trường trong quá trình cạnh tranh. Tốc độ nâng cấp nhanh chóng của phần mềm, phần cứng máy tính hoàn toàn có thể khiến cho một công ty thiếu năng lực dự đoán rủi ro bị phá sản trong chớp mắt. Sau khi Spindler nhậm chức Chủ tịch công ty Apple, một trong những đối tác của Microsoft, ông đã dành nhiều công sức cho việc dự đoán rủi ro. Ông yêu cầu trước khi mỗi hạng mục được phê duyệt, đều phải trải qua sự kiểm nghiệm nghiêm ngặt của hai giai đoạn là điều tra và khái niệm. Đồng thời, ngay cả cuộc họp của Hội đồng quản trị cũng phải được kiểm tra kỹ lưỡng.

Spindler yêu cầu nhân viên phải so sánh các cuộc họp của Apple với các cuộc họp của 6 công ty thuộc “cấp thế giới” như SC Johnson, Coca Cola, Motorola… Đồng thời, mỗi lần bắt đầu hội nghị đều có một cuộc thảo luận “khung chiến lược”, có biểu đồ thể hiện sự thay đổi của tình hình so với lần họp trước. Spindler thậm chí còn đưa tiền thưởng năm của mình ra làm đảm bảo cho sự dự đoán chính xác về phương diện quản lí sản phẩm và giao hàng. Ông nói với các nhân viên của mình rằng: “Nếu mọi việc xảy ra không theo ý muốn, thì túi tiền của tôi sẽ trống rỗng”. Nhờ vào tài năng của mình, sau này chính ông đã đưa được Apple ra khỏi thời khắc khó khăn.

Công ty Microsoft của Bill Gates tuy chưa gặp phải thời khắc khó khăn liên quan đến sự sinh tồn như Apple nhưng Bill Gates luôn rất coi trọng những dự đoán về nguy cơ trong tương lai. Công tác dự đoán rủi ro ở Microsoft do “túi khôn” của ông đảm trách, thành viên của “túi khôn” Microsoft không thuộc vào một phòng ban nào, nhưng họ có được sự thừa nhận của tất cả mọi người nhờ vào tài trí và kinh nghiệm của mình. Microsoft sở dĩ phải thành lập “túi khôn” và ủy ban cố vấn học thuật, mục đích chính là để các chuyên gia học thuật đưa ra những ý kiến mang tính chất xây dựng về phương diện chiến lược phát triển toàn cầu và tính an toàn cho các sản phẩm của mình.

Trong hội nghị do Microsoft tổ chức, các thành viên của túi khôn sẽ lắng nghe những tiến triển về phương diện tăng cường sản phẩm Windows, tính năng an toàn của các phần mềm văn phòng như IE, Office và các sản phẩm khác, Bill Gates hy vọng nghe được những ý kiến quý báu của các nhà học thuật về tiến triển của công việc, từ đó tránh khỏi các sai lầm mang tính phương hướng.

Bill Gates bày tỏ, Microsoft sẽ tăng cường giao lưu học thuật với các anh tài học thuật trong giới, đồng thời cũng thường xuyên giao lưu với các chuyên gia luật pháp, Microsoft hy vọng các chuyên gia có thể đưa ra nhiều tư vấn về pháp luật hơn.

Viện nghiên cứu Microsoft cũng có thể làm giảm bớt những rủi ro nhất định. Công việc của viện nghiên cứu một mặt là tiến hành những nghiên cứu cơ bản dựa trên lí luận, mặt khá quan trọng khác là làm thế nào để thành quả của các nghiên cứu đó trở thành sản phẩm.

Cho đến năm 2007, viện nghiên cứu Microsoft đã có hơn 50 nghiên cứu, trong đó có khoảng 30 hạng mục nghiên cứu đã được chuyển thành sản phẩm, tỉ lệ đó rơi vào khoảng 50%, có thể nói tỉ lệ đó là khá cao, hệ số rủi ro cũng thấp. Nhờ đó, Microsoft luôn cách xa rủi ro trong kinh doanh, cách xa thất bại, nhẹ nhàng đi trước thời đại, giữ vị trí dẫn đầu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.