8 Tố Chất Trí Tuệ Quyết Định Cuộc Đời Người Đàn Ông
9. NẮM LẤY CÁC CƠ HỘI TÌNH CỜ ĐỂ GẶT HÁI THÀNH CÔNG
Cơ hội là vị sứ giả xinh đẹp nhưng tính nết rất đỏng đảnh, nó tìm đến với bạn một cách bất ngờ, nếu ngày thường bạn không chuẩn bị chu đáo để chào đón thì nó lập tức bỏ đi, vì cơ hội chỉ chiếu cố những người đủ khả năng đón đợi nó mà thôi.
Trong lịch sử khoa học của nhân loại, có khá nhiều nhân tố ngẫu nhiên làm thay đổi tiến trình lịch sử. Trên con đường đi tới thành công của từng cá nhân, cơ may cũng là yếu tố ngẫu nhiên như thế. Cơ hội là vị sứ giả xinh đẹp nhưng tính nết rất đỏng đảnh, nó tìm đến với bạn một cách bất ngờ, nếu ngày thường bạn không chuẩn bị chu đáo để chào đón thì nó lập tức bỏ đi, mặc cho bạn tìm mọi cách níu kéo thế nào cũng chỉ uổng công vô ích, vì cơ hội chỉ chiếu cố những người đủ khả năng đón đợi nó mà thôi.
Câu chuyện này chắc bạn đã từng được nghe.
Một quả táo từ trên cây rơi xuống đất, không may lại rơi đúng vào đầu Newton, hiện tượng đó đã bật mí cho ông phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn.
Thành công trong khoa học đôi khi rất ngẫu nhiên tình cờ, có thể bạn lao động gian khổ, trăn trở nghĩ suy suốt cả một thời gian dài chẳng có chút thu hoạch gì, đến lúc gần như không còn tia hy vọng nào, không còn lòng tin nữa, thì linh cảm lại chợt loé sáng, giúp ta thành công.
Chuông báo động cứu hỏa đã được phát minh trong phòng thí nghiệm một cách tình cờ như thế. Hồi đó Dutho Porso đang làm việc tại một phòng thực nghiệm với chức năng điều khiển thiết bị điện tử tĩnh điện, bỗng nhiên anh chú ý đến người kỹ thuật viên ngồi bên cạnh vì hút thuốc lá mà làm hỏng mất chiếc cân trên máy, phản ứng đầu tiên của anh là rất buồn bực, vì như vậy là phải ngừng thí nghiệm để lắp chiếc cân mới, nhưng lại chợt nghĩ, vì sao khói thuốc lại có thể làm hỏng cân, phải chăng giữa hai thứ đó có mối liên hệ gì đây? Không chừng đây là một bí mật rất có giá trị khoa học, nếu không suy nghĩ cứ tưởng đó chỉ là chuyện vớ vẫn chẳng đáng lưu tâm, Nhưng Porso đã không bỏ qua, anh đi sâu nghiên cứu hiện tượng này và phát minh ra hệ thống còi cứu hỏa, giúp cho nhân loại tránh được bao nhiêu tổn thất về người và tài sản.
Không chỉ còi cứu hỏa được phát minh một cách tình cờ, mà còn nhiều phát minh khác cũng tương tự, ví dụ thuốc kháng sinh Peniciclin đã cứu được bao nhiêu sinh mạng con người, loại giống lúa lai tạo do Viên Long Bình phát minh ra, khi ông lội trên đồng tình cờ nhìn thấy một bụi lúa lai tạo tự nhiên, thế là ông đâm ra nghi ngờ nhận định của giới khoa học nông nghiệp, cho rằng cây lúa không thể lai tạo được là một kết luận sai lầm, ông bắt tay nghiên cứu thực nghiệm và đã thu được thành công vang dội, phát minh của ông đã làm thay đổi nền nông nghiệp Trung Quốc và thế giới.
Có lẽ bạn sẽ thắc mắc, táo rơi xuống nhiều đến nỗi làm đầu tôi sưng vù, tôi cũng suốt ngày lội ngoài đồng, mà sao tôi chẳng phát minh được cái gì cả.
Xin trả lời bạn rằng đó chính là điểm khác nhau giữa những người bình thường như bạn và tôi với Newton và Viên Long Bình, nếu không có phát minh của họ, thì không chừng cho đến nay loài người vẫn chưa biết đến định luật vạn vật hấp dẫn và giống lúa lai tạo. Những người như Newton và Viên Long Bình hơn chúng ta ở chỗ họ có quá trình chuẩn bị rất chu đáo từ trước, để khi nhìn thấy hiện tượng ngẫu nhiên, họ có thể liên tưởng đến bản chất của sự vật, còn bạn không hề chuẩn bị để đón đợi cơ hội, thì táo rơi vỡ đầu, lội đồng nát cả bàn chân cũng chẳng hy vọng phát minh được gì là phải thôi.
