8 Tố Chất Trí Tuệ Quyết Định Cuộc Đời Người Đàn Ông

8. LUÔN LUÔN ĐÀNG HOÀNG CHỮNG CHẠC



Phong thái ăn nói cử chỉ của một con người có vai trò rất quan trọng trong quan hệ giao tiếp, vì vậy đàn ông muốn làm nên sự nghiệp, thì phải luôn tỏ ra đàng hoàng chững chạc, tư thế đứng ngồi, ăn mặc, cách xử thế, khi nào cũng mẫu mực lịch lãm, ung dung thư thái, lễ phép từ tốn, người đàn ông như vậy chắc chắn sẽ được mọi người hoan nghênh, mến mộ, qua đó thể hiện được trình độ văn hóa tu dưỡng, đó là món tài sản vô hình mà người đàn ông cần biết triệt để khai thác lợi dụng để phục vụ cho sự nghiệp của mình, vì sao nhiều đàn ông phải chấp nhận cuộc đời bình dị, chỉ vì họ không có nguồn tài sản này.

Ngôn ngữ cử chỉ đóng vai trò rất quan trọng trong mạng lưới quan hệ, ngôn ngữ cử chỉ đẹp hay xấu, đúng hay sai không những có ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của mỗi con người, mà còn là thước đo để người khác nhìn nhận đánh giá mình. Nếu xét về ý nghĩa nào đó, thì cử chỉ hành vi cũng là một loại ngôn ngữ không lời, trong nhiều trường hợp nó còn có sức biểu đạt mạnh mẽ hơn cả ngôn ngữ có lời.

Một con người có thể vận dụng nhiều tư thế biểu cảm khác nhau thích ứng với nhiều môi trường khác nhau, có thể là nhanh hay chậm, là động hay tĩnh, tác dụng của tư thế biểu cảm còn phụ thuộc vào yếu tố thời gian và đối tượng cụ thể, những sự khác biệt này rất tinh tế và nhậy cảm, nó gửi đến đối phương các loại thông điệp khác nhau. Sự thay đổi động thái ngôn ngữ cử chỉ chính là kết quả của quá trình thay đổi tâm trạng, vì thế nó phản ảnh một cách trung thực tính khí tố chất và trạng thái tâm lý trong lòng người tại thời điểm ấy.

Có thể ví hành vi cử chỉ như tấm gương phản chiếu hoạt động nội tâm của con người, nếu theo dõi biểu hiện về mặt hành vi ngôn ngữ của một người trong đời thường, thì ta có thể suy luận ra trình độ học vấn của người đó, cho nên thiên hạ thường đánh giá con người thông qua ngôn ngữ cử chỉ, kể cả những kẻ chuyên sống giả tạo, rất giỏi đóng kịch ngoài đời, vì vậy bạn hà tất phải giả bộ đóng vai người tốt, sẽ không giúp ích gì cho bạn đâu, người ta hay nói một sự bất tín, vạn sự bất tin, nghĩa là cần chú ý cả những chi tiết nhỏ nhặt tưởng như vô thưởng vô phạt, nếu để xảy ra sơ suất, thì sẽ làm xuống cấp hình tượng của bạn, xóa sạch cả những mặt mạnh của bạn. Trong cuộc sống, hình tượng đẹp phải được xây dựng từ nhiều khía cạnh, trong đó phong thái nho nhã, đĩnh đạc, tư thế biểu cảm hấp dẫn chiếm một vị trí khá quan trọng.

Khi bạn xuất hiện trước công chúng, có thể chọn tư thế đứng ngồi hay đi lại, kết hợp với động tác tay và nét mặt để khắc họa hình tượng của mình, mỗi tư thế phát huy tác dụng khác nhau, biểu hiện tâm trạng khác nhau, để lại ấn tượng khác nhau trong lòng mọi người.

(1) Tư thế đứng

Tư thế đứng thuộc dạng tạo hình tĩnh, được coi là cơ sở và cũng là khởi điểm khắc họa động thái cơ thể. Chỉ cần dáng đứng thật đẹp có thể gây cho người tiếp xúc ấn tượng mình là con người tự tin, hoặc kiên cường mạnh mẽ. Nếu khi đứng đầu ngẩng cao, ngực vươn thẳng, cổ thẳng cằm thu, hai vai buông xuôi tự nhiên, hai tay bắt chéo đặt trước bụng dưới, mắt nhìn về phía trước, sẽ có tác dụng truyền cảm rất mạnh.

Khi đứng, người đàn ông để hai bàn chân ở cự ly rộng bằng vai, tay cũng có thể đặt bên sườn phía sau, tư thế này phô diễn khí thế hiên ngang của đàn ông, các bộ phận khác của cơ thể không thay đổi nhưng tinh thần phải tỏ ra phấn chấn hăng hái, nếu tư thế con người tạo dáng rất đẹp nhưng mặt ủ mày chau, thì cũng sẽ phản tác dụng.

Kiêng nhất là tư thế đứng xiêu vẹo, ngả nghiêng, trọng tâm không ổn định, hoặc dựa vào lưng ghế cạnh bàn hay thành tường, có vẻ như không còn sức lực, mệt mỏi rã rời, nhưng hai tay cũng không được chắp sau lưng hay khoanh trước ngực, mặt mày giận dữ, có vẻ đang đe dọa ai đó.

