8 Tố Chất Trí Tuệ Quyết Định Cuộc Đời Người Đàn Ông

12. MUỐN LÀM NÊN SỰ NGHIỆP LỚN PHẢI CHUYÊN TÂM HỌC TẬP



Đặc điểm nổi bật của nền kinh tế tri thức là nắm bắt và vận dụng kiến thức, lợi dụng tri thức tạo ra của cải. Như vậy vấn đề đặt ra trước mắt chúng ta, là làm thế nào để nắm bắt tri thức? Thời nay biển cả tri thức, bao gồm thông tin đúng sai tốt xấu, thật giả thường khiến cho nhiều người rối trí hoảng loạn, nhưng cách xử trí thông minh nhất là chăm chỉ học hành, để thật sự vươn lên thành người hùng trong thời đại mới.

Giàu có không đồng nghĩa với có học thức, nhưng nếu coi là có kiến thức mà phải sống trong nghèo khổ, thì cũng không xứng đáng là người có học thức, hoặc mớ kiến thức đó hoàn toàn vô dụng. Như vậy con người trí thức không những giàu kiến thức biết học tập mà quan trọng hơn là biết vận dụng kiến thức để sáng tạo ra của cải. Học tập không nhằm mục đích khoe mẽ với người khác, hoặc đua đòi với trào lưu thời thượng. Học tập một cách kiên trì dài lâu, tạo ra hứng thú say mê thì mới đạt được hiệu quả mong muốn, vận may mới đến gõ cửa nhà bạn. Người ôm hoài bão cao xa phải lấy sự học làm lẽ sống làm niềm vui, và luôn luôn tâm niệm rằng tri thức chính là nguồn tài sản, là chìa khóa thay đổi số phận. Hồi nhỏ Vương Hy Chi đã chịu khó luyện chữ, người ta kể rằng bút hỏng do luyện chữ được ông xếp cao như quả núi, người đời đặt tên là “Núi Bút”, bên cạnh nhà ông có một cái ao nhỏ, vì ông ra đó rửa nghiên mực và bút lông, mà nước ao chuyển sang màu đen nhánh, người đời đặt tên là “Ao Mực”.

Sau khi trưởng thành, chữ viết của Vương Hy Chi đã đạt trình độ điêu luyện nhất định, nhưng ông không hề thỏa mãn dừng lại, ngày ngày vẫn miết mài luyện nét chữ đến nỗi quên cả ăn, người hầu gái mang đến cho ông món ăn ưa thích là hành băm và bánh hấp. Thúc dục ông ăn kẻo nguội, nhưng có vẻ như ông không hề nghe thấy, cứ cắm đầu luyện chữ. A hoàn hết cách đành đi mách với vợ ông, người vợ cùng a hoàn đến thư phòng, thấy ông đang đút vào mồm một chiếc bánh hấp dính đầy mực tầu, khuôn mặt ông cũng nhem nhuốc vì dây mực, bà vợ không nhịn được cười. Thì ra Vương Hy Chi vừa ăn vừa luyện chữ, không để ý đã chấm bánh hấp vào nghiên mực để ăn, bụng vẫn nghĩ là đang ăn hành băm.

Bà vợ quan tâm nhắc nhở chồng: “Anh phải giữ gìn sức khỏe chứ, chữ viết của anh được thiên hạ thừa nhận là rất đẹp rồi, việc gì phải khổ luyện thêm nữa!” Vương Hy Chi ngẩng đầu lên trả lời: “Chữ mình viết đã khá, nhưng mới chỉ là bắt chước theo phong cách của người đi trước, chưa tạo ra được phong cách của riêng mình, làm sao có thể thôi luyện tập được”.

Sau một thời gian rèn luyện, Vương Hy Chi đã xây dựng được một phong cách độc lập rất thanh thoát bay bướm, được mọi người ca ngợi nét chữ như mây bay gió cuốn, rắn rỏi cuốn hút như phượng múa rồng bay, được tôn vinh là bậc thầy thư pháp trong lịch sử Trung Quốc.

