8 Tố Chất Trí Tuệ Quyết Định Cuộc Đời Người Đàn Ông

7. RÈN LUYỆN PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY SÁNG TẠO ĐỔI MỚI



Trên đời không hề có sẵn mô thức sáng tạo đổi mới, đầu óc sáng tạo cũng không phải là tố chất bẩm sinh, cần phải coi quan sát học hỏi phát hiện như công việc quan trọng hàng đầu trong suốt đời người.

Nếu tham vọng nhờ sáng tạo đổi mới để giành được thành tựu, thì trước hết phải đổi mới tư duy, nếu ví đổi mới sáng tạo như đoàn tầu hỏa, thì đổi mới tư duy đóng vai trò đầu tầu. Đàn ông muốn lập nên công trạng ở đời, phải rèn kuyện khả năng tư duy sáng tạo.

1- Rèn luyện tư duy sáng tạo

Ý thức đổi mới sáng tạo chính là tiền đề cho phát minh, nếu không bị thôi thúc bởi động cơ tình cảm này, thì không thể biến thành hành động việc làm sáng tạo, ý thức sáng tạo bao gồm động cơ, niềm tin, ý chí và nhiệt tình.

(1) Động cơ thôi thúc đổi mới sáng tạo

Động cơ là nguồn sức mạnh khích lệ, cổ vũ con người hành động, nhưng

động cơ không tự nhiên mà có, động cơ cần được xác định và bồi dưỡng thông qua cũng cố niềm tin vào sự nghiệp và trách nhiệm xã hội. Thế kỷ 21 là thời đại bùng nổ thông tin, là cuộc đối đầu giữa các nhân tài thuộc loại hình tổng hợp, ai cũng phải đối mặt với thách thức nặng nề, người nào có lòng yêu nhân dân, yêu đất nước, yêu sự nghiệp cháy bỏng trong tim, thì mới hình thành được nhiệt tình sáng tạo.

(2) Niềm tin không thể chuyển lay vào thành công

Niềm tin chính là điểm tựa của sự nghiệp, là nền tảng tư tưởng, sáng tạo đổi mới không phải là tố chất bẩm sinh. Nhà tâm lý học nước Mỹ Telman đã sàng lọc từ 250 ngàn thiếu niên, để chọn ra một vài em được coi là thần đồng, rồi tiến hành theo dõi nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những em trí lực vượt trội ở độ tuổi thiếu thời không phải là sự bảo đảm cho cuộc đời sau này tài hoa nở rộ, trở thành nhân vật kiệt xuất.

Khi có niềm tin mạnh mẽ, nói cách khác con người đầy lòng tự tin, thì bất kỳ làm việc gì cũng tin chắc vào khả năng thành công, cho dù phải đương đầu với vô vàn khó khăn trở ngại, chịu khổ sở vất vả muôn phần, vẫn không hề nao núng, lùi bước.

(3) Ý chí sáng tạo ngoan cường

Đàn ông mang hoài bão xây dựng cơ đồ phải dựa vào sức lực, trí tuệ bản thân là chính, và cần xác định rằng trên con đường đi lên sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách, người xưa dạy rằng, người quân tử phải kiên cường, bất khuất, và có đạo đức cao cả thì mới thích ứng được với thiên thời tình thế, đứng vững và vươn lên trong cuộc đời, mới có thể cập bến thắng lợi. Nêu ví dụ về ông vua ôtô nước Mỹ là Ford, để trở thành triệu phú ông đã nếm trải nhiều lần thất bại vấp ngã, ông có một câu nói nổi tiếng: “Khi mọi việc đang tiến triển thuận lợi vẫn phải nhớ rằng máy bay luôn luôn bay ngược chiều gió”.

(4) Tình cảm sáng tạo lành mạnh

Tình cảm con người gây ảnh hưởng rất to lớn đối với sáng tạo đổi mới. Nếu làm bất kỳ việc gì mà thiếu tinh thần nhiệt tình, không có đầu óc sáng tạo, thì hiệu quả năng suất đều kém, muốn sáng tạo trước hết phải có nhiệt tình và niềm tin vững chắc, ai duy trì được lòng nhiệt tình lâu bền, công việc luôn hoàn thành xuất sắc.