(2) Tư thế ngồi

Tư thế ngồi trang nhã nhất là vững chãi thanh thoát, nửa người phía trên thẳng, tránh khom lưng vẹo sườn, nếu ngồi cạnh bàn thì không cúi gầm mặt vào bàn, cũng không ngửa người dựa lưng vào lưng tựa của ghế, cự ly giữa thân người với bàn và ghế ở mức bằng một nắm tay là vừa, hai đầu gối khép hờ, không nên dạng ra rộng quá, hai cẳng chân buông thõng tự nhiên, không nên bắt chéo chân, hoặc duỗi ra phía trước, cũng không nên để một chân thò ra phía trước, một chân co về phía sau, hoặc tạo thành hình chữ bát ngược. Hai tay để thõng hai bên thân người hoặc bắt chéo để trên đầu gối, hai bàn tay úp vào nhau, lòng bàn tay hướng xuống dưới, đầu, trán, cổ đều giữ thẳng đứng và ít ngọ nguậy nghiêng ngửa, thân người và mặt hướng chính diện về phía người tiếp chuyện, chân nằm trên cùng một trục với thân người, hai mắt nhìn thẳng vào đối phương.

Khi đàn ông ngồi vào vị trí, hai bàn chân nên cùng đạp bằng trên mặt đất, hai đầu gối có thể hơi mở ra, hai bàn tay tách riêng để úp trên hai đầu gối, đàn ông cũng có thể bắt chân chữ ngũ để ngồi, nhưng đùi và chân để phía trên không được vênh lên như càng bọ ngựa, khi ngồi nếu vô ý rung đùi thường bị coi là bất nhã nhất.

(3) Tư thế đi

Nếu đứng và ngồi là tạo dáng ở tư thế tĩnh, thì đi chính là tạo dáng ở tư thế động. Dáng đi là vẻ đẹp trong vận động, trừ bé thơ và người bại liệt, ai cũng biết đi, nhưng không phải ai cũng biết đi đứng phong thái, tạo dáng thật hấp dẫn, mà thường ngày cần chú ý rèn luyện.

Cổ nhân dạy rằng nét đi phải giống như gió thoảng, ý muốn nói đi nhẹ nhàng, thanh thoát như làn gió, miêu tả cụ thể hơn là: hai mắt nhìn thẳng theo hướng nằm ngang về phía trước, đầu ngẩng, trán thẳng, cổ thẳng, nửa thân người phía trên thẳng đứng, bụng thót, lưng thẳng, trọng tâm thân người rơi vào trung tâm bàn chân, không được xiêu vẹo, khi thân người tiến về phía trước, thì trọng tâm cơ thể chuyển từ giữa bàn chân ra phía đầu bàn chân, hai cánh tay khép sát vào thân người, và đánh xa theo nhịp bước chân, ngón tay để cong tự nhiên, giữ thăng bằng thật vững và sải chân vừa phải, giãn cách vừa bằng độ dài của một ống chân của mình.

(4) Tư thế các loại động tác khác

a) Khi cúi nhặt các vật thể dưới đất. Khi bạn cúi xuống nhặt các vật thể rơi dưới mặt đất, hoặc cần đặt vật gì xuống mặt đất, thì trước hết hãy bước lại gần, chỉ gập chân ngồi xuống mà vẫn giữ thân người thẳng đứng, động tác này gọi là quỳ một chân, không phải là khom lưng, vừa tiện cho thao tác, vừa phô diễn được dáng dấp đẹp, còn cách cúi khom người hoặc ngồi xổm là không đạt yêu cầu về tạo dáng.

b) Khi lên xuống cầu thang. Lên xuống cầu thang yêu cầu giữ cho thân người phía trên thẳng đứng, và chú ý đi về phía bên trái, chớ nên cúi đầu lao người về phía trước, mắt nhìn thẳng phía trước, chân bước nhẹ nhàng, trọng tâm thân người đặt vào phía trước bàn chân, giữ cho thân người ổn định.

c) Khi đi xe tắc xi. Muốn chui vào xe, nên nghiêng người lách vào và ngồi xuống ghế, sau đó mới kéo đôi chân vào, rồi điều chỉnh lại tư thế ngồi cho thật chuẩn, ngồi yên vị rồi xe mới chạy, còn khi xuống xe, nên thò hai chân xuống trước, rồi lách người chui ra khỏi xe, kiêng kỵ nhất và mất tác phong nhất là khom lưng chổng đít chui vào trong xe, rồi mới bước chân lên xe, giống như kiểu bò lồm cồm, và khi xuống xe cũng làm theo kiểu đó thì không thể chấp nhận được.

Nếu phân tích về phép lịch sự cá nhân, những động tác tư thế không chính quy nói trên sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hình tượng cũng như sự đánh giá của mọi người về bạn. Tóm lại đối với một người đàn ông, thì việc duy trì tư thế tác phong thật chuẩn mực, cũng là một yếu tố quyết định thành công trên con đường lập nghiệp, cần được chú ý đúng mức.

GỢI MỞ NĂNG LỰC

Muốn được mọi người hoan nghênh ngưỡng mộ, đàn ông cần rèn luyện động tác cử chỉ thật thanh thoát trang nhã, không tạo cảm giác kênh kiệu hoặc hạ mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.