Xin kể thêm về trường hợp phát minh ra máy điện thoại. Trong một lần thí nghiệm của Baer với mục đích nghiên cứu một loại ngôn ngữ nhìn thấy cho người điếc. Theo ý tưởng của ông, cần phải sử dụng màng giấy để tái tạo rung động khi có sóng âm đập vào, sự rung động của màng giấy sẽ được phản ánh trên đồ thị để cho người điếc nhìn thấy, qua đó nhận ra tiếng nói không lời, nhưng thực tế cho thấy, nhận biết sự khác nhau trên đồ thị rất khó khăn, nên ý tưởng của ông đã bị thất bại, nhưng ông lại có một phát hiện bất ngờ thú vị, là khi thông điện và khi ngắt điện, thì cuộn dây hình xoắn ốc lại phát ra tiếng kêu tích tè y như phát báo tín hiệu Morse vậy.
Nếu là người bình thường chắc sẽ bỏ qua chi tiết này, nhưng Baer không bỏ qua, ông làm đi làm lại thí nghiệm nhiều lần, kết quả rất đáng tin cậy, trong đầu ông nhen nhóm ý tưởng táo bạo, là làm sao chuyển đổi cường độ âm thanh sang cường độ dòng điện, để cho dòng điện tái hiện sự thay đổi của sóng âm thanh, thì có khả năng lợi dụng dòng điện để truyền tiếng nói đi xa”. Đây chính là cơ sở lý thuyết giúp Baer phát minh ra chiếc máy điện thoại sau này.
Sau khi thỉnh giáo nhà vật lý nổi tiếng thời đó là Joseph Henry, Baer bắt tay vào chương trình thực nghiệm mới.
Sau hai năm lao động miệt mài gian khổ trong phòng thí nghiệm tạm bợ mượn của ký túc xá gần nhà, với rất nhiều phương án, đa phần là thất bại, không thể thống kê hết được sức lực và mồ hôi ông đã đổ ra, đến nỗi ông và người trợ lý Wolte khản cả giọng vì thử nghiệm, mà thành công có vẻ vẫn còn rất xa vời. Khi Baer đang ngồi trầm tư suy nghĩ, thì chợt nghe Wolte hét tướng lên sau lưng ông: “Thưa thầy, thầy có nghe thấy gì không?” Baer quay đầu lại nhìn người trợ lý một cách mệt mỏi, Wolte chỉ ra ngoài cửa sổ nhắc lại câu nói lúc nãy.
Thì ra bên ngoài ai đó đang đánh ghi ta, tiếng đàn vọng vào trong phòng của họ nhưng nghe không rõ giai điệu chỉ nghe loáng thoáng tiếng “Tưng tưng” thôi, nhưng họ cảm nhận như tiếng suối chảy róc rách, Baer mãi nghe tiếng đàn, chợt ông bừng tỉnh, nhảy lên đấm một quả thật mạnh vào người trợ lý, và cũng hét lớn: ” Tìm ra rồi, Wolte ơi, cậu khá lắm!”.
Chỉ vì độ nhạy của máy phát và máy thu của họ quá thấp, nên cường độ âm thanh quá yếu, không thể phân biệt được, trong khi chiếc ghi ta lại có hộp đàn cộng hưởng có tác dụng khuếch đại âm thanh, Baer liền phác thảo hình thiết kế hộp khuếch đại âm thanh, vì nóng lòng thử nghiệm mà chưa có ngay vật liệu để làm, họ liền tháo tấm ván giường ra, hai người làm suốt ngày đêm, để đóng cho bằng được chiếc hộp cộng hưởng, họ chỉ gặm mẩu bánh mỳ cầm hơi, sau đó họ lại cải tiến máy, tính ra họ đã làm việc liên tục suốt hai ngày hai đêm không hề nghỉ ngơi chợp mắt, đúng vào những ngày hè nóng bức, mồ hôi đầm đìa, đến tối ngày thứ ba thì công việc mới hoàn thành, họ quên cả mệt nhọc, nét mặt hai thầy trò đều rạng rỡ, họ biết rằng đây chính là giờ phút quyết định thành bại.
Họ mắc đường dây, Baer ở trong phòng thí nghiệm, còn Wolte ra bên ngoài cách xa đến mấy gian phòng, cửa đóng thật kín bảo đảm không thể nghe được tiếng nói của nhau, họ áp ống nói và ống nghe vào tai rồi bắt đầu gọi thử:
“Wolte, cậu có nghe thấy tiếng tôi nói không?” Baer chăm chú lắng nghe, và ông đã nghe thấy những âm thanh tuy rất nhỏ như tiếng con giun, nhưng âm sắc rất rõ ràng, ở đầu dây đằng kia, Wolte nghe rõ tiếng ông liền hét lên mừng rỡ: “Thưa thầy, tôi nghe rất rõ tiếng nói của thầy”. Hai người mừng mừng tủi tủi không cầm được nước mắt.
GỢI MỞ NĂNG LỰC
Đôi khi cơ hội đến với người đàn ông một cách tình cờ không hẹn trước, khi không còn hy vọng. Nhưng chỉ có những người đàn ông có bản lĩnh mới nắm bắt được cơ hội đó và biến nó thành thắng lợi, muốn không để tuột mất cơ hội thì ngày thường phải chuẩn bị chu đáo để đón đầu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.