2- Nâng cao tố chất tư duy sáng tạo

(1) Năng lực tiếp thu

Năng lực tiếp thu bao gồm khả năng học tập và khả năng thu thập tin tức.

Người có khả năng học tập sẽ thu nhận được nhiều thông tin bổ ích, từ đó tăng cường sức sáng tạo. Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển cao độ, nếu thiếu kiến thức, thì không thể đưa ra phát minh sáng chế đạt trình độ đỉnh cao.

Newton từng nói: ông trở thành người đặt nền móng cho bộ môn lực học là nhờ “Biết đứng trên vai người khổng lồ”. Khả năng thu thập, tổng hợp, chỉnh lý tin tức cũng vô cùng quan trọng, sáng tạo không thể tách rời thông tin, người sáng tạo cần có năng lực cảm nhận nhanh nhậy với mọi tin tức có liên quan, sau đó còn phải biết phân tích tổng hợp và vận dụng vào thực tiễn. Nếu điểm mặt những nhà phát minh sáng chế cự phách nhất thời đại hiện nay, đều là những người giành được ưu thế về mặt nắm bắt thông tin.

(2) Khả năng ghi nhớ

Trí nhớ là khả năng lưu lại và phản ảnh những sự vật đã kinh qua trong đại não người, là kho dữ liệu trí tuệ, là cơ sở học tập. Nhờ có trí nhớ con người mới có thể không ngừng tích lũy và nâng cao kiến thức, phát huy tài năng sáng tạo.

Quan niệm chung cho rằng, một trí nhớ vượt trội bao gồm bốn yếu tố là nhớ nhanh, nhớ lâu, nhớ chính xác và nhớ linh hoạt, muốn rèn luyện trí nhớ thật tốt cần rèn luyện các điều kiện sau đây:

a) Xác định mục tiêu ghi nhớ rõ ràng

Mục tiêu ghi nhớ càng rõ ràng, thì hiệu quả ghi nhớ càng cao, vì sao khi đi học, người ta nhớ kỹ hơn khi nói chuyện phiếm, đó là do đại não được huy động vào trạng thái hưng phấn tối đa để tiếp nhận thông tin từ bên ngoài, nhằm ghi lại dấu vết đậm nét, đồng thời lưu trữ với thời gian dài hơn.

b) Tập trung cao độ sức chú ý

Trong học tập sức chú ý được tập trung cao độ, việc tiếp thu kiến thức hình thành trong đại não khu đặc biệt hưng phấn, do đó thông tin để lại dấu ấn sâu sắc.

c) Tăng cường ý thức ghi nhớ

Hãy củng cố niềm tin rằng mình nhất định sẽ nhớ kỹ nội dung này, với niềm tin đó coi như đã ghi nhớ được một nửa.

d) Kịp thời ôn tập

Để tăng cường trí nhớ, chống quên, thì sau khi học cần đặc biệt coi trọng khâu ôn tập một cách kịp thời và lặp đi lặp lại nhiều lần. Với những người tư chất bình thường, thì tỷ lệ quên là 47% trong vòng 20 phút, 66% trong vòng 2 ngày, 75% trong vòng 6 ngày, 79% trong vòng 31 ngày. Qua con số thống kê này cho thấy, muốn ghi nhớ đầy đủ, chính xác và lâu dài, thì không thể lơ là khâu ôn tập.

(3) Năng lực tưởng tượng

Trên cơ sở ghi nhớ, tăng cường đầu tư thêm hoạt động tư duy, để phác họa ra sự vật khách quan bằng cách hình dung cấu tứ độc lập trong đầu óc. Einstein cho rằng: Sức tưởng tượng còn quan trọng hơn bản thân kiến thức, bởi vì kiến thức có giới hạn, nhưng tưởng tượng không có giới hạn, có thể bao quát cả thế giới đất trời, chính sức tưởng tượng đã trở thành động lực thúc đẩy xã hội tiến lên, vậy thì làm thế nào để bồi dưỡng sức tưởng tượng?

a) Tích lũy vốn kiến thức và kinh nghiệm thật phong phú, đó chính là điểm tựa của sức tưởng tượng.

b) Bồi dưỡng trí tò mò, thói quen thích quan sát tìm hiểu, không sợ người khác chê cười, xác định thái độ trung thực, không dấu dốt, không sĩ diện hão, không biết thì dám thú nhận là không biết. Edison ngay từ nhỏ đã thể hiện tính hiếu kỳ khác thường, bất kỳ cái gì chưa biết, ông đều tìm hiểu căn nguyên bằng mọi giá.

c) Hun đúc nhiệt tình sáng tạo. Lênin nói: “Thiếu nhiệt tình, thì không có và không thể theo đuổi chân lý”.

