Chiêu Bài Quản Lý Vàng Của Bill Gates

4. TÌM KIẾM SỰ HOÀN HẢO



“Không có tốt nhất, chỉ có tốt hơn”, Bill Gates đã lãnh đạo Microsoft không ngừng phát triển, không ngừng tiến lên phía trước như thế. Từ trước đến nay ông không bao giờ vì một thành công mình đạt được mà cảm thấy đủ. Muốn mình luôn ở vào thế thắng thì bản thân phải theo đuổi cái tốt hơn.

Sau khi Microsoft được thành lập, Bill Gates và người bạn thân Paul đã lập ra một tôn chỉ, đó là phải khai thác ra các kiểu phần mềm máy tính. Khi đó, đối với ngành phần mềm máy tính, chỉ có duy nhất một công ty “Microsoft”. Còn ông chủ là Bill Gates, một chàng thanh niên chưa tròn 20 tuổi.

Giờ đây họ không còn là hai chàng thanh niên hừng hực nhiệt huyết với hai bàn tay trắng như lúc đó. Dù còn trẻ nhưng trong tay họ đã có kỹ thuật của mình, đó là Basic, đồng thời họ cũng đã tích lũy được đủ lực và kinh nghiệm, công ty được Bill Gates đổi tên thành Microsoft. Thành lập không lâu, Microsoft đã trở nên nổi tiếng với việc công ty điện khí thông dụng quyết định sử dụng Basic.

Khi mới thành lập, Microsoft không có vốn và cơ sở vật chất, không có văn phòng chính thức. Do liên tục có nhân viên mới vào làm việc, Bill Gates và Paul đã thuê một văn phòng gồm 4 gian, nhưng do điều kiện còn hạn chế nên văn phòng trống huếch trống hoác, không có đồ đạc gì.

Tháng 4 năm 1976, nhân viên chính thức đầu tiên của Microsoft là Mark McDonald, bạn học trung học của Bill Gates, chịu trách nhiệm chính trong việc cải tiến chương trình ngôn ngữ Basic của bộ vi xử lí 8080. Nhân viên chính thức thứ hai là Rick Whelan, cũng là bạn học thời trung học của Bill Gates, phụ trách khai thác hai phần mềm chương trình ngôn ngữ Basic cho bộ vi xử lí 6500 của Motorola và phần mềm CoBoL business. Còn một lập trình viên nữa tên là Steve Wood, đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc Microsoft.

Ngày 12 tháng 8 năm 1981, công ty IBM công bố một tin lớn đối với ngành máy tính: một thế hệ máy tính cá nhân IBMPC đã được ra đời. Đó là thành quả hợp tác giữa IBM và Microsoft, thị trường của Microsoft không ngừng được mở rộng, phần mềm của Microsoft không chỉ có thể được ứng dụng trong máy tính của IBM mà còn có thể được ứng dụng trong các máy tính tương tự. Có thể nói, khi đó đã có cơn sốt đối với sản phẩm của Microsoft, đưa sản phẩm của Microsoft đến khắp nơi trên thế giới.

Năm 1984 là một năm bội thu đối với Bill Gates và Microsoft. Ngoài MS-Dos thì Pascal, C, Word, GW-Basic… cũng bán rất chạy trên toàn thế giới. Bill Gates đã được lên trang bìa của tạp chí “Thời đại” vào tháng 4 năm đó. So với các ngành khác, ngành máy tính có tốc độ thay đổi nhanh và sức cạnh tranh khốc liệt hơn. Bill Gates và Microsoft phải đối mặt với thách thức đổi mới. Tháng 11 năm 1983, Bill Gates đưa ra một phần mềm kỹ thuật mới – Windows, đồng thời nói rằng, nó sẽ được cài đặt trên 90% máy tính cá nhân đang sử dụng MS-Dos. Tuy nhiên, một năm sau, không giống như ông nói, Windows trên thị trường gần như không được chấp nhận. Có không ít khách hàng than phiền rằng Windows không thể vận hành bình thường. Microsoft đã tiến hành một loạt các nỗ lực để cải tiến Windows, hai năm sau lại đưa ra Windows 2.0, kết quả vẫn chẳng có gì khả quan. Tuy nhiên, Bill Gates không lấy đó làm buồn vì ông đã sớm nhìn ra rằng, Windows sau này sẽ là phần mềm máy tính được ứng dụng rộng rãi nhất trên thế giới, là kỹ thuật được yêu thích nhất.

Tháng 5 năm 1990, dưới nỗ lực của toàn thể nhân viên Microsoft, Windows 3.0 ra đời, cuối cùng đã có sự thay đổi sau 7 năm nỗ lực. Microsoft không tiếc tiền bỏ ra 3 triệu đô la để quảng cáo cho Windows 3.0, mà đó chỉ mới là khởi đầu. Phần mềm này đã thu được thành công lớn, sự ra đời của nó đã đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực máy tính. Tuy vậy, Bill Gates không huênh hoang trước thắng lợi của mình. Giá cổ phiếu của Microsoft tăng vọt, thực lực công ty không ngừng lớn mạnh. Bill Gates đã giành được danh hiệu “Ông vua phần mềm”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.