8 Tố Chất Trí Tuệ Quyết Định Cuộc Đời Người Đàn Ông

7. NÓI “KHÔNG” MỘT CÁCH NHẸ NHÀNG UYỂN CHUYỂN



Vì lợi ích lâu dài nhiều khi chúng ta phải từ chối người khác, nhưng từ chối sao cho khéo léo là cả một nghệ thuật, đàn ông cần biết cách nói “Không” một cách nhẹ nhàng uyển chuyển.

Nhìn chung đàn ông rất coi trọng thể diện, do vậy họ cảm thấy rất ngại khi phải từ chối yêu cầu của ai đó, vì sợ làm mếch lòng người ta. Thực tình, việc từ chối nếu không thể tránh được, thì phải nắm được bí quyết trong vấn đề này, để vừa tỏ rõ được thái độ của mình mà vẫn không xúc phạm đến lòng tự trọng của đối phương, đàn ông có chí làm nên càng phải chú ý vận dụng kỹ thuật này, từ chối mà không làm người ta mất lòng mới được coi là cao tay.

Có thể là không đáp ứng yêu cầu, hoặc không chấp nhận ý kiến quan điểm của đối phương, nguyên tắc chung vẫn là mềm mỏng nhẹ nhàng, làm sao cho đối phương cảm nhận việc từ chối của mình là hoàn toàn hợp tình hợp lý, vì vậy họ không cảm thấy bị mất thể diện.

Sau đây xin giới thiệu 10 sách lược từ chối.

(1) Từ chối với khẩu khí khẳng định

Một vị chủ quản ban ngành trong công ty phát biểu về lời nói mà ông thích nghe đó là: “Đề nghị của anh rất hay, nhưng trước mắt chúng tôi chưa có đủ điều kiện để áp dụng” hay: “Ý tưởng thật tuyệt, có điều chúng tôi e ngại rằng, chưa thể thực hiện trong ngày một ngày hai được”. Khen người để từ chối đặt đối phương vào thế không thể trách cứ gì mình được, nếu biết vận dụng chữ “Nhưng” một cách linh hoạt, sau đó là lý do này nọ, thì dường như dễ dàng tạo sự đồng cảm, làm cho đối phương có cảm giác rằng mình không hoàn toàn từ chối.

(2) Tỏ ý nuối tiếc khi từ chối

Cậu Vương mua cho cô Lý là người bạn gái của mình một bộ quần áo, thực bụng Lý không ưng bộ quần áo đó, vì cô nhận xét màu sắc của nó lòe loẹt diêm dúa quá, nhưng cô lại chỉ nói: “Giá mà gam màu nhạt hơn một chút thì tốt biết mấy, vì em thích gam màu nhạt”. Kết quả là hai bên đều ít nhiều thất vọng, nhưng lại rất dễ tha thứ cho nhau, giả sử Lý chê thẳng thừng: “Trông đến là lố lăng, em ghét thậm tệ màu sắc như vậy!” Thì thế nào Vương cũng khó chịu, có thể cự lại: “Không ưng thì vứt quách đi cho rồi!” hai bên có thể lao vào một cuộc đấu khẩu, tâm trạng đều buồn bực như nhau.

(3) Từ chối một cách nhã nhặn, lễ phép

Một nhà quay phim có bề dày kinh nghiệm và thành tích đã tổng kết cách từ chối rất khéo, là trước hết hãy khen nịnh đối phương hết lời sau đó mới nói “Không” một cách tế nhị. Ông kể lại câu chuyện, một lần ông được mời tham gia một câu lạc bộ, thâm tâm của ông là không muốn tham gia, nhưng ông lại nói: “Thật quý hóa được lời mời của các vị, tôi cảm thấy rất vinh hạnh, vì từ lâu tôi đã rất hâm mộ câu lạc bộ này rồi, thật tiếc là công việc của tôi lại quá bận, phải thường xuyên đi xa, không thể thu xếp được thời giờ để đi sinh hoạt, tôi xin lĩnh hội và cảm ơn tấm lòng chân thành của các vị”.

Phương thức này có thể vận dụng trong môi trường xã giao, với mô tuýp khen ngợi và đáng tiếc là….

(4) Dùng lời nói và thái độ khách sáo để từ chối

Chẳng hạn khi bà xã gọi điện hỏi rằng: “Sáng nay anh có thể giúp em trông con được không? Vì em quá bận đi mua sắm” Nếu bạn thiếu cân nhắc suy nghĩ, sẽ trả lời theo bản năng: “Chà, sáng nay anh cũng mắc bận mất rồi, không được đâu”.

Nhưng nếu bạn muốn được bà xã vui vẻ chấp nhận lời từ chối của mình, thì phải nói theo kiểu khách khí: “Anh rất muốn đỡ đần cho em, nhưng thật không may là, anh phải đi họp công ty, liệu anh có thể giúp em việc gì khác không”.

