8 Tố Chất Trí Tuệ Quyết Định Cuộc Đời Người Đàn Ông
8. LUÔN VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
Quá trình vươn tới thành đạt cũng chính là quá trình trưởng thành của con người, mỗi một thành công hay vinh dự giành được đều chưa phải là giới hạn cao nhất có thể đạt được, nhưng là sự chứng minh năng lực của mình, là một cái mốc vượt qua chính mình để tiến tới đỉnh cao vinh quang.
Nhà tâm lý học đồng thời là bác sĩ chữa trị tâm lý nổi tiếng Elen. C. Kathura đã nêu một dẫn chứng trong tác phẩm mang tựa đề: “Dốc toàn lực, dùng tiến thủ để chiến thắng lầm lạc” của bà.
Vào thời điểm ba giờ sáng sau ngày phát giải thưởng điện ảnh Oscar bà bị giật mình tỉnh giấc vì một hồi chuông gọi cửa, người vừa đoạt giải Oscar hôm qua là Claws bước vào phòng vừa khóc vừa phân trần rằng: “Tôi tự mình biết rõ tôi không xứng đáng với giải thưởng này vì thực ra tôi chưa giành được thành tích như thế, rồi thiên hạ sẽ nhanh chóng biết rằng tôi chẳng qua chỉ là một kẻ mạo danh mà thôi”. Claws cho rằng thành tích của cô chẳng qua nhờ gặp may về mặt thời gian, địa điểm, và nhờ có người thực sự có tài năng nâng đỡ, cô ta không tin rằng giải Oscar là kết quả quá trình rèn luyện phấn đấu lâu dài của mình, mặc dù thực tế đã được các đồng sự bình chọn một cách công khai công bằng và xác nhận rằng về chuyên môn và sáng tạo nghệ thuật cô xứng đáng xếp đầu bảng, chỉ có bản thân cô không tin vào điều này mà thôi.
Trong khi chữa chạy cho các bệnh nhân tâm thần, Kathura nhận thấy rằng, có một nam diễn viên vũ ba lê nổi tiếng có một tật rất lạ là cứ cách một khoảng thời gian nhất định, anh lại nổi một cơn cáu giận đúng vào ngày có chương trình biểu diễn, anh ném tung đôi giày khiêu vũ đang đi trên chân, bỏ cơm không ăn, sau đó lục tìm trong số 250 đôi giày hiện có mà không thể tìm được một đôi đi vừa chân mình, còn có một ngôi sao ca nhạc, khi sắp sửa bước ra sân khấu bỗng cảm thấy ngứa rát trong cổ họng, một vận động viên thể thao, cứ qua mỗi giai đoạn luyện tập lại bị đau cột sống, ảnh hưởng tới thành tích thi đấu. Kathura nhận định rằng, những triệu chứng có phần lạ lùng đó đều do nguyên nhân bức xúc bởi sức ép thành công gây ra vướng mắc về mặt tâm lý, ngoài ra thành công còn dẫn đến tâm trạng tiêu cực tự cao hợm hĩnh. Một nhà tâm lý học đã tiến hành trắc nghiệm đối với 43 người đoạt giải Nobel, đưa đến kết luận, trước khi nhận giải, trung bình hàng năm mỗi người phát biểu 5 – 9 bài luận văn học thuật, nhưng sau khi nhận giải, trung bình chỉ còn phát biểu 4 bài luận văn, hoặc một số nhà hoạt động chính trị sau khi giành được một loạt thành công, do quá tự tin dẫn đến một số sơ suất nghiêm trọng, hoặc có nhà văn sau khi xuất bản hai, ba tác phẩm gây tiếng vang lớn, thì lại cho ra đời những tác phẩm lá cải, thậm chí không sáng tác được gì thêm, có thể do nhiều lý do, nhưng trong đó phải kể đến một nguyên nhân quan trọng là cách xử lý đúng đắn trước thành công.
Chỉ có những ai biết vượt qua chính mình, thì mới có khả năng vươn tới những thành công mới vĩ đại hơn. Ví dụ như Einstein, vinh dự càng lớn ông càng cảm thấy mình dốt nát, ông ví vốn kiến thức của mình như một mảnh vườn, vườn càng rộng thì những khoảng bỏ hoang càng nhiều, ông quan niệm khoa học không có giới hạn, học tập phấn đấu cũng không có giới hạn, cả xã hội loài người đang tiến lên không ngừng vì luôn cảm thấy không thỏa mãn với hiện trạng. Một số người có thể hiểu chưa đúng về thành công, thành công là gì? Có nhiều đáp án rất khác nhau, có kẻ cho rằng thành công là kiếm được nhiều tiền, có được địa vị cao sang, có người nghĩ rằng thành công là giành được vinh dự, có người cho rằng thành công là nâng cao mọi mặt giá trị của bản thân trong xã hội, trở thành một nhân vật quan trọng, được quần chúng kính nể. Tóm lại những người quan niệm thành công như vậy đều có biểu hiện thỏa mãn dừng lại, giống như con bò ăn no là nằm nghỉ. Họ không muốn học hỏi bươn chải thêm nữa. Thử hỏi, như vậy đã đáng được gọi là thành công chưa, lẽ nào mục tiêu phấn đấu cả đời người chỉ có thế?
Luật sư nổi tiếng Williams đã nói: “Theo tôi cách định nghĩa từ “thành công” hay “thắng lợi” tức là phát huy hết mức sức mạnh tiềm tàng về mặt thể
lực, trí lực và tinh thần, tình cảm của con người, bất kỳ hoạt động trong lĩnh vực nào, hễ ai đạt đến tầm cỡ đó, thì coi như đã thành công”.
Theo cách giả thích của Williams, cho dù bạn đạt được thành tích khả quan, nhưng thỏa mãn dừng lại, ngủ quên trong niềm vinh quang, thì bạn vẫn chưa xứng đáng là người thành công, Người thành công chân chính sẽ tiếp tục nỗ lực để giành được thành tựu lớn hơn nữa, Einstein nói: “Nếu ai đó tự xưng là quan tòa phán xét chân lý và tri thức, thì người đó sẽ bị thiêu cháy trong tiếng cười của thần linh”, nghĩa là cho dù bạn giành được vinh quang tột đỉnh, bạn cũng chớ nên kiêu căng tự phụ, không sống với thành công trong quá khứ, ngủ say trong ánh hào quang, đừng để thành tựu hôm qua cản đường tiến bước hôm nay. Cuộc sống không ngừng chảy, và không ngừng vượt lên chính mình, chứ không dừng lại khi đã thực hiện mục đích là có thành công.
GỢI MỞ NĂNG LỰC
Có thể nói cuộc đời chính là quá trình tự vượt qua chính mình, người nào có khả năng vượt qua chính mình, thì mới hy vọng gặt hái thành công.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.