Chiêu Bài Quản Lý Vàng Của Bill Gates

4. KHÔNG CÂU NỆ TIỂU TIẾT, MẠNH DẠN SỬ DỤNG NHÂN TÀI



Để có được những nhân tài thực sự, Bill Gates không câu nệ tiểu tiết, mạnh dạn sử dụng nhân tài. Ông có thể sử dụng những người có tì vết về một phương diện nào đó, có nhân viên có hành vi kỳ quái, nhưng lại là một thiên tài về máy tính, chính những người như thế sau này đã trở thành ngôi sao của Microsoft.

Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, Microsoft giữ ưu thế tuyệt đối trên lĩnh vực hệ thống điều hành, không có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên chính lúc đó, Bill Gates đưa ra một quyết định đáng kinh ngạc: tiến quân vào lĩnh vực phần mềm ứng dụng.

Xét về tình hình thực tế, Microsoft lúc đó có đủ năng lực để khai thác phần mềm ứng dụng, bởi Microsoft có một đội ngũ nhân viên đáng tin cậy. Tuy nhiên, Microsoft còn yếu về mặt marketing và dịch vụ hậu mãi.

Ban đầu, Microsoft cũng có phòng hậu mãi, nhưng đó chỉ là hình thức, nhân viên chỉ có hai người không thông thạo về phần mềm. Mỗi khi có khách hàng đến thắc mắc, họ chỉ biết trả lời một cách máy móc, rồi đưa cho khách hàng quyển sổ ý kiến để khách hàng viết. Lâu ngày, ý kiến của khách hàng viết kín mấy quyển sổ, chất đầy trên bàn làm việc, sổ chẳng có ai đọc nên ngoài bìa bám đầy bụi. Sau này, khi Gerry, quản lí phòng marketing của Microsoft lần đầu tiên bước vào phòng hậu mãi, ông đã vô cùng ngạc nhiên. Ông không ngờ công tác hậu mãi của một công ty hàng đầu thế giới như Microsoft lại tồi tệ đến thế.

Khi Microsoft định tiến quân vào lĩnh vực phần mềm ứng dụng mới phát hiện ra lực của mình quá mỏng về phương diện marketing và hậu mãi. Nếu hai lĩnh vực này không được cải thiện thì đừng nói là tiến quân vào lĩnh vực phần mềm ứng dụng, ngay cả lĩnh vực hàng đầu là hệ thống điều hành cũng khó giữ được vị trí như hiện nay. Để làm những việc đó, Microsoft phải tìm ra được một “nhân vật lãnh tụ” để đảm đương trọng trách quản lí mặt bán lẻ của Microsoft. Bill Gates đi khắp nơi tìm người. Người này phải hiểu các kiến thức về phần mềm máy tính đồng thời phải có kinh nghiệm trong kinh doanh.

Một thời gian dài sau đó, Bill Gates vẫn không tìm được người phù hợp, ông đành nhờ vào công ty tìm người. Rất nhanh, họ đã cung cấp cho ông vài hồ sơ của cấp quản lí cao trong các công ty lớn. Bill Gates xem qua một lượt hồ sơ của những người này, trong số đó Bill Gates đặc biệt chú ý đến Gerry. Ban đầu Gerry làm việc ở một công ty sản xuất socola nổi tiếng ở Mỹ, sau đó làm công việc kinh doanh tại một công ty máy tính, khi Bill Gates biết về Gerry thì ông này đang đảm nhiệm công việc giám sát kinh doanh ở công ty kỹ thuật Koala.

Bill Gates ngay lập tức quyết định giao cho Gerry trọng trách của Microsoft. Thế là Bill Gates đích thân đến nhà Gerry, sau vài lần thuyết phục, cuối cùng Gerry đã đồng ý đến làm việc ở Microsoft. Tháng 5 năm 1984, Gerry chính thức nhậm chức Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh. Với kinh nghiệm kinh doanh phong phú trong lĩnh vực bán lẻ và năng lực quản lí xuất sắc của Gerry, bộ phận kinh doanh và hậu mãi của Microsoft đã nhanh chóng được cải thiện.