(4) Rèn luyện khả năng quan sát

Quan sát được coi là cội nguồn của ý tưởng phát minh, rất nhiều phát minh được hình thành trên nền tảng dày công quan sát, nâng cao khả năng quan sát bằng cách nào?

a) Rèn luyện thói quen chú ý xem xét mọi sự vật. Một vị giáo sư đang giảng cho sinh viên đề tài bệnh tiểu đường trong phòng học, ông không ngần ngại dơ ngón tay nhúng vào nước tiểu bệnh nhân, rồi đưa lên lưỡi để nếm thử, sau đó ông yêu cầu sinh viên có mặt nghe giảng đều phải thực hiện thử nghiệm này, nhiều người rất ngần ngại, nhưng cuối cùng đều phải làm theo giáo sư. Sau khi kết thúc, giáo sư kết luận: Thực ra thì tôi đã thò ngón tay giữa vào nước tiểu bệnh nhân, nhưng tôi lại liếm ngón tay trỏ, mục đích của tôi là rèn luyện khả năng quan sát tinh tế cho các em.

b) Nắm vững phương pháp quan sát

– Căn cứ vào mục đích quan sát, để nắm bắt đặc điểm chủ yếu đưa đến nhận định tổng thể sự vật.

– Trên cơ sở nhận định tổng thể, tùy theo nhu cầu, tiến hành quan sát trọng điểm.

– Tích lũy kinh nghiệm quan sát.

(5) Năng lực thao tác

Năng lực thao tác là kỹ năng cơ bản không thể thiếu của nhà phát minh lỗi lạc, nếu nói rằng trong giai đoạn tìm ý tưởng và chọn đề tài, chủ yếu vận dụng trí não, thì việc hoàn thành phát minh lại nhờ khâu thao tác.

3- Cải thiện môi trường sáng tạo

Mọi cuộc cách mạng về kỹ thuật, hoặc đề nghị hợp lý hóa đều đòi hỏi một môi trường sáng tạo thật lý tưởng.

(1) Môi trường xã hội

Môi trường xã hội bao gồm các mặt chính trị, kinh tế, sức sản xuất và tình hình phát triển. Khi xã hội phát sinh nhu cầu, thì mới gợi mở cho đội ngũ nhân tài sáng tạo. Engels từng nói: “Khi xã hội xuất hiện nhu cầu về mặt kỹ

thuật, thì loại kỹ thuật mới sẽ có khả năng nắm bắt khoa học và thúc đẩy xã hội tiến lên bằng mười trường đại học cộng lại”.

(2) Môi trường đơn vị

Trong các loại môi trường sáng tạo, môi trường đơn vị đóng vai trò chủ đạo, bao gồm mức độ coi trọng của giới lãnh đạo, sự ủng hộ của đồng sự và mô hình quản lý tương thích.

(3) Môi trường nhỏ hẹp

Môi trường nhỏ hẹp bao gồm gia đình, phòng nghiên cứu thực nghiệm của nhà phát minh, mối quan hệ hợp tác giữa nhà phát minh với những người cộng sự hoặc tổ nghiên cứu. Kết quả thống kê cho thấy: Các công trình nghiên cứu vinh dự nhận được giải thưởng Nobel đa phần đều là thành quả hợp tác, là kết tinh trí tuệ và công sức của một tập thể, do vậy cần tạo dựng môi trường nhỏ hẹp thật hoàn hảo.

GỢI MỞ NĂNG LỰC

Trong thế giới đàn ông, chẳng thiếu gì những bộ óc sáng tạo, nhưng vấn đề cơ bản là óc sáng tạo phải được dẫn dắt bởi tư duy đổi mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.