Chiêu Bài Quản Lý Vàng Của Bill Gates

5. TÍCH CỰC TÌM KIẾM THỊ TRƯỜNG, MỞ RỘNG THỊ PHẦN



Trên con đường sáng tạo của Microsoft, Bill Gates đã tận dụng một cách tài tình những sản phẩm mới để tìm kiếm thị trường rộng hơn, ngoài việc khai thác sản phẩm mới, ông còn thử tìm các cách khác để mở rộng thị trường. Một thị trường không ngừng được mở rộng mới có thể khiến Microsoft không ngừng tiến lên phía trước.

Bill Gates rất coi trọng thị trường sản phẩm, ông cho rằng, thị trường là sinh mạng của doanh nghiệp, có được đủ thị phần mới có thể khiến doanh nghiệp không ngừng phát triển lớn mạnh. Từ khi Microsoft mới thành lập, Bill Gates đã bắt đầu con đường tìm kiếm.

Những năm 80 của thế kỷ 20, Microsoft đã bắt đầu phát triển nghiệp vụ ở Nhật Bản, khai thác thị trường, dù thị trường Nhật lúc đó còn nhỏ, mức độ chấp nhận của người sử dụng đối với Microsoft cũng không cao, nhưng dựa vào sự nỗ lực không ngừng của Microsoft, dựa vào ưu thế làm chủ, Microsoft đã nhanh chóng tạo ra được những hiệu quả rõ rệt.

Khi khai thác thị trường châu Âu, Microsoft cũng gặp rất nhiều khó khăn, đầu tiên là trở ngại về ngôn ngữ. Bởi vậy, năm thứ nhất và năm thứ hai ở thị trường châu Âu, Microsoft không vội vàng mở rộng thị phần mà chỉ làm quen với thị trường phần mềm bản địa, tìm hiểu đối thủ cạnh tranh. Bill Gates phát hiện ra thị trường phần mềm bản địa vẫn chưa khai thác hết, mà các công ty phần mềm bản địa cũng muốn mở rộng thị trường nhưng việc đó lại yêu cầu các công ty phần mềm bản địa phải đầu tư rất nhiều tiền, đầu tư này có thể có rủi ro lớn. Bởi vậy, thị trường phần mềm châu Âu vẫn chưa hình thành được hiệu ứng quy mô hóa. Microsoft ngắm chuẩn thời cơ, nhân đà cơ hội giành được thị trường châu Âu.

Khi khai thác thị trường, Microsoft có bí quyết riêng của mình. Về phương diện thị trường, mọi người đều bình đẳng, muốn đứng vững trên thị trường thì phải dựa vào thực lực, thực lực bao gồm nhiều nội dung, ví dụ: chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, nhu cầu khách hàng… đó đều là những nhân tố ảnh hưởng đến thị phần.

Ở Microsoft, mỗi nhân viên đều rất coi trọng nhu cầu của khách hàng, đây mới là nhân tố quan trọng nhất liên quan đến thị phần. Bởi vậy, ở phòng khai thác sản phẩm ở Microsoft, công tác khai thác nghiên cứu đã tạo ra mối quan hệ hợp tác với phòng thị trường, những thông tin mới nhất mà phòng thị trường nhận được sẽ được phản hồi lại cho phòng khai thác, như vậy, các sản phẩm mà phòng khai thác nghiên cứu ra sẽ phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Khai thác sản phẩm không giống như nghiên cứu khoa học, nhân viên nghiên cứu khoa học phải có con mắt nhìn xa trông rộng và tinh thần kiên trì, còn khai thác sản phẩm chỉ là làm tốt công việc hiện tại, chỉ cần làm cho sản phẩm của mình phù hợp với yêu cầu của khách hàng là được. Bởi vậy, sản phẩm của Microsoft đã làm được điều đó, còn khi sản phẩm của Microsoft lọt vào mắt của người tiêu dùng thì rất được ưa chuộng.

Bill Gates từng nói với nhân viên phòng khai thác sản phẩm rằng: “Sứ mệnh của các anh là do khách hàng đem lại, họ mới là cấp trên của các anh, các anh cần phục vụ họ thật tận tình, chu đáo. Bởi vậy, các anh phải tìm hiểu thật kỹ khách hàng của chúng ta, cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đó không chỉ là mục đích theo đuổi của phòng khai thác mà đó cũng còn là mục tiêu theo đuổi của các đối thủ cạnh tranh của chúng ta, bởi thế, các anh phải làm tốt hơn họ”.

Ở Microsoft, có bộ phận nghiên cứu, có cả phòng khai thác sản phẩm. Nếu muốn bộ phận nghiên cứu phục vụ phòng khai thác sản phẩm tốt hơn thì hai bộ phận này phải phối hợp chặt chẽ với nhau.

Bộ phận nghiên cứu chính là viện nghiên cứu Microsoft rất nổi tiếng, trong đó nổi tiếng nhất là viện nghiên cứu châu Á, tiền thân của nó là viện nghiên cứu Trung Quốc Microsoft, đây cũng là cơ sở nghiên cứu lớn nhất ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Ở viện nghiên cứu Microsoft, có nhiều sáng kiến đã được ra đời từ đây, đôi khi, nhân viên khai thác sản phẩm của Microsoft còn đến tận viện nghiên cứu để xin ý kiến. Trong sự kết hợp chặt chẽ giữa hai nơi, Microsoft dần dần có được ưu thế về sản phẩm, đặt nền móng cho sự mở rộng thị phần của Microsoft.