Chúng ta chợt nghĩ đến câu chuyện nhà bác học Newton, vì ông mải suy nghĩ công việc nên khi hâm sữa, đáng lẽ cho đường, ông vô tình bỏ cả chiếc đồng hồ đeo tay vào nồi, người ta gọi đó là kiểu đãng trí bác học, những nhân vật kiệt xuất đều có những giai thoại buồn cười như vậy, ví dụ người đặt nền móng cho bộ môn vật lý hiện đại Einstein cũng mắc thói đãng trí bác học.

Nhà vật lý vĩ đại Einstein (1879 – 1955) từ lâu mong muốn được thưởng thức món tương cá nước Nga, mồng 4 tháng 3 là sinh nhật của ông sắp đến, bạn bè quyết định chiêu đãi ông món ăn này.

Đúng hôm sinh nhật Einstein và bạn bè vừa ăn tiệc, vừa đàm luận về thuyết tương đối của ông, khi mọi người hăng say tranh luận, người ta bưng món đặc sản được dày công chuẩn bị lên bàn tiệc, lúc đó Einstein đang mải mê thuyết trình về định luật quán tính, ông tiện tay đút món tương cá vào mồm nhưng vẫn tiếp tục nói: “Newton cho rằng quán tính của vật thể là chỉ về mặt không gian, còn theo Ernst Mach, khái niệm quán tính dùng để chỉ hệ tinh cầu trên bầu trời cao, vậy cuối cùng thì ai đúng ai sai?”

Sau khi phát biểu xong, Einstein dừng lại hỏi mọi người, ông giơ ngón tay vẽ một dấu hỏi to tướng lên bàn ăn ý nói: “Thế món tương cá đâu rồi?

Bạn bè hỏi lại ông, trong khi diễn thuyết ông đút cái gì vào miệng thế? Ông trả lời: Không biết lúc đó tôi ăn gì.

Người ta cho ông biết đó chính là món tương cá mà từ lâu ông ao ước đấy!

“Thế ư, rõ tiếc”, nhà khoa học vĩ đại kêu lên, người không biết có thể cho rằng đó là biểu hiện của người đần độn. Có lẽ bạn không thể tin rằng nhà toán học nổi tiếng Trần Cảnh Nhuận không biết đi ra phố mua rau, nhà địa chất học lỗi lạc Lý Tứ Quang gặp con gái trên phố không nhận ra, thực tình sở dĩ họ đãng trí như vậy là do chỉ mê mải nghĩ đến lĩnh vực khoa học đang theo đuổi.

Nhờ vậy mà họ đã cống hiến thành tựu to lớn cho nhân loại. Trong tác phẩm

“Khuyến học” Tuân Huống cũng đã viết: “Khi dùng dao để chạm khắc đồ mỹ nghệ, nếu chỉ làm một lúc rồi bỏ, thì dù nguyên liệu là gỗ mềm cũng chẳng khắc được cái gì ra hồn, nhưng nếu chăm chỉ cần mẫn và chuyên tâm, thì cho dù nguyên liệu là kim loại hay đá quý, vẫn có thể khắc họa được rất nhiều hình tượng tinh xảo lý thú”.

Con giun không hề có móng sắc, cũng chẳng có gân xương cứng cáp, thế mà nó đào được đường hầm xuyên lòng đất để kiếm thức ăn và nước uống, đó là nhờ nó biết chăm chỉ miệt mài với công việc của mình, trong khi con cua có tám chân và hai cái càng rất to khỏe sắc nhọn, nhưng không tự đào được hang, mà phải lợi dụng hang đào sẵn của rắn nước và lươn chạch. Lý do là con cua quá nóng vội nông nổi, không đủ lòng kiên trì để đào hang.

Trong học tập nếu thiếu tính kiên trì nhẫn nại, không chịu khó chịu khổ, thì không thể thực sự nắm vững tri thức, không thể nâng mình lên tầm cao thăng hoa về trí tuệ, trong công tác nếu không có tác phong cẩn thận tỷ mỷ, thiếu tinh thần say mê nghề nghiệp, thì không bao giờ giành được thành tích khả quan.

GỢI MỞ NĂNG LỰC

Sự nghiệp học tập đòi hỏi đầu tư toàn bộ sức lực tâm huyết và kiên trì bền bỉ lâu dài, có khát vọng say mê tìm hiểu tận gốc rễ của vấn đề, thì mới mong gặt hái được thành công, mới bén duyên được với vận may

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.