8 Tố Chất Trí Tuệ Quyết Định Cuộc Đời Người Đàn Ông
3. ĐÀN ÔNG PHẢI TỎ RA PHONG ĐỘ
Phong độ là sự biểu hiện ra bên ngoài của tố chất đàn ông, đàn ông có chí hướng xây dựng sự nghiệp phải rèn luyện xác lập phong độ, phong độ không chỉ bao hàm diện mạo, ngôn ngữ cử chỉ, ăn mặc, mà còn thể hiện về mặt tư thế tác phong. Mỗi người đàn ông bộc lộ vẻ đẹp phong độ theo cách riêng của mình, ví dụ có người tỏ ra lịch lãm, có người tỏ ra điềm đạm, có người biết khôi hài một cách tế nhị, có người ăn mặc chải chuốt tao nhã, có người nhiệt tình cởi mở…… Muôn màu trăm vẻ, như vườn hoa đua sắc.
Phong độ đàn ông là nét đẹp thể hiện trong giao tiếp với người khác, vẻ đẹp mỗi người một khác chẳng ai giống ai, nhưng không có nghĩa khác người là đẹp, phải là những biểu hiện cao thượng thanh thoát mới được coi là đẹp.
Phong độ không tự có mà cần rèn luyện tu dưỡng một cách có ý thức trong suốt quá trình lâu dài, phong độ lý tưởng nhất được biểu hiện một cách tự nhiên, không gượng ép giả tạo, đó mới là kết quả của quá trình phấn đấu rèn luyện, không phải là học đòi sao chép từ người khác.
Nếu ai đã có dịp đọc tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” đều thán phục phong độ của nhân vật Quan Vũ, với vóc dáng cao 9 thước, bộ râu dài 2 thước (1 thước
= 1/3m), mặt đẹp như tượng tạc, môi đỏ như bôi son, mắt phượng mày tằm, tướng mạo oai phong, dáng điệu hiên ngang, đường đường là đấng nam nhi hảo hán, một vị tướng quân uy danh lẫy lừng. Sau này Tôn Quyền muốn lấy con gái của Quan Vũ làm con dâu, đây là một cơ hội để củng cố thắt chặt mối quan hệ bang giao giữa hai nước, nhưng thật tiếc là Quan Vũ không bằng lòng là chuyện thường tình, nhưng ông đã nói với sứ thần của Tôn Quyền một câu xúc phạm khó nghe: “Làm gì có chuyện con cọp lại gả bán cho con chó!”, câu nói không đáng thốt ra từ cửa miệng Quan Vũ, đã đánh mất hết phong độ của người anh hùng, gây lòng căm giận cho Tôn Quyền, cũng là điềm báo trước thất bại sau này của Quan Vũ.
Phong độ liên quan đến tính cách của con người, còn tính cách là sự thể hiện về khía cạnh tâm lý của thái độ và hành vi, nên hành vi liên quan chặt chẽ với phong độ. Ví dụ người thuộc dạng tính cách kiêu căng hợm mình, thì biểu hiện phong độ ngạo mạn làm cao, lấn lướt người khác, người có tính cách ôn hòa dịu dàng, thì biểu hiện phong độ tinh tế uyển chuyển, người có tính khí mạnh mẽ cương quyết, thì biểu hiện phong độ thông thoáng rộng lượng hào phóng, người có tính cách điềm tĩnh cẩn trọng, thì biểu hiện phong độ giản dị chất phác, lễ phép nho nhã, người có tính cách hoạt bát lanh lợi, thì biểu hiện phong độ lịch lãm tự nhiên, người có tính cách chặt chẽ khắt khe, thì biểu hiện phong độ chậm chạp trù trừ, trầm lặng. Đương nhiên, trong thiên hạ còn có loại ngụy quân tử, giả vờ đóng kịch rất khéo, nhằm lừa phỉnh người khác mưu lợi cho mình.
Hiển nhiên, đàn ông hay đàn bà đều không có ai thật sự hoàn mỹ, trong tính cách không tránh khỏi nhược điểm này nọ, nói cách khác biểu hiện ra phong độ cũng không tránh khỏi khiếm khuyết. Ví dụ người kiên cường mạnh mẽ, thường hay mắc thói xấu cố chấp bảo thủ, người quyết đoán thường hay mắc thói xấu ương ngạnh, thô lỗ, người tính cách hoạt bát tháo vát thường hay mắc thói xấu bộp chộp, nông nổi, người nghiêm túc điềm đạm thường hay mắc thói xấu chậm chạp lề mề, người nhu mì, hiền thục thường hay mắc thói xấu yếu đuối khiếp nhược, kẻ dũng mãnh thường đi đôi với hung tàn, người quá tự tin thường hay trở thành tự phụ, người cẩn trọng thường trở thành do dự thiếu quyết đoán. Trên đời không có mẫu người hoàn mỹ. Tuy nhiên như lời nói của Khổng Tử: “Tính tương cận, tập tương viễn”, phẩm hạnh tính cách của con người là kết quả rèn luyện tu dưỡng trong quá trình trưởng thành, ai cũng mong mỏi phong độ của mình được người khác tán thưởng, cần học tập và làm theo câu nói của Tolstoi: “Gan dạ dũng cảm nhưng không nóng vội, nhanh nhậy nhưng không bộp chộp, hiếu động nhưng không mù quáng làm liều, phục tùng chỉ huy nhưng không xum xoe bợ đỡ, yên phận thủ thường nhưng không tự thỏa mãn dừng lại, thắng không kiêu, bại không nản, thành công không quá say sưa tự lừa dối ru ngủ, tự trọng nhưng không tự kiêu, hào phóng nhưng không khinh người, kiên cường nhưng không ương bướng cố chấp, khiêm nhường nhưng không giả nhân giả nghĩa, thật thà nhưng không khờ dại, hoạt bát nhưng không nông nổi, thẳng thắn nhưng không dại dột.v.v…
GỢI MỞ NĂNG LỰC
Phong độ là sự biểu hiện tu dưỡng khí chất nội tại của người đàn ông ra bên ngoài, nó tạo dựng nên giá trị thương hiệu của đàn ông.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.