Cùng với đó, để hai nơi này có được sự hợp tác và giao lưu tốt hơn, tầng lớp lãnh đạo của Microsoft cũng tiến hành điều động nhân viên sao cho thật phù hợp. Trong nội bộ viện nghiên cứu, người phụ trách nếu phát hiện ra nhân viên nào phù hợp với công tác khai thác sản phẩm hơn thì sau khi có được sự đồng ý của người đó, sẽ điều họ đến phòng khai thác sản phẩm. Ngược lại, người của phòng khai thác sản phẩm cũng có thể được điều động đến viện nghiên cứu. Làm như vậy không những có thể tận dụng được hết khả năng của nhân viên mà còn có lợi cho việc áp dụng thành quả nghiên cứu vào quá trình khai thác sản phẩm.

Viện nghiên cứu Microsoft và phòng khai thác sản phẩm tập trung rất nhiều anh tài, có người gọi Microsoft là câu lạc bộ anh tài toàn cầu và Bill Gates là người phụ trách câu lạc bộ đó. Dưới sự lãnh đạo của ông, Microsoft không ngừng cho ra đời những phần mềm máy tính bán chạy.

Ngoài việc đầu tư cho sản phẩm phần mềm, Microsoft cũng có những động thái thay đổi tích cực không ngừng để thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Cùng với sự phổ cập của mạng Internet, Internet đã trở thành một chiếc bánh hấp dẫn, trở thành đích ngắm của nhiều công ty. Khi Internet mới bắt đầu được đưa vào hộ gia đình, thư điện tử đã trở thành một ứng dụng chủ yếu nhất trong đời sống hàng ngày của người dân. Hiện nay, công cụ tìm kiếm trở thành thứ rất được ưa chuộng trong mạng Internet, rất nhiều công ty mạng đã ngắm đến thị trường này. Hiện nay, về phương diện công cụ tìm kiếm, làm tốt nhất là Google, Google được thành lập năm 1998, đến năm 2004, cổ phiếu của Google đã được lên sàn ở NASDAQ, vừa mới lên sàn đã đạt giá trị 26 tỉ đô la. Chỉ trong vòng mấy năm, Google đã tạo ra một thần thoại khiến người khác phải thán phục. Sau khi Microsoft nhìn thấy viễn cảnh của thị trường này đã tỏ thái độ vô cùng hứng thú đối với Google, khi Microsoft định mua lại thì vấp phải sự từ chối của Google.

Để tìm được chỗ đứng cho mình, Microsoft với sản phẩm MSN đã nhanh chóng gia nhập thị trường Internet, đánh dấu việc Microsoft bắt đầu tranh giành thị phần với Google.

Trong quá trình cạnh tranh với Google, sách lược của Microsoft là dựa vào ưu thế về tài chính của mình để khiêu chiến với Google. Khi người dùng sử dụng MSN, nhân viên khai thác của Microsoft không quan tâm đến việc người dùng có click vào các link quảng cáo hay không mà là việc người dùng có thể tìm thấy thứ mình cần một cách dễ dàng không. Làm như vậy sẽ khiến thu nhập từ quảng cáo của Microsoft giảm đi nhưng người dùng sẽ cảm thấy thuận tiện hơn.

Đồng thời, tháng 2 năm 2008, Microsoft tuyên bố đã báo giá mua lại Yahoo cho Chủ tịch Hội đồng quản trị của Yahoo, mua lại cổ phiếu của Yahoo đã phát hành với giá 31 đô la một cổ phiếu, tổng giá trị mua bán là khoảng 44,6 tỉ đô la Mỹ. Điều này cũng đánh dấu việc mua lại Yahoo của Microsoft đã đi đến giai đoạn cuối cùng. Nếu thành công trong việc mua lại Yahoo thì Microsoft sẽ là nhà cung cấp dịch vụ Search lớn thứ hai trên thế giới sau Google.

Còn công cụ tìm kiếm mới nhất của Microsoft, dịch vụ tìm kiếm Live search lại càng hoàn hảo, hơn nữa còn tập hợp được tất cả những thông tin mà người dùng cần, có thể gọi là một công cụ tìm kiếm thông minh đời mới. Dịch vụ ban đầu mà Live search cung cấp là dịch vụ tìm kiếm bản đồ, so với Google, Live search có chức năng thực dụng hơn, Live search không những cung cấp về hệ thống giao thông của từng thành phố mà còn giới thiệu một cách vô cùng chi tiết về địa điểm đổi bắt xe, có những địa điểm còn ghi rõ phương hướng và khoảng cách để đổi, bắt xe, điều này ở Google không có. Live search hiện nay ngoài việc cung cấp dịch vụ tìm kiếm bản đồ còn có khác dịch vụ tìm kiếm khác như tranh ảnh, video…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.