(5) Từ chối với thái độ thương lượng

Ví dụ có người mời bạn tham gia hội thảo, mít tinh gì đó, nhưng bạn bận công việc bộn bề không thể nhận lời mời của họ được, thì bạn hãy trả lời: “Xin lỗi anh nhé, chẳng qua là vì tôi quá bận, nếu tuần sau còn làm tiếp thì tôi sẽ tham gia được không?” câu này rõ ràng là hơn hẳn một lời từ chối dứt khoát.

(6) Nói lời “không” với ngữ điệu ôn tồn, nhã nhặn

Thầy Trương thể nghiệm thấy rằng, trước đây thầy từ chối yêu cầu của học sinh, đều gây cho các em bất bình, sau đó được đồng sự góp ý, thầy đã rút kinh nghiệm chuyển đổi cách từ chối, nghĩa là bớt nói từ “Không” hay “Không được” mà sẽ nói: “Hãy để thầy suy nghĩ cân nhắc xem sao” đây cũng là kế hoãn binh để sau đó tìm ra một lý do xác đáng hơn.

Các vị lãnh đạo rất hay nói với thuộc hạ: “Việc này chúng ta còn phải nghiên cứu thêm”. Không mấy ai tin rằng ý của lãnh đạo là sau này sẽ tiến hành, nhưng cách nói này giữ được bầu không khí tích cực trong đơn vị, không làm cho mọi người thất vọng, cách từ chối này thấm đượm tình người.

(7) Từ chối bằng cách tự chế diễu mình

Hài hước là một cách từ chối rất đắc sách, làm cho đối phương bị bất ngờ, gần như không thể tin được, nhưng cũng cảm thấy vui lây. Ví dụ: “Nếu tôi nói “không được”, chắc là bạn sẽ cho rằng tôi là con người ích kỷ nhỏ nhen phải không, thì đúng quá đi rồi còn gì”. Trẻ con đặc biệt thích cách nói đùa vui này, nếu có cách cù cho đối phương buồn cười, thì cho dù bạn vẫn thể hiện ý từ chối, họ vẫn không để bụng trách cứ gì bạn cả.

(8) Từ chối với thái độ đồng tình

Có lẽ khó từ chối nhất là đối với những sự gợi ý xa xôi bóng gió, hoặc chỉ là những lời phàn nàn. Ví dụ, một người bạn ở xa gọi điện thoại nói với bạn rằng: “Anh Lý ở chỗ chúng tôi sắp sửa đi công tác qua bên anh, nếu tiền ngủ khách sạn không quá đắt đỏ, thì tôi cũng muốn đi cùng để sang thăm anh một chuyến”.

Không hẳn là một lời yêu cầu đề nghị, nhưng bạn có thể ngầm hiểu như vậy, trước tình huống này, bạn sẽ ứng phó bằng cách tỏ ý đồng cảm: “Này anh, tôi rất cảm ơn anh đã nghĩ đến tôi, nhưng khả năng của tôi không đáp ứng được lòng mong muốn của mình, thực chất câu nói đó để cho đối phương hiểu là bạn không có nghĩa vụ phải cáng đáng tiền ăn ở cho người quen, nhưng cũng có thể nói thẳng ra: “Nếu anh có ý định đến ở nhờ nhà tôi, thì chắc là không được, vì vào dịp cuối tuần cả nhà đều về nghỉ nên rất chật”.

(9) Trả lời lấp lửng

A vẽ xong một bức tranh, tự cho là rất đạt, liền đem khoe với B, B xem qua thấy chẳng ra gì, nhưng chỉ nói: “Được đấy”, cho dù có vẻ như B khen, nhưng A lại hiểu rất rõ thâm ý của câu nói này.

(10) Dùng từ ngữ uyển chuyển để từ chối

Bạn thử so sánh hai câu nói này nhé: “Tôi cho rằng cách nói đó không đúng!” và: “Tôi không nghĩ rằng anh nói như vậy là có lý”. Hay: “Tôi cảm thấy như vậy là không tốt” và: “Tôi không cảm thấy như vậy là tốt” qua hai cách diễn đạt trên đây, chúng ta dễ dàng phát hiện ra rằng, cho dù nội dung chẳng khác gì nhau, nhưng cách nói thứ hai có phần mềm mỏng dễ chấp nhận tiếp thu hơn, còn cách nói thứ nhất quá cứng rắn, áp đặt.

Tóm lại, phủ nhận hay từ chối đều là một nghệ thuật, cần tuân thủ một nguyên tắc chung đó là, vừa để cho đối phương hiểu rõ ý kiến của mình là không chấp nhận, vừa không làm họ bị mất thể diện sinh ra phản ứng, và ảnh hưởng tới tình cảm giữa hai bên. Muốn vậy nên tránh dùng từ ngữ mang tính chất phủ định, và thái độ diễn đạt phải mềm mỏng ôn tồn, khiến cho đối phương đoán nhận ý tứ đằng sau câu nói của mình, hai bên vẫn vui vẻ với nhau.

GỢI MỞ NĂNG LỰC

Có thể nói rằng, bất kỳ người đàn ông nào cũng rất coi trọng thể diện, vì vậy, trường hợp phải từ chối người ta, thì cần vận dụng phương thức uyển chuyển tế nhị.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.