8 Tố Chất Trí Tuệ Quyết Định Cuộc Đời Người Đàn Ông

6. ĐẾN VÙNG NÀO HÁT DÂN CA VÙNG ĐÓ



Nói chuyện là cả một nghệ thuật, nếu ai khéo ăn khéo nói, biết ứng phó trôi chảy mau lẹ, thì sẽ được người đời hâm mộ.

Thực tế giao tiếp bằng ngôn ngữ chứng minh rằng khi diễn đạt cùng một nội dung tư tưởng trong cùng một môi trường xã hội, nhưng trường hợp giao tiếp khác nhau, thì phải vận dụng hình thức biểu đạt ngôn ngữ khác nhau, nếu không thì sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn. Do vậy người đàn ông thành đạt, muốn thu phục được lòng người, được mọi người hoan nghênh, thì phải biết ứng xử thỏa đáng với từng đối tượng, đến miền nào hát dân ca miền đó, đây cũng là một yêu cầu không thể thiếu khi xây dựng mạng lưới quan hệ.

Dưới đây là phân loại chung về các bối cảnh giao tiếp.

(1) Giao tiếp với người quen, người nhà, giao tiếp với người xa lạ.

Nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc rất coi trọng và phân biệt giữa môi trường nội bộ với bên ngoài, đối với người nhà thì thực hiện cách ứng xử như câu tục ngữ: “Đóng cửa bảo nhau”, chuyện gì cũng có thể nói, không cần giữ ý tứ, có thể nói nặng nói nhẹ tùy ý, bởi vì đối tượng là người nhà mình, hai bên hoàn toàn thông cảm với nhau. Nhưng khi đối đáp với người ngoài, thì phải luôn chú ý phép tắc ý tứ, người đời có câu, người khôn ăn nói nửa vời, nếu không vì công việc, thì chỉ nói theo phép xã giao, nếu vì công việc chung, thì chỉ bàn công việc, vì thế cần luôn luôn xác định ranh giới trong ngoài, chẳng nên dốc bầu tâm sự với người xa lạ, phơi hết ruột gan cho người ta biết, sẽ bị thiên hạ cười chê là thật thà quá hóa dại.

(2) Trường hợp chính thức và không chính thức. Trường hợp chính thức thì ăn nói cần thận trọng chặt chẽ, phải suy trước nghĩ sau, không thể bạ đâu nói đấy, thái độ giao tiếp cũng phải chính quy đúng lễ nghi, không thể xuề xòa bỗ bã, sẽ bị người ta cho là kém từng trải, thiếu lịch sự. Trường hợp không chính thức, được coi là nói chuyện phiếm, có thể tùy tiện thoải mái bộc lộ suy nghĩ tình cảm của mình. Trong phong cách ăn nói cũng hết sức đa dạng, có người thích văn vẻ hoa mỹ, có người tục tằn bộp chộp, có người không phân biệt bối cảnh xã giao.

(3) Trường hợp trang trọng và trường hợp đời thường

Cùng một ý tứ nhưng có thể nói một cách trang trọng, cũng có thể nói một cách tùy tiện. Chẳng hạn “Tôi giành thời gian đến hầu chuyện ngài” và “mình nhân thể đến thăm cậu” cách đáp lễ của đối phương sẽ hoàn toàn khác nhau, trong trường hợp long trọng mà nói câu thứ hai, ngược lại chỗ bạn bè thân quen mà nói câu thứ nhất, thì không chừng sẽ bị đối phương đánh dấu hỏi về mức độ quan hệ tình cảm, khách lạ cho rằng mình bị coi khinh, người thân cho rằng có chuyện gì hờn giận không vừa lòng với nhau, đúng là râu ông nọ cắm cằm bà kia, chẳng đúng nơi đúng chỗ gì cả.

(4) Trường hợp mừng và trường hợp buồn

Trong từng hoàn cảnh khác nhau, cần chọn từ ngữ và câu, ngữ âm, ngữ điệu và thái độ giao tiếp phù hợp với bầu không khí cụ thể, chẳng hạn đi dự đám cưới, khánh thành nhà mới, thì chỉ được phép nói chuyện vui, nét mặt tươi cười hớn hở, nhưng khi đi dự đám tang, hoặc thăm người ốm, thì chỉ được nói những chuyện tình người, những lời động viên chia sẻ, khi nói với người già cần lễ phép cung kính, đùa với trẻ con cần dí dỏm tế nhị, khi trong nhà người ta có chuyện buồn mà bạn lại đùa tếu chọc trẻ con, thì người ta sẽ đánh giá bạn là người vô tâm vô tính, không hiểu lẽ đời.

(5) Chỗ nên nói nhiều và chỗ nên im lặng

Ví dụ khi đến thăm nhà ai đó, thấy chủ nhân bận túi bụi hoặc sắp sửa đi xa, thì chỉ nên nói ngắn gọn vấn đề cần trao đổi, nếu nói con cà con kê hoặc tán hươu tán vượn, trên trời dưới biển, đôi khi xuất phát từ ý tốt, nhưng vẫn bị đối phương ác cảm, hay xảy ra hỏa hoạn, cần kịp thời tranh thủ từng phút từng giây để cứu hỏa, gọi điện thoại cho đội cứu hỏa, lại nói dông dài có đầu có đuôi, thì sẽ lỡ mất thời cơ, gây ra tổn thất to lớn, về tình tiết phát sinh vụ cháy, nếu bạn biết, thì có thể thông báo với cảnh sát chữa cháy sau khi đã dập xong đám cháy.

GỢI MỞ NĂNG LỰC

Người đàn ông được xã hội tôn trọng, phải là người biết ứng xử thích hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp, nếu không nắm vững kỹ thuật xã giao, đôi khi chuyện nhỏ gây thành họa lớn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.