Sau khi Gerry nhậm chức không lâu, Microsoft bắt đầu triển khai “kế hoạch đa nguyên”. Các sản phẩm của Microsoft lần lượt ra đời một cách nhanh chóng, nhưng lượng bán ra vẫn không được cao, so với công ty đối thủ là Lotus thì tỏ ra kém ưu thế rõ rệt. Để giành được vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực phần mềm ứng dụng, Bill Gates bắt tay vào điều chỉnh lại thị trường phần mềm ứng dụng. Bởi vậy, Bill Gates rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ của bộ phận kinh doanh và hậu mãi.

Ban đầu, trong nội bộ Microsoft không có nhiều người biết cách kiểm soát thị trường bán lẻ, khi phần mềm ứng dụng của Microsoft được khai thác và đưa ra thị trường đã nhanh chóng rơi vào tình trạng ế ẩm. Để làm thay đổi tình hình, Microsoft cũng đã thử nhiều cách nhưng đều không có tác dụng, nguyên nhân chính là do Microsoft không có một đội ngũ hậu mãi có thực lực. Sau khi nhậm chức được vài ngày, Gerry đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân căn bệnh.

“Đối với một công ty lớn, nhất là công ty Microsoft, cần phải có một đội ngũ hậu mãi chuyên nghiệp để giúp đỡ và giải quyết các vấn đề khó khăn cho khách hàng, cung cấp cho khách hàng một dịch vụ toàn diện và chu đáo”. Gerry nói với Bill Gates một cách thẳng thắn. Thế là Gerry bắt tay vào chỉnh đốn đội ngũ kinh doanh và hậu mãi của Microsoft.

Trong thời khắc quan trọng, Bill Gates đã mạnh dạn dùng nhân tài. Microsoft từ đó không những đánh bại được đối thủ cạnh tranh mà còn chiếm vị trí bá chủ trên thị trường phần mềm ứng dụng.

Trong lĩnh vực khai thác sản phẩm, Bill Gates lại càng chú trọng đến việc lựa chọn nhân tài. Nhân viên khai thác sản phẩm quyết định trực tiếp đến chất lượng của sản phẩm, bởi vậy, nhân viên khai thác sản phẩm cũng quyết định bộ mặt của doanh nghiệp.

Ở giai đoạn đầu khi mới thành lập, Bill Gates có những tiêu chuẩn rất nghiêm khắc trong việc tuyển dụng nhân viên khai thác sản phẩm, đầu tiên đó phải là người thông minh, có lòng nhiệt tình, quan trọng nhất là phải yêu thích ngành phần mềm. Sự thông minh mà Bill Gates muốn nói đến là năng lực cao trong lĩnh vực phân tích và giải quyết vấn đề, đặc biệt là trong lĩnh vực máy tính. Mà những nhân viên vào được Microsoft thì đều là những người vô cùng ưu tú, trong số những người đến dự tuyển vào phòng khai thác sản phẩm, chỉ có 10% trong số 10% những người đứng đầu được lọt vào vòng trong, tức là chỉ có tỉ lệ là 1%. Trong số những người dự tuyển vào Microsoft, có người khả năng xã giao kém, có người có vẻ ngoài kỳ quái, nhưng họ tinh thông lập trình. Những người này có thể bị các công ty khác từ chối nhưng ở Microsoft, những người đó lại có thể trở thành những người nổi tiếng được mọi người chú ý.

Không câu nệ tiểu tiết, mạnh dạn sử dụng nhân tài, đó là phương châm dùng người của Bill Gates, thông qua phương pháp đó, ông đã thu được những nhân tài xuất sắc. Cũng chính các nhân tài này đã giúp Bill Gates có được sự huy hoàng như ngày